Suốt cả tuần lễ, hầu như, tất cả các thầy, các chú, các Phật tử dốc toàn lực bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh, cắt cỏ tỉa cây, giăng bạt ráp vòm… chuẩn bị cho Lễ tắm Phật năm nay. Có thể nói, công tác chuẩn bị rất chu đáo, vì nó được đổi […]
Suốt cả tuần lễ, hầu như, tất cả các thầy, các chú, các Phật tử dốc toàn lực bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh, cắt cỏ tỉa cây, giăng bạt ráp vòm… chuẩn bị cho Lễ tắm Phật năm nay.
Có thể nói, công tác chuẩn bị rất chu đáo, vì nó được đổi bằng công sức, trí tuệ của một tập thể được phân nhiệm cụ thể dưới sự chỉ dạy của Sư phụ trụ trì Viện Chuyên Tu.
Thời gian gần đây, do lao động nhiều với các Phật sự liên tục của hai Viện, cộng thêm chia công tác hỗ trợ chùa Vạn Thiện nên các thầy, các chú rất vất vả, lao nhọc vì vừa giữ thời khóa tu học nghiêm mật vừa lao tác liên tục. Hơn nữa, một số nhân lực chủ chốt lại lâm bệnh như thầy Thiện Long, chú Thiện Diệu, Thiện Lâm, Thiện Tứ nên Sư phụ cũng phải xăn tay áo vào cùng làm với các chú mặc kệ nắng mưa.
Dù mệt nhưng mọi người không dám ngơi tay, chỉ sợ không xong việc thì Sư phụ lại buồn. Tất bật từ 6 giờ sáng đến 10 giời tối, thầy Thiện Nghiêm – Tri sự Viện Chuyên Tu 2 đành phải rón rén xin Sư phụ cho đại chúng được nghỉ giờ tọa thiền buổi tối để có sức làm tiếp hôm sau.
Một điều ai cũng công nhận mà không dám hé răng, là làm chung với Sư phụ thật áp lực và căng thẳng. Mặc dù Sư phụ rất vui tính và năng động, sáng tạo khi trang trí, dọn dẹp, nhưng đảm bảo nguyên tắc thời gian hoàn thành sớm và chỉnh chu, thẩm mỹ thì mồ hôi ướt áo cả ngày chưa kịp khô là chuyện bình thường. Khổ nhất là ai cũng có mùi hôi thì không dám gần Sư phụ, mà không lao vào thì Sư phụ nhắc nhở nhẹ nhàng: “Đứng nghỉ mệt đi con, để Sư phụ rót nước đá chanh cho con uống để Sư phụ có phước nghe con!”… Ai cũng cười, Sư phụ thì lẽo đẽo theo bên cạnh anh em để “nhắc tuồng” cẩn thận, và chỉ đạo tổng hợp mọi bày trí.
Hơn 300 Phật tử từ các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Nội, Đà Nẵng… đã về chùa từ trưa ngày 19/5 để phụ với các thầy, các chú lo trang trí. Màn đêm bao phủ rừng cao su Lộc An, nước vẫn thầm thì hát theo dòng suối Khế, mọi người quây quần bên nhau xâu chuỗi hoa lài, xếp cánh sen; các thầy, các chú thiết trí tháp hoa lài từ những chuỗi hoa do Phật tử xâu suốt 12 tiếng đồng hồ từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng.
Nơi đây, khoảnh khắc này không tồn tại sự hiềm khích hay đố kỵ, mà chỉ còn thuần niềm hoan hỷ, chịu khó và đồng hành cùng nhau chung tay làm nên bức tranh tuyệt mỹ của không gian thực hiện nghi lễ Tắm Phật thiêng liêng. 2500 cành hoa sen, 100 kg hoa lài được quý Phật tử mang về từ Campuchia, đoạn đường 500 cây số như ngắn lại vì lòng kính ngưỡng của Phật tử đối với đức Thế Tôn, và vì nơi đây còn ngập tràn tình người trong tu học.
Có ai đó nói về sự cống hiến không biết ngừng của những người tham gia trên nhiều lĩnh vực xã hội… và đương nhiên, họ làm vì cuộc sống bản thân, người thân, bạn bè và gia đình. Nhưng ở Viện Chuyên Tu, mọi người cảm nhận có cái gì đó thật mãnh liệt nhưng hết sức lặng thầm đã và đang thấm vào từng hạt đất mỗi ngày của ngôi chùa vẫn còn hoang hóa với sự đóng góp từng ngày của chư Tăng và Phật tử mà không màng đến sự ghi ân, cảm tạ hay vinh danh. Ngọn nến càng lung linh, tỏa sáng thì càng lụn tàn nhanh khi sáp tan chảy. Nhận thấy mình thiệt thòi, nến tự mãn với suy nghĩ không đáng phải hy sinh thêm nữa nên nương theo gió lùa, nến tắt để mọi người biết được sự quan trọng của nến. Đèn dầu được thắp lên, cây nến chảy dở kia được xếp vào ngăn tủ, rồi bị bỏ quên. Thật lâu, nến mới hiểu một điều, hạnh phúc của mình là được tan chảy để tỏa sáng, vì mình là ngọn nến.
(còn tiếp)