Phần 2: “Có ai đi, thương về trường xưa?” Vừa lách qua các đại biểu là phụ huynh học sinh đến dự lễ, tôi vừa tranh thủ nhìn sang hàng ghế thứ ba bên kia là nơi các cựu giáo viên vốn là cô giáo dạy học ngày xưa của tôi đang ngồi, “định vị” […]

Phần 2: “Có ai đi, thương về trường xưa?”

Vừa lách qua các đại biểu là phụ huynh học sinh đến dự lễ, tôi vừa tranh thủ nhìn sang hàng ghế thứ ba bên kia là nơi các cựu giáo viên vốn là cô giáo dạy học ngày xưa của tôi đang ngồi, “định vị” những dáng hình thân quen cũ để tránh bị mắc cỡ nhận nhầm như khi nãy.

Tôi hỏi thầy Hoài:

– Thưa thầy, cô Đơn (dạy môn Hóa học) ngồi chỗ nào vậy thầy?
– Kìa, cô mặc áo màu tím đen đó. – Thầy giơ tay chỉ và cầm tay dẫn tôi đến ngay trước mặt cô, vui vẻ giới thiệu:
– Đây, có học trò cũ muốn thăm cô.

Nói xong, thầy Hoài quay lưng đi lo tiếp việc lễ tân, bỏ lại tôi với một chút bối rối. Tôi nhớ các cô giáo của mình lắm, ai tôi cũng muốn được gặp lại, nhưng ẩn trong tôi vẫn có một nỗi ngại ngần. Khi xưa đó, những lúc thầy trò có dịp thân mật trò chuyện, các cô vẫn thường hỏi chúng tôi về những ước mơ tương lai khi rời ghế học đường. Ôi chao, thế giới của tuổi học trò vốn là thế giới bay bổng của những ước mơ mà. Nên khi có dịp thổ lộ, chúng tôi thường tô đủ sắc màu cho những chiếc bong bóng tưởng tượng, thổi vào đó bao điều lãng mạn mình nghĩ ra, kể cả những điều không tưởng nhất. Ai mà lại không có ước mơ, cho nên, ngay cả mấy trò trong lớp suốt mấy mùa thi “cầm đèn đỏ” không chịu chạy, khi được thầy cô hỏi, cũng bộc bạch những ước mơ vào đời thật “khủng”: sẽ thi vào các Đại học danh giá để làm bác sĩ, kỹ sư, cử nhân tài chánh-ngân hàng… Dè dặt, hiền lành, nhút nhát như tôi cũng ôm đầy khát vọng trở thành thầy giáo, trong khi mấy đưa bạn thì truyền miệng nhau về đẳng cấp của các trường Đại học ngày đó qua câu “nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua…”

Tôi còn nhớ, khi thổ lộ ước mơ của mình với nghề “gõ đầu trẻ” hướng về cái trường bị tụi bạn “bỏ qua” thì các cô rất ủng hộ và khuyến khích tôi cố gắng, vì nhận xét tôi thích hợp làm giáo viên bên bục giảng và phấn trắng. Ước mơ đời rồi cũng qua, trở về hôm nay cũng là một ông giáo, cũng gắn bó với bục giảng và phấn trắng, nhưng là một ông giáo tu sĩ, tôi không đoán được thái độ tiếp nhận của các cô giáo mình. Có tâm hiểu đạo để mừng cho tôi không, hay lại lấy con mắt đời mà “thương tiếc” đứa học trò nhỏ đáng thương năm nào?

Tôi cũng sợ các cô sẽ e ngại, giữ một khoảng cách với “ông thầy” hiền lành trong tấm áo nâu bạc, khác xa hình ảnh cậu học trò Võ Liêu loăn xoăn, lích xích ngày nào. Như vậy rồi, không biết các cô có thân mật như ngày xưa hay lại có khoảng cách thì sao mà chuyện trò, tâm sự tự nhiên được.

Thật cảm động, tất cả ngoài dự đoán của tôi. Vừa gặp, cô Đơn đã nắm tay tôi hỏi ngay:

– Võ Liêu phải không?
– Dạ phải, em đây cô!

