Đoàn xe của Thầy trò chúng tôi lại tiếp tục lăn bánh. Điểm dừng chân tiếp theo trên những cung đường nắng lấp loáng, là ngôi chùa mang tên Phúc Lâm (Phúc Lâm tự). 

Đây là lần thứ hai, chúng con được cùng Sư phụ tới thăm ngôi chùa này. Phúc Lâm tự nằm khiêm nhường và yên tĩnh trong xóm làng hiền hòa của một miền quê Bắc bộ.

Ký sự miền Bắc: Những cung đường nối dài đất nước (Phần IV)

Đoàn xe của Thầy trò chúng tôi lại tiếp tục lăn bánh. Điểm dừng chân tiếp theo trên những cung đường nắng lấp loáng, là ngôi chùa mang tên Phúc Lâm (Phúc Lâm tự). 

Đây là lần thứ hai, chúng con được cùng Sư phụ tới thăm ngôi chùa này. Phúc Lâm tự nằm khiêm nhường và yên tĩnh trong xóm làng hiền hòa của một miền quê Bắc bộ. So với thời gian chúng con được tới thăm nơi này cách đây hơn bốn năm, giờ đây, Phúc Lâm tự đã khoác trên mình một màu áo mới. Con đường vào chùa đã được trải bê tông chứ không còn cảnh đường đất bụi mờ khi trời nắng và bùn bẩn lép nhép khi trời mưa. Cánh đồng lúa chỉ còn trơ lại những gốc rạ bên đường vào chùa, như báo hiệu một mùa gặt đã bội thu và một mùa vụ mới sắp sửa bắt đầu của bà con nông dân. Xe dừng lại khi gặp bóng cây đa cổ thụ toả những tàn lá sum sê, im mát cả một khoảng sân rộng lớn. Phúc Lâm tự, vậy là chúng con đã cùng nhau có mặt sau bốn năm khi được ghé thăm lần đầu.

Cổng Tam quan đã được xây dựng xong, vẫn còn thắm màu sơn mới. Khoảng sân chùa đã được lát những hàng gạch đỏ thay vì sân xi măng khấp khểnh chỗ vỡ chỗ nứt của thời gian trước kia. Thế nhưng, mấy anh chị em chúng con lại không ngớt trầm trồ thích thú bởi vườn cây ăn trái trồng rất nhiều bưởi và đặc biệt là đu đủ của chùa. Từng luống đất được phủ bóng bởi những quả đu đủ xanh um và sum sê đang trĩu nặng từng cây. Mặc dù đứa nào trong số chúng con, chân cũng đang rảo bước thật nhanh để cùng vào đảnh lễ Thầy trụ trì chùa Phúc Lâm, nhưng mắt thì không rời vườn cây xanh tốt. Rồi như không hẹn mà đứa nào cũng mỉm cười thú vị vì biết rõ: Thế nào lát nữa Sư phụ của chúng con cũng sẽ ra tới đây để thăm vườn. Tới lúc đó, chúng con sẽ được “hợp thức hoá” dùng điện thoại, bởi vì cứ mỗi bước chân của Sư phụ dừng ở đâu, chúng con sẽ tranh thủ mọi thời gian để lưu lại những bức hình quý giá. Nói với nhau những suy nghĩ vui vẻ đó rồi mấy chị em nhanh chóng vào phía trong của khu vực dành cho khách. Sư phụ của chúng con đang ngồi bên Thầy trụ trì Chiếu Hương, nhỏ tiếng truyện trò. Từ xa, thấy mấy đứa con lóc chóc vì mải ngắm vườn cây mà bây giờ mới vào tới nơi, Sư phụ khẽ quay sang phía Thầy Chiếu Hương giới thiệu gì đó. Thầy trụ trì mỉm cười hiền từ nhìn lũ chúng con tới đảnh lễ, rồi bảo: “Các con đi cùng với thầy Thuận phải không? Các con ra rửa chân tay rồi chuẩn bị ăn trưa nhé!”. Chúng con vâng dạ, rồi rút lui xuống khu vực nhà bếp, để hỏi các cô các bác có còn việc gì cho chúng con phụ giúp cùng không. Thế nhưng, với sự chu đáo sắp xếp của Thầy trụ trì và lòng mến khách, quý người đầy hồn hậu của những Phật tử nơi miền quê Bắc bộ, các cô các bác đã hoàn thành hết mọi việc từ sớm. Và lũ chúng con, theo như lời các cô các bác ở nhà bếp “đề nghị” thì: “Các cô cứ lên trên nhà đi! Chúng tôi xong hết rồi. Chả mấy khi các cô có dịp về chơi, cứ lên nhà rồi chuẩn bị ăn cơm ngay bây giờ đấy!”. “Nhà” mà các cô các bác vừa nhắc tới, là một phòng ăn dành cho khách, nhỏ xinh, ấm cúng và sạch sẽ. Bây giờ chúng con cũng mới được biết, hôm nay không chỉ có Thầy trò chúng con và Thầy trụ trì Chiếu Hương, mà còn có thêm một đoàn Phật tử khá đông, từ nơi miền núi xa xôi Yên Bái cũng có mặt. Cơ duyên trùng phùng, đoàn Phật tử miền núi phía Bắc lại được gặp “thần tượng Bóng mây”.

