Có một người trẻ đã viết: “Nếu bạn luôn cúi đầu trước sự vĩ đại của người khác thì bạn mãi mãi chỉ là một ngưòi cúi đầu. Hãy đi tìm sự vĩ đại của riêng mình để thể hiện và phát huy nó’’

Phần 2: LÒNG NGƯỜI MIỀN XUÔI

05:30 sáng ngày 13/5/2016, đoàn chúng tôi xuất phát, thẳng tiến về Yên Bái – tỉnh đầu miền núi rừng Tây Bắc. Các anh chị em Phật tử ở Hà Nội rất chu đáo, mang theo những phần quà được chuẩn bị cả tuần trước đó cho chương trình thiện nguyện. Và cũng không không quên lo cho Đoàn những gói xôi nóng hổi, thơm lừng mùi nếp, mùi mè, mùi đậu phộng. Đến bây giờ, khi đã về miền Nam rồi, ngồi viết những dòng này, tôi vẫn còn thấy thòm thèm những hạt đậu phộng xứ Bắc vừa to, vừa bùi bùi, ngòn ngọt, bị tôi lắc ra ăn hết trước, để lại một nắm xôi to, trắng toát ăn sau.

THẾ GIỚI CỦA EM

Hơn hai tiếng đồng hồ ròng rã vượt quãng đường xa hơn 140km, cuối cùng đoàn đã tới được trường cấp 1 – 2 thuộc xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Đón tiếp Đoàn là các thầy cô giáo, Ban Giám hiệu của hai trường và toàn bộ 305 em học sinh chỉnh tề xếp hàng trong trang phục của một ngày lễ. Những em lớn cấp 2 mặc áo thể thao đỏ tươi có hình cờ Tổ quốc; các em cấp 1 thì trang trọng trong áo trắng, quần xanh, mũ calo, khăn quàng đỏ đội Thiếu niên Tiền phong. Chiếc mũ may bằng chất liệu vải trắng thô cứng, khéo léo điểm thêm đường viền đỏ cũng đã che cho các em cái nghèo khổ của con em người dân ở một xã nhỏ heo hút miền núi rừng Tây Bắc. Phương tiện học tập còn nhiều thiếu thốn, đường đến trường khá xa xôi, có em phải lội bộ hàng 4-5 cây số. Hôm nay, trông các em thật tươm tất. Một rừng áo trắng học trò đơn sơ ngồi im, ngoan ngoãn trong nắng sớm, ngước những đôi mắt tò mò, đầy những dấu chấm hỏi về những người lớn xa lạ đang trìu mến ngắm nhìn mình. Khi nghe thông báo hôm nay sẽ có các tặng phẩm xe đạp, cặp táp, ba lô, dụng cụ học tập, vở trắng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, các em nhỏ đã reo lên vui mừng. Còn các em lớn thì có vẻ kềm chế hơn, nhưng cũng không thể dấu niềm vui trong ánh mắt tò mò, chờ đợi, cả những nụ cười lấp ló trên khuôn miệng, chực chờ cơ hội bung ra toe toét như cái hoa kèn.

Dưới sự hướng dẫn của Sư chú Thích Tâm Đạo, Thầy và các Phật tử đại diện cho Ban Thiện nguyện Ánh Đạo thực hiện buổi phát quà gửi đến các em học sinh nghèo hiếu học của hai trường trong xã Cường Thịnh. Trong lời phát biểu mở đầu, Thầy trưởng đoàn ân cần tâm tình với các em học sinh: “Các con phải tập trung vào học tập, không để phí thời gian vào các trò vô bổ như chơi games, facebook, tán gẫu… các con đã biết buồn thì đừng bao giờ làm cho thầy cô giáo và ba mẹ phải buồn, ba mẹ đã chịu nhiều vất vả để lo cho các con rồi, nếu cuộc sống này không có ba mẹ thì các con sẽ đi về đâu, sống như thế nào? Do đó, học giỏi không chưa đủ để nên người và tiến thân tốt, mà các con phải biết quan tâm đến người thân trong gia đình, hạn chế tối đa tụ tập bạn bè xấu bắt chước tánh lêu lỏng, đua đòi. Các con yên tâm lo học tập, sẽ có rất nhiều người lặng thầm đồng hành với các con trên đường học tập, hướng đến tương lai.”

