CÂU HỎI: Adidaphat . Sp ơi . Con có chuyện muốn hỏi Sp được ko ạ . Con là người việt gốc hoa . hiện đag sốg ở Hong Kong . con là Triết . một người thah niên trẻ . hiện tại dang o việt nam về có côg việc . Mẹ con mất […]

CÂU HỎI:

Adidaphat .

Sp ơi . Con có chuyện muốn hỏi Sp được ko ạ . Con là người việt gốc hoa . hiện đag sốg ở Hong Kong . con là Triết . một người thah niên trẻ . hiện tại dang o việt nam về có côg việc . Mẹ con mất rồi ạ . con hoag mag . con cảm thấy hận người Ba của con lắm .  mất được vài ngày rồi Ba con bỏ nhà luon . k hề quan tâm tới . Mẹ con mất do Ba con có người mới ở bên ngoài . đau buồn quá mẹ con uốg thuốc tự tử . con bất hạnh và bất an lắm, nhà con bây giờ có chuyện buồn . con ko biết phải làm sao . mog SP chỉ bảo .

Lam Vo

——————————————————————————————-

TRẢ LỜI

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Trước tiên, Thầy xin gởi lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi đột ngột của mẹ con, và mong con sẽ sớm có sự bình tâm để đối mặt với thực tại trong cô đơn, bất hạnh của kiếp mồ côi một cách đầy nghị lực và sự sáng suốt. Thầy có hai vấn đề cần trao đổi với con đây, hy vọng con bình tỉnh để có tư duy chính chắn và hành động mang tính tích cực thay đổi vận nghiệp cho bản thân và mẫu thân.

1. Cứu giúp mẹ thoát cận tử nghiệp sân hận.

Theo Thầy, việc đau buồn nhất của đời người cũng đã xảy ra rồi, vấn đề hiện nay của con là thật tỉnh táo để tìm cách giúp đỡ cho thần thức mẹ con có một tiến trình tái sinh tốt nhất. Sẽ là một câu hỏi, vì sao mất rồi mẹ vẫn phải cần đến sự hỗ trợ của con? Theo quan điểm của đạo Phật, trong mọi trường hợp, trạng thái tâm thức của người sắp chết rất quan trọng. Nếu do giận dữ mà thác sinh thì sẽ khởi phiền não sau chết và đây là trạng thái tạo ra ác nghiệp dẫn dắt người mất phải tái sinh vào các cõi xấu như: địa ngục, ngạ quỷ (quỷ đói), súc sanh.

Mẹ con chọn cách ra đi bằng việc tự hủy diệt thân mình cho thấy thần thức mẹ con đã ở trong một trạng thái cực kỳ hoảng loạn, đau khổ và tuyệt vọng. Vì giận kẻ bạc tình vong bội mà bất lực, nên sinh ra tâm sân hận cực điểm để đi đến quyết định tự giết chính mình với lầm tưởng rằng chết là thoát cảnh đọa đày kiếp đời bạc phận. Hành vi này đối với người bình thường có nhận thức vẫn là sát sanh. Dù là sinh mạng của người khác hay sinh mạng của mình mà đem hủy hoại dẫn đến cái chết đều phải gánh nghiệp báo lớn, khó được vãng sanh trong tâm niệm cố chấp vào hận thù. Vong linh luôn phải đối mặt với những cảnh tượng khổ đau, sợ hãi, tuyệt vọng, chán chường. Chưa kể do quá phẩn uất, sân hận mà chết, thần thức mẹ con sẽ khó mong tái sinh nhẹ nhàng.

Con đã hỏi xin ý kiến của Thầy, ắt hẳn con cũng là người có học Phật và nắm bắt sơ cơ về giáo lý Phật-đà. Biết rằng nghiệp lực ảnh hưởng khá lớn đến sự chuyển tiếp sự sống từ đời này sang đời khác, và quá trình từ nhân đến quả thì không thể thay đổi, nhưng nếu chúng ta nỗ lực tu tập có năng lực sẽ có thể hóa giải nghiệp chướng. Do vậy, việc con cần làm lúc này là thay thế mẹ tích cực tu tập, thành tâm sám hối, giúp vong linh mẹ nhận ra sự cố chấp vào sân hận là nguyên do dẫn đến mọi khổ lụy hiện tại.

Có thể khẳng định một điều rằng, mẹ con vẫn còn nhiều tình cảm dành cho ba, chính vì sự tham chấp này nên mẹ có tâm lý đau khổ khi ba chia sớt tình cảm đó với người đàn bà khác. Có lẽ mẹ có tính trầm lặng, ít nói và sống nội tâm nên từ nỗi buồn phiền không người giải bày và tâm sự mà bị ức chế với mặc cảm bị bỏ rơi, chà đạp; tinh thần bất ổn do sự kích động bởi ý muốn trả thù mà không có hướng chia sẻ nên mẹ đã chọn phương thức trả thù bằng cách lấy cái chết thảm bản thân để khiến người đàn ông của mình phải hối hận, ray rứt suốt đời. Dù rằng mẹ con tự đoạn diệt thân mạng nhưng vẫn mang tội sát sanh. Tội này là do phiền não dẫn đến sân hận gây ra. Con hãy cố gắng hành trì tu tập, ăn chay, niệm Phật, trì chú, tụng kinh Địa Tạng, phóng sanh, bố thí, cúng dường, sám hối…, dùng năng lượng từ bi của tự tâm mình gợi ý, dẫn dắt cho vong linh của mẹ nhận ra sai lầm mà chí thành phát tâm sám hối ác nghiệp đã gieo, đó gọi là hồi hướng công đức.

