Ký sự Về Miền Tây, Phần 1: Châu Đốc – Về Quê Nội.
Ký sự VỀ MIỀN TÂY
Sài Gòn, 12h20 phút ngày 22/08/2016.
Khi chiếc phi cơ vùn vụt tăng tốc trên đường băng Tân Sơn Nhất để cất cánh về phía mặt trời, chúng tôi đã chính thức tạm biệt phương Nam ngập nắng để trở về với Hà Nội thân quen. Nhìn qua cửa sổ máy bay, chúng tôi đang bay giữa tầng không cao vút và mây trắng bồng bềnh… Nắng lấp loáng đưa ký ức của chúng tôi nhớ về dặm đường những ngày qua, hành trình về miền Tây với nhiều kỷ niệm khó phai trong đời…
Phần 1: Châu Đốc, quê “Nội”!
Đại lễ Vu Lan ở Viện Chuyên Tu kết thúc, cũng là giờ phút mà những Phật tử chúng tôi được đồng hành cùng Thượng tọa trên hành trình dài, về lại quê nhà Châu Đốc thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ thân phụ của Sư phụ trong ngày Lễ đại tường mãn tang của Ông.
19h tối, chiếc xe ô tô với hơn 50 chỗ ngồi đã đông kín, bổ sung thêm một ô tô 16 chỗ mới đủ cho mọi người mong được về quê “nội” một lần. Chúng tôi tập trung lại về đây, từ những Phật tử miền Nam gần gũi, miền Bắc xa xôi; còn có những bạn từ Hàn Quốc, Mỹ trở về. Sư phụ thầy trò chúng tôi, lục tục khăn gói lên đường với hành trình dài đang chờ phía trước mà bấy lâu mơ ước….
Trải qua hơn 7 giờ ngồi ô tô từ Sài Gòn trở về Châu Đốc, vượt chặng đường dài hơn 300 cây số mới đến ngôi nhà thân quen lưu giữ những kỷ niệm về tháng năm thơ ấu của Sư phụ nơi xóm nhỏ “ngã ba nhà thờ” mà có lần được nghe trên đĩa giảng. Mọi người chia nhau chỗ ngã lưng cho đỡ mệt, nhưng hai căn nhà vẫn đủ dung chứa cho 70 người Sư phụ thầy trò chúng tôi, phân định nam nữ rõ ràng.
Tiếng gọi nhau ơi ới dùng sáng, khu sân nhỏ trước căn nhà đã được xếp tăm tắp 5 chiếc bàn tròn bày các đĩa thức ăn rất lạ mắt, Sư phụ giới thiệu với mọi người: “sáng nay, Sư phụ đãi các con ăn món đậm đà quê hương Miền Tây là bánh tằm bì nước cốt dừa và nước thốt nốt.” Không ai nghĩ ra được những sợi bánh tằm làm bằng gạo lứt trộn đều với bì làm bằng sợi hủ tiếu trộn thính (gạo rang xay nhuyễn), một ít giá đỗ xanh chần qua nước xôi, rau thơm thái nhỏ, chang nước mắm chua ngọt cay cay, đặc biệt thêm nước cốt dừa “bồng con”: món ăn dân dã sao mà thơm ngon, ngọt ngào và đậm đà đến thế! Mọi người ăn hết đĩa mà vẫn còn muốn thêm nữa, được uống nước thốt nốt có một không hai với vị ngọt tự nhiên và mùi khói hăng hăng rất đặc thù của vùng biên giới đất An Giang, một buổi sáng rộn ràng tiếng nói cười với cái tình cái thân mật, hiếu khách của người Miền Tây, hạnh phúc vô cùng!