20 chiếc xe đạp, phương tiện quý hiếm cho việc đến trường của học sinh vùng đồi núi đã được phát tặng cho các em cấp 2 có thành tích trong học tập và hoàn cảnh kinh tế gia đình  nhiều khó khăn. Tổng số xe đạp này do Phật tử Diệu Đoan và Cty xe đạp Thống Nhất, mỗi bên ủng hộ 50% tiền mua xe. Nhận phần quà vượt xa ước mơ nhỏ nhoi của mình khi được mời tập trung đến trường, trông các em thật nhiều cảm xúc. Tôi đã thấy có em được mời lên, đứng bên cạnh chiếc xe đạp mới của mình rồi  mà chỉ dám tựa vào, bàn tay vẫn còn rụt rè chưa dám nắm chặt chiếc ghi-đong. Nhưng ngược lại, có em cứ chăm chăm nhìn ngắm, háo hức quan sát từ trên xuống dưới “con ngựa sắt” từ nay sẽ là bạn đồng hành của mình trên đường đến trường – mặc cho cả thế giới chung quanh muốn ra sao cũng được.

305 phần quà khác gồm ba lô, cặp sách, tập viết, quà bánh cũng được Thầy và cả đoàn chia ra phát cho toàn thể các em học sinh. Những đôi má hồng đỏ ao của trẻ con miền núi càng ửng hồng hơn trong niềm vui có được quà. Các em không đợi chờ lâu mà ngồi tại chỗ đón nhận và mở toang ra ngay chiếc cặp sách vừa được phát để khám phá thêm điều thú vị bên trong. Những chữ “Ô” liên tục xuất hiện trên cái miệng xinh xắn và ánh nhìn như “không thể tin được” rất ngộ nghĩnh của chú bé lớp 3 bên cạnh tôi, khi mở ra hộp bút bên trong chứa nhiều thứ chú vẫn chờ đợi: thước kẻ, bút bi, tẩy, tập viết và cả những cây chì màu cho bức tranh chú vẫn ao ước vẽ ra. Có thể, những vật phẩm này chỉ thường thôi với nhiều học sinh phố thị, nhưng trong tay chú bé vùng cao này là cả một trời ước mơ đã thành hiện thực. Các em dường như đã buông cả trái đất ra, thế giới của em chỉ còn là cái cặp học, cái ba lô chứa những điều kỳ diệu được mang đến từ những tấm lòng biết thế nào là giá trị của yêu thương và san sẻ.

Theo sự hướng dẫn của các thầy cô, đáp lại những ân tình của mọi người, các em học sinh đã đồng thanh hát dâng lên Thầy và Đoàn bài ca tạm biệt. Nhìn những ánh mắt rực sáng niềm tin và hy vọng, những nụ cười đầy hoan hỷ của các em, tôi thật sự cảm nhận hơi ấm hạnh phúc đang tràn ra trong huyết quản mình. Chợt nhớ lại một câu trong bài hát của người nhạc sĩ mà tôi ngưỡng mộ: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hửng hờ!” Vâng, đời người thật ngắn ngủi, loanh quanh một chút đã thấy xuân sanh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn, tuổi đời chồng chất trên đôi vai mỏi mệt. Có một người trẻ đã viết: “Nếu bạn luôn cúi đầu trước sự vĩ đại của người khác thì bạn mãi mãi chỉ là một ngưòi cúi đầu. Hãy đi tìm sự vĩ đại của riêng mình để thể hiện và phát huy nó’’ – Với riêng tôi, sự “vĩ đại” của những người trẻ có, già có hiện diện hôm nay, nơi này, chính là thái độ sống biết buông bỏ cái riêng tư để đến nơi đang cần đến và  sẻ chia yêu thương.

