3. HƯƠNG TỪ BI
“Ta từng nghe lời tạc như vầy:
Một thuở nọ Thế Tôn an trụ
Xá Vệ thành Kỳ thụ viên trung
Chư Tăng câu hội rất đông
Tính ra đến số hai muôn tám ngàn…”
(Kinh Vu-lan báo hiếu, HT. Thích Huệ Đăng dịch)
Tinh xá Kỳ Viên, bốn chữ quen thuộc trong kinh điển tôi hằng đọc tụng vẫn thường hiện ra trong trí tưởng tượng của tôi với hình ảnh một khu vườn xanh tươi hoa lá, ẩn sâu trong đó là ngôi tịnh thất rộng rãi, ngát hương chiên-đàn của đức Phật và Tăng đoàn 1.250 vị. Cho nên, mặc dù đã biết trước nơi mình đến chỉ còn là một phế tích đã trải qua hàng ngàn năm vô thường biến đổi; tôi vẫn không khỏi chạnh lòng ngỡ ngàng trước cảnh một khu đất thật rộng lớn, cây vẫn xanh lá, hoa vẫn đơm bông, nhưng tịnh thất chỉ còn là những nền đất cao, sót lại những hàng gạch nung cho biết xưa kia nơi đây đã từng là những dãy phòng ốc, tịnh thất, Tăng xá… Tất cả giờ nằm nhẫn nại trơ gan cùng tuế nguyệt.
Nhưng, tha lực từ bi của ngàn năm xưa vẫn còn mạnh mẽ làm sao! Trong cái vắng lặng, yên tĩnh của đất và trời, tôi cảm nhận sự an lạc trong từng bước chân mình khi đi trên con đường đất quanh co của khu Hương thất Đức Phật – nơi đây, hàng ngàn năm trước, đức Thế Tôn đã an cư cùng với Tăng đoàn 16 mùa mưa. Trên con đường đất này, từng bước chân thiền hành, tự tại của đấng Từ phụ Thích-ca và chúng đệ tử đã bước qua. Cũng từ nơi đây, mỗi sáng sớm, đức Phật và Tăng đoàn bắt đầu rảo bước muôn phương để hóa độ chúng sanh. Để giờ đây, gần hai ngàn năm sau đó, trong mọi ngóc ngách, trong mọi nhành cây kẽ lá như vẫn còn thấm đẫm hương từ bi tỏa ra từ tâm từ ái của bậc Đại giác ngộ. Và tôi, một người học tu sơ cơ được may mắn đến đây, vui mừng được gặp Chân như trong một tiếng chim hót ngân dài, trong tiếng lá nhẹ nhẹ xì xào, trong sự lặng im của bức tường cổ ngàn năm, cả trong cái tĩnh lặng của buổi thiền định trên nền hương thất đức Phật – Tất cả là một bài pháp vô ngôn vi diệu trong cuộc đời tôi được “nghe”.
Sau thời thiền định, chúng tôi đi nhiễu quanh cây bồ-đề của ngài A-nan trồng gần phía cổng để xoa dịu nỗi nhớ khi đức Phật đi hoằng hóa phương xa. Và giờ đây trong một buổi chiều tà, cây bồ-đề cũng đang cố xoa dịu trong chúng tôi nỗi nhớ thương người Cha lành đã đi xa.
Nhìn những chiếc lá bồ-đề của ngài A-nan kết thành chuỗi dây chuông lung lay trong gió, tôi chợt ngẫm nghĩ, có lẽ không phải ngẫu nhiên khi đức Phật và cuộc đời đức Phật luôn gắn liền với biểu tượng cây bồ-đề, lá bồ-đề, mà đó là một sự sắp xếp nhiệm mầu, huyền bí của chư Thiên. Những chiếc lá hình trái tim với những thớ gân săn chắc, mạnh mẽ đầy sức sống, phải chăng đã thay lời muốn nói, chuyển tải thông điệp của tình yêu rộng lớn mà đức Phật gởi gắm đến muôn loài. Trong kinh Đại bát Niết-bàn, Phật thuyết: “Nếu có người hỏi gì là căn bổn của tất cả pháp lành? Nên đáp: Chính là tâm từ… Này thiện nam tử (Ca-diếp bồ-tát)! Tâm từ chính là Phật tánh của chúng sanh, Phật tánh như vậy từ lâu bị phiền não che đậy nên làm cho chúng sanh chẳng đặng nhìn thấy. Phật tánh chính là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai [1, tr.520].
4. NƯỚC MẮT TRONG TIM
Chúng tôi đến thành Câu-thi-na là nơi đức Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn dưới hai tàn cây Sa la, vào một buổi sáng. Mặc dù cũng đã nghe nói trước, mặc dù cũng đã chuẩn bị một tinh thần thép để kiềm chế xúc cảm mà làm nhiệm vụ bình tĩnh thu thập hình ảnh, tôi cũng không thể nào ngăn được những dòng nước mắt lăn dài trên má, làm mắt ướt nhòe, khi vừa đặt chân vào gian phòng có pho tượng bằng sa thạch tái hiện kim thân đức Phập nhập Vô dư Niết-bàn có niên đại trên 1.500 năm. Ngày tháng xa xưa, Pháp sư Huyền Trang khi đến nơi đây chiêm bái các Thánh tích đã phải ngậm ngùi, đau xót thốt lên:
Phật tại thế thời ngã trầm luân
Kim đắc nhân thân, Phật diệt độ
Áo não tự thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.
(Lúc Phật còn tại thế thì con vẫn trầm luân, nay được thân người thì Phật đã nhập diệt, buồn tủi vì thân mang nhiều nghiệp chướng, không thấy được sắc thân vàng của Như Lai.)
Tôi nay cũng khóc khi nhìn sắc thân vàng của Như Lai nằm im trong hóa thân một pho tượng được muôn người tôn kính đảnh lễ. Pho tượng im lặng nghìn năm, nhưng trong sự im lặng đó, từ dáng nằm uy nghiêm, dung diện thanh thản, đôi bàn chân tôn quý nhiều tướng tốt giờ khép lại sau những năm tháng rong ruổi, chai sần trên đất cát, núi đá, hoang mạc để đi khắp nơi truyền trao chánh pháp, tôi cảm nhận bao điều đức Thế Tôn đang truyền dạy cho tôi, ở nơi đây, ngay chốn này về tâm lực từ bi vô ngã, hạnh vô úy.
Tôi khóc vì hạnh phúc được đảnh lễ Người.
(còn tiếp…)