Thu, 09 / 2018 3:00 PM | Ban Biên tập

7. BÌNH MINH TRÊN SÔNG HẰNG

04 giờ sáng, trong cái giá lạnh cắt da của đầu đông xứ Ấn, đoàn hành hương chúng tôi co ro kéo nhau ra sông Hằng, trèo lên thuyền ra sông đón bình minh. Sông Hằng là con sông khá nổi tiếng và có vai trò an định tâm linh đặc biệt trong đời sống tín ngưỡng của người Ấn Độ. Dường như, mọi việc thuộc về khái niệm tâm linh đều được người dân Ấn Độ gởi gắm vào dòng nước của sông Hằng huyền bí này.

Có một chiếc ghe nhỏ cập sát vào thuyền chúng tôi. Trên ghe, chàng thanh niên người Ấn bán những chiếc lọ nhỏ đựng cát sông Hằng. Anh chàng còn bán cả những bịch thức ăn cho chim và biểu diễn ngay cách gọi chim trên sông Hằng về hội tụ đón bình minh. Sau khi rải một nắm thức ăn nổi giống như bắp rang, anh chàng chắp tay làm loa, hú vang một tiếng thật dài. Kỳ lạ chưa, một làn sóng lướt nhanh về trên khoảng không mờ ảo của sương sớm, của khói nước hòa quyện; rồi tới tấp sóng đuổi sóng, những làn sóng màu trắng, nâu xuất hiện đuổi bắt nhau hướng về phía chúng tôi. Hóa ra đó là những đàn chim trời sải cánh lướt trên mặt sông, đốp những đám mồi nhấp nhô trên sóng nước. Hình như tiếng hú đó đã kích thích phản xạ có điều kiện nơi những đàn chim trên sông Hằng. Thế là mọi người xúm nhau mua các bịch thức ăn và cũng hú vang gọi chim về. Chưa bao giờ tôi thấy chim về nhiều như thế, gần như thế. Những con chim to, mập mạp và khá dạn dĩ với người. Hình như nơi chốn an lành này không có gì làm chúng phải sợ hãi, e dè. Những ngày sau đó, điều suy nghĩ này của tôi càng được xác tín thêm. Đi đâu tôi cũng thấy chim xuất hiện khá nhiều, trong thành phố, trong các khu Thánh tích. Chúng bay nhảy nhởn nhơ, tự do, gần gũi với người, tạo một không gian thật yên bình, thân thiện trên Đất Phật.

Có một vị Phật tử trong đoàn vừa đề nghị làm lễ phóng sinh trên sông Hằng, lập tức mọi người nhao nhao phản đối. Xin hãy để chim, cá trên đất Phật bình yên! Tại sao phải tổ chức phóng sinh khi các loài đang sống tự do, an bình? Có nhu cầu phóng sinh, sẽ có nhu cầu mua bán, bắt chim, bắt cá. Phước báo đâu không thấy, chỉ thấy ta sẽ gián tiếp cổ vũ một tập tục tâm linh không nên phát triển trên Đất Phật, nơi tâm từ là sự tôn trọng cuộc sống bình  an của muôn loài chúng sanh.

Bình minh trên sông Hằng khá đẹp, những chuỗi màu nắng lấp ló trong sương hân hoan báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu. Tôi tự hỏi, đức Thế Tôn của chúng ta đã có bao nhiêu lần ngồi ngắm bình minh lên trên sông Hằng rồi nhỉ? Ắt hẳn là đã rất rất nhiều lần trong cuộc đời hoằng hóa độ sanh của Người – một cuộc đời gắn liền với con sông huyền bí dài khoảng 2.510 km này. Bởi vì gần như 2/3 trong 49 năm rong ruổi truyền trao chánh pháp của đức Phật Thích-ca là sự gắn bó với lưu vực sông Hằng. Và biết đâu chừng, những tia nắng đầu ngày nơi con sông linh thiêng này đã khơi gợi hình ảnh mà đức Phật dùng để giảng giải cho vua Ba-tư-nặc về tánh bất sanh, bất diệt trong mỗi chúng sanh. Theo kinh Thủ lăng-nghiêm ghi chép, “vua Ba-tư-nặc hồ nghi rằng chết là mất hẳn nên đến bạch Phật tham vấn. Đức Phật dạy rằng, năm lên ba tuổi, nhà vua đã thấy được sông Hằng, cho đến lúc đầu bạc, mặt nhăn, vua cũng thấy sông Hằng. Tuy thân xác của vua có thay đổi, biến hoại, nhưng cái tánh thấy thì không già, không trẻ, không biến hoại, không sinh diệt. Khi nghe lời dạy đó, vua Ba-tư-nặc mới nhận chân được bản tánh bất sanh, bất diệt trong chính mình”.

Mầu nhiệm thay, ánh mặt trời đang lên trên sông Hằng hôm nay và những câu chuyện các Thầy kể về đức Phật và sông Hằng cũng đang soi rọi trong tôi bao điều thường nghe thấy về Thường trụ, Chơn không, Diệu hữu, Chơn như, Phật tánh… sắc tướng có hoại, có thành; Phật tánh không sanh, không diệt. Chân lý là thế mà bao lâu nay tôi lại buông lung, chấp nhặt.