Chúng tôi chia tay các em với những đôi tay vẫy chào. Các em một tay ôm cứng phần quà của mình, một tay vẫn cố giơ lên vẫy vẫy thân thiện với những cô chú, anh chị đã từ một nơi rất xa mang ấm áp và yêu thương đến với ngôi trường nhỏ miền núi đồi Tây Bắc có tên Cường Thịnh. Xin chúc các em sẽ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, chuyên cần học tập để mai đây góp phần thực hiện cuộc đổi đời cho mình, cho gia đình, xóm làng và quê hương cũng trở nên Cường Thịnh như tên ngôi trường bé nhỏ hôm nay.

Một số hình ảnh được ghi nhận trong buổi phát quà các em học sinh tại trường Tiểu học, Trung học cơ sở Cường Thịnh:

 (2) P5130178 (2) P5130227 (2) OLYMPUS DIGITAL CAMERA P5130234 (2) OLYMPUS DIGITAL CAMERA OLYMPUS DIGITAL CAMERA P5130309 (2) OLYMPUS DIGITAL CAMERA OLYMPUS DIGITAL CAMERA OLYMPUS DIGITAL CAMERA OLYMPUS DIGITAL CAMERA OLYMPUS DIGITAL CAMERA P5130340 (2) OLYMPUS DIGITAL CAMERA P5130386 (1) P5130386 (2) P5130386 (3) P5130386 (4) OLYMPUS DIGITAL CAMERA P5130403 (2) P5130403 (3) OLYMPUS DIGITAL CAMERA OLYMPUS DIGITAL CAMERA P5130446 (2) OLYMPUS DIGITAL CAMERA OLYMPUS DIGITAL CAMERA P5130456

 NÚI RỪNG VANG TIẾNG “NAM MÔ”

Đoàn chúng tôi lại tiếp tục chuyến hành trình đến Phật đường Tuyết Liên Hoa trong xã Cường Thịnh để tham dự Lễ Tắm Phật do ĐĐ.Thích Tâm Đạo chủ trì.

Tại đây, đoàn nhận được sự chào đón hết sức nhiệt thành của bà con Phật tử địa phương. Áo tràng nâu xen lẫn áo tràng lam thêm chút cầu kỳ với vòng chuỗi đeo quanh cổ, gần 200 phật tử đạo tràng Tuyết Liên Hoa nồng nhiệt đón đoàn. Được biết, nơi đây Phật tử rất khát pháp, nhưng vì địa lý hiểm trở, giao thông không thuận lợi nên bà con rất đổi khó khăn trong vấn đề đến chùa để tu học. Nhưng bà con vẫn cố gắng thu xếp đến chùa tụng kinh, niệm Phật, học hỏi giáo lý. Chia sẻ niềm vui với bà con nhân ngày Lễ Phật đản, Thầy Trưởng đoàn đã lần lượt phát 100 phần quà cho những gia đình gặp hoàn cảnh nghèo khó, mỗi phần trị giá 300.000 đồng. Nhìn các bà cụ ốm yếu, rạng rỡ nụ cười hân hoan khi đến chùa tu học và nhận quà, lòng chúng tôi cũng lây lan niềm vui cùng các cụ trong ngày Phật đản sanh.

