Mùa Vu Lan đến, ở vai trò một người vừa là ba vừa là mẹ từ khi con mới tượng hình, chắc cũng cần có một bài viết nói về người mẹ đơn thân này con trai nhỉ! Chấp nhận làm một người mẹ đơn thân đối với mẹ là một sự đánh đổi cả […]

Mùa Vu Lan đến, ở vai trò một người vừa là ba vừa là mẹ từ khi con mới tượng hình, chắc cũng cần có một bài viết nói về người mẹ đơn thân này con trai nhỉ!

Chấp nhận làm một người mẹ đơn thân đối với mẹ là một sự đánh đổi cả một cuộc đời. Mẹ mặc cho gia đình và xã hội nghĩ mẹ là người như thế nào, dù gì mẹ cũng đã có chồng rồi và cuộc hôn nhân gượng ép của mẹ kết thúc không có hậu. Đúng thời điểm đó mẹ có con, như một thứ để bù đắp trống vắng, đau khổ và cô đơn trong mẹ.

Chuẩn bị chuyến “đi biển mồ côi một mình” của mẹ cho con chẳng có gì nhiều nhặn như bao bà mẹ tương lai khác. Tài sản hiện có là hơn hai triệu đồng từ tiền sang quán ca phê nhỏ, ba cái áo sơ sinh, chục cái tả, chai dầu khuynh diệp, cái gối nằm và hai gối ôm mẹ đã tự may. Chấm hết!

Gia tài quá ít ỏi nên mẹ phải vất vả vì luôn luôn lê lết thân hình của một sản phụ mới sanh trong nhà thương để đi giặt tả, giặt áo phơi cho khô để kịp thay. Lần đầu làm mẹ với không có sự tư vấn, dạy bảo nào của người khác nên kinh nghiệm không có. Mẹ cứ nghỉ đơn giản sắm làm gì cho nhiều, trẻ con mau lớn rồi sẽ mua đồ khác… Mỗi lần con đái ướt tả là ướt luôn cả cái áo, ba cái thôi thì là, gì cho đủ con nhỉ!?

Về phần mẹ thì may nhờ có các chú sinh viên phòng trọ kế bên thương tình nấu cơm đem vô ngày một bữa trưa. Còn các bữa khác thì “cơm hàng cháo chợ” là lẻ tất nhiên rồi.

 Trời Phật đã thương tình ngó xuống nên cả mẹ và con cũng khỏe mạnh, tuy lúc vượt cạn có bị trục trặc nên phải chuyển viện. Năm tháng dần trôi với những khó khăn trong cuộc sống mà khó khăn chính vẫn là kinh tế. Không có tiền để thuê nhà thì có người bạn cho ở nhờ, rồi chỉ cho chỗ gởi con miễn phí để đỡ tốn tiền sữa trong ngày tại một trung tâm nuôi trẻ. Mẹ gởi con ngoại trú, sang đưa đi chiều đón về. Rồi nghe đồn rằng con nít ở đó hay có những người hiếm muộn và người nước ngoài xin về làm con nuôi. Sợ mất con nên lại đem con về, ngưng không gởi nữa.
Lăn lộn với đủ thứ các việc mưu sinh để bảo tồn sự sống của cả hai. Đến khi không còn đủ khả năng nữa thì mẹ lại đi đến một quyết định táo bạo hơn là gởi con lại để đi hợp tác lao động ở nước ngoài. Suy nghĩ dữ lắm, đấu tranh tư tưởng quyết liệt lắm. Hơn một ngàn ngày qua tuy lúc đói lúc no, lúc vui lúc buồn, lúc ở nhờ lúc ở trọ nhưng mẹ con luôn ở bên nhau, đêm ngủ cùng nhau. Bây giờ mà mẹ và con mỗi người một nơi, một phương trời thì làm sao mà chịu nổi đây. 

