Sau một chặng đường khá xa, đoàn chiêm bái Phật tích của chúng tôi đã theo dấu chân xưa đến thành Xá-vệ (Savatthi hay Sravasti), một địa danh rất quen thuộc đối với những ai đã từng tìm hiểu về Phật giáo nói chung và Phật giáo Ấn Độ nói riêng. Theo kinh điển mô […]
Sau một chặng đường khá xa, đoàn chiêm bái Phật tích của chúng tôi đã theo dấu chân xưa đến thành Xá-vệ (Savatthi hay Sravasti), một địa danh rất quen thuộc đối với những ai đã từng tìm hiểu về Phật giáo nói chung và Phật giáo Ấn Độ nói riêng. Theo kinh điển mô tả, Xá -Vệ là thủ đô của nước Kiều-Tát-La (Kosala) và là một trong sáu thành phố lớn và sầm uất nhất thời Đức Phật. Nhưng hôm nay, Xá-Vệ chỉ còn lại là những ngôi làng thưa thớt với những mái nhà nhỏ, thấp, đơn sơ và nghèo khó, một xứ sở mà người dân sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp lạc hậu.
Nơi chúng tôi đến viếng thăm đầu tiên là ngôi tháp của Trưởng giả Cấp-cô-độc (Anàthapindika). Ngôi tháp được xác định xây từ nền nhà của Trưởng giả, nay chỉ còn là một nền gạch đã cũ mục, lặng lẽ qua bao sự biến đổi, và bị bào mòn của thời gian. Ông Cấp-cô-độc được biết đến là một vị hộ pháp đắc lực của Tăng đoàn thời bấy giờ. Không chỉ có công trong việc “dùng vàng trải lên vườn ngự uyển của thái tử Kỳ-đà” để xây dựng Kỳ-viên tinh xá lưu danh muôn đời, mà ông còn là vị đại thí chủ phát tâm cúng dường đức Phật và Tăng đoàn trong suốt cuộc đời của mình. Cuộc đời của ông là một tấm gương sáng cho hàng Phật tử, cư sĩ trong việc hộ trì chánh pháp với lòng tịnh tín vô biên.
Đối diện với tháp của ông Cấp-cô-độc là tháp của ngài Vô-não (Angulimala). Tên “Angulimala”, có nghĩa là người đeo tràng hoa được xâu kết từ nhiều ngón tay. Tương truyền, trước khi xuất gia, Ngài là người theo tà thuyết ngoại đạo, với niềm tin mù quáng và lòng đầy những đố kỵ, vọng chấp, sai lầm đến nỗi không màng đến sự sống của người khác, giết người một cách vô đạo (chặt lấy ngón tay rồi xâu kết lại thành tràng hạt) để phục vụ cho những tham cầu ích kỷ của mình. Nhờ lòng từ bi, đức bao dung của đức Như Lai mà Ngài đã tỉnh ngộ, quay về nương tựa chánh pháp, tinh tấn tu tập, dứt bỏ nguồn mê và thành tựu đạo quả. Câu chuyện của Ngài đã làm nên một giai thoại “kẻ sát nhân buông đao thành Phật”, quay đầu là bờ.
Vì vậy, khi đảnh lễ, tưởng niệm trước tháp của ngài Vô-não, là cơ duyên để chúng ta xin nguyện từ nay hãy sống cho hăng say vì đạo pháp, vì con đường chuyển hóa tâm linh của chính mình…Và cũng xin chia sẻ cho những ai tự nhận mình nghiệp chướng sâu dày, đã từng làm nhiều tội lỗi hãy cố vươn lên, tự tìm lấy một cơ hội để làm mới lại mình, và làm đẹp cuộc đời. Bởi lẽ, thật đáng trân quý khi một người đã tạo ra lỗi lầm mà biết nhận lỗi, sửa sai và ăn năn sám hối.
Sau khi chiêm bái hai tháp tưởng niệm trên, đoàn chúng tôi đến viếng thăm Kì- viên- tinh- xá (Jetavana). Đây còn gọi là trung tâm giáo dục tâm linh Phật giáo, nơi đức Phật từng trú ngụ và hoằng pháp lợi sanh trong một khoảng thời gian khá dài (khoảng 19 năm). Nơi đây, bao bài kinh trầm hùng đã được tuyên thuyết để và âm vang mãi ngàn năm. Theo các nhà nghiên cứu, có hơn 800 bài kinh được đức Phật giảng thuyết tại nơi này và cũng chính nơi đây, đức Phật đã hóa độ biết bao đồ chúng xuất gia làm nên một tăng đoàn Phật giáo vững mạnh thời bấy giờ.