Buổi chiều, Thầy có buổi pháp thoại ngắn với bà con Phật tử trong đạo tràng với chủ đề: “Tính nhân quả trong Đạo Phật”. Trong bài giảng này, thầy vẫn luôn nhắc nhở Phật tử về những vấn đề liên quan đến sự vô thường tại thế, và tinh tấn thực hành đúng chánh pháp của Đức Phật. Không nên mê tín dị đoan mà làm mất đi tín tâm, có thể đưa đến sự hủy báng Tam bảo, vô tình gieo ác nghiệp cho chính bản thân mình. Buổi pháp thoại kéo dài hơn dự tính của chương trình với những tràng pháo tay liên tục biểu thị sự hoan hỷ, thấu đạt. Gần cuối buổi giảng, các Phật tử bắt đầu mạnh dạn đưa tay xin phép trình bày những thắc mắc có lẽ đã từ rất lâu chưa có được lời giải đáp. Phần nhiều đi lạc chủ đề bài giảng, nhưng những thắc mắc ấy lại rất gần gũi và va chạm trực tiếp trong mọi sinh hoạt đời thường. Thầy hoan hỷ lắng nghe và giải đáp mọi câu hỏi thật rõ ràng, chi tiết nhằm giúp cho các Phật tử có cái nhìn chánh kiến. Không khí sôi động hẳn lên khi Thầy hỏi: “Trong đây có vị nào vào chùa lễ Phật mà đem tiền nhét vào tay Phật, hoặc rãi tiền lên Phật không?” Thật dễ thương cho các cụ thật thà, giơ tay mà con lớn tiếng khoe công: “Dạ, con có ạ!”. Thầy mời một cụ đứng lên, hỏi: “Tại sao bà lại nhét tiền vào tay đức Phật?” Bà cụ hồn nhiên giải thích: “Dạ, con làm thế cho đức Phật biết là tiền của con ạ!” tiếng cười thống khoái của mọi người bởi sự chơn chất của bà con miền ngược vang cả núi rừng. Thầy cũng cười, và ân cần giải thích: “Khi mình phát tâm chân thật cúng dường thì Đức Phật đã chứng biết hết rồi, không cần phải làm như thế nữa, vì nếu cúng dường mà còn thấy mình cúng dường để kể công với Phật thì phước báo sẽ không được trọn vẹn”.

Đúng 03:30 chiều, Đoàn chia tay mọi người để lên xe trở về thành phố Hà Nội.

Một số hình ảnh được ghi nhận tại Phật đường Tuyết Liên Hoa:

IMG_3147 IMG_3152 IMG_3153 IMG_3155 IMG_3158 IMG_3160 IMG_3165 IMG_3167 IMG_3178 IMG_3179 IMG_3182 IMG_3194 IMG_3206 IMG_3207 IMG_3216 IMG_3221 IMG_3222 IMG_3227 IMG_3235 IMG_3242 IMG_3243 IMG_3246 IMG_3248 IMG_3249 IMG_3255

MÁU CÙNG ĐỎ VÀ NƯỚC MẮT CÙNG MẶN

06:30 tối, Đoàn về đến chùa Nam Dư Thượng, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Ni trưởng Trụ trì Thích Đàm Quang ân cần tiếp đón Đoàn và chỉ dạy Phật tử bổn tự hướng dẫn Đoàn dùng cơm tối.

Buổi giảng được tổ chức tại giảng đường lớn của chùa, có khoảng 1000 Phật tử về tham dự buổi thuyết giảng với tinh thần hoan hỷ và nhiếp tâm. Chủ đề: “Tính bình đẳng trong Đạo Phật” đã được Thầy chọn làm đề tài trao đổi cùng Phật tử Đạo tràng Nam Dư Thượng. Với cách diễn giải khúc chiết và thực tế, Thầy đã phân tích và khẳng định: “Ngay trong buổi hoàng hôn tăm tối của một thực trạng phân chia giai cấp tại xã hội Ấn Độ cổ đại, Đức Phật đã dũng mãnh gióng tiếng chuông tiên phong phá tan bóng đêm của xích xiềng nô lệ và bức tường phi lý của phân chia giai cấp bằng một châm ngôn vĩ đại: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn”. Lời tuyên bố hùng hồn ấy của Đức Phật là nền tảng để hình thành một hệ thống giáo lý, mà trong đó tính bình đẳng được thể hiện trọn vẹn cả về phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn. Theo Phật giáo, mọi sai biệt trên thế giới này đều tùy thuộc vào các nhân duyên mà sinh khởi; cũng vậy, sự khác nhau về địa vị, hoàn cảnh giàu sang hay nghèo khổ, ngu dốt hoặc thông minh… tất cả đều hoàn toàn do hành vi tạo tác của mỗi con người chứ không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo bất kỳ một thông lệ hoặc quy định nào.

