Cái lạnh len vào tận trái tim của tôi mỗi khi bước vào những ngày đông tàn trong năm. Nó không chỉ mang đến sự thê lương từ cái giá buốt mà còn làm cho tôi bao lần thổn thức khi ngày ngày giải quyết bao công việc, để rồi đêm về, lòng cứ nao […]
Cái lạnh len vào tận trái tim của tôi mỗi khi bước vào những ngày đông tàn trong năm. Nó không chỉ mang đến sự thê lương từ cái giá buốt mà còn làm cho tôi bao lần thổn thức khi ngày ngày giải quyết bao công việc, để rồi đêm về, lòng cứ nao nao đến quặn thắt với bao hình ảnh của những người thân bước ra từ bức màn ký ức.
Tôi miên man nghĩ nhiều về Má, Sư Ông, chị Năm, những người thân đã rời xa cuộc thế, bỏ tôi lại trơ trọi giữa xạc xào gió đông của từng năm từng năm ấy. Nên mỗi lần gió lạnh mùa đông về, tôi cứ như bị ám ảnh chuyện thương tâm với những vết cắt hằn sâu trong tim, đã quá đủ cho tôi cảm thấy đau khổ tột cùng bởi những cánh tay buông xuống của người thân. Tôi đã khóc!
Nhận được tin anh Tám bệnh nặng phải đưa bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tôi đã nhói lòng vì suy nghĩ Anh đã vượt chặng đường xa gần 250 cây số đi từ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đến được thành phố Hồ Chí Minh: Trời ơi, Anh có chịu đựng nổi không? Tôi không dám nghĩ thêm nữa vì sợ phải đối diện với sự thật nghiệt ngã, dù trong đầu đã loáng thoáng nghĩ đến điều không nên nghĩ.
Tôi đến bệnh viện nhưng không được vào thăm Anh, con gái Anh cho biết Anh đang được các bác sĩ theo dõi tại phòng hồi sức cấp cứu. Đứng một góc trước Phòng Cấp cứu của bệnh viện, sao tôi cảm thấy khó thở đến lạ thường. Quanh tôi, tiếng khóc thân nhân người bệnh, mùi thuốc xông ra từ bên trong, bóng áo blouse trắng của nhân viên bệnh viện hối hả qua lại, và tiếng hú xe cứu thương dồn dập… tất cả đã khiến cho không gian tôi đứng đặc quánh lại, cổ họng như nghẹt thắt, mắt nhòa đi. Tôi lên xe về lại chùa, lòng thấp thỏm chờ tin Anh.
Đang chỉ cho các chú lau dọn, trang trí tháp Tịch Quang và Tổ đường chuẩn bị Lễ tảo tháp nhân ngày Húy kỵ Sư Ông sắp tới, tôi như chết lịm khi nhận được điện thoại báo tin Anh đã mất. Tôi cố bình tỉnh để nén cơn bàng hoàng, lập tức sắp xếp các thầy cùng về Châu Đốc để lo cho Anh được ngủ yên những ngày cuối cùng trong năm. Ký ức úa nhàu lại ùa về, tôi cứ nhớ những ngày anh chị em sống chung một mái nhà đầy ắp tiếng nói cười. Và tôi nghĩ, chắc là Anh cũng thèm được sống lại những ngày xưa như thế, nên dù biết Anh có nhà riêng, tôi vẫn quyết định đưa Anh về với căn nhà xưa lần sau cuối để Anh được ngủ an lành của một thời không toan tính, lo buồn.
Chương trình tang lễ của Anh và công việc trang trí đều do tôi sắp xếp, vì mọi người trong nhà tin tưởng tôi là người chu toàn và bình tỉnh nhất. Đúng vậy, tôi đi tới đi lui trong nhà kêu người này, chỉ người kia làm việc như một cái máy đã được cài đặt. Lễ nhập quan trang nghiêm bới sự chứng minh của Hòa thượng Viện chủ Tổ đình Long Khánh, Thượng tọa Thích Hạnh Bảo làm chủ sám. Tôi lại dắt mọi người thân trong gia đình vào nhìn mặt Anh lần cuối trước khi đặt Anh vào cỗ quan tài, mọi người đồng thanh chắp tay niệm Phật với giọng nghẹn ngào, tôi thấy ruột mình như đứt từng đoạn.