Tôi xúc động khi thấy cô vẫn còn nhận ra tôi trong chiếc áo tu. Rõ ràng, dù đã xa cách 29 năm ròng chưa từng gặp lại, cô vẫn lưu giữ đường nét hình ảnh lũ học trò đã đi qua những năm tháng trong cuộc đời dạy học của mình. Như mở cờ trong bụng, tôi cầm lấy đôi bàn tay nhiều nếp nhăn của cô hỏi thăm đủ thứ chuyện, cô cũng vui vẻ cười nói thân tình. Nhìn cô cười với khuôn miệng móm hom hem, tôi chợt ứa nước mắt. Ngày xưa đó, cô vốn nổi tiếng trong trường với hai đặc tính như đã mặc định từ ngàn xưa: một là không bao giờ cười, hai là không bao giờ nhận xét xếp loại tiết học A cho dù lớp ngoan đến đâu. Sự nghiêm nghị của cô thường dẫn đến những đề tài đánh đố vui vui của lũ học trò ranh mãnh chúng tôi, như cá cược xem hôm nay cô có cười không, hôm nay có điểm A không…

Có một câu chuyện, nhắc lại chắc các bạn học cùng lớp 11F của tôi vẫn còn nhớ. Gần cuối năm học đó (1988), thầy Hoài tuyên bố với lớp tôi rằng: “Nếu cô Đơn chấm loại A, thầy sẽ đãi cả lớp ăn chè.” Bọn chúng tôi nhao nhao:

– Trời, đợi tết Maroc cũng không có chè ăn đâu!
– Thầy ác quá đi!
– Cô Đơn và điểm A, có nằm mơ không ta!
– Coi như hết đường ăn uống rồi tụi bây ơi…!

Nhưng chẳng biết hôm ấy, có niềm vui gì dữ lắm mà khiến cho cô Đơn phê tiết học A vào Sổ đầu bài của lớp tôi. Chúng tôi chẳng khác nào những chiến binh thắng trận ca khúc khải hoàn: hò reo, vỗ bàn, ôm nhau nhảy tưng tưng trong lớp rồi cùng nhau chạy tứ phía đi tìm thầy Hoài để đòi “nợ”.

Hôm nay, người không cười đó đã cười. Nhưng nụ cười của cô lại đốt cháy lòng tôi trong một nỗi sợ hãi. Cô đã già thật rồi, nụ cười móm mém nhiều vết nhăn nơi khóe miệng. Dấu ấn tàn nhẫn của thời gian, sẽ còn bao lần nữa tôi được gặp lại cô với nụ cười đầy tuổi tác này? Chẳng ai có thể trả lời cho tôi câu hỏi này, khi từng sát-na đi qua với tuổi già là thời gian được tính bằng ngày, vô thường vẫn lạnh lùng lướt ngang qua mỗi chúng ta với nụ cười bí hiểm.

Thầy Toàn
Họp mặt các thầy cô và học sinh năm 2016:
– Từ trái sang: thầy Quân (chồng của Đào Thy Thuỳ Trang – 12F),
thầy Hoài, thầy Trí (Thể dục), thầy Toàn, thầy Tôn Việt.
Họp mặt các thầy cô và học sinh năm 2016:
 – Hàng trước, từ trái sang (thầy cô cầm hoa): thầy Chí (Thể dục),
thầy Trung Liên (chồng cô Mai), 
cô Ánh, cô Xuân,
cô Đơn, cô Tuyết Nga, cô Mai, cô Tùng (vợ thầy Tới);

– Hàng sau: thầy Huy (đương kim Hiệu trưởng), thầy Hoài,
thầy Tôn Việt, thầy Toàn, thầy Trí (Thể dục)
Họp mặt các thầy cô và học sinh năm 2017:
– Hàng thứ nhất từ trái sang: cô Hải (vợ thầy Luyến), cô Tuyết Nga, cô Mai,
cô Quế Lan, cô Hồng, cô Xuân;

– Hàng thứ 2: thầy Hoài, cô Ánh, thầy Tôn Việt, thầy Hiền Trí (Vật lý),
thầy Quang (Nguyên Hiệu phó);

– Hàng sau cùng: thầy Trung Liên, thầy Nguyên (dạy Sử), thầy Tới, thầy Luyến, thầy Toàn.

Để chặn lại giọt nước mắc xúc cảm cứ muốn tuôn ra, tôi quay sang cầm tay một cô giáo già lạ hoắc ngồi bên cạnh cô Đơn, miệng thân tình chào hỏi:

– Em xin lỗi, cô tên gì vậy cô?
– Quế Lan, cô chủ nhiệm của em đây mà!