Cứ thế, từng sợi tơ giăng mắc ẩn che trang Kinh Phật được Thầy kiên nhẫn gở ra, trả về trạng thái chân nguyên cho những ý niệm, những nhận thức đúng đắn về đạo Phật. Như uống nguồn suối mát, thính chúng lắng lòng ngồi nghe trong niềm hoan hỷ tột cùng: Hôm nay có Thầy về giảng pháp.

Kết thúc buổi pháp thoại, Phật tử trong đạo tràng đã tha thiết cầu thỉnh Thầy thường xuyên đến để thuyết giảng giáo lý, giúp bà con củng cố niềm tin và có thêm kiến thức vững chắc về chánh pháp. Phật tử Nam Dư Thượng chia tay Thầy với những món quà nhỏ của quê nhà và xin phép chụp ảnh lưu niệm. Một điều bất ngờ đã làm Thầy phải bối rối, có mấy em nhỏ theo ba mẹ nghe giảng xong lại chủ động đến xin Thầy đi tu một cách thành tâm. Qua câu chuyện Thầy trao đổi, hỏi han mới biết các em này dù chỉ 7,8 tuổi nhưng cũng đã có sở thích nghe Thầy thuyết pháp mỗi ngày trên youtube. Thầy ân cần khuyên các em siêng năng đi học, hiếu thảo với ba mẹ – đó cũng là hành vi tu tập ở gia đình. Đợi khi đến tuổi trưởng thành, nếu vẫn còn nuôi dưỡng thiện nguyện xuất gia thì sẽ vào chùa. Tôi nhìn những đôi mắt sáng rực toát lên vẻ thông minh của các cháu, lòng vui vui thầm nghĩ, đôi mắt này, ánh nhìn này đích xác là của những vị Tu sĩ tài năng của Phật giáo tương lai. Cầu mong nhân duyên hôm nay sẽ gặt quả nhiệm mầu mai sau, ánh sáng Phật giáo lại lan tỏa rộng hơn, chất liệu an lạc của đức Phật lại có cơ duyên đến với mọi giai tầng trong xã hội hơn!

21:30 rồi mà Thầy vẫn còn bị Phật tử vây quanh, có rất nhiều vị kính ngưỡng vị Thầy lần đầu thấy mặt sau bao ngày mong chờ, đã chính thức phát tâm quy y Tam bảo với Thầy. được sự cho phép của Ni trưởng Trụ trì, Thầy đã làm Lễ Quy y cho các Phật tử với nghi thức ngắn tại Đại hùng bảo điện của chùa. Mọi người trong đoàn nhanh chóng tập trung ở sân vì Thầy đã hứa tối nay sẽ cho phép phật tử Hà Nội dẫn cả đoàn ra bờ hồ Hoàn Kiếm ăn kem Tràng Tiền, ngắm trăng non để thư giãn sau một ngày quá vất vả. Ai nấy đứng ngồi không yên chờ Thầy một cách sốt ruột. Một bạn trẻ Hà Nội trong đoàn ngây thơ nói to: “Phen này chắc là không có trăng non, chỉ có trăng héo thôi. Thầy làm sao ra được, người vây đông thế kia! Mà Thầy thì đâu có bao giờ từ chối với Phật tử ở xa xôi, không có nhiều điều kiện được gặp Thầy.”

