Trên những con đường chúng ta đi, trước những ngã đường, chúng ta có thể phân vân chọn lựa tìm cho mình một lối. Nhưng có những con đường thẳng tắp, chỉ một lối về, nhưng lạ thay, có biết bao khách bộ hành vẫn ngập ngừng chân bước. Con đường đưa chuyển hóa khổ […]

Trên những con đường chúng ta đi, trước những ngã đường, chúng ta có thể phân vân chọn lựa tìm cho mình một lối. Nhưng có những con đường thẳng tắp, chỉ một lối về, nhưng lạ thay, có biết bao khách bộ hành vẫn ngập ngừng chân bước. Con đường đưa chuyển hóa khổ đau, tìm đến bến bờ an vui giải thoát không khác. Đã bao lần ta tự hỏi, đến khi nao, hay phải kì hẹn biết lúc nào mới chịu bước lên “thánh đạo”? Hiện tại chúng ta đang ở đâu và sẽ đi về đâu thì chỉ có lữ khách mới là người biết rõ nhất.

Lành thay, giữa đường đời muôn vạn nẻo, chúng ta tìm thấy được đạo lộ giải thoát của đấngThế Tôn  nhằm giúp chúng sinh quay về bên bờ giác. Theo dấu chân xưa. Đó là tìm về những bước chân của đức Từ Phụ đã từng in đậm trên cõi đời này từ ngàn xưa  và cho mãi ngàn sau. Những bước chân trần của đức Thế Tôn đã từng xuôi ngược khắp vùng Bắc Ấn suốt 45 năm để dẫn lối cho chúng sinh đã từng mãi mê, rong ruỗi mấy độ luôn hồi. 

Chúng ta ai cũng có đôi chân, nhưng liệu những đôi chân này có bước đi vững chãi giữa cuộc đời uế trược bị phủ kín bởi màn đêm vô minh không?

“Có phải em về trong đêm nay

Bước thấp bước cao ngã nghiêng trên đời này”. 

                                                       (Hàn Châu)

 

Nhằm tạo duyên lành cho những Phật tử tìm về quê hương đấng Từ Phụ, là nguồn cội, là cố hương của mỗi người con Phật, Thượng Tọa Thích Thiện Thuận, một người Thầy đầy tâm huyết và luôn thao thức với con đường hoằng pháp lợi sanh, đã tổ chức chuyến hành hương, chiêm bái những Thánh tích gắn liền với cuộc đời hoằng hóa độ sanh của đấng Thế Tôn với chủ đề: “Theo dấu chân xưa”.

Những ai với ước mong một lần được trở về cố hương, để theo chân đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni như thể hằng tìm lại chính mình. 

Theo dấu chân xưa là cơ hội bước những bước đi vững chãi trong suốt lộ trình tu học đạo; để củng cố thêm tín tâm và nguyện lực, tinh tấn dõng mãnh hướng đến chánh trí giải thoát, kẻo khỏi phải hối tiếc và không uổng phí cho một kiếp người suốt cuộc đời rong chơi mãi nẻo nhân gian.

Những hình ảnh của đoàn trong ngày đầu tiên:   

 

Ngày đầu của một cuộc hành trình bao giờ cũng để lại nhiều cảm xúc, những khát khao, những mong chờ và những dấu ấn khó phai.

Sau giờ điểm tâm sáng đầu tiên nơi đất Phật, mỗi chúng tôi đều rất trông chờ giây phút được bước những bước chân đầu tiên nơi mảnh đất thương yêu của đấng cha lành của muôn loài. Đi theo dấu chân của Ngài, chiêm ngưỡng những Thánh tích gắn liền với cuộc đời và con đường giáo hóa độ sanh của Ngài, giây phút mà chúng tôi đã dệt bao ước mơ, bao sự chờ đợi, bao sự hoài vọng mới có được hôm nay. Trước sự mong đợi đó, Hòa Thượng đạo hiệu Thích Quang Nhuận chứng minh BTC đoàn chiêm bái Thánh tích đã hỏi mọi người trong đoàn: “Trong đại chúng ở đây, ai là người hạnh phúc nhất?” Một phút im lặng, nhưng rồi tất cả chúng tôi đều mĩm cười và đồng trả lời “Dạ, con là người hạnh phúc nhất”, một tràng pháo tay vang lên với bao nụ cười hoan hỷ đón chào một chuyến hành hương đầy pháp lạc.

