Ghi chép về Chuyến hoằng pháp của Thượng tọa Thích Thiện Thuận và chương trình từ thiện của Ban Thiện nguyện Ánh Đạo thuộc Đạo tràng Viện Chuyên Tu tại Miền Bắc từ ngày 12-14/5/2016. Thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị chu đáo mọi thứ cần thiết cho không lỡ chuyến bay, ngay […]
Ghi chép về Chuyến hoằng pháp của Thượng tọa Thích Thiện Thuận và chương trình từ thiện của Ban Thiện nguyện Ánh Đạo thuộc Đạo tràng Viện Chuyên Tu tại Miền Bắc từ ngày 12-14/5/2016.
Thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị chu đáo mọi thứ cần thiết cho không lỡ chuyến bay, ngay từ 4 giờ sáng ngày 12/5/2016, chúng tôi đã có mặt tại nhà ga nội địa của phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Từ xa, chúng tôi đã nhận thấy Thầy trụ trì Viện Chuyên Tu cùng các cô chú, anh chị em trong phái đoàn hội tụ đông đủ. Mọi người tiến hành thủ tục nhận vé và kiểm tra hành lý tại các quầy của hãng hàng không Vietjet. Thức dậy quá sớm nhưng gương mặt ai cũng lộ vẻ vui tươi, háo hức với một chuyến đi xa ủng hộ chương trình hoằng pháp và từ thiện của Sư phụ mình tại miền Bắc trong 3 ngày, từ ngày 12 đến 14 tháng 5 năm 2016.
Phần 1: NỤ CƯỜI CỦA “MỸ NHÂN”
Chuyến bay VJ120 của chúng tôi hạ cánh xuống phi trường quốc tế Nội Bài, thành phố Hà Nội vào lúc 8 giờ sáng ngày 12/5/2016 trong khí trời mát dịu hiếm hoi của đất Hà thành vào đầu hạ. Nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, trời vẫn đục màn sương âm u. Mọi người sướng vui thì thầm với nhau: “có Thầy đến là vậy đó!”. Không vui sao được, khi mà cả tuần trước đó, người dẫn đường ngoài Hà Nội liên tục gọi vào nhắc nhở mọi người cẩn trọng vì thời tiết nắng nóng và oi bức, có ngày lên đến 40 độ. Bước lên xe di chuyển vào sân bay, mọi người trêu Sư phụ: “Thầy đã mang được sự mát mẻ của tấm lòng người Miền Nam lâu ngày ra thăm Hà Nội”. Thầy không đáp lại, nhưng gương mặt ánh lên sự hoan hỷ vì cuối cùng, thời tiết cũng đã ưu ái người phương xa hành thiện nghiệp.
Dù có đến gần 30 kiện hành lý lớn nhỏ nhưng với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của anh chị em Phật tử tại miền Bắc nên thật nhanh chóng, tất cả đã được đưa ra xếp lên xe và phân bổ người của Đoàn ngồi chật hai chiếc xe, cả thảy 42 người. Đặc biệt, có vài em Phật tử đã và đang sống ở Hàn Quốc về thăm quê cũng đã có mặt tại phi trường để đón tiếp và tháp tùng với Đoàn trong tâm niệm “tùy duyên hành Phật sự”: Diệu Đạo ở Cheongju, Thiện Đức ở Nghệ An, Tâm Giác ở Ninh Bình, Thiện Định ở Phú Thọ, Thiện Đạt ở Thái Bình, Phúc Thắng ở Hưng Yên … và có cả chú Thiện Thủ ở Viện Chuyên Tu – Bà Rịa Vũng Tàu nữa…. Sự có mặt của các em làm cho Thầy và mọi người trong Đoàn vừa bất ngờ vừa hoan hỷ, râm ran chuyện trò, hàn huyên sau bao ngày xa cách.
Lên xe rồi chúng tôi mới thấy bụng cồn cào vì thức sớm để đi. Ban Tổ chức nhanh chóng phát cho mỗi người một gói xôi. Ôi, “gói xôi Thằng Bờm”! Cầm gói xôi “cứu đói” trên tay, mọi người thầm cảm ơn các Phật tử Hà Nội, sao mà chu đáo và chân tình quá! Xôi ngọt như tình bạn đạo, nếp cái hoa vàng tỏa ngát mùi thơm như lòng người hướng thiện và hành thiện với tâm không phân biệt.
