Đầu năm 2001, xét thấy Sư ông ở chung với đại chúng không tiện cho sinh hoạt vì Sư ông ngủ sớm và thức sớm hơn đại chúng nên các Thầy họp bàn, thống nhất xây một tịnh thất nhỏ riêng biệt ở góc phải cuối khu vườn chùa để Sư ông tịnh tu. Thế […]

Đầu năm 2001, xét thấy Sư ông ở chung với đại chúng không tiện cho sinh hoạt vì Sư ông ngủ sớm và thức sớm hơn đại chúng nên các Thầy họp bàn, thống nhất xây một tịnh thất nhỏ riêng biệt ở góc phải cuối khu vườn chùa để Sư ông tịnh tu. Thế là đại chúng lại bắt tay vào việc đào đất xây móng, vì tiết kiệm tiền nên không dám kêu xe đổ đất, dù nền tịnh thất chỉ cao 6 tấc với diện tích 48 m2 thì đất có bao nhiêu đâu. Thiên nan vạn nan, giải pháp cuối cùng là đào hố bên cạnh lấy gần 20 khối đất để lấp nền nhà. Thương cảnh túng thiếu, NS. Chơn Viên đã dẫn các Sư cô Tu viện Viên Thông ở ĐTL xuống phụ khuân đất bên cạnh để đắp nền nhà, còn các Thầy Thiện Thông, Thiện Thắng, Thiện Thành, Thiện Thanh, Thiện Thân trực tiếp đào đất. Thợ chỉ có hai người, còn lại các việc phụ hồ và vận chuyển vật tư đều do các Thầy các chú VCT làm hết. Dù mệt nhọc nhưng mọi người đều hớn hở đan xen tiếng nói cười rộn ràng cả góc vườn chùa. Tổng hợp những cái đói cái mệt, cái vui và cả cái giận dỗi của ngày ấy sao mà đẹp quá, quý quá rồi cuối cùng vỡ òa khi hương vị cơm canh dã chiến được xếp trên tàu lá chuối bên gốc xoài. Ngon vì lý tưởng, ngọt vì nghĩa tình, vui vì hy sinh và cười vì chuyện đông tây kim cổ mà ráp chẳng đầu đuôi thứ lớp, cứ nhớ là được trình bày.

Thời gian này, lớp người đầu tiên đến xuất gia tu học tại VCT có các Thầy Thiện Thăng, Thiện Luật, Thiện Khiêm, chú tiểu Thiện Tường xuất gia và Thiện Lạc từ Vĩnh Long đến cầu y chỉ với tôi nên lực lượng lao động nhiều hơn. Ngôi tịnh thất của Sư ông cũng được hoàn tất sau gần 1 tháng xây dựng, tường gạch, mái tôn, cửa sổ sắt, nền lát gạch hoa. Được chia làm hai gian: gian trước thờ Phật là tượng đức Phật Thích Ca cũ của VCT ở ĐTL mang về tôn trí, gian sau làm chỗ kê đơn ngủ cho Sư ông và thị giả, có nhà vệ sinh bên trong phòng và một gian nhỏ phía sau làm bếp nấu nước. Ngay trước thiền thất của Sư ông là hai cây tùng được trồng đối diện bên thềm nay đã cao vút, vốn được gia đình Phật tử Diệu Phúc – Minh Chánh ở Tp. Vũng Tàu cúng dường trồng trên VCT cũ ở Đại Tòng Lâm vào năm 1998.

Làm xong thiền thất rất đẹp, ai cũng nôn nao để đưa Sư ông xuống ở cho thật yên tĩnh, thế mà Sư ông lại vùng vằng nói lẫy: “Bộ mấy ông muốn nhốt Thầy ở đó hả?”. Nói là nói vậy, chứ Sư ông vẫn dạy chú thị giả Thiện Thanh dọn đồ xuống thiền thất mới để ở, căn nhà này là công trình khang trang nhất, yên ả nhất và đủ tiện nghi nhất VCT thời bấy giờ.