Trời ơi! Câu trả lời của cô nhẹ như thầm thì chỉ cho đủ mỗi tôi nghe, nhưng đã làm tôi tái tê trong cảm giác ân hận vì quá vô tình. Cô ngước lên nhìn người học trò cũ với ánh mắt không vui cũng không buồn, nhưng tôi lại thấy trong đó đao đáo nỗi niềm của người bị bỏ quên. Ngày xưa lũ học trò chúng tôi vẫn rất ngưỡng mộ đôi mắt đẹp của cô, đôi mắt dài như mắt chim phụng trong hình vẽ, lúc nào cũng lấp lánh ánh cười. Trải qua bao cuộc bể dâu, đôi mắt ngày xưa đó giờ chỉ còn lại những vết chân chim nhăn nheo, xập xệ. Đôi mắt đó đang nhìn tôi trong vẻ chấp nhận thân phận người lái đò trên bến nước cô liêu. Tim chợt nhói, khi tôi biết mình là một trong vô số khách hờ hững, qua sông không ước hẹn ngày trở lại bến sông xưa thăm con đò cũ. Một lần đi là đi mãi, không biết có mấy ai nhớ, mấy người trông về nơi này đã và đang có những người chèo đò tri thức mòn mỏi đợi chờ.

Tôi cúi đầu tạ tội với cô như trẻ con tiểu học, khoanh tay trước cô giáo:

– Em thành thật xin lỗi, mong cô đừng buồn!
– Không có gì đâu… Thầy!

Cô ngập ngừng đổi cách xưng hô với tôi. Tôi cảm nhận được nỗi cô đơn của người thầy bị học trò quên lãng, buồn lắm mà không dám trách ai, những lúc như thế, chỉ biết tự an ủi bản thân trót mang nghiệp lái đò:

Đón đưa bao kẻ sang sông,
Nhớ quên mặc kệ vẫn ông chèo đò.

Tôi làm thầy giáo từ 25 năm qua và hiện cũng đang làm một ông giáo bắt đầu già. Trong chặng đường đó, tôi cũng đã gặp, rồi quen biết, rồi cũng đã từng nhớ những học trò của mình dù có cách xa đến ngàn trùng… Nhiều buổi chiều tà, tôi thả từng bước chân nhẹ xuống con đường lát gạch đỏ trong khu thiền thất của Viện Chuyên Tu ở làng Vạn Hạnh, lát đát sót lại vài giọt nắng úa trên tán lá. Trong lặng thinh của không gian, tôi lại nhớ từng giọng nói bổng trầm, từng ánh mắt ngơ ngác, từng bóng hình thân quen của các lớp Tăng sinh ngày xưa… Tất cả hiện lên trong tâm thức không hề nhạt phai, dù năm tháng có chồng chất lên mái đầu đã pha sương. Những lúc ấy, từ sâu thẳm trái tim tôi bỗng vẳng lên câu hỏi như xé lòng: “Biết có còn ai nhớ đến mình không?”

Hôm nay, vì sự vô tình quá đỗi của mình, tôi lại thương cô quá! Tôi thương cô, thương cho chính tôi, hai thế hệ thầy trò đối diện mà không nhận ra nhau. Tôi thương những ký ức đẹp đã qua, thương một thời để nhớ. Giờ hồi tưởng lại phút giây đó, tôi lại ngậm ngùi cho kiếp đời phiêu bạt không mong đợi của những ai rời xa xứ sở vì mưu sinh, tôi cảm thấy sống mũi cay cay vì đâu đây vọng lời tự trách mình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong nhạc phẩm Bên đời hiu quạnh, thật tha thiết mà lay động tâm hồn bao kẻ tha hương không có cơ hội về lại chốn xưa:

Rồi một lần kia khăn gói đi xa 
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ.

Không khí như chùn xuống bởi sự biến chuyển quá nhanh của dòng cảm xúc từ vui sang buồn, tôi giả lả láy sang chuyện thăm hỏi cô giáo ngồi bên cạnh. Như để tôi không phải rơi vào xúc cảm hối hận, khi tôi nắm tay thì cô giáo có nước da ngâm đen cười thật có duyên đã nói trước:

– Cô là Bích Thủy, dạy Chính trị nè!
– Em chào cô, lâu quá em mới về lại trường và gặp các cô nên em nhận không ra.

Cô ngày xưa nghiêm lắm, mà giờ lại cười thật thân thiện. Tôi thấy ấm áp vô cùng khi được đứng nơi này.