Nắng Miền Tây gõ cửa từ rất sớm, sau khi dùng sáng xong, em “Mèo” đã chuẩn bị cho chuyến dã ngoại cho cả đoàn thật lý thú bằng phượng tiện độc đáo: xe lôi. Một cái thùng nhỏ được gắn vào chiếc xe đạp đòn ngang, ba người to tướng loay hoay tìm cách leo lên không xong thì biết làm sao mà ngồi, thế mà Sư phụ bước ra nhón chân kê người thật nhẹ nhàng, ngồi gọn gàng trên chiếc xe trống hoác không tay vịn với vẻ tự tin cùng chiếc nón lá trên tay. 20 bác tài đạp xe cọc cạch, kéo hơn 60 người qua con đường nhựa hai bên là vườn cây ăn trái đủ loại, rồi đột ngột rẻ trái lao xuống dốc của một con đường đất, băng thẳng ra cánh đồng lúa bát ngát. Chúng tôi chưa từng có được cảm giác yên bình, thoải mái và yêu đời khi từng cơn gió đồng mơn man áp vào mặt mang theo hơi ấm tình người thân thiện như thế này.
Xe dừng lại, cả đoàn được dẫn vào khu vườn cây ăn trái đầy trái sum xuê. Nổi bật giữ khu vườn là ngôi nhà lá nhỏ mộc mạc mà giản dị, từ cột nhà, cánh cửa, giường nằm, cho đến bàn ghế… tất cả đều được làm bằng tre dưới bàn tay đầy khéo léo của nghệ nhân nghiệp dư “Mèo’’. Sư phụ dắt chúng tôi ra vườn hái ổi, những trái ổi to tròn, thơm phức mới hấp dẫn làm sao. Chẳng ai bảo ai, người nào người nấy “băng mình” vào khu vườn và chọn cho mình những trái ổi chín thơm, ngọt lịm. Chung quanh khu vườn là cả một bãi đất rộng trồng hoa và các loại rau. Những bông cúc vàng dưới cái nắng vàng ươm của buổi sớm, đung đưa trước gió, vươn mình khoe sắc thắm, phảng phất mùi hương thơm dịu khiến ai nấy cũng phải dừng lại ngắm nhìn và không quên chụp cho mình những bức hình thật đẹp. Trở vào nhà, thầy trò túm lại chia nhau từng miếng ổi, vừa ăn Sư phụ vừa kể chuyện “nhà quê” cho chúng tôi nghe, những tiếng cười khúc khích vang lên làm rộn ràng cả khu vườn. Những làn gió nhè nhẹ thổi mát khiến chúng tôi dường như quên đi tất cả sự mệt nhọc, những muộn phiền lo toan của cuộc sống thường nhật. Nắng đã lên cao, những hàng dừa xanh đứng rì rào bên cánh đồng lúa ngút ngàn lúa trước gió, cảm giác thật gần gũi và bình dị làm sao, khác hẳn với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt chốn thành thị… Tạm biệt vườn trái cây lí tưởng của anh “Mèo”, chúng tôi trở lại nhà Sư phụ trong ý niệm mong sớm trở lại nơi đây vào 1 ngày không xa…
Trưa hôm đó, chúng tôi cùng Sư phụ sửa soạn mọi thứ: quét dọn bàn thờ, cắm hoa, chưng trái cây và bày lên bàn thờ Song thân của Sư phụ những món ăn mà sinh tiền ông bà rất thích. Chuẩn bị mọi thứ xong, Sư phụ mời mọi người tập trung lại nơi gian thờ nho nhỏ mà ấm cúng và bắt đầu với nghi lễ dâng hương, cúng cơm thanh đạm. Gian thờ nhỏ đầy chật đàn con Phật tử lít nhít khắp 3 miền chúng tôi với gió lộng và những giỏ phong lan tím nhỏ xinh ngoài song cửa. Sau nghi lễ dâng hương và cúng cơm, chúng tôi quây quần bên Sư phụ và nghe Sư phụ kể về một thời ký ức tuổi thơ trong ngôi nhà ấm cúng này, nơi đã lưu giữ bao kỷ niệm hồn nhiên, trong sáng. Này là nơi má Sư phụ mắc võng nằm trưa, kia là cảnh mấy anh chị em xúm xít bên cạnh Má trong những buổi trưa hè với râm ran tiếng gà gáy… Chúng tôi lắng nghe với nhiều cung bậc cảm xúc như chính mình được trôi về dòng sông ký ức tuổi thơ của Người thầy mẫu mực đến nghiêm khắc nhưng rất giàu tình cảm và hiếu nghĩa. Thêm một lần chúng tôi càng thấy trân trọng và tự hào mỗi khi được trở về đây, nơi đã lưu giữ một phần đời đầy yêu thương đã gắn bó với Sư phụ…
Lần đầu trong đời của chúng tôi được ăn giỗ ở Miền Tây, không thể tin vào mắt mình với những món ăn rất đặc thù của miền quê sông nước An Giang và vô cùng giản dị của một ngày giỗ: bông điên điển xào, canh chua rau muống, nấm rơm kho tiêu, bánh bò nước cốt dừa, nước thốt nốt… không còn lời nào để khen, mà ai nấy chỉ còn biết thưởng thức hương vị đậm đà của các món ăn dân dã mà người Miền Bắc chúng tôi chưa từng được thưởng thức trong không gian đầm ấm, hiếu khách và chân chất của người Nam Bộ. Cảm giác như đây là bữa cơm của một đại gia đình vậy, như những đứa con từ mọi miền đất nước xa xôi nay trở về đây thăm lại gia đình xưa sau bao tháng ngày đầy nhớ nhung và xa cách…, nơi đó vẫn thấp thoáng bóng hình thân quen và hương âm của Sư phụ – người cha tâm linh văng vẳng trong căn nhà này. Thế mới hiểu và cảm nhận được từng lời thơ mà ai đó đã viết: “Mỗi người mỗi nước mỗi non, khi vào cửa Phật là con một nhà”. Chúng tôi bạch với Sư phụ rằng: “Nhà mà đông con như thế này thì nuôi làm sao nổi Sư Phụ nhỉ!”. Sư phụ cười và bảo chúng tôi rằng: “Các con vô chùa tu, Sư phụ nuôi hết…!” Bữa trưa hôm đó thật vui, ai nấy đều cảm thấy thoải mái, hoan hỷ.
Về thăm quê lần này Sư Phụ có dắt theo mấy Chú tịnh hạnh nhơn (chuẩn bị xuất gia) đang trải qua những tháng ngày thử thách, tập sống trong môi trường thiền môn với quy củ, nề nếp nghiêm nhặt… Nay được Sư Phụ cho về quê, Chú nào Chú nấy đều lộ vẻ hân hoan. Sư phụ bảo chúng tôi đi chợp mắt một chút để lát nữa sẽ cùng Sư phụ viếng thăm mộ phần của song thân Người ở Chi Lăng, cách thành phố Châu Đốc 30 cây số. Lúc thức dậy đã hơn 1h chiều, chúng tôi cùng Sư phụ sửa soạn hương hoa và đồ cúng. Đường làng quanh co theo chân núi vùng biên giới huyện Tịnh Biên, rồi cơn mưa bất chợt đi ngang khiến cái nắng dường như dịu lại. Thấp thoáng xa xa, khu mộ phần song thân Sư phụ dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là 1 khu đất nằm thụt lùi vào bên trong, cách mặt đường chừng hơn hai chục thước, chung quanh là cây xanh che mát. Tiến vào bên trong khu mộ phần, chúng tôi bỗng thấy lòng mình như chùng xuống khi đối diện với hình ảnh vừa gần gũi, vừa ngậm ngùi… Sư phụ ngồi bên bia mộ, nhẹ nhàng chỉnh sửa từng nhành hoa, lau chùi tỉ mỉ những vết bụi bám trên di ảnh của Ông bà. Chúng tôi lặng nhìn Sư phụ mà không khỏi chạnh lòng. Vẫn biết, người tu Đạo đã thấu lí vô thường, nhưng làm sao dấu nổi nghẹn ngào khi người con phương xa trở về quê hương với nghi ngút khói hương của tâm thành và lòng hiếu kính bên bia mộ song thân… thâm tâm chúng tôi cũng bùi ngùi, khi nhà ai đó vang lên khúc hát Đạo làm con, tiếng hát ca sĩ Ngọc Sơn như xé lòng Sư phụ và mọi người:
“… Con quỳ con lạy Mẹ Cha
Ơn Cha nghĩa Mẹ con đền được là bao
Bây giờ con đã về đây
Nhưng Mẹ Cha nơi chín suối chân mây
Ơn sâu nghĩa nặng là đây
Con luôn ghi nhớ trong lòng
Làm con chữ hiếu đi đầu
Ơn Cha nghĩa Mẹ khắc sâu trọn đời … !!!”
Từng người chúng tôi lặng lẽ xếp hàng dâng hương trong khu mộ xào xạc lá biếc, lòng thầm cảm ơn Ông bà đã sinh thành, và các Cô chú (anh chị của Sư phụ) chắt chiu nuôi nấng, dành tặng cho Đạo pháp một người con, người em đáng kính. Trong giây phút đó, chẳng ai nói một lời, chỉ có khói hương vấn vít hòa quyện cùng nỗi bùi ngùi và lòng tri ân…
Nán lại một lúc, để tránh đi cái nóng oi bức giữa trưa, thầy trò chúng tôi ngồi xuống bên những bóng mát dưới những tàng cây gần đó. Nghe tin Sư phụ về, anh Thiện Đức, mọi người quen gọi là “Cùi Thơm” lục đục mang bắp vừa mới luộc còn nóng hổi tới, mời Sư phụ và cả đoàn chúng tôi dùng, thêm một lần, chúng tôi cảm nhận được cái tình, cái thân thiết của người dân Miền Tây nơi đây. Thật ấm lòng…!
Mang trên mình lí tưởng cống hiến trọn đời cho Đạo pháp, Sư phụ cũng không thể ở lại lâu hơn. Từ giã nơi an nghỉ song thân Sư phụ, chúng tôi lại theo bước chân Sư phụ tiếp tục những chặng đường dài đang đợi Sư phụ thầy trò chúng tôi ở phía trước. Điểm đến tiếp theo là ngôi chùa Phật Đà, tọa lạc trên mảnh đất Hà Tiên xa xôi phía cực tây của tổ quốc… Mọi người cứ thắc mắc về cái cây tên là thốt nốt nhìn đơn độc vươn lên giữa cánh đồng như những cây cọ của núi rừng Tây Bắc mà sao lại có nước thơm ngọt đến thế, hiểu tâm lý mọi người, Sư phụ nói với bác tài xế cho xe ghé qua một quán nước bên đường để nghỉ mát, nhưng mọi người đều thầm biết ơn Sư phụ đã cho “cơ hội” được “xả nước cứu thân” nữa…! Nằm trên những cánh võng giữa trưa nắng oi ả vùng biên giới, cả đoàn ríu mắt để tĩnh thần, nhưng nháo nhào vì chủ quán bê ra cho mỗi người một cốc to, nước có màu đục đục và những cục trăng trắng dài dài, Sư phụ bảo: Sư phụ mời các con thưởng thức nước và trái thốt nốt nguyên thủy vừa được đem trên cây xuống. Cả đoàn òa lên vì hạnh phúc và thỏa lòng thắc mắc khi sáng giờ về hai chữ “thốt nốt”, cảm ơn Sư phụ! Thật sự là ngon quá, cơm trái thốt nốt mềm dẻo, ngọt thơm, chúng tôi cảm nhận được hương vị của loại thức uống thiên nhiên này nó đậm đà như tấm lòng người Miền Tây.
Trên đường tới Hà Tiên, chúng tôi có dừng lại tại nhà nhóm các Phật tử Diệu Phước ở Kinh 5. Tại đó, chúng tôi được thưởng thức món bánh khọt, một trong những món ăn ưa thích của người dân nơi đây. Ngôi nhà khá rộng cũng chật ních khi chúng tôi bước vào. Chúng tôi ngồi xuống những chiếc bàn đã chuẩn bị sẵn từ trước, mùi thơm từ những chiếc bánh khọt bốc lên thơm phức, khiến mọi người đều háo hức. Từng đĩa bánh khọt nóng hổi được làm bàng loại bột gạo mới xay pha với nước cốt dừa, đổ vào khuôn đất để nướng chín được bày ra, kèm theo những chén nước cốt dừa nhỏ được bày biện khá tươm tất, bánh được đổ thành những cái tròn nhỏ chấm vào nước chấm pha đều chút ngọt chút cay và chua chua, ăn kèm với rau sống xanh tươi, có khế chua, dứa và chuối xanh (chuối chát) nữa… tất cả hòa quyện thành một loại thực phẩm độc nhất vô nhị mà ai nấy cũng xuýt xoa khen ngon. Chúng tôi từ từ thưởng thức những chiếc bánh ngon lành, trong khi đó, Sư phụ và mấy chú tiến lại sát ngay cạnh mấy cái bếp lửa đang nóng hực, và ngồi bên khuôn bánh đang đổ thưởng thức những cái bánh còn nóng hổi mới được cạy ra. Sư phụ giải thích: “Ăn như vậy mới ngon mấy đứa con ơi!” Các Phật tử ở đây rất hiếu khách, lại chiêu đãi tiếp một món bánh rất lạ: tròn tròn, mềm mềm, ngọt ngọt, béo béo, thơm thơm. Chẳng ai bảo ai, đã no mấy cũng ăn hết đĩa, hỏi Sư phụ thì được biết tên loại bánh này là “bánh bèo ngọt”. Loại bánh này đổ bàng bột gạo pha với đường thốt nốt và nước dừa, đổ vào đáy lon nước coca và đem hấp chín, khi ăn rắc lên mặt bánh một ít muối vừng rất thơm và đậm đà. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được thưởng thức nhiều món ăn ngon và lạ đến vậy. Sau khi dùng bánh và nghỉ ngơi chừng vài phút, gửi lời cám ơn tới gia đình và các cô Phật tử, thầy trò chúng tôi lại tiếp tục lên đường thẳng tiến đến chùa Phật Đà…
Nắng chiều đã nhạt dần, đoạn đường phía trước còn khá xa. Chiếc xe lao vun vút về phía hoàng hôn, bỏ lại phía sau là những cái vẫy tay chào tạm biệt của các Phật tử dễ thương và hiếu khách… Nhìn thấy những căn nhà sàn ven hai bên đường được dựng khá cao và kiên cố trên những cọc bê tông, lấy làm lạ về cách dựng nhà nơi đây, chúng tôi thắc mắc hỏi Sư phụ thì được biết: đặc thù địa hình Miền Tây kênh rạch chằng chịt, đến mùa nước nổi thì nước sẽ dâng lên cao ngập mênh mông cả cánh đồng suốt 3 tháng trời, nên người ta phải làm nhà như thế để tránh nước ngập. Màn đêm dần buông, những ánh đèn điện le lói được bật lên từ những căn nhà hai bên đường, chúng tôi cứ nghĩ miên mang về cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn của vùng đất biên giới Tây Nam này.
Chiếc xe cứ thế lao vút đi trong đêm tối, tiếng nói cười cũng từ từ lắng xuống và rồi im bặt, mọi người tranh thủ chợp mắt chốc lát để lấy lại sức khỏe, bởi lẽ ai cũng đã thấm mệt sau một chặng đường dài gần 500 cây số. Chúng tôi tới chùa Phật Đà khi kim đồng hồ đã điểm 8 giờ tối. Bước chân xuống xe, một làn gió nhẹ thổi tới khiến chúng tôi sảng khoái, cảm giác như có cái gì đó linh thiêng đang lan tỏa nơi đây. Từ xa, tiếng chuông chùa thanh khiết vọng lại. Chùa Phật Đà hiện ra trước mắt chúng tôi, với dáng nhỏ bé nhưng khang trang và vô cùng sạch sẽ. Ngôi chùa nằm ngay mặt ngoài của con đường huyết mạch, cây Bồ đề cổ thụ sum xuê im mát, rễ cây phủ lên một khối đá làm bệ đỡ cho bức tượng Phật Thích Ca uy nghiêm, hiền từ ngay phía ngoài cổng chùa. Chúng tôi lục tục kéo hành lí về những căn phòng mà các thầy chùa Phật Đà đã chuẩn bị trước đón đoàn. Sau khi đã tắm giặt và ổn định chỗ nghỉ, chúng tôi dùng tối trên những chiếc bàn nhỏ xinh xắn và ngay ngắn trước sân chùa dưới ánh trăng nhạt. Sự chu đáo của Thượng tọa Trụ trì Thích Huệ Tâm và quý thầy nơi đây khiến chúng tôi vô cùng cảm kích…
Dạo bước trên những ô gạch sạch nhẵn, vuông vức, cơn gió nhè nhẹ khẽ đưa, lay những chiếc chuông gió khua lên những âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng như một làn khói vấn vít, u hồn bên pho tượng cổ. Tình cờ, chúng tôi gặp Sư phụ đang ngồi hóng mát trước hiên Phương trượng, nơi mà Thượng tọa Trụ trì dành để đón Sư phụ và các chú nghỉ qua đêm. Mấy cô Phật tử và các Chú vây quanh Sư phụ râm ran chuyện trò. Sư phụ kể:“… Thầy trò mình đang ngồi ở chân núi Bình San, bên cạnh chùa này là lăng Mạc Cửu vốn là Tổng binh trấn Hà Tiên thời chúa Nguyễn Phúc Chu, đầu thế kỷ XIIIV. Khoảng 70 năm trước, ngôi chùa này được Hòa thượng Chí Hòa thành lập lúc đầu chỉ là một am tranh bên cạnh một lò gạch bỏ hoang với tên gọi là Tịnh xá Chí Hòa, hằng ngày Hòa thượng dùng lò gạch làm nơi tụng kinh bái sám nên bà con quanh đây gọi là chùa “Lò Gạch”. Trải bao biến đổi thăng trầm của thời cuộc, chùa đã hư sụp, đổ nát qua mấy đời trụ trì. Đến năm 1993, thầy Huệ Tâm mới nhận lời về đây trụ trì và dốc toàn tâm toàn lực xây dựng mới hoàn toàn, khang trang như ngày nay. Vết tích xưa chỉ còn lại chính là ngôi tháp thờ Bồ-tát Địa Tạng trước mặt các con đó, vốn là lò gạch hoang phế của quá khứ, nhưng đã được trùng tu lại bằng gạch nung đỏ không tô không trát và mang hình dáng đặc thù của một lò dành để nung gạch của người Miền Tây. Đã 25 năm, đổ bao nhiêu là tâm huyết, công sức, thời gian, mồ hôi nước mắt lẫn cay đắng nhọc nhằn, từ một ngôi chùa đổ nát bỏ hoang giờ trở thành một ngôi già-lam trang nghiêm thế này chính là công đức vô lượng của thầy Huệ Tâm…” Nghe Sư phụ kể mà chúng tôi phần nào cảm phục về ý chí, hạnh nguyện và nghị lực của Thượng tọa Trụ trì, người đã làm nên lịch sử cho Phật giáo Hà Tiên đã từng bị bỏ quên nhiều thập kỷ qua. Sư phụ nói, sáng mai sẽ hướng dẫn chúng tôi đi đảnh lễ Tam bảo và tác bạch khánh tuế Thầy trụ trì, ai nấy trong lòng đều phấn khởi vui mừng. Trời về khuya trăng càng tỏ rạng, chúng tôi đứng lên xá chào Sư phụ về phòng nghỉ, nhường không gian tĩnh mịch cho Sư phụ hòa cùng ánh trăng đang tỏa ánh lung linh, huyền diệu bao phủ cả đất trời…
Bạch Mỹ
(Còn tiếp … )