Kinh Pháp cú, phẩm Thế gian, Đức Phật đã dạy:

Ai dùng các hạnh lành
Làm xóa mờ nghiệp ác
Chói sáng rực đời này
Như trăng thoát mây che .

Chính các hạnh lành con gieo trồng sẽ cộng nghiệp giúp vong linh mẹ con vượt thoát vô minh, tiêu trừ nghiệp ác mà hóa sanh cảnh giới bình an.

2. Hóa giải hận thù trong tâm:

Qua lời con tâm sự, thầy biết con đang rất hận ba của mình, vì con cho rằng cách sống bội bạc, ích kỷ và tàn nhẫn, thiếu đạo đức của ông là tác nhân đưa mẹ con đến sự quẩn trí mà tìm đến cái chết oan nghiệt, bỏ lại con bơ vơ giữa cõi đời này. Thầy hoàn toàn hiểu được tâm trạng này của con, hễ càng thương mẹ bao nhiêu thì lòng con càng oán hận ba bấy nhiêu.

Nhưng con ơi, đã biết nhân quả thì con phải hiểu rằng, tất cả mọi việc trong cuộc sống này của con và mọi người giữa cõi tạm không có điều gì tự nhiên đến với mình cả. Mối quan hệ giữa ba mẹ và con có thể là món nợ ân tình trong ngang trái, đắng cay đã tạo từ một kiếp nào đó, dẫn dắt đến oan nghiệt hôm nay.

Hiện tại, ba con cũng chẳng quan tâm đến người vợ đã chết vì uất hận mình, và cũng chẳng ngó ngàng gì đến đứa con là núm ruột, thì con cũng đủ biết được người đàn ông này chỉ biết thương bản thân ông ấy thôi, vậy thì liệu sự hận thù trong con có làm cho ông ấy thay đổi nhận thức không? Chúng ta không có quyền được chọn ba mẹ cho mình, mà do sức lôi kéo của nghiệp báo bắt buộc con người phải chấp nhận hệ quả tất yếu từ nhân đã gây tạo trong quá khứ. Do vậy, ông có làm gì không đúng thì vẫn là người đã mang lại cho con hình hài hôm nay, đã đưa con góp mặt vào đời, là người mà con gọi tiếng thân thương là ba. Thôi thì, mọi việc dù sao cũng đã xảy ra, cái cần ngăn thì đã không ngăn cản được, một người thân yêu chết đã đủ đau khổ, thêm một người thân yêu để oán hận thì khổ đau càng nhiều thêm hơn mà thôi. Hơn nữa, người đó lại chính là cha đẻ của mình, oan nghiệt này con nên gở, không nên buộc. Vong linh mẹ con sẽ rất đau lòng nếu thấy đứa con trai mình rơi vào khổ hận như thế này.

Thầy khuyên con nên tỉnh tâm, thực tập bao dung, hỷ xả để tâm hồn thanh thản. Con nên nhớ một điều, tha thứ không phải là ban phát ân huệ cho kẻ khác mà là tự cởi trói cho chính mình. Nếu con cứ nuôi dưỡng tâm oán hận ba mình trong lòng, cuộc đời con thật sự là địa ngục đó, vì ôm chặt một trái tim lạnh lùng sẽ khiến cho tình huống đen tối hơn. Sự cố chấp không chịu tha thứ, bỏ qua tội lỗi cho người khác chính là hành động bóp nghẹt không gian vốn an bình trong tâm hồn. Thầy không thể khuyên con nên tin ba con lần nữa, nhưng thầy tin con có thể tìm được sự an lành trong tâm hồn khi tha thứ cho người đàn ông đó. Và thầy tin một ngày nào đó, chính ba con sẽ phải đối diện với tòa án lương tâm để trả giá cho lòng ích kỷ của mình. Nhân quả luôn sòng phẳng con ạ!

Con cũng là đàn ông và cũng đã bắt đầu biết vui buồn với những chọn lựa của mình từ đời sống vật chất đến tình cảm, điều này có nghĩa rằng con đã hiểu được thế nào là nhàm chán, bất đồng trong các mối quan hệ được gọi là thân thiết từ sự tham đắm không biết dừng của con người. Khi con người chìm vào đam mê sắc dục thì lý trí thu mình lại trong góc khuất, đây cũng là lời đáp cho những thắc mắc của nhiều người bất bình, bức xúc đối với những kẻ có học thức, có địa vị mà cư xử tệ bạc với người thân, bạn bè.