Bởi thế, không khí trong căn phòng nhỏ lập tức trở nên thân tình và gần gũi lạ thường. Mấy đứa chúng con ngồi ở chiếc bàn kế bên bàn của Sư phụ và Thầy Chiếu Hương. Thầy Chiếu Hương là bạn học cùng Sư phụ cách đây đã gần hai chục năm. Tình huynh đệ chốn thiền môn của một thời dường như vẫn vẹn nguyên khi chúng con thấy Sư phụ và Thầy Chiếu Hương ngồi sát bên cạnh nhau đầy tình cảm. Thầy Chiếu Hương còn tự hào giới thiệu cho tất cả chúng con rằng: “Thầy và thầy Thuận đây học cùng nhau từ lâu lắm. Hồi đó học cùng lớp, nhưng thầy Thuận thì lúc nào cũng giỏi nhất lớp. Thầy cũng không theo được thầy Thuận đâu!”. Mấy anh chị em chúng con lại âm ỉ niềm tự hào và thấp thoáng nét cười không giấu giếm, vì hiếm hoi lắm lũ chúng con mới được thấy nét ngại ngùng của Sư phụ khi thầy Chiếu Hương kể cho chúng con nghe những thành tích của Người khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Sư phụ không nói gì nhiều, chỉ tủm tỉm cười nhè nhẹ. Nhưng chúng con cũng từng được biết, thầy Chiếu Hương cũng là một trong những Tăng sinh xuất sắc của ngày son trẻ ấy, và hiện nay, vẫn là một vị thầy trụ trì với tấm lòng và cách hành trì, tu tập được rất nhiều Phật tử trong vùng quý mến, trân trọng. Câu chuyện vẫn được tiếp tục với không khí thân mật và ấm cúng. Chẳng mấy chốc, những món ăn cuối cùng đã được bày biện đẹp mắt, toả mùi thơm hấp dẫn lan khắp cả căn phòng. Lần nào tới đây, Thầy trò chúng con cũng được chứng kiến tay nghề nấu ăn tuyệt hảo của các cô bác Phật tử nơi này. Tất cả những món ăn trên bàn, tuy đơn sơ giản dị nhưng lại được sắp xếp, trang trí đẹp mắt không kém gì nhà hàng, khách sạn. Màu gấc đỏ au của đĩa xôi được đóng khuôn chắc chắn kèm với màu vàng tươi của đỗ xanh đồ kỹ; màu vàng óng ả của đậu phụ được phủ lên lớp rau thơm xanh mướt được trồng ở vườn chùa… Sắc màu đan xen và món ăn phong phú khiến mấy đứa chúng con cứ trầm trồ mãi trước khi cầm đũa… Thầy Chiếu Hương còn sợ chúng con “làm khách”, nên cứ liên tục quay sang động viên: “Mấy cô ở phía bên đó cứ mạnh dạn ăn cho no đi nhé!”. Chúng con cười tươi, vâng dạ. Sư phụ quay sang phía lũ con đang thì thầm nói cười, rồi Người nhìn sang phía đoàn Phật tử Yên Bái, từ tốn hỏi: “Các bà các cô dùng có quen không? Ăn có ngon miệng không?…”. Phòng ăn bây giờ giống như có hai người cha lớn đang tíu tít với một đàn con nhỏ. Cha thì cứ lo con đói, lo con không ăn được nhiều. Thế nên, lũ chúng con cũng không chút ngần ngại mà bộc bạch với Thầy trụ trì: “Dạ thưa Thầy, rau cải ngon quá ạ!”. Sư phụ cho chúng con biết, rau cải này được trồng ngay tại chùa, không hoá chất và hoàn toàn sạch sẽ. Lũ chúng con ồ lên: “Thảo nào mà ngon quá ạ!”. Chúng con ăn hết món rau cải đầu tiên. Nhìn sang thấy đĩa rau xanh đầy tới ngọn đã được lũ chúng con nhanh chóng “giải quyết” sạch sẽ từ bao giờ, thầy Chiếu Hương khẽ cười hiền từ. Và chỉ một lát sau, các bà các cô đã tiếp tục đưa thêm cho chúng con một đĩa rau cải luộc xanh biếc, còn toả khói nghi ngút. Thì ra, biết Thầy trò chúng con thích ăn rau này, Thầy trụ trì đã kín đáo nhắn nhà bếp ra vườn cắt thêm cải từ lúc nãy. Bữa ăn dù không kéo dài, nhưng cứ đọng lại mãi trong mỗi người chúng con, dư vị ngọt ngào của sự quan tâm và tình cảm trìu mến, hiền hậu từ thầy Chiếu Hương dành cho Phật tử. Chúng con xúm vào cùng nhau dọn dẹp và chia nhau ngồi