Một số hình ảnh được ghi nhận tại phi trường Nội Bài:
Đoàn bắt đầu cho lịch trình hoằng pháp bằng sự di chuyển đến xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện nghi thức Lễ An vị Phật tại tư gia theo lời thỉnh cầu của song thân chú Thiện Thủ. Xe dừng lại đầu làng, chúng tôi quá bất ngờ khi thấy bà con Phật tử áo tràng lam đứng thẳng song song theo dãy tường gạch truyền thống rất Bắc từ đầu ngõ vào đến tận sân nhà, để chào đón Đoàn như những Đạo tràng tu học ở các chùa mà chúng tôi đã từng nhìn thấy trong các video thuyết giảng của Thầy khắp đó đây. Sự tiếp đón đầy chân tình và hiếu khách của bà con Phật tử tại địa phương làm cho mọi người có cảm giác như thân quen tự bao giờ, dù chỉ mới là lần đầu gặp gỡ. Không ai không vui vẻ khi chứng kiến những nụ cười khoe hàm răng đen láy truyền thống của các vãi Phật tử ngôi chùa có tên hết sức đặc biệt :“Mỹ Nhân Tự”; chùa nằm sát ngay bên cạnh nhà chú Thiện Thủ. Chúng tôi chợt nghĩ, các cụ này xưa kia ắt cũng một thời vang bóng:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Các cụ hẳn cũng từng là “mỹ nhân” của làng khi còn là thiếu nữ; để đến bây giờ, ở cái tuổi xưa nay hiếm, các cụ miệng bỏm bẻm nhai trầu mà vẫn còn chớp mắt xấu hỗ khi nghe Thầy khen: “ Chùa là “Mỹ Nhân Tự”, các cụ cũng là mỹ nhân bà bà thôi!”…
Buổi lễ an vị tôn tượng Tam thánh Tây phương diễn ra trong không khí rất trang nghiêm tại gian thờ thoáng rộng ở lầu một. Cả gia đình và người thân chú Thiện Thủ rất thành tâm và hướng thiện . Trong tiếng tụng kinh và niệm Phật của chư Tăng và khoảng 100 Phật tử, buổi lễ trang nghiêm và thanh tịnh đúng nghĩa hiếm có tại một tư gia của Phật tử. Không gian như hòa chung một hơi thở trầm lắng, siêu nhiên trong giọng đọc trầm trầm của Thầy với bài kệ tán dương Đức Phật :
Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly,
Phật diện do như mãn nguyệt huy,
Phật tại thế gian thường cứu khổ,
Phật tâm vô xứ bất từ bi.
Nghĩa là:
Thân Phật thanh tịnh tợ lưu ly
Dung nhan rực sáng như trăng tỏ
Phật tại thế gian luôn cứu khổ
Không đâu tâm Phật không từ bi.
Cuối buổi lễ, với một pháp thoại ngắn đầy ý nghĩa, dành cho gia đình thân quyến chú Thiện Thủ và bà con chòm xóm, cùng Phật tử trong thị xã Phú Xuân, Thầy khẳng định: “Không một ai trong chúng ta ở cõi đời trầm luân này có đủ tư cách để có thể an vị cho đức Phật, Bậc đã đạt đến quả vị tối thượng chánh đẳng chánh giác. Mà buổi lễ này, Thầy cùng chư Tăng chỉ thực hiện một nghi thức mang tính Tôn giáo với mục đích xây dựng, củng cố niềm kính tin Tam bảo của gia chủ; đồng thời, chứng minh cho sự phát tâm tu tập trọn đời của gia chủ quy hướng Tam bảo với bước ngoặt mới khi mình trở thành Phật tử tại gia đúng nghĩa. Để trong đời sống thường nhựt, sau một ngày kiếm sống, chúng ta quỳ gối, chắp tay trước bàn thờ Phật, rồi đảnh lễ đức Phật bên ngoài mà quên hết những lo toan, phiền muộn để có thể khơi nguồn thanh tịnh sống với đức Phật tự tâm của chính mình. Chỉ cần có tâm thành kính và thệ nguyện thì chúng ta sẽ được sống trong ánh sáng giác ngộ, đó mới là an vị đích thực đức Phật trong đời sống của mình.”
Mọi người cung kính đón nhận lời chỉ dạy ân cần của Thầy từ cách duy trì nếp sống đạo đức trong gia đình, ứng xử xã hội để làm tấm gương tốt cho con cháu noi theo. Thầy còn chu đáo hướng dẫn cách bày trí, sắp xếp bàn thờ Phật sao cho trang nghiêm, thẩm mỹ và đúng chánh pháp. Nhân đây, Thầy còn chú trọng sách tấn việc người Phật tử phải có chánh kiến mạnh mẽ để bài trừ đi những thói quen mê tín lâu đời hình thành trong dân gian về việc lễ bái, cầu cúng, khấn vái không đúng chánh pháp.
Kết thúc buổi lễ, mọi người hoan hỷ dùng một bữa cơm chay thân tình nhưng khá thịnh soạn như cổ làng, do gia đình chú Thiện Thủ và các bác hàng xóm chuẩn bị để chiêu đãi Thầy và Đoàn trước khi ra về, tiếp tục lịch trình trong chuyến hoằng pháp tại Hà Nội.