Ngày xưa Anh năng động, thích nói cười và yêu văn nghệ ca hát lắm, sao giờ Anh chẳng nói một lời? Không phải Anh rất muốn gặp anh chị em trong gia đình để hàn huyên tâm sự sau bao thăng trầm kiếp đời truân chuyên, sao giờ Anh lặng thinh như trách hờn? Anh mong muốn quay lại mái nhà xưa của Ba Má, giờ đã được về sao Anh chẳng vui cười, dù mọi người đang khóc?
Tôi chợt nhớ về ngày tháng xa xưa của 40 năm trước, Anh hay dẫn tôi vô những cánh đồng lúa ngút ngàn sau vụ mùa đông xuân thu hoạch để bắt dế. Tôi thích những con dế mun có màu đen như than, gáy rung cánh đầy hoa văn rất đẹp. Anh nói: “Mầy ngu quá, dế lửa đá hăng hơn!”. Nhưng Anh lại bắt cho tôi nhiều dế mun đen bỏ vô chiếc thùng thiếc, Anh lấy rơm lót dưới đáy thùng làm chỗ trú ẩn cho đám dế, lại còn tìm vỏ dưa hấu cho dế ăn. Anh chỉ tôi cách đá dế, chọn dế, quay dế, làm đồ mồi cho dế gáy to. Anh lúc nào cũng cười vang mỗi khi dế tôi đá thắng, nhưng dế Anh thắng thì tôi xụ mặt lầm lì, thậm chí vô cớ nói Anh chơi ăn gian.
Mùa nước nổi, quê tôi đâu đâu cũng ngập nước. Những cánh đồng lúa bất tận giờ chỉ có mênh mông trời và nước. Anh nói: “Mầy không biết lội là chết có ngày.” Tôi rất thích tắm sông nhưng không biết bơi, thế là Anh tập cho tôi. Hai tay Anh đỡ lấy phần bụng của tôi đưa qua đưa lại trên mặt nước, tôi cười thỏa mãn yên tâm vùng vẫy thỏa thích trong dòng nước mát đang bắn tung tóe bởi tay chân tôi đập liên hồi theo chỉ dẫn của Anh. Chợt Anh bỏ tay ra, tôi chới với vùng tay vẫy chân, người chìm xuống, miệng uống nước ừng ực, ngốc đầu lên ho sặc sụa lại bị hụp xuống. Anh cười vang, đưa tay ra đỡ lấy bụng tôi: “Uống nước rồi sẽ biết bơi!” Tôi vừa tức vừa khóc, đấm tay vào ngực Anh thùm thụp: “Anh ác lắm, em méc Má cho coi!”