rửa bát. Chẳng mấy chốc, mấy em trai xuống gọi: “Các chị lên đây đi! Sư phụ dắt cả đoàn lên chánh điện lễ Phật”. Vậy là, chúng con nhanh chóng tập trung, chỉnh trang lại trang phục rồi cùng Sư phụ lên chánh điện. Ngoài trời đang là quá trưa, nắng gay gắt hắt xuống khoảng sân gạch từng luồng oi bức. Nhưng trong chánh điện, lại dịu mát hiền hòa với hương trầm bảng lảng. Lễ Phật xong, đoàn Phật tử Yên Bái xin phép được chụp hình chung với Sư phụ và Thầy Chiếu Hương; Còn lũ chúng con lại dắt díu nhau ra sân chùa. Chỉ có mấy chị em gái mà dám tìm sào để chọc mấy quả ổi găng hiếm hoi còn sót lại. Nhìn lũ chúng con chẳng khác nào hồi còn bé xíu, trốn giấc ngủ trưa để nghịch ngợm đủ trò. Cũng vì tình huynh đệ thắm thiết giữa Sư phụ và Thầy trụ trì mà chúng con mới dám “lớn gan” hái trái như vậy. Có mấy chị em mà ì xèo góc sân nhỏ, nào là “Em nhìn thấy quả kia chín kìa!”; nào là “Cao lắm, sào không tới!”; nào là “Bây giờ chị chọc rồi nhìn theo mà đỡ nhé!”… Bộp, bộp, có hai trái ổi găng be bé rơi thẳng xuống sân mà chúng con không kịp đỡ. “Chiến lợi phẩm” thu về tất cả có bốn trái ổi bé xinh, quả chín quả xanh nằm gọn lỏn trong bàn tay mấy đứa. Đúng lúc này Sư phụ và thầy Chiếu Hương cùng đoàn Phật tử Yên Bái bước ra từ chánh điện. Thấy lũ chúng con, Sư phụ cất giọng hiền từ: “Mấy đứa con hái ổi hả? Vậy mà hồi nãy thầy nghe, tưởng đứa nào bị ngã chớ!”. Chúng con hân hoan xòe bàn tay khoe với Sư phụ và Thầy trụ trì bốn trái ổi vừa hái được. Thầy trụ trì cười hiền: “Cây này mới hết trái đó, chứ lúc vào mùa, nó sai quả lắm!”. Chúng con đồng thanh: “Thế này cũng quý lắm rồi, Thầy ạ! Lát nữa chúng con mang ra xe, để lên đó cho thơm ạ”. Rồi cả lũ chúng con, chưa kịp để “chủ nhà” lên tiếng, đã nhanh nhảu: “Dạ thưa Sư phụ! Sư phụ ra vườn đu đủ chụp ảnh đi ạ! Vườn đẹp lắm!”. Sư phụ đưa mắt sang Thầy trụ trì, cười cười như ngầm bảo: “Ông đã thấy cái lũ này nó lanh dễ sợ chưa!”. Thầy Chiếu Hương vui vẻ dẫn Thầy trò chúng con ra giới thiệu vườn đu đủ đang trĩu quả và từng gốc bưởi đang kết quả nặng cành. Ra tới nơi, chúng con đã thấy các bác các cô Phật tử, với từng túi đu đủ to và nặng đang xếp đầy trên sân gạch. Thầy Chiếu Hương cho biết, lúc vườn đu đủ chín rộ, ai vào xin, Thầy cũng cho hết, không lấy một đồng nào. Sư phụ và Thầy trụ trì sóng bước bên nhau, thăm từng gốc cây, từng trái chín. Lũ chúng con háo hức chạy theo. Điện thoại, máy ảnh được hoạt động hết công suất để ghi lại những khoảnh khắc quý giá này…. Rồi chẳng mấy chốc, đã tới giờ chia tay…. Lũ chúng con đứa nào cũng ngậm ngùi khi chia tay Phúc Lâm tự và chia tay Thầy trụ trì hiền hậu, nhân từ. Lúc bấy giờ, Thầy trò chúng con mới biết, hoá ra các bác các cô lúc nãy đang xếp đu đủ để Thầy trò chúng con mang theo xe, như lời Thầy trụ trì nhắn nhủ…. Sư phụ của chúng con ngỡ ngàng, và tất cả chúng con cũng ngỡ ngàng vì sự chu đáo và hiếu khách của thầy Chiếu Hương. Những tấm hình thì được chụp vội trước cổng Tam quan khi đoàn xe chuẩn bị xuất phát. Còn những trái đu đủ trĩu cành bây giờ đã được xếp gọn gàng sau xe. Hành trình mang nặng thêm bao nhiêu yêu thương và tình nghĩa. Thầy Chiếu Hương còn lại một mình, đứng vẫy tay chào tạm biệt từng xe từng xe khi chúng con lại theo chân Sư phụ tiếp tục lên đường. Thành phố cảng Hải Phòng, Thầy trò chúng con sẽ có mặt sau gần 2 tiếng nữa…