Một số hình ảnh được ghi nhận tại tư gia chú Thiện Thủ:
“BƯỚC ĐI MỘT BƯỚC, GIÂY GIÂY LẠI DỪNG”
Chùa Tương Mai (Linh Ứng tự), 231 Trương Định, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội là điểm dừng chân chính thức đầu tiên của lịch trình hoằng pháp trên đất Bắc. Vừa đến cổng chùa, Ni sư trụ trì Thích Đàm Thu và rất đông các bà con Phật tử đã tập hợp trước sân chùa đón Thầy. Nét hân hoan, lòng tôn kính thể hiện trong những ánh mắt thiết tha, nụ cười tươi tắn mong chờ. Ngay giữa sân chùa, một pháp tòa hết sức tao nhã được bố trí ngay bên cạnh Phật đài trang nghiêm, hai bên có màn hình chiếu để tiện cho Phật tử theo dõi khi thính pháp.
Đến với bà con phật tử phương Bắc, những người học Phật đa số còn khá mới mẻ, nhưng tín tâm thì rất chân thành, Thầy đã thông qua chủ đề “Tính nhân bản trong Đạo Phật”, để giới thiệu điều cốt lỏi đã đưa đạo Phật giáo trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn, tồn tại suốt hơn 25 thế kỷ qua với thông điệp ban vui cứu khổ cho muôn loài; giải thoát con người ra khỏi áp bức nô lệ, đem lại sự bình đẳng cho mọi giới. Đó là tính nhân bản. Lời Thầy thâm trầm, sâu lắng: “… Đức Phật không phải là một thần linh, Thượng đế đầy quyền uy thưởng phạt, mà Ngài là một con người thật sự như bao người khác có tên là Sĩ-đạt-ta (Siddhàrtha), con của vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma-da. Thấu rõ những nỗi thống khổ già, bệnh, chết…, chứng kiến những lầm than cơ cực của dân chúng trước những bất công của xã hội Ấn thời bấy giờ, Ngài đã từ bỏ gia đình, người thân và vương vị, một mình ra đi tìm phương giải quyết. Sau những tháng năm học đạo cùng với những đạo sĩ nổi tiếng bấy giờ, kết quả ấy cũng không giúp được cho vị đạo sĩ trẻ tuổi thông minh Sĩ-đạt-ta giải quyết những vấn đề bức xúc trong lòng.Cuối cùng, Ngài đã tự quyết định tự mình tham cứu. Suốt 49 ngày tham thiền nhập định dưới cội bồ-đề, khi sao mai vừa mọc, Ngài đã thấu đạt được chân lý, rõ được chân tướng của vạn pháp, Ngài đã giác ngộ thành đạo, hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Sự kiện trên đây đã hình thành một khái niệm về tính nhân bản của Phật giáo, con người là trung tâm điểm của Phật giáo, Phật giáo ra đời vì con người và chuyển hóa khổ đau cho con người, hay nói một cách khác, không có nhân loại thì Phật giáo không hiện hữu trên cuộc đời này…Điều đáng nói nhất về khả năng của con người mà Phật giáo luôn nhấn mạnh chính là trí tuệ. Đó là khả năng tối cao của nhân loại, là di sản vô cùng quý báu mà bất kỳ ai nếu biết vận dụng và phát huy đúng đắn đều có thể tận diệt mọi khổ đau, đạt đến bến bờ hạnh phúc. Điều này đã được minh chứng cụ thể qua đời sống của Đức Phật cùng những vị tiền nhân kế thừa trong lịch sử đạo Phật. Đồng thời, Đức Phật đã tuyên bố: ‘Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật’.”
Sau thời thuyết giảng, Thầy ngập tràn hạnh phúc đón nhận tình cảm chân thành và khát khao được tu học chánh kiến Phật giáo của Phật tử Hà Nội. Lời chia tay đã thốt mà chân thì không thể rời trước sự bịn rịn, nấn níu của bà con Phật tử Linh Ứng Tự. Thật là “Bước đi một bước, giây giây lại dừng” (Chinh Phụ Ngâm, Đặng Trần Côn), tình cảm quả đúng là sợi dây vô hình nối kết con người với nhau qua ánh mắt, giọng nói, tiếng cười và những trái tim cùng đồng cảm trong ánh sáng Phật-đà. Đúng như lời nhận định của toàn thế giới: Đạo Phật đi đến đâu thì nơi ấy trở nên tươi mát, hạnh phúc và an lạc, bởi vì đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ.
Một số hình ảnh được ghi nhận trong buổi giảng tại Chùa Tương Mai, Hà Nội:
(còn tiếp…)