8. MÁI LỀU RÁCH BÊN SÔNG VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ NGỒI HƠ LỬA

Chúng tôi đã đi vào khu ổ chuột ven sông Hằng, nơi trú ngụ của những người làm nghề đốt xác. Gọi là nhà cũng không phải, mà gọi là lều cũng chưa đúng vì đó là những tấm vải bạt rách rưới phủ lên những tấm nan, tấm phên tạm bợ, hở hang mọi chỗ và người chui ra chui vào nơi đó gọi là nhà mình.

Sau khi phát 200 cái mền cho những con người nghèo khổ, giá lạnh nơi đây, tôi theo Sư phụ bước chân vào một cái lều trống huếch, gió lạnh đang luồn vào các chỗ trống một âm thanh rít lên nhè nhẹ. Một người phụ nữ Ấn già nua, đen nhẻm, bộ sari cũ kỹ đang ngồi im lặng huơ tay trên đống than củi sắp tàn để sưởi ấm. Thầy bước đến ngồi xuống kế bên bà và cũng huơ tay trên than để sưởi. Thấy người lạ vào nhà nhưng người phụ nữ vẫn lặng im, không nói một lời, không biểu lộ thái độ kinh ngạc hay giật mình. Tôi cảm thấy trong thái độ bình thản của bà có một sự chấp nhận tất cả, như một thói quen đã hình thành tính cách chấp nhận và không phản kháng của giai tầng thấp nhất trong xã hội Ấn: cuộc sống khốn khổ, lạnh giá, sự cúi đầu trước mọi người…

Đột nhiên, tôi thấm thía hơn lý do vì sao là người thuộc đẳng cấp trên mà Thái tử Tất-đạt-đa, sau này là Đức Phật, nhất quyết mở đường cho cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm xóa bỏ các giai cấp xã hội với lời khẳng định chắc nịch: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn” – Người đã đau nỗi đau lặng lẽ của những con người ở tận cùng đáy xã hội kia.

Một đám trẻ nhỏ từ ngoài sân kéo về ùa vào lều, xúm quanh lấy Thầy và lại giơ tay xin. Có lẽ đó là hình ảnh ấn tượng quen mắt khi nhớ đến trẻ em Ấn Độ. Chúng có mặt khắp nơi và luôn luôn giơ tay xin. Không biết có phải do ảnh hưởng của truyền thuyết về Vua Khỉ Hanuman trong sử thi Ấn Độ Ramayana và Mahabharata hay không, mà tôi luôn có cảm giác về sự hóa thân của loài khỉ khi gặp những đứa trẻ Ấn Độ lấm lem bùn đất với những đôi mắt phương Đông màu xám nâu thật to, thật đẹp, lông mày và lông mi đậm đen đường nét thanh tú, ánh nhìn trông thật hiền từ nhưng phút chốc cũng đã biến thành linh hoạt, ranh mãnh, hệt như thần thái “thủy tổ loài người”. Những đứa trẻ cũng có tánh tham của những con khỉ con loắt choắt, một tay nắm cây kẹo rồi, nhưng tay kia vẫn chực chờ chộp một cây kẹo nữa. Đã cho tiền rồi vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện để xin nữa. Chúng nhanh nhẹn, liến thoắng mà những đôi mắt thì cứ như mắt loài khỉ “ngây thơ” lúc chưa quẫy; mở to, khẩn thiết nét cầu xin và chờ đợi sự ban bố đến tội, khiến ai bắt gặp cũng phải mở lòng ra.

Tôi có một ghi nhận là tuyệt nhiên trong 12 ngày dài trên đất Ấn Độ không có một cảnh trộm cắp, móc túi nào diễn ra. Mặc dù những đứa trẻ Ấn Độ khốn khổ  tiếp cận chúng tôi thật đông, thật gần, thật sát, cơ hội chôm chỉa điện thoại, túi tiền rất dễ thực hiện, nhưng hoàn toàn các em không làm những điều xấu đó. Dường như các em nghèo khổ và sẵn sàng đeo bám để “xin” chứ không “lấy” cái không phải của mình. Thật ra, hiếm hoi cũng có một cô Phật tử than van vừa xòe tiền ra cho đã bị lũ trẻ giật lấy chia nhau, lại còn xô cô chúi nhủi muốn ngã nhào. Nhưng tôi lại nghĩ, đó là tánh tham của loài khỉ ẩn tàng trong những đứa trẻ nghèo khổ kia. Bạn cho chúng một quả, chúng sẽ kiên nhẫn chờ đợi, nhưng nếu bạn bày ra một mâm quả, chắc chắn chúng sẽ bê nguyên mâm và chạy trốn. Xòe tiền ra trước mắt một đám trẻ nghèo đói đang chờ đợi thì thật khó lòng sắp xếp một trật tự. Kinh nghiệm này nên rút, chứ không nên trách lũ nhỏ tham lam.

(còn tiếp…)

Bài viết cùng chuyên mục