11. “NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT” Điều làm chúng tôi khá vui trong những ngày hành hương Đất Phật là đi đâu gặp người nghèo khổ buôn bán chuỗi, tranh ảnh, văn hóa phẩm Phật giáo lưu động, gặp trẻ nhỏ ăn xin là lại được nghe câu niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” bằng tiếng Việt khá sành […]
11. “NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT”
Điều làm chúng tôi khá vui trong những ngày hành hương Đất Phật là đi đâu gặp người nghèo khổ buôn bán chuỗi, tranh ảnh, văn hóa phẩm Phật giáo lưu động, gặp trẻ nhỏ ăn xin là lại được nghe câu niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” bằng tiếng Việt khá sành sỏi, rõ ràng. Nhất là bọn nhỏ, chúng sẽ đeo theo bạn xuyên suốt với câu niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, bạn chưa “chuyển biến” thì chúng sẽ nhanh nhẩu tiếp thêm câu niệm “Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật”. Cứ thế, tiếng niệm Phật đã thay câu chào “Hello” gởi đến khách phương xa ở các Thánh tích. Tôi cam đoan với các bạn, trong một ngày, lũ nhỏ và những người nghèo khổ Ấn Độ ở các khu vực Thánh tích niệm Phật nhiều hơn chúng ta đấy. Phải chăng vì tiếng niệm Phật có mặt khắp nơi mà tuy lũ nhỏ có rộn ràng, người lớn có kỳ kèo, mời gọi suốt nhưng tâm chúng tôi vẫn thấy hoan hỷ, lòng vẫn mở ra thay vì khó chịu, sân si. Trong suốt 12 ngày trên Đất Phật, chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác về sự hiện diện của phiền não. Đổi lại, chỉ có cảm nhận thanh thản, nhẹ tênh, lòng bao dung, hướng thiện ngập tràn. Thật là sức mạnh từ bi của câu niệm Phật!
Tôi cũng thấy được sự đa tài về ngôn ngữ của trẻ con xứ Ấn này. Có lần tôi theo đoàn đi vào đảnh lễ tháp thiêng ghi dấu nơi thuyết pháp đầu tiên của đức Phật, cùng đi có đoàn của Hàn Quốc và Đài Loan, tôi lại thấy chúng niệm Phật bằng tiếng Hàn Quốc và Đài Loan… Một ai đó cười nhạo rằng bọn trẻ này quá liến láu để kiếm tiền, nhưng thật vi diệu thay, lời giáo huấn nhẹ nhàng của Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Chứng minh của đoàn: “Rứa chứ mấy đứa này vẫn còn hơn nhiều người cả đời không biết niệm Phật một câu”.
12. ẤN ĐỘ TRONG MẮT TÔI
Chúng tôi giã từ Ấn Độ vào ngày thứ 13 của chuyến đi. Trên sân bay, mọi người luyến tiếc chia tay nhau. Câu nói chung buổi chia tay là lời hẹn: Sẽ gặp lại nhau nữa, một ngày không xa trên đất nước Ấn Độ. Ôi, cái đất nước mà trước đó 12 ngày, chúng tôi còn e dè, sợ hãi khi nhắc đến tên, giờ đây lại trở thành điểm hẹn thân thiện, bình yên để trở về, như trở về ngôi nhà thân yêu của mình. Ngôi nhà của đấng Từ phụ Thích-ca, vị Cha lành của muôn loài.
Đúng là không nên tin nghe vào sự cường điệu quá thể của mạng xã hội. Trước khi qua đất Ấn, qua những lời kháo nhau trên mạng, tôi vẫn mường tượng ra một đất nước nhuốm mùi cà ri, các khu ổ chuột thì hôi hám, bẩn thỉu, trẻ con nghèo thì chua lòm, tanh tưởi, đàn ông Ấn thì dung tục, độc ác… Nhưng sự thật mà tôi thấy, nghe thì rất khác, đường phố Ấn Độ tuy cũ kỹ, chật hẹp nhưng không quá bẩn thỉu; trong các khu ổ chuột chúng tôi đến cũng chỉ có cái nghèo và đất bụi chứ không ngửi thấy mùi nước tiểu, mùi phân người, phân súc vật… như vẫn thường ngửi thấy trong các khu ổ chuột tôi từng đi qua. Các em nhỏ quần áo có lấm lem nhưng chỉ có mùi bụi, mùi nắng, không có mùi “canh chua”. Đường phố Ấn Độ giao thông ken dầy, tình trạng chạy xe lấn tuyến khá phổ biến nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không bắt gặp chuyện cãi cọ, đánh nhau trên phố. Mọi người sống khá hiền lành, nhân nhượng. Ngay cả ở các khu Thánh tích, người mua bán văn hóa phẩm Phật giáo rất đông, nhưng hoàn toàn tôi không bắt gặp những cuộc tranh mua, giành bán, những cuộc khẩu chiến, hỗn chiến nào như vẫn thường thấy ở các nơi khác.
Người Ấn Độ mà tôi gặp và giao tiếp trong thời gian 12 ngày trên đất Ấn cũng đều rất lành tính, có chút hài hước và biểu cảm thân thiện. Đặc biệt là những anh chàng tiếp viên trong nhà hàng, khách sạn. Họ thường vận trang phục tây, áo cổ cồn lịch sự, đi khắp các bàn phục vụ với nụ cười “Hynos” trắng xóa, sẵn sàng chìu khách tối đa. Riêng những người lái xe, phụ xe thì đều khá rụt rè, họ hoàn toàn không dám tự ý đụng tay vào chúng tôi để giúp đỡ khi lên xuống xe nếu chưa được chúng tôi cho phép. Khi tôi giơ tay tỏ ý nhờ anh phụ xe râu ria hiền lành cầm dắt xuống, anh hơi tần ngần, khó xử. Tôi phải tự đặt tay vào bàn tay anh chàng với nụ cười nhờ vả. Lập tức anh chàng tích cực làm nhiệm vụ một cách vui vẻ. Và những lần sau, chỉ cần nhìn thấy tôi gật đầu là anh chàng liền đưa tay ra để giúp đỡ. Sự phân tầng giai cấp vẫn còn rất rõ trong xã hội Ấn Độ hiện đại. Như có một giao ước ngầm nào đó, các tài xế và phụ xế đều không dám bước vào nhà hàng, khách sạn ăn chung với khách dù được mời. Khi đến khách sạn, họ thường tụ tập ngoài sân khá xa để tự nhóm bếp nấu ăn.
12 ngày trên đất Phật đã kết thúc, có bao điều để kể, bao điều để sẻ chia về chặng hành trình đáng nhớ, đáng trân trọng này. Chỉ tiếc một điều, khả năng còn giới hạn, chỉ cho phép tôi tóm lược một chút những điều nghe, thấy và cảm nhận. Xin đúc kết bài viết với lời cám ơn tự đáy lòng, một lần nữa, gởi đến người đã có công tiếp thêm niềm tin để tôi có duyên may đặt chân đến Đất Phật. Và cũng xin có lời khuyên gởi đến các bạn bè của tôi: Còn chần chờ gì nữa, hãy đến nơi ta cần tìm về!
Viết vào ngày cuối đông 2017
Thiền Gia