Quá trình hình thành tịnh xá Kỳ-viên gắn liền với tên tuổi của trưởng giả Cấp-cô-độc, người đã trải vàng để mua đất; Thái tử Kỳ-đà, người dâng cúng vườn cây; tôn giả Xá-lợi-phất, người kiến tạo nên ngôi tịnh xá với quần thể gồm: hương thất của đức Từ Phụ, các thất nhỏ và phòng xá cho chư tăng. Hôm nay, trước mặt chúng tôi là một khung cảnh u tịch, vắng vẻ khiến lòng xốn xang khó tả… Trong khung cảnh trầm mặc, lặng lẽ của ánh tàn dương, đoàn chúng tôi trang nghiệm, nhẹ nhàng đi vào bên trong tinh xá. Những nền gạch trơ trọi, dù có kiên cố vững chắc bao nhiêu rồi cũng bị bào mòn, tàn phá bởi thời gian.
Tiến vào hương thất của đức Phật mong tìm lại chút hương ngày cũ. Nơi đây, xưa kia là nơi đức Phật nghỉ ngơi, đây là nơi Phật tĩnh tọa, đây là nơi đặt chiếc giường,… tất cả đã không còn, chỉ còn lại là một phế tích, lặng lẽ… Đâu đó, có tiếng nấc nghẹn ngào, kính thương, luyến tiếc, những giọt nước mắt đã rơi, bùi ngùi xúc động.
Trong niềm xúc động ấy, Thượng tọa trưởng đoàn đã nói lên những cảm xúc từ đáy lòng mình: “Chúng con đã rõ biết vô thường sanh diệt, nhưng hôm nay về đây sao nghe lòng chúng con nặng trĩu, muốn tìm lại chút hương xưa, nơi đức Phật đã sống, giáo hóa chúng đệ tử, nhưng hôm nay trở về không thấy bóng Người xưa, thật tiếc thương ngậm ngùi…”
Trong giờ phút lắng đọng, đoàn đã làm lễ tưởng niệm trong dòng cảm xúc trào dâng… Chúng con đã bao năm lạc loài nơi hồng trần, nay trở về quê hương, mọi thứ đã không còn. Chỉ còn chăng là trong ký ức thông qua những trang kinh mà đức Phật đã để lại.
Ánh tàn dương dần lịm tắt, không gian u tịch, đoàn chúng tôi vẫn đi trong lặng lẽ, cố tìm lại những vết tích năm xưa. Đây là cây Bồ Đề Anan, được trồng để thay thế cho sự hiện diện của đức Phật nhằm xoa đi nỗi nhớ của Vua Ba-tư-nặc và dân chúng trong vùng đến thăm mỗi khi đức Phật đi giáo hóa ở phương xa; đây là tháp tưởng niệm Tôn giả Sivali, tôn giả Mục-kiền-liên; đây là giếng nước năm xưa Phật dùng, v.v… Mỗi bước chân đi qua ta nghe lòng nặng trĩu, ngập ngừng như luyến tiếc dấu chưa phai, chợt nghe lời kinh vọng về “Các pháp hữu vi là vô thường sanh diệt, hãy dõng mãnh, tinh tấn để đoạn trừ các pháp hữu lậu, các pháp bất thiện…”
Xin từ biệt tinh xá Kỳ-viên, chúng tôi rời nơi đây trong niềm kính thương vô hạn. Nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn, mỗi mỗi chúng tôi như được gia cố thêm niềm tin vào đức Phật, tin vào giáo pháp của Ngài. Nơi đây, chút hương xưa còn in dấu để mỗi lần chúng ta trở về lòng đầy xúc động, cầu mong từ lực của Ngài hộ trì cho mỗi mỗi chúng con có thêm ý chí, nghị lực vượt qua những phong ba bão táp của cuộc đời đầy ngang trái để mãi mãi được theo bước chân của Ngài.
BBT.