Còn niềm hạnh phúc nào nhiều hơn khi những đứa con thơ tìm gặp được cha; hành trình xuôi ngược trong biển khổ trầm luân, may nhờ duyên lành từ nhiều đời nhiều kiếp mà được gặp Tam Bảo, thực hành giáo pháp của Như Lai nhưng đường về còn xa, bao chông gai trắc trở biết bao giờ ra khỏi. Trở về nguồn cội tìm theo dấu chân đấng Từ Phụ mong nhờ từ lực của Ngài cho chúng con có thêm ý chí, nghị lực vượt qua bao thử thách để đến bến bờ giải thoát là ước nguyện hằng mong.

Gần 26 thế kỷ trôi qua từ ngày đức Từ Phụ nhập Niết-bàn, các pháp hữu vi đều thay đổi nhanh chóng và hoại diệt theo thời gian, nhưng kim thân Xá lợi của Ngài vẫn ngời sáng dù trải qua bao thăng trầm thịnh suy của lịch sử. Tất cả chúng tôi đều ước nguyện có được giây phút lắng đọng, thành kính đảnh lễ Xá lợi của đức Thế Tôn. Trước giờ làm lễ, Hòa thượng Thích Quang Nhuận đã giảng rõ về sự kiện đức Phật nhập Niết-bàn và việc phân chia xá lợi. Theo đó, Xá lợi của đức Phật được phân làm 8 phần tôn thờ ở 8 vương quốc có niềm tôn kính với Ngài. Xá lợi đang tôn thờ ở Viện bảo tàng New Delhi, Ấn Độ là 1 trong 8 phần được phân chia. Vì vậy, khi chúng ta được chiêm ngưỡng đảnh lễ xá lợi của đức Phật là đang đảnh lễ kim thân của Ngài. Đó là niềm hạnh phúc vô biên, là phước duyên thù thắng. Tiếp theo, Thượng tọa Trưởng đoàn đã có lời sách tấn đại chúng hãy lắng tâm thanh tịnh, dâng trọn tấm lòng để chiêm ngưỡng và đảnh lễ kim thân Xá lợi Phật. Nhờ công đức này mà khỏi đọa vào ba đường dữ và được phước báo trong hiện đời và mai sau.

Đức Thế Tôn như đang hiện hữu đâu đây, linh thiêng, mầu nhiệm. Lời kinh năm xưa như vọng về. Không ai bảo ai, tất cả đều trang nghiêm thân mình, tâm thành chí kính phúng tụng tôn kinh với tâm hoan hỉ vô biên. Những giây phút lắng đọng với năng lượng tâm linh từ xá lợi kim thân Phật tạo nên một không gian trầm lắng, mênh mông, bao la, và bất tận. Tất cả như hòa quyện vào hư vô tịch mặc, như nhiên.

Hành trình đến đảnh lễ nơi tôn trí Xá lợi kim thân đức Từ Phụ, đoàn chúng tôi đã đi ngang qua và viếng thăm Tòa nhà Quốc hội, dinh Tổng thống, Khải Hoàn Môn, đền Hoa Sen và đền Akshardarm.

Tất cả đều để lại trong lòng chúng tôi những cảm xúc vui buồn khó tả, những bài học về truyền thống văn hóa tâm linh, về cuộc sống thật đẹp biết bao nhiêu.

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Chúng tôi đang trông đợi vào ngày mai, ngày thứ hai của hành trình. Đại chúng đều mong một ngày thật đẹp để được trở về thành Xá-vệ, nơi đã lưu dấu biết bao hình ảnh đẹp về đức Phật và Tăng đoàn của Ngài, nơi mà bao bài kinh trầm hùng được tuyên thuyết, bên hương thất của đức Phật để tìm lại chút hương xưa, hương giới định tuệ từ Như Lai Thế tôn, bậc Thầy quý kính của chúng con.

BBT.