Nghỉ hè, Anh nói: “Mầy muốn chạy xe đạp không?” Tôi trả lời: “Em muốn.” Anh quyết định: “Tao sẽ dạy cho mầy”. Anh dạy tôi đi xe đạp bằng chiếc xe đòn ngang. Khổ thân tôi, phải lòn người qua cái đòn ngang, ẹo người để nhấp bàn đạp, Anh đi phía bên cạnh đưa tay nắm lấy chiếc xe giữ thăng bằng cho tôi. Mỏi quá vì phải lòn uốn người lâu, tôi nói: “Cho em nghỉ mệt, đau cái hong quá!” Anh nói như ra lệnh: “Không được, dễ ẹt mà cũng không chạy được.” Thế là Anh bắt tôi phải tập chạy tiếp dưới cái nắng đằm thắm trên con đường nhỏ đầy tiếng ve trong khu Nhà Đèn vắng vẻ. Tôi vừa đạp xe vừa cười nói huyên thuyên, Anh ngêu ngao câu hát, đúng như Anh nói, đạp xe dễ ợt, chỉ tập vài vòng là đã biết chạy. Chiếc xe bỗng quẹo đầu lao vào gốc cây me nước bên lề, tôi chúi nhào đầu té xuống đường, tay chân trầy sước rướm máu. Đau quá, tôi nằm bẹp luôn dưới đất khóc bù lu bù loa. Anh chạy tới ôm tôi đỡ dậy: “Không sao, không sao! Anh hùng té không đau.” Anh lấy tay phủi cát đất đang cắm trên da thịt tôi, tôi càng khóc lớn hơn khi biết Anh từ lâu không còn nắm xe giữ cho tôi thăng bằng nên khiến tôi bị té. Tôi khóc rấm rứt, đứng lên bỏ đi về nhà, vừa đi vừa khóc, miệng lãi nhãi: “Đồ ác độc!” Anh bồng ngang lưng, đặt tôi ngồi lên đòn ngang chiếc xe rồi Anh phóc lên yên chạy xe đưa tôi về nhà, miệng huýt sáo như chưa từng có xảy ra chuyện gì. Có tức không!
Đêm sáng trăng, Anh rủ tôi trải chiếu ra sân nằm chơi, Anh hết thổi kèn harmonica rồi lấy đàn ghita ra vừa đàn vừa hát với tâm trạng phấn khích, vô tư. Dáng Anh cao to ngã nghiêng theo từng nhịp đàn, Anh muốn gởi tâm sự theo làn gió, trôi đi xa thật xa với bao ước mơ phóng khoáng của một chàng trai mới lớn. Tóc Anh xòa xuống che tới mắt khi cúi đầu, hất nhẹ đầu hướng trăng sao với gương mặt chữ điền, sóng mũi cao nhìn Anh thật điển trai và lãng tử vô cùng. Tôi say sưa nghe Anh đàn hát đến khi chìm vào giấc ngủ an bình từ khi nào không hay biết. Bốp, Anh vỗ vào đít tôi một cái: “Đi vô nhà ngủ!” Tôi mở mắt hi hí, miệng lí nhí: “Anh cõng em đi!” Anh đưa lưng cõng tôi, nhận hơi ấm từ tấm lưng rộng tôi dựa vào và tiếp tục giấc ngủ còn say.
…
Giờ, Anh nằm bất động ngay bên cạnh tôi, Anh có biết tim tôi đau đớn dường nào với dòng ký ức đua nhau cuộn về trong khoảnh khắc này như là mãi mãi không chạm tay tới. Tôi không muốn Anh buông tay, tôi muốn Anh phải nói cười, phải đàn hát, phải cùng tôi sống lại thời ấu thơ dưới mái nhà đầy ắp kỷ niệm này. Đã có mấy Anh Chị trong căn nhà này bỏ tôi ra đi biền biệt, như thế chưa đủ đau thương sao? Bây giờ Anh là người kế tiếp bỏ đi, đi xa mãi không về ư? Tôi lại khóc!
Trước giờ tiễn Anh về nơi an nghỉ ngàn thu, Chị Bảy nghẹn lời tâm sự với Anh lần cuối, tôi dặn lòng sẽ không khóc để Anh ra đi được thanh thản. Nhưng tôi không cầm được nước mắt khi biết sự thật rằng: Anh rất gần nhưng cũng rất xa! Mặc cho hai dòng nước mắt chảy xuống, tôi nén bi thương cho cảnh chia cách ngàn trùng này, ý chí quyết phải mạnh mẽ lên và tôi đã nghe được tiếng cười của Anh vọng lại từ ký ức. Đớn đau thay, tiếng Anh cười chợt vang chợt tắt trong tâm thức, cả nhà lặng thinh không một tiếng nấc, chỉ còn những giọt nước mắt thánh thót rơi xuống bên chiếc quan tài dấu trọn thân xác Anh. Tôi lại khóc!
