Hà Nội, những ngày cuối năm, thành phố co ro trong gió rét. Phố vẫn cứ đông và dòng người ngược xuôi tất bật. Có khác chăng, chỉ là đâu đó thấp thoáng sắc thắm tươi hồng của hoa Đào cuối đông…. Ở Hà Nội, cứ thấy hoa Đào là thấy Tết. Còn với những […]

Hà Nội, những ngày cuối năm, thành phố co ro trong gió rét. Phố vẫn cứ đông và dòng người ngược xuôi tất bật. Có khác chăng, chỉ là đâu đó thấp thoáng sắc thắm tươi hồng của hoa Đào cuối đông…. Ở Hà Nội, cứ thấy hoa Đào là thấy Tết. Còn với những Phật tử xứ Bắc xa xôi như chúng con, hễ thấy hoa Đào lòng lại nao nức nhớ nắng vàng xôn xao từng giọt qua kẽ lá vườn Chùa Nhà- Viện Chuyên Tu.

Càng về cuối năm, thì nỗi nhớ thương khắc khoải về miền quê hương bình dị, an yên- nơi có bóng dáng thân thương của Người Cha hiền khả kính cứ cào cấu tâm can của những đứa con miền xa cách trở. Phố phường ngược xuôi với trăm vạn con đường, vậy mà lũ chúng con tìm lấy một con đường về lại Chùa Nhà, thăm Sư phụ, các Thầy, các chú sao thật là khó… Biết làm sao để về lại Chùa Nhà để thênh thang bước đi trên khoảng sân rải sỏi; biết làm sao để về lại Chùa Nhà để lặng yên nghe nắng gió miền núi rừng Thị Vải ru khúc thanh bình…

Gia duyên ràng buộc, đường xa vạn dặm còn bị cản ngăn bởi điều kiện sức khoẻ và có nhiều khi là cả điều kiện kinh tế còn chưa mấy vững vàng, nào phải đâu lũ chúng con mượn lý do này kia để lấp liếm hay tự biện hộ cho mình, hơn bất cứ ai và hơn bất cứ thời khắc nào, chúng con khao khát lắm được trở về vào dịp Xuân. Bởi Tết, có nghĩa là sum họp, bởi Tết, có nghĩa là quây quần ấm áp bên gia đình thân thương. Và, với những đứa con xa ngái như chúng con, Chùa Nhà đã trở thành quê hương thương nhớ. Có đứa con nào lại không thấp thỏm mong được trở về nhà đón xuân?

Chiều tà, khi ánh đèn thành phố vàng vọt lần lượt được thắp lên, trôi theo dòng người tất bật lúc tan tầm, chúng con lại tự nhủ: Giờ này ở trong ấy đã đến thời khoá tụng kinh buổi chiều. Tiếng còi xe inh tai khiến chúng con nhớ da diết tiếng chuông chiều trầm mặc mà thánh thiện vang dài. Co mình trong khăn ấm và áo khoác to sụ để tránh cái rét của mùa đông xứ Bắc, chúng con nhớ biết bao nhiêu nắng ấm và gió nhẹ hiền hoà nơi sân Chùa Nhà yên vắng…. Chúng con vẫn thường xuyên theo dõi tất cả mọi thông tin của Nhà trên trang web, lặng lẽ ngắm từng bức hình thật kỹ để rồi không giấu được ngậm ngùi, này là lịch giảng của Sư phụ chưa thấy có địa danh Hà Nội; này là con đường gạch đỏ ngày nào chúng con từng cùng nhau vui vẻ cọ từng viên gạch nhỏ. Bây giờ con đường ấy đã nhuốm màu rêu, và chẳng cần đợi cho tới bây giờ chúng con mới nhận ra, ước ao được làm những công việc bé tẹo cỏn con nơi sân Chùa Nhà im vắng mới thật là xa xỉ và đáng ước vọng biết bao…. Chúng con chỉ biết, ngắm thật lâu từng bức hình trên web, để lặng lẽ nhận ra, chúng con đang bất lực trước nỗi ngóng trông được trở lại Chùa Nhà….

Chiều nay, cũng là một trong những buổi chiều cuối năm bận rộn, chúng con tách mình khỏi dòng xe cộ ồn ào để ghé thăm một ngôi chùa nhỏ gần nơi mình sinh sống. Chùa ngoài Bắc có lối kiến trúc hoàn toàn khác biệt với chùa miền Nam. Và dẫu rằng, chúng con nhớ lời Sư phụ dặn dò: Chùa ở đâu cũng thờ Phật, thầy cô xuất gia nơi nào cũng đáng kính trọng hết đó các con. Thế nhưng, với những đứa như chúng con, thì chỉ duy nhất có một điều này chúng con thực sự, chưa phải là những đứa con ngoan. Bởi lẽ, tâm tư và tình cảm mà chúng con, đã hoàn toàn và tất cả đặt hết về nơi Chùa Nhà. Bước chân tới bất cứ nơi chốn thiền môn nào đi nữa, thì chúng con vẫn cứ thấy thật là lạc lõng, côi cút và tội nghiệp. Cũng là quỳ gối thành kính trước Tam Bảo, nhưng nỗi lòng thì cứ khắc khoải biết bao nhiêu nhớ nơi chánh điện Chùa Nhà. Tất cả chúng con, trong muôn ngàn tham chấp của người tại gia vướng bận bụi trần, thì lúc nào cũng đau đáu niềm mong mỏi: Mong Sư phụ luôn được khoẻ mạnh, bình an. 

Tết đã đến thật gần, Hà Nội vẫn đang trong những ngày lạnh giá. Chúng con cũng chẳng gặp được nhau dù tất cả đều đang sống chung một thành phố ồn ào. Thế nhưng, tất cả đều gặp nhau ở tấm lòng khắc khoải ưu tư khi chạnh lòng nhận ra, chúng con đều bị vắng Nhà…

Dẫu rằng, Tết là khởi đầu cho mùa Xuân mới, cho hy vọng và cho bao nhiêu dự định ấp ủ, ước ao. Tuy vậy, với chúng con, Tết lại có thêm nỗi ngậm ngùi tủi thân đắng đót: Bao giờ chúng con được về Nhà đón Tết, được đảnh lễ với Sư phụ kính yêu, để được lặng thinh ngồi quây quần bên Người như đàn con tội nghiệp bấu víu vào nơi tựa nương vững chãi?….Bao giờ cho đến bao giờ, khi năm tháng cứ lấy đi dần dần từng cơ hội, từng khoảng thời gian quý giá giữa dòng đời hối hả tất bật này…. Nhưng chúng con tin rằng, quay ngược hình trái tim, sẽ được hình ngọn lửa- khi trong trái tim của lũ chúng con, cứ đau đáu mãi về miền quê thương mến, thì nhất định, chúng con sẽ cùng nắm tay nhau Trở về….

“Xuân đang đến nghĩa là Xuân đang qua”, nhưng chúng con biết rõ một điều chắc thật, miền quê hương hiền hoà nắng gió của núi rừng Thị Vải, tất cả chúng con đã cùng nhau tìm đến, đã cùng nhau gửi lại tâm hồn mình và rồi, chắc chắn, tất cả chúng con, nhất định sẽ về. Về để biết rằng chúng con không đơn độc. Về để biết rằng, chúng con, ngày đó, sẽ không còn là những đứa con xa xôi bị xa Nhà trong những ngày Tết

Phật tử Hà Nội.