Bên phải căn nhà sàn phía trước vẫn hiện hữu một cái giếng bỏ hoang và bể nước nhỏ của chủ đất trước, nhìn không mỹ quan lắm, tôi nghĩ ra cách tấn đá xung quanh làm cái đồi nhỏ, kê tảng đá lên trên miệng bể nước cũ rồi mời thợ về đắp tượng Bồ tát Quán Thế Âm với dáng ngồi tự tại ngay trên đó. Cái giếng phía sau tượng Bồ tát được lấp đất, xếp những tảng đá núi tự nhiên làm thành bộ bàn ghế rất ấn tượng; trước tượng Bồ tát là một hồ nước nhỏ hình bán nguyệt được trồng hoa súng trắng, đặc biệt một dòng suối nhỏ chảy êm dịu từ bàn chân nhẹ nhàng của Bồ tát xuống hồ nước được thiết kế thật tinh tế. Và chiếc hồ này từng là nơi tụ tập chuyện trò và ngắm cá bơi tung tăng của đại chúng sau mỗi buổi cơm chiều. Công trình này làm vào giữa tháng 6 năm 2001.

Đến cuối năm 2001, thấy cổng rào làm bằng tre đơn sơ bị mọt ăn hư, gia đình Phật tử Diệu Phúc – Minh Chánh của đạo tràng Đại Bi chùa Hải Vân (Vũng Tàu) cúng dường 700 Mỹ kim (tương đương 10 triệu thời đó) để xây lại cổng và hàng rào. Số tiền này tương đối lớn đối với VCT lúc ấy, nhưng thật sự chỉ đủ cho việc xây trụ cổng và hàng rào dài khoảng 16 m mặt tiền mà thôi. Thật là phước may, chùa Viên Thành đặt làm một bộ cửa sắt mà NT. Thể Dung không hài lòng vì nó không kín, nên tôi qua xin và được NT. Như Phương đồng ý cho. Đại chúng mang về lắp vào trụ cổng, ai cũng đều hoan hỷ vô cùng khi nhìn thấy bộ cửa sắt này như đặt làm cho VCT. Giờ nghĩ lại, lòng vẫn thấy ngập tràn hạnh phúc chợt hiểu ra, khi mình sống với mọi người bằng cả trái tim thì không lo chuyện không có người trợ duyên lúc cần thiết.

Năm 2002 là một năm được nghỉ ngơi, VCT không xây dựng thêm hạng mục nào nữa mà lo tu tập, vì Sư ông dạy đã có chỗ ở yên ổn rồi thì phải chuyên tâm lo tu; hơn nữa, Sư ông cũng không muốn làm phiền đến Phật tử lo lắng tiền bạc, cúng dường vật chất làm ảnh hưởng đến sự thanh tu của đại chúng. Giữa năm 2002, xét thấy cần có nơi yên tĩnh tuyệt đối cho các Thầy lớn tránh các tạp duyên, chuyên tu thiền quán hay bái sám tụng kinh, nên đã chính thức khởi công xây thiền thất giữa ngay trên hố đất đã đào với diện tích 30 m2. Thợ thầy được triệu tập gồm Thầy Thiện Thắng là thợ chính làm phần hồ, có thêm anh Bảo Thịnh ở Đà Lạt phụ xây, còn lại là chúng của viện, ai cũng xếp lại thời khóa mà lo đào móng, trộn hồ, khuân gạch, chà ngói. Còn phần mộc thì có chú Hai ở Hắc Dịch lo xử lý đống gỗ cũ mua lại căn nhà của TT. Thích Đức Minh trụ trì chùa Nguyên Phong bán rẻ với giá 10 triệu đồng để làm rui mè, gỗ căm xe lâu năm nên rất cứng chắc khiến các chú thợ mệt mỏi do cưa bào thủ công. Thấy Thầy Thiện Thắng tính toán sao cho phù hợp với số tiền ít ỏi còn lại để hoàn thiện phần nền, Ni sư Tâm Nguyệt phát tâm ủng hộ 30 m2 gạch men lót nền tương đương 3 triệu đồng. Sau 3 tuần lễ thì công trình hoàn tất, sơn nước màu lam cho hợp với không gian tĩnh mịch của vườn cau, sân cỏ.

Nghỉ mệt được 3 tháng thì tiếp tục làm khu nhà vệ sinh sau cho đại chúng có chỗ tắm giặt kín đáo. Đại chúng lại xắn tay đào đất làm 4 phòng vệ sinh bên góc trái cuối đất ngay dưới bụi tre mạnh tông rợp bóng quanh năm. Vì đây là nơi hiểm địa nên phải nhờ đến nhóm thợ Đình – Bốn xây, tường gạch mái tôn đơn sơ, nhưng tường bên trong được ốp gạch men và nền cũng lót gạch sạch sẽ. Ngày đó làm được như thế thì mừng lắm với tiện nghi như thế.

(còn tiếp …)