Fri, 08 / 2018 9:44 PM | Ban Biên tập

5. TRÊN ĐỈNH LINH SƠN

Chúng tôi đến chân núi Linh Thứu vào buổi chiều.

Đây rồi, đỉnh núi thiêng của những pháp hội Linh Sơn tụ hội đông đủ các hàng thánh, bồ-tát, thanh văn, duyên giác, trời, người, các loài phi nhơn, thiên long bát bộ  v.v. đến nghe Phật thuyết pháp và hóa độ. Nơi đây, Phật đã thuyết nhiều bài kinh điển nổi tiếng được ghi chép lại và duy trì nghiêm cẩn trong bộ Đại tạng kinh, như: kinh Diệu pháp liên hoa, Đại bát Niết-bàn, Kim cang, Bát-nhã ba-la-mật v.v…

Sau hơn nửa giờ vất vả, cuối cùng tôi cũng đã bắt cái chân đau chịu phép, đưa tôi lên tận đỉnh non thiêng. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống, chung quanh sương mù cũng kéo về lãng đãng bay. Tôi đứng ở một góc núi, nơi truyền rằng là chỗ Phật vẫn ngồi thuyết pháp cho chúng hội. Tâm trạng đầy cảm xúc, tôi thầm nghĩ, hơn ngàn năm đã đi qua, có thể đã có nhiều đổi thay; nhưng có lẽ mây trời vẫn thế, ráng hồng hoàng hôn nơi đây vẫn thế, như khi Phật tĩnh tọa uy nghiêm trên tòa kim cang, dùng tâm vi diệu cất lên những lời pháp vang động tam thiên đại thiên thế giới. Mọi người trong đoàn cùng quỳ xuống làm lễ đọc tụng một bài kinh tán thán, ca ngợi công đức Phật; tôi cũng buông máy ảnh quỳ khép nép phía sau hàng người, tập trung tâm ý vào lời kinh, không dám buông lung. Vì tôi có cảm giác, chư thiên, bồ-tát, thánh chúng… các nơi cũng đang vân tập về cùng chúng tôi đọc tụng.

Tôi cảm thấy thật hạnh phúc, ấm lòng khi đọc câu “Nam-mô Linh sơn hội thượng Phật bồ-tát”.

6. BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG CẢ THẾ GIỚI CÙNG TU

Có lẽ trong bốn Phật tích thiêng liêng trên đất nước Ấn Độ – Nepal, Bồ-đề đạo tràng là nơi nhộn nhịp không khí tu tập nhất. Ở đây, ta bắt gặp người đủ quốc gia đang tụ tập hành trì đủ pháp môn: thiền định, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, lễ bái… Tiếng kinh kệ vang vọng nơi nơi bằng đủ loại ngôn ngữ. Rất nhiệm mầu một điều, những âm thanh đó không hề đối chọi mà như hòa lẫn, nâng nhau lên bằng một giai điệu chung trầm trầm, khi lắng đọng như thấu lời Phật dạy, lúc kéo dài như nhắn nhủ tiếng khuyến giáo; lúc ngân nga câu Phật hiệu như sợ lạc mất người dẫn đường, khi im lìm như lắng hết suy tư vào chặng đường thoát khổ của đấng Từ bi bảy tuần sau khi Ngài chứng ngộ đạo quả. Trong suốt bảy tuần lễ ấy, đức Phật đã đi vòng quanh gốc cây bồ-đề bên bờ sông Ni-liên-thiền để chiêm nghiệm hạnh phúc giải thoát mà mình vừa chứng ngộ.

Tôi đoán rằng, có người đã sắp xếp đến đây tu nhiều ngày, chứ không chỉ một ngày khi nhìn họ chuẩn bị rất kỹ mùng mền, chăn đệm, tọa cụ, bình bát… Và thái độ tu tập của họ rất thành kính, đầy quyết tâm đạt cảnh giới nhất tâm bất loạn. Tôi cảm nhận có một tha lực rất mạnh trong từng bước chân nhất bộ nhất bái vòng quanh khu tháp Bồ-đề Đạo tràng của nhiều người đầy đủ thành phần, nam phụ lão ấu, thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Họ đảnh lễ đấng Từ phụ theo cách riêng của mình, nhưng chung nhất vẫn là sự xác tín niềm tin quy ngưỡng bậc Đại từ, Đại bi, Đại trí, Đại dũng đang dẫn dắt muôn loài ra khỏi bờ sanh tử.

Cảm khái trong tôi càng tăng dần khi tham gia buổi thắp nến cầu nguyện trong khuôn viên Bồ-đề Đạo tràng, bên chiếc hồ tĩnh lặng ngàn đời còn lưu dấu đêm ánh đạo bừng soi bên dáng ngồi uy nghiêm của đức Phật dưới sự chở che của rắn thần bảy đầu khi mưa dông, sấm sét phủ vây. Đêm Đạo giác ngộ lan khắp nhân gian.

Nến tỏa ánh sáng lung linh trong bóng tối, tôi hạnh phúc dâng lời cầu nguyện bình an và ước nguyện tinh tấn trong tu học ngay nơi Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bình yên quá, đêm hoa đăng trên đất Phật! Tôi nhìn qua Sư phụ, gương mặt người lắng đọng trang nghiêm, đôi mắt khép lại, thần thái rất tập trung vào lời ước nguyện dâng lên đấng Từ phụ. Có lẽ, Thầy đang cầu tha lực hộ trì nơi chư thiên và đức Phật cho ngôi tự viện mới, sáu năm rồi vẫn còn nhiều trắc trở. Bất giác, tôi lại khép mắt, tập trung dâng thêm lên đức Phật một lời cầu xin: “Xin cho mọi ước nguyện của Thầy con được thành hiện thực!”. 

(còn tiếp…)  

Bài viết cùng chuyên mục