10 giờ hơn Thầy mới ra được xe với dáng vẻ mệt nhoài. Thầy nhìn mọi người với cái nhìn “chân thành cáo lỗi” thật đáng thương, miệng “khẩn khoản” nói nhỏ: “Để mai nha!” Mọi người không ai bảo ai cùng gật đầu nhanh chóng. Trời ơi, trông Thầy như thế kia, lòng chúng tôi đã “đau như cắt”, không còn bụng dạ nào mà ngắm trăng non, trăng già nữa, giờ này chỉ mong đưa Thầy về nghỉ ngơi, lấy lại sức khỏe sau một ngày phải thức dậy từ 03:00 sáng để từ Long Thành đến TP. Hồ Chí Minh thực hiện chuyến bay sớm ra Hà Nội, rồi đi Vình Phúc làm Phật sự, lại quay ngược về Hà Nội giảng. Sáng sớm hôm sau, tiếp đó là cả một ngày dài ngồi xe trên đoạn hơn 200km đến Yên Bái, rồi từ Yên Bái quay về Hà Nội với 2 thời giảng liên tục. Hơn 20 tiếng chỉ ngồi và đi, không một phút được ngã lưng thẳng thóm. Sức người nào có thể chịu thấu, mà Thầy vốn đã không được khỏe. Lúc này, tự dưng lòng tôi dâng lên chút ý niệm thầm trách người Hà Nội, sao mà bố trí thời gian quá khít khao với lịch làm việc dày đặc như thế cho Thầy. Tính nóng vội, tôi đem điều này nói khéo với các vị tổ chức, câu trả lời nhận được thật bất ngờ: “Chính Thầy xếp lịch như vậy đấy. Thầy mình mà, thời gian với Thầy rất quý nên Thầy lúc nào cũng mong tranh thủ làm được nhiều việc”. Thế là phải “Potay.com” với Thầy thôi!

Thế nhưng, khi lên xe, Thầy nới với mọi người: “Trăng non có còn chênh vênh trên mặt hộ Hoàn Kiếm không vậy con ơi?” Chúng tôi nhao nhao lên: “Chắc là trăng non đang chờ thầy trò mình Sư phụ ơi!” Thầy nghiêm túc thực hiện lời hứa, pha chút tinh nghịch: “Đời tôi cô đơn nên đi tu cùng cô đơn, giờ này ngồi bên bờ hồ chỉ mong có một cây kem Tràng Tiền, ngắm trời mây nước là hạnh phúc nhất.” Không ai bảo ai, đồng thanh vỗ tay hô lên: “Hoan hô, hoan hô Sư phụ!” Vậy đó, Thầy trò chúng tôi được đưa đến bờ hồ trong đêm gió mát, từng bước chân nhỏ đi thong dong tự tại, miệng huyên thuyên giọng đủ 3 miền nói cười vô quái ngại như xua tan mọi nhọc nhằn của kiếp người. Một Phật tử không quen ở thủ đô hết sức quý kính Thầy, tình cờ thấy Thầy trò dạo quanh hồ, chạy đi mua 5 hộp kem Tràng Tiền mang đến, Diệu Đạo lém lĩnh lên tiếng: “Ối zời ơi! Nếu được hưởng lộc zời thế này thì ngày nào con cũng tình nguyện dẫn Sư phụ đi ngắm trăng non…” Thầy ngâm nga câu đồng dao: “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non? Trăng non trăng già gì mà ngồi không hưởng lộc cũng chết con ơi!” Tôi bỗng thấy có triết lý trong lời nói của Thầy, người cứ thắc mắc giữa muôn ngàn điều khó hiểu, nhưng không chịu hiểu những thứ bình thường trong cuộc sống là vô thường biến đổi từng sát-na sanh diệt.

Một số hình ảnh được ghi nhận tại Chùa Nam Dư Thượng:

IMG_3277 IMG_3282 IMG_3285 IMG_3288 IMG_3289 IMG_3293 IMG_3295 IMG_3298 IMG_3303 IMG_3307 IMG_3313 IMG_3324 IMG_3330 IMG_3332 IMG_3334 IMG_3337
(còn tiếp…)