Phần II: NHỮNG NGÀY THÁNG QUA (Tiếp …) Ngày mùng 8 tháng chạp năm đó (2006), tổ chức Lễ An vị Phật thật trang nghiêm với sự quang lâm chứng minh của 100 vị Tôn đức Tăng Ni, lần đầu tiên VCT được cung thỉnh nhiều Tăng Ni như vậy nên Phật tử và đại […]

Phần II: NHỮNG NGÀY THÁNG QUA (Tiếp …)

Ngày mùng 8 tháng chạp năm đó (2006), tổ chức Lễ An vị Phật thật trang nghiêm với sự quang lâm chứng minh của 100 vị Tôn đức Tăng Ni, lần đầu tiên VCT được cung thỉnh nhiều Tăng Ni như vậy nên Phật tử và đại chúng bổn viện rất hoan hỷ lo quét dọn, trang trí và chuẩn bị phẩm vật cúng dường Trai Tăng. Nhưng có ai biết được thợ thầy và cả chúng vẫn còn làm cho đến 4 giờ sáng, lau dọn xong thì trang trí hoa trái, đến 8 giờ thì bắt đầu cung nghinh chư Tôn đức quang lâm ngày trọng đại Phật thành đạo năm đó: mệt mà vui vô cùng!

Cả hai tầng của ngôi chánh điện rực rỡ đèn hoa, phần trước của tầng dưới làm trai đường có bệ thờ Tam thánh Tây phương bằng gỗ đàn hương thiết kế theo trường phái đời Đường của Trung Quốc cao 1 m, phần sau thờ chư vị Tổ sư; nguyên tầng trên làm sàn gỗ tôn trí tượng đức Phật Thích-ca bằng gỗ xà cừ cao 2 m được nghệ nhân của xưởng mộc Xuân Bách tạc theo trường phái thẩm mỹ và nhẹ nhàng, thanh thoát và từ ái của tượng Phật ở động Đôn Hoàng trong hệ thống gần 1000 hang động nằm sâu trong dãy núi Mạc Cao – điểm đầu của con đường tơ lụa ở Trung Quốc hướng về vùng Tây Á cách đây khoảng 1.700 năm. Tất cả tượng Phật của VCT thỉnh về tôn trí trong ngôi chánh điện này do vợ chồng bác Trí Thanh – Diệu Huệ ở Tp. Houston, Hoa Kỳ phát tâm cúng dường. Bàn thờ Phật tầng dưới và toàn bộ bàn ghế trai đường làm bằng gỗ tràm bông vàng 30 năm tuổi do Ni sư Như Phúc cúng dường (Thật ra là do bão thổi bật gốc mấy cây tràm cổ thụ này ở chùa Bửu Long, Ni sư thấy thương tình cho người đồng cảnh ngộ mà kêu thợ xẻ ra thành gỗ chở đến xưởng mộc ở Long Điền đóng 5 cái bàn và 24 cái ghế). Loại cây tràm bông vàng trên 30 năm tuổi thì lõi cây ra tới ngoài vỏ, dường như không có giác nữa, loại gỗ này chắc cứng như gỗ căm xe và không sợ bị mối mọt ăn. Nói chung, may mắn này chính là nhờ bão tố…, thế mới hiểu được một điều chơn lý: trong cái thành ẩn tàng sự biến dịch, trong đổ nát có mầm sinh sôi; cảnh đời tan hợp hợp tan nhưng không rời duyên sinh vô ngã của thuyết sắc không.

Khi ngôi chánh điện bước vào giai đoạn hoàn thiện thì công trình thác nước và hồ sen ngay trước tòa nhà bên phải được thi công. Vì khả năng tài chánh hạn hẹp, tôi đã đến chùa Long Quy ở Long Điền xin HT. Như Thị các phiến đá tổ ong của những ngôi mộ cổ đã được người thân khai quật đem cải táng nơi khác, phần đá này vất bỏ quanh chùa Long Quy. Hiện tại, trước thác nước này được tôn trí tượng Bồ tát Quan Âm Tống tử do Phật tử Đức Lâm cúng dường để cho các đôi vợ chồng hiếm muộn đến để cầu nguyện.

Đầu năm 2007, được sư cho phép của Sư ông, Thầy Thiện Thông về Trụ trì chùa Liên Trì ở Tp. Vũng Tàu, và chăm lo Phật sự tại đây theo tâm nguyện của cố HT khai sơn Thích Minh Phước. Các Thầy lớn của thế hệ đầu tiên VCT đã đi trụ trì các nơi, duy chỉ có tôi ở lại để tiếp tục sứ mạng kế thừa sự nghiệp của Sư ông. Năm này có các chú Thiện Bảo, Thiện Quang, Thiện Minh, Thiện Tịnh, Thiện Bằng, Thiện Quán, Thiện Toàn, Thiện Long đến xin xuất gia tu học, trong đó, Thiện Bằng và Thiện Long nhỏ nhất, chỉ mới 13 tuổi. Lớp người trước đi học nơi xa thì lại có lớp người sau tìm đến nương náu tu học.

Đến năm 2008, khắp mọi nơi về tu học với Đạo tràng Huân tu của VCT ngày càng đông, từ con số 30 người của ngày đầu thành lập năm 2005 giờ đã lên đến con số 3.000 cho mỗi kỳ tu tập, nhưng nhà bếp thì ọp ẹp quá chừng, nhất là mùa mưa thì cực khổ biết bao cho các vị hành đường. Thấy vậy, nhóm Phật tử Diệu Tịnh ở Long Thành vận động tài chánh và kêu thợ xuống làm nhà bếp bên đất mượn ở bên cạnh như hiện tại. Năm này lại có các chú Thiện Duệ, Thiện Phước, Thiện Đăng, Thiện Pháp, Thiện Chánh, Thiện Mãn, Thiện Nghiêm, Thiện Viên đến xin xuất gia tu tập. Trong đó có Thiện Viên là nhỏ nhất, chỉ mới 14 tuổi.

Thời gian này, đại chúng vẫn tu học êm đềm theo thời khóa, tôi bận nhiều cho công việc giảng dạy khắp nơi trong và ngoài nước. Hầu như tôi đã đi thuyết giảng xuyên suốt khắp các tỉnh thành của ba miền đất nước vì sự mến mộ sau đề tài “Bóng Mây” huyền thoại giảng tại khóa tu mùa hè chùa Hoằng Pháp năm 2007. Cùng tham gia hành trình hoằng pháp của tôi, có nhiều Phật tử xuôi ngược đây đó để được nghe thuyết giảng và được tìm hiểu thêm các tập quán của mỗi vùng miền, và cũng có cơ hội để tham quan thắng tích Phật giáo nước nhà.

(còn tiếp …)