 

 

 

Hải Phòng, thành phố cảng tấp nập đêm ngày. Thầy trò chúng tôi dừng xe khi trời chiều đã muộn. Chỉ có một khoảng thời gian ít ỏi để Sư phụ nghỉ ngơi trước khi buổi giảng ở chùa Vẽ (Hoa Linh tự) chính thức bắt đầu. 

Chùa Vẽ là ngôi chùa của Đoạn Xá, phường Đông Hải, quận Hải An, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 10 km. Chùa Vẽ có tên chữ là Hoa Linh tự, gắn liền với những sự kiện oanh liệt chống ngoại xâm của quân dân ta trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, và chiến thắng Bạch Đằng năm 1287-1288 của quân dân ta vào thời Trần. Truyền sử địa phương ghi rõ, các thám tử của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã sử dụng ngôi chùa này để quan sát đồn trại giặc, và vẽ sơ đồ chuẩn bị cho trận đánh Bạch Đằng năm 1288 thắng lợi. Là một trong những ngôi chùa lớn về diện tích, rộng dài về lịch sử, ngày nay, chùa Vẽ đã được chỉnh trang, tu sửa rất nhiều để ngày một khang trang hơn, bề thế hơn. Thầy trò chúng tôi đến với chùa Vẽ khi trời chiều đã tắt nắng. Bên cạnh nét uy vũ của chốn linh thiêng, thì loáng thoáng vẫn còn dở dang xi măng, gạch lát của công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nơi Sư phụ sẽ thuyết giảng là một giảng đường rộng lớn, sàn nhà được lát bằng đá sáng bóng, sạch sẽ. Từng hàng cột cao, bề thế khiến giảng đường có không gian thoáng đãng và rộng rãi. Còn khá lâu trước khi thời thuyết giảng bắt đầu, tiếng đọc kinh, