Fri, 08 / 2018 8:15 AM | Ban Biên tập

1. ĐÊM ẤN ĐỘ BÌNH YÊN

Ngày nhỏ, nhà gần rạp hát Thành Chung khu Vườn Lài, nay là đường Trần Nhân Tôn, tôi và chị thứ tư vẫn hay kéo nhau qua đó coi “cọp” phim Ấn Độ. Đây là rạp chuyên trị thể loại phim đầy sắc màu phương Đông huyền bí này.

Không hiểu sao, ngày đó tụi nhỏ tôi lại mê phim Ấn Độ đến thế. Phim nào cũng có múa, có âm nhạc réo rắt, phần lớn là phim thần thoại với cuộc đấu tranh giữa các vị thần đầy phép thuật, thần thông. À quên, trong nhà tôi còn có một người lớn cũng mê phim Ấn Độ là ba tôi. Bữa tối cuối tuần, rạp đổi phim mới là ông lại dắt hai chị em tôi đi xem. Trong khi đó má tôi và chị lớn chỉ ghiền coi cải lương, nghe phim Ấn Độ là le lưỡi, lắc đầu. Đã nói là ghiền nên mặc dù đã được ba dắt đi xem, tối nào tụi tôi cũng chạy qua rạp, níu áo người lớn xin dẫn vào coi ké.

Nghĩ cũng vui, hồi đó học xong ở trường là tụi nhỏ chúng tôi như chim tung cánh tự do, không có lớp học thêm, không có một núi bài tập làm ở nhà, nên tuổi thơ chúng tôi cứ trôi đi với đủ loại trò con nít nghĩ ra; và với chị em tôi còn là trò đi coi “cọp”. Nhưng không phải lúc nào cũng may mắn “thuận buồm, xuôi gió”, bác gác vé riết rồi cũng nhận diện ra hai nhóc tì láu lỉnh nên không cho vào rạp nếu không phải đi với ba tôi. Thế là, tối tối lại có hai đứa nhỏ lì lợm nằm mọp dưới đất, mắt dán vào khe hở của cánh cửa thoát hiểm, xem nhoang nhoáng dải ánh sáng gọi là “phim” bên trong, chứ có nhìn rõ được gì đâu, tai nghe tiếng trống và những giai điệu âm nhạc Ấn rập rình, quen thuộc mà lòng hả hê cứ như ta đang ngồi “thưởng thức” trong rạp. Ấn Độ trong mắt tôi thuở nhỏ là sự mê hoặc của phim ảnh như thế.

Nhóc tì 5, 6 tuổi thuở xưa, nay đã là người tuổi 60. Rất nhiều năm tháng đã trôi qua, tôi lại nghe nói đến 2 chữ “Ấn Độ”. Mọi người rủ rê, kháo nhau rôm rả cuộc hành hương “Về Đất Phật”. Nhưng trong tôi là sự chần chừ, ngần ngại, đúng hơn là sự sợ hãi về đất nước và con người gần đây bị gắn liền với những thông tin ngập tràn mạng xã hội về các tội ác đầy dung tục. Cái đất nước huyền bí trong phim ảnh mà tôi mê thuở nhỏ, nay hiện diện trong đầu tôi như một thế giới của quỷ dữ, đến nỗi có lúc tôi phát ấm ức than van: “Phật ơi, sao Ngài lại chọn thị hiện ở cái đất nước đầy tội lỗi kia, để con… khổ sở quá!”. Có lẽ, tôi sẽ ở lại, không tham gia chuyến hành hương đó nếu không có một lời khuyên như nguồn sáng huyền diệu, soi rọi tận tâm can: Đời người có còn gì quý báu hơn một lần được đặt chân về Thánh tích gắn liền với cuộc đời và con đường giáo hóa độ sanh của đức Từ phụ Thích-ca! Cơ hội đã trong tay, sao còn chưa về, sao còn chưa đến?!? Há chẳng nhớ lời cuối trước khi nhập diệt, đức Phật đã từng dạy ngài A-nan rất tường tận: “Này A-nan! Có bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Bốn Thánh tích đó là: Nơi Như Lai đản sanh, nơi Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi Như Lai chuyển pháp luân vô thượng, và nơi Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”. 

Đức Phật nói tiếp:

“Này A-nan! Đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này A-nan! Các thiện tín tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: ‘Đây là chỗ Như Lai đản sanh; đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; đây là chỗ Như Lai chuyển pháp luân vô thượng; đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”.

“Này A-nan! Những ai trong khi đi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.

Thế là cuối cùng, tôi dõng mãnh quyết định đóng va ly, túi xách khệ nệ lên đường trở về quê hương đấng Cha lành với cái chân vẫn đang đau nhức vì chứng xương khớp của tuổi già.

Ngày đầu tiên trong cuộc hành trình của chúng tôi, phần lớn là những khoảng thời gian trên máy bay và chờ đợi ở sân bay chuyển tiếp, đã kết thúc lúc 10 giờ đêm tại một khách sạn khá ấm cúng trong đêm Ấn Độ giá lạnh. Giấc ngủ đầu tiên của tôi trên đất người thật ngon lành với cảm giác bình an, hạnh phúc, vì cuối cùng, tôi đã đến được nơi mình hằng ao ước.

2. CẢM NHẬN ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT NƯỚC ẤN ĐỘ

Chúng tôi thức dậy và lên đường lúc tờ mờ sáng. Những cung đường chúng tôi đi qua trên đất nước Ấn Độ để về thăm các Thánh tích phần lớn là vùng quê trắng xóa bụi bặm bám dầy trên những tán lá, thân cây; trên những mái nhà bằng rơm rạ thấp lè tè có đủ các loại dây leo của bầu bí, trên những mảng tường thô kệch bằng đất sét, gạch nung không hề tô vữa. Đôi khi, tôi có cảm giác như mình đang đi qua những làng mạc hoang phế sau bom đạn chiến tranh tàn phá.

Khi sưu tập hình, tôi vẫn thích hình ảnh một nhánh nhỏ màu xanh biểu trưng của sự sống lén lén nhoi ra từ một khoảnh đất nứt nẻ nắng hạn, hay một khe hở thật nhỏ đến nỗi không nghĩ là có của mảng bê tông cứng nhắc. Ở đây cũng vậy, những làng mạc trông như bỏ hoang đó thật ẩn nhẫn khoe sự sống của mình bằng những cánh tay trẻ con vẫy chào vui vẻ với khách phương xa, dù chúng tôi chỉ lướt ngang qua cùng khói bụi bên đường. Thật kỳ lạ, ở đâu có bọn nhỏ là có những bàn tay vẫy với những ánh mắt hào hứng, sáng rực sự vui vẻ, thân thiện. Tôi có cảm giác chiếc xe và chúng tôi như món đồ chơi chung lạ lùng ở một nơi mà trẻ nhỏ chẳng có cái gì để chơi, để khoe với nhau. Mà bọn trẻ thì đông vô kể, ở đâu cũng thấy chúng đang tụ tập ngoài sân, quần áo cũ kỹ, tóc tai luộm thuộm đang chơi với bụi bặm và sương mù giá lạnh, dù giờ này lẽ ra đã là giờ vào học.

(còn tiếp…)

Bài viết cùng chuyên mục