Một số nguyên nhân chính đưa đến sự suy tàn của Phật giáo trong bốn triều đại này là: Phật giáo không nhận được thiện cảm từ các bậc vua chúa, tình hình chính trị bất ổn và đời sống tăng ni suy thoái. Hậu quả là, tăng ni bị buộc phải hoàn tục, chùa chiền kinh sách bị phá hủy…

Sáng ngày 24/07/2024 (19/06/Giáp Thìn), Thượng tọa Thích Trí Định, Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Thông tin – truyền thông PG tỉnh, Phó Trưởng ban Hoằng pháp PG tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, trụ trì Hương Hải thiền viên đã quang lâm về giảng đường chùa Vạn Thiện để chia sẻ bài pháp thoại cuối trong mùa an cư PL.2568 với chủ đề “nguyên nhân thịnh suy của Phật giáo tại Trung Hoa”.

Mở đầu buổi học, Thượng tọa giáo thọ đã chia sẻ về sự du nhập của Phật giáo vào đất nước Trung Hoa. Trước khi Phật giáo được truyền vào nước này, tư tưởng triết học của Nho giáo do Khổng Tử đề xướng và Lão giáo do Lão Tử sáng lập đã sớm hình thành và bám rễ sâu rộng trong lòng quần chúng.

Để giúp cho chư hành giả có cái nhìn sâu sắc hơn về hai tư tưởng triết học đã có từ rất sớm ở Trung Hoa, Giáo thọ sư đã khái lược về cuộc đời của Khổng Tử và Lão Tử cũng như trích dẫn lời Lão tử nói với Khổng tử: “Thời nay kẻ thông minh và sâu sắc sở dĩ gặp nạn thậm chí dẫn đến cái chết là do hay chê cái sai của người; kẻ giỏi hùng biện lại thông hiểu sự việc sở dĩ gặp họa liên miên là do hay vạch ra cái xấu của người; là bậc làm con đừng cho mình là cao, là bậc bề tôi đừng cho mình là hơn. Mong ông nhớ kỹ”. Qua câu nói này, hành giả thấy được Lão tử chủ trương dạy cách sống ở đời là phải tu dưỡng bản thân, quay về với chính mình. Trong tác phẩm “Đạo Đức Kinh” thể hiện rõ nét tinh thần của Lão Tử, điển hình là câu nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”. Trong khi đó, đường lối tư tưởng của Khổng tử khác với Lão Tử, ông chủ trương học thuyết “Chính danh” với hoài bão lập lại trật tự kỷ cương xã hội. Sau này Trang Tử là người kế tiếp truyền thống tư tưởng của Lão Tử, phát triển thành một hệ phái mà người ta thường gọi một cách vắn tắt là Lão-Trang. Đồng thời, Mạnh Tử là người tiếp nối tư tưởng của Khổng Tử.

Thượng tọa giáo thọ cho biết với tầm ảnh hưởng sâu rộng của Nho giáo và Lão giáo nên Phật giáo không dễ dàng để truyền bá vào đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ. Sở dĩ giáo lý Bát-nhã của nhà Phật được vua chúa và người dân Trung Hoa dễ dàng tiếp thu vì có những nét tương đồng với tư tưởng “vô vi” của đạo Lão. Khi truyền bá Phật giáo sang Trung Hoa, chư vị Tổ sư đã phải thay đổi một số hình thức để phù hợp với thời đại và phong tục bản địa, nhưng cốt lõi vẫn là chuyển tải được giáo pháp tới mọi tầng lớp người dân, giúp họ thấm nhuần chánh pháp, thực hành và đạt đến giác ngộ.

Nói đến sự thịnh suy của Phật giáo Trung Hoa, Thượng tọa giáo thọ đã dẫn chứng về bốn lần Pháp nạn gồm thời kỳ Bắc Ngụy Thái Võ Ðế, Bắc Châu Vua Võ Ðế, Ðường Võ Tông và Ngũ Ðại Hậu Châu Thế Tông. Một số nguyên nhân chính đưa đến sự suy tàn của Phật giáo trong bốn triều đại này là: Phật giáo không nhận được thiện cảm từ các bậc vua chúa, tình hình chính trị bất ổn và đời sống tăng ni suy thoái. Hậu quả là, tăng ni bị buộc phải hoàn tục, chùa chiền kinh sách bị phá hủy. Tuy nhiên, sau những triều đại này, Phật giáo lại được chấn hưng và được duy trì, tồn tại cho đến tận ngày nay.

Thượng tọa giáo thọ khuyến tấn hành giả không nên lo sợ đối với sự thịnh suy của Phật giáo. Lịch sử cho thấy thời kỳ nào ở mỗi quốc gia cũng có thịnh có suy. Thịnh chẳng nên mừng, suy chẳng nên buồn. Người xuất gia chỉ cần làm đúng theo tinh thần lời Phật dạy, cố gắng giữ gìn giới luật, học đúng chánh pháp thì Phật giáo sẽ được trường tồn, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân loại.