Từ câu chuyện đau lòng do sự phản bội của con người này, Thầy xin có lời khuyên đến những ai đang gieo đau khổ cho nhau trong đời sống hôn nhân. Con người phản bội nhau trong đời sống tình cảm thường có nhiều lý do, hoàn cảnh. Nhưng thật sự tất cả lý do, hoàn cảnh của sự phản bội đều chỉ là sự bao biện, che đậy cho lòng ích kỷ và sự tàn nhẫn. Để thẩm định nỗi đau đớn tột cùng của một con người bị phản bội trong đời sống tình cảm, hãy thử đặt mình vào vị trí người bị phản bội một lần, chắn chắn chúng ta sẽ phần nào hiểu được cảm giác đau khổ này không dễ gì nguôi tan. Những người yếu ớt, không đủ ý chí thoát ra, ngày ngày cứ nhấn chìm bản thân trong thế giới của uất ức, hận thù, mặc cảm càng rất dễ cô lập bản thân và đi đến quyết định cực đoan.

Cho nên, nếu đã quyết định đến với nhau trong đời hãy cho nhau niềm tin và sự quan tâm. Niềm tin để yêu  thương chung thủy và sự quan tâm để hun đúc niềm tin sồng mãi. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có lời dạy rất hay: “Hạnh phúc hay đau khổ trong tình yêu không còn là vấn đề riêng của một người nữa mà của cả hai người. Đó là yếu tố thứ tư (từ, bi, hỷ, xả) của tình yêu trong đạo Phật, tức là không phân biệt tôi khác, anh khác.”

Có một  câu chuyện người xưa luận về đạo nghĩa vợ chồng rất hay. Những năm đầu của triều đại Đông Hán (Trung Hoa), chồng của công chúa Hồ Dương, chị của Quang Vũ Đế mất. Quang Vũ Đế muốn thăm dò ý kiến của chị gái mình, thế là liền đem quần thần trong triều ra bàn luận. Công chúa nói: “Tống Hoằng tướng mạo trang nghiêm, phẩm đức và tài trí đều xuất chúng, đại thần trong triều quả thật không ai sánh bằng”. Điều này thật là đúng với tâm ý của Quang Vũ Đế. Sau đó, Quang Vũ Đế liền triệu kiến Tuyên Bình hầu Tống Hoằng, rồi bảo công chúa Hồ Dương ngồi phía sau tấm bình phong. Quang Vũ đế nói với Tống Hoằng: “Tục ngữ có nói, con người ta khi đã tôn quý liền đổi bạn bè, giàu có rồi thì sẽ đổi vợ, đây là chuyện thường tình của nhân gian, phải vậy không?”. Tống Hoằng tâu: “Thần cũng có nghe nói rằng, bạn thuở hàn vi không nên quên, vợ tào khang không thể bỏ”. Lời của Tống Hoằng hàm ý rằng những người bạn mà ta đã kết giao lúc còn hoạn nạn khó khăn không thể quên, người vợ kết tóc xe tơ lúc bần hàn khốn cùng với mình thì không thể ruồng bỏ. Thế là, Quang Vũ Đế đành phải thôi. Tào khang (bã cám) là thức ăn thô mà người nghèo khổ thường dùng để lót dạ, vậy nên “người vợ tào khang” được mọi người dùng để ví von người vợ cùng chung hoạn nạn lúc nghèo hèn.

Thầy hay các vị, bất luận ai cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ là người phản bội, vì ai cũng lo sợ ngày nào đó mình bị phản bội. Nếu con người đến với nhau bằng niềm tin, tình cảm hoàn toàn tự nguyện thì gắn kết đời nhau với hạnh phúc đang có; còn như, có sự đổi dạ thay lòng thì hãy tự do mà ra đi, không cần dối trá, cũng chẳng cần phản bội. Không phải lúc nào chúng ta cũng gặp được người thật lòng với mình, và cũng chẳng có gì đảm bảo rằng người đó không thay lòng. Cho nên, khi bị dối lừa hay phản bội, khó mà tránh khỏi tổn thương, đau lòng, mất phương hướng. Lúc đó, mình trách ai đây? Tốt nhất nên nghĩ đến hai chữ “vô thường” mà đức Phật đã dạy để lòng bình yên hơn.

Thầy nghĩ rằng, ai đó cũng từng là những con người xa lạ, chúng ta nên sẵn lòng trả ai đó trở về xa lạ khi họ không còn ý nghĩa đối với cuộc đời của mình như buông tay thả một chiếc lá úa vào dòng sông đời đầy biến động, dù chiếc lá đó mang đến cho ta nhiều nụ cười và nước mắt một thời, can chi mà phải hận thù cho khổ thân thêm lần nữa. Thế thôi!

Khóc mà chi, yêu thương qua rồi 
Than mà chi, có ngăn được xót xa 
Tiếc mà chi, những phút bên người 
Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua.

                             (Hoàng Nguyên – Cho người tình lỡ) 

Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, xin hãy cho nhau hạnh phúc chân thành và yêu thương thật lòng. Thầy chúc con sớm tìm thấy bình an trong cuộc sống.

Thầy,
THÍCH THIỆN THUẬN