Nhìn chiếc quan tài chìm sâu dần xuống huyệt mộ, nắp quan tài phủ đầy hoa lan trắng tua tủa như cánh chim tan tác giữa bão giông, tôi ngơ ngác nhìn quanh mong tìm lại bóng hình thân quen của Anh tại khu lăng mộ này, nơi mà tôi chỉ gặp Anh hiếm hoi một đôi lần trong năm khi về viếng mộ. Tôi thương cho đời Anh đã chịu nhiều phong sương, gió bụi đến nổi phiêu bạt mưu sinh mà chưa có được một lần ngồi cạnh nhau, nói cho nhau nghe những lời chưa nói kể từ ngày khôn lớn. Tôi và Anh là hai thế giới cách biệt hoàn toàn: Anh lầm lũi sau tháng ngày lầm lỡ đầy hối hận, tôi hiên ngang với đời tu tự tại càng làm cho Anh thêm tủi phận, tự ty. Giờ chẳng níu kéo được chút cơ hội tương phùng, trái tim tôi như những mảnh vụn đang vỡ nát rơi xuống mộ Anh để nghe câu bến bờ nhân gian đầy tang thương, chia biệt này.
Tôi như không làm chủ được hành động của mình khi nhìn quanh đã có đến 7 ngôi mộ của người thân đang thầm thì lời từ biệt. Tôi quay lưng đi ra xe theo mọi người, nhưng có cái gì đó níu chân tôi trở lại. Tôi lướt chậm qua từng bia mộ, nơi lưu hình ảnh của những Anh Chị thân yêu của tôi đã một thời yêu thương tôi, nuôi dạy tôi, chăm sóc tôi… giờ đã và đang ngủ yên dưới lòng đất lạnh. Tôi thẫn thờ nhìn sâu vào từng ánh mắt của các Anh Chị, tôi vẫn cảm nhận được nơi đó là ngút ngàn yêu thương và tình cảm ngọt ngào trao gởi cho tôi, đứa em út bé bỏng của gia đình. Khi đứng trước mộ phần của Ba Má, không nén được xúc cảm, tôi nghẹn ngào nói thầm: “Lại thêm một đứa con nữa được đoàn tụ với Ba Má!” Tôi lại khóc!
Có lẽ tôi đã gồng mình suốt chặng đường dài 30 năm qua để buộc mình phải thấu lẽ mất còn của kiếp nhân sinh. Hai chữ “vô thường” đã trở thành câu nói nơi cửa miệng của người tu, vì đây là một chân lý cần phải nhận thức đúng đắn để có thể kiểm soát cảm xúc bản thân khi đối diện với sự đổi thay, nhất là những cuộc chia xa.
Nhiều lần tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến những người thân lịm dần trong im lặng, rồi bỏ tôi lại bơ vơ chốn dương trần gió bụi này mà đi mãi không về. Người ta nghĩ, cứ là tu sĩ thì phải tỉnh táo trước biến dịch cuộc sống và càng phải cứng rắn hơn khi đối diện sinh ly tử biệt.
“Ai đời tu hành gì mà khóc hoài cho những cuộc ra đi của người thân” nghe họ xầm xì nói nhau đại loại như thế, tôi cũng chẳng thấy có gì để phải suy nghĩ. Đơn giản, là người tu hành chẳng lẽ lại không được khóc khi cần khóc sao? Khóc cho người thân nằm xuống thì có trái với lẽ đạo đức không? Khắc nghiệt quá khi ép tu sĩ không được sống thật với cảm xúc của mình, cảm xúc của thâm tình quyến thuộc vốn nó là nghĩa tình, là kỷ niệm với người đã khuất.
Ai cười cũng được, ai chê cũng được… miễn sao tôi được khóc, được thương người thân của mình là phần nào vơi đi niềm thống khổ để tiếp tục đối diện với cuộc sống nghiệt ngã này.
Thích Thiện Thuận