Rồi ngày lên đường đi làm cũng đến, làm sao níu kéo được thời gian. Đêm hai mẹ con chia tay ở phi trường đối với mẹ là một kỷ niệm đáng thương và buồn nhất trong cuộc đời. Mẹ bên trong, con bên ngoài, tuy rất gần mà lại rất xa, tay con giơ lên đặt trên tấm kính cách ly, tay mẹ cũng thế nhưng sao không thể chạm được với nhau, không thể nghe thấy tiếng nấc, tiếng thét của nhau. Mẹ đi con ở lại. Ví như hàng trăm ngàn mũi kim đâm sâu vào tim mẹ. Đành vậy thôi vì muốn cho con có một tương lai tốt hơn hiện tại.

Máy bay cất cánh mẹ khóc như mưa. May bay hạ cách nước mắt mẹ nhiều như bão lũ. Xa con thật rồi, đi như kẻ mất hồn nơi phương trời mới. Từng đêm, từng đêm nhìn hình con dán đầy trên vách phòng mà không nhắm mắt được. Những bữa ăn với đồ ngon của là lại nhớ lúc bên con không có gì ăn mà không sao nuốt nổi, mẹ ăn mà như bị hành hạ vậy. Bạn bè mẹ hưởng thụ cuộc sống xa quê ngày càng tươi tắn, riêng chỉ có mẹ trong đoàn thì ngày càng héo hon. Công ty lại tưởng mẹ bị bệnh lao cho đi khám bệnh, sau đó lại được cho về trước thời hạn nũa năm. Đối với ai thì buồn chứ với mẹ như một đặc ân hay chiếu chỉ của Vua ban xuống thoát khỏi án tử.

Tuy thoát nghèo cấp độ I nhưng vẫn còn bao nổi khó khăn khi mà một mình nuôi – dạy con ăn học. Lớp một con được học sinh giỏi, mẹ mừng. Lớp hai học sinh giỏi, mẹ hạnh phúc. Lớp ba, lớp bốn, lớp năm thì chỉ đạt hoc sinh tiên tiến vì con bị thiếu “ĐIỂM” học thêm. Do mẹ không đủ điều kiện cho con học thêm với giáo viên chủ nhiệm nên điểm con tương xứng với học lực của con thôi. Chỉ biết buồn thôi chứ mẹ biết sao giờ.

 Lên cấp hai cũng thế. Không học thêm môn nào hết nên học lực của con cũng giảm dần so với các bạn. Học tài thi phận chứ biết sao giờ con. Để rồi mẹ nhận lấy hung tin là con bỏ học khi đang học lớp 10. Mẹ buồn thì ít mà thương con thì nhiều. Mẹ không đổ thừa cho hoàn cảnh, mà biết rằng đó là số phận của con, là nghiệp của con. Có ráng mấy cũng không được nữa dù mẹ đã thuyết phục con quay lại học bổ túc.

Đời của mẹ sớm mồ côi đã vậy, nay đến đời con cũng như mẹ ngày xưa. Chúng ta rồi cũng là những người kém trí tuệ, học chẳng đến nơi đến chốn thì chỉ có khổ triền miên.

Hành trình nuôi con từ trong bụng mẹ đến khi trưởng thành ngày hôm nay luôn là một cuốn phim quay chậm trong mớ ký ức của mẹ mà mẹ không thể quên. Mẹ chỉ hối hận một điều là sanh con ra mà không lo được cho con bằng bạn bằng bè. Tạo ra con mà để cho cuộc đời con phải khổ như mẹ ngày xưa. Nhưng mẹ rất cảm ơn vì con đã có mặt kịp thời trong cuộc đời của mẹ, như một miền vui, một động lực giúp mẹ đầy đủ nghị lực và sức mạnh, gạt ra ngoài những dèm pha để vượt lên trên tận cùng của nổi đau. Không có nổi đau nào giống nổi đau nào; và không có gian nan thử thách nào giống nhau hết. 

Nhật ký của mẹ là đầy ắp những giọt nước mắt trên từng tháng ngày đã qua, cộng lại, rồi đem nhân lên. Để mùa Vu Lan năm nay mẹ lại xót xa khi nghĩ về tương lai của con rồi sẽ ra sao khi một ngày không còn mẹ nữa. 

Mẹ của con con trai à!

Viên Như