– Cô là cô Xuân dạy Anh văn đây Thầy. – Cô giáo mặc áo màu xanh ngồi bên cạnh, tự giới thiệu thật nhanh.

Tôi như được giải cứu khỏi áp lực bởi các bậc “bề trên” quá nghiêm nghị vây quanh từ câu nói rất đổi thân quen của thằng bạn trên mặt có 3 cái lỗ – 2 đồng tiền sâu trên má và chiếc cằm chẽ tên Huyên Phương vừa đến sau lưng:

– “Má Xuân” đó Thầy!
– A, em nhớ rồi, “Má Xuân” ngày xưa có nhiều áo model nhất, và cũng điệu nhất trường này nè!
– Thầy nữa, dám ghẹo cô hả? – Cô Xuân cười rạng rỡ như phân bua với mọi người về sự thật này…

Tất cả các cô giáo của các thế hệ đang hiện diện của mấy hàng ghế, ai có nghiêm đến đâu cũng quay về hướng tôi cười phì, bởi điều này ai cũng biết nhưng không phải ai cũng dám nói. Có lẽ, các cô giáo cũng nể người học trò “cá biệt” như tôi.

– Thầy nói đó, chứ ai là chết rồi. – Cô Tùng (dạy môn Văn) lên tiếng ủng hộ tôi.
– Dạ không, em cũng sợ chết lắm, nhưng chắc “Má Xuân” không nở “hạ độc thủ” với người học trò hiền lành, dễ thương như em đâu!

Cứ thế, các cô đổi sang gọi tôi gọi bằng tiếng “Thầy” trân trọng, nhưng âm điệu vẫn nghe rất thân mật, thương yêu làm cho đứa học trò cũ là tôi xóa tan mọi ngại ngần, lúng túng.

Thầy Thiện Thuận đang thăm hỏi thầy Tôn Việt

Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường
Từ trái sang phải: cô Xuân, cô Mai, cô Quế Lan, cô Đơn,

thầy Thiện Thuận, cô Ánh, cô Hồng, thầy Quang, thầy Tôn Việt

Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường – 2018
– Từ trái sang, các thầy cô hàng đứng: thầy Quang, thầy Toàn (dạy Vật lý), cô Tùng,
thầy Tới, cô Hồng, cô Mai, cô Ánh, cô Đơn, cô Quế Lan, cô Xuân;

– Các bạn hàng đứng phía sau: Lý Hùng, Văn Lắm, Quốc Vinh (kế thầy Thiện Thuận),
Hoàng Phú, Mỹ Dung, Lê Loan, Thanh Nhàn,
Hồng Nhiệm, Sơn Thảo (áo bông), Xuân Mai, Kiều Thu (áo đen);

– Các bạn hàng ngồi phía trước: Quang Thuần, Minh Hoàng, Hoàng Huy, Sĩ Phong,
Kim Phượng, Phô Ly, Tiến Được, Bửu Anh, Huyên Phương.
Thầy Thiện Thuận đang trò chuyện thăm hỏi thân mật với các thầy cô giáo cũ.

Tôi nhận ra ánh mắt của cô Tuyết Nga (dạy môn Hóa học) đang ngồi sau lưng cô Đơn của hàng ghế phía sau. Sau khi chấp tay chào cô, tôi chồm đến chìa tay ra, cô đưa bàn tay nhăn của mình nắm lấy tay tôi:

– Thầy khỏe không? Tu ở chùa nào vậy?
– Dạ, cảm ơn cô. Em khỏe, em tu ở Viện Chuyên Tu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi nào có dịp, em đón cô ra chùa em cho biết.
– Cô lúc này khó đi xa được lắm Thầy. – Giọng nói của cô đã trầm xuống một chút như dấu một hơi thở dài.

Ngày đó, lũ học sinh ngổ ngáo chúng tôi rất sợ ánh mắt của cô Nga, nó đẹp mà rất sắc, nó xanh mà không mơ huyền, nó sáng mà lại rất uy lực. Cô lên lớp dạy học với phong thái mạnh mẽ, kỷ cương và trách nhiệm. Mắt cô liếc qua dãy bàn nào thì y như rằng chỉ có những cái đầu cúi rạp xuống. Nói chung, cô luôn có vẻ khó, pha một chút “dữ dằn” nên không “thằng quỷ” nào trong lớp dám hó hé vào giờ học của cô. Nhưng lạ kỳ, khi gặp cô ngoài cửa lớp thì cô lại như một người khác: hiền lành và rất chân tình. Chính vì thế, bọn chúng tôi sợ cô trong lớp, nhưng hay theo đuôi cô ngoài tiết học để hỏi mọi thứ trên đời, để được nghe cái giọng trong trẻo của cô nói chuyện.

Thời gian đã đem lại quá nhiều sự đổi thay. Có những sự đổi thay đến ngỡ ngàng, nhưng tôi thật sự vui mừng khi thấy các cô giáo của tôi vẫn còn duy trì sự minh mẫn ở tuổi “xưa nay hiếm”. Âu đó cũng là món quà đầy niềm vui tôi sẽ mang về ngôi chùa tĩnh lặng của mình sau buổi hôm nay. Chắc chắn, tôi sẽ gởi vào thời kinh tối lời cầu nguyện đêm ngày an lành, cho những thầy cô giáo kính yêu.

Đã sắp đến giờ diễn ra lễ chính thức, tôi tạm giã từ các cô để về chỗ của mình. Vừa bước ra khỏi khung rạp tiền chế thì cô Lẹ, vị Đại biểu Quốc hội duy nhất của Châu Đốc tôi ngày xưa, một thời là niềm tự hào, ngưỡng mộ của cả trường, chợt tiến đến. Cô bặt thiệp nắm lấy tay tôi, chủ động hỏi trước:

– Thầy Thiện Thuận phải không? Thầy học niên khóa nào của trường vậy?
– Dạ phải, em đây cô. Em học từ năm 1987 đến 1989.
– Thầy tên gì vậy?
– Dạ, em tên Võ Liêu thưa cô.
– Dường như cô đã có đến viếng chùa của Thầy, gần Đại Tòng Lâm phải không?
– Dạ, phải rồi cô. Cô còn ở Châu Đốc không vậy cô?
– Không, cô rời Châu Đốc lên thành phố (Sài Gòn) sống theo con cái từ năm 1992 lận Thầy. Thôi, tới giờ rồi, sau lễ mình gặp nhau nha.

Tuổi ngoài 70 mà cô vẫn năng động, minh mẫn, chợt đến chợt đi như một cánh hoa dầu xoay tít bay trong gió giữa sân trường, ngày xưa và bây giờ vẫn thế. Cô dường như không thay đổi nhiều. Cuộc đối thoại ngắn ngủi, vỏn vẹn chưa đầy 1 phút với cô làm tôi vui lắm. Bởi cô Lẹ vốn là thần tượng của học trò chúng tôi ngày đó.                           

Tôi còn nhớ, cô chỉ vào lớp tôi dạy môn văn đúng một lần thay thế cho cô Truyền (vợ thầy Tính) bị bệnh, nhưng dấu ấn cô để lại trong bọn tôi thì thật khó phai nhạt. Ngày đó, cô đã đi tay không vào lớp dạy học. Không giáo án, không một mãnh giấy ghi chép, bọn chúng tôi nhìn cô bằng ánh nhìn ngờ vực rất trẻ con. Nhưng chỉ 5 phút thôi, chúng tôi cứ ngỡ mình đang tham dự một buổi diễn thuyết vì hoàn toàn bị chinh phục bởi cách dạy, cách bình, cách giảng và cách dẫn chuyện của cô vô cùng thuyết phục người nghe: nhẹ nhàng mà không ủy mị, triết lý mà không khiên cưỡng, thực tiễn mà không khô khan. Rồi lại nghe cô giữ chức vụ gì đó (Đại biểu Quốc hội) cũng rất quan trọng, thầy Hiệu trưởng Thái Văn Tình cũng phải nể nang, chúng tôi thần tượng cô lắm. Tôi đã từng ước ao sau này khi làm ông thầy giáo cũng sẽ giống thần thái của cô, không giáo án, không giấy bút mà dẫn dắt người thăng hoa vào thế giới của văn chương, thi phú không muốn quay về. 

Tôi trở về chỗ ngồi, có nhiều bạn chờ và dành sẵn một ghế trống. Lòng vẫn còn lưu luyến những cảm xúc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác ngày hội ngộ. Bên tai, tôi nghe các bạn nói đủ thứ mà không dám phân tâm, chỉ sợ khuấy động giấc mơ hoa đẹp đẽ được tái hiện từ sáng đến giờ của tôi ngày trở về.

(còn tiếp…)