Kính bạch chư tôn đức, kính thưa toàn thể quý vị, Chào mừng quý vị đến với chương trình “Nghe Kinh Phật Thuyết” do Viện Chuyên Tu thực hiện. Trong chương trình kỳ này, chúng tôi gửi đến quý vị đoạn kinh Phật dạy về “Các pháp đưa đến ly tham, ly sân”. Xin mời […]

Kính bạch chư tôn đức, kính thưa toàn thể quý vị,

Chào mừng quý vị đến với chương trình “Nghe Kinh Phật Thuyết” do Viện Chuyên Tu thực hiện. Trong chương trình kỳ này, chúng tôi gửi đến quý vị đoạn kinh Phật dạy về “Các pháp đưa đến ly tham, ly sân”. Xin mời quý vị cùng lắng nghe:  

———-

 Một thời, Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Tikandaki. Rồi Thế Tôn gọi các Tỳ-kheo:

Này các Tỳ-kheo!

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Lành thay, này các Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng ghê tởm đối với các vật không ghê tởm! Lành thay, này các Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm! Lành thay, này các Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng ghê tởm đối với các vật không ghê tởm và ghê tởm! Lành thay, này các Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng không ghê tởm đối với các vật ghê tởm và không ghê tởm! Lành thay, này các Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo sau khi từ bỏ cả hai vật không ghê tởm và ghê tởm, trú xả, chánh niệm tỉnh giác! Và này các Tỳ-kheo, do duyên lợi ích gì, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo có thể trú với tưởng ghê tởm đối với vật không ghê tởm?

“Mong rằng, đối với các pháp khả ái, tham chớ có khởi lên nơi ta”. Do duyên lợi ích này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nên sống với tưởng ghê tởm đối với vật không ghê tởm. Và này các Tỳ-kheo, do duyên lợi ích thế nào, Tỳ-kheo nên sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm?

“Mong rằng đối với các pháp đáng sân hận, lòng sân chớ có khởi lên nơi ta” Do duyên lợi ích này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nên sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm. Và này các Tỳ-kheo, do duyên lợi ích thế nào, Tỳ-kheo nên sống với tưởng ghê tởm đối với vật không ghê tởm, và ghê tởm?

“Mong rằng đối với các pháp khả ái, lòng tham chớ có khởi lên nơi ta. Mong rằng đối với các pháp đáng sân hận, lòng sân chớ có khởi lên nơi ta”. Do duyên lợi ích này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nên sống với tưởng ghê tởm đối với vật không ghê tởm và ghê tởm. Và này các Tỳ-kheo, do duyên lợi ích thế nào, Tỳ-kheo nên sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm và không ghê tởm?

“Mong rằng đối với các pháp đáng được sân hận, lòng sân chớ khởi lên nơi ta”. Do duyên lợi ích này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nên sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm và không ghê tởm. Và này các Tỳ-kheo, do duyên lợi ích thế nào, Tỳ-kheo sau khi từ bỏ cả hai vật không ghê tởm và ghê tởm, trú xả, chánh niệm tỉnh giác?

“Mong rằng dầu là vật gì, tại chỗ nào và như thế nào, đối với các pháp khả ái, lòng tham chớ có khởi lên nơi ta! Mong rằng dầu là vật gì, tại chỗ nào là như thế nào, đối với các pháp đáng được sân hận, lòng sân chớ có khởi lên nơi ta! Mong rằng dầu là vật gì, tại chỗ nào và như thế nào, đối với các pháp có thể làm cho si mê, lòng si không khởi lên nơi ta!” Do duyên lợi ích này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo sau khi từ bỏ cả hai vật không ghê tởm và ghê tởm, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.

—————

Lời kết:

Kính bạch chư tôn đức, kính thưa toàn thể quý vị, như vậy là quý vị vừa nghe đoạn kinh Phật dạy về “Các pháp đưa đến ly tham, ly sân”. Đoạn kinh này được trích từ kinh Tăng chi bộ, chương Năm Pháp, phẩm Tikandaki do HT.Thích Minh Châu dịch sang tiếng Việt. Hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ sau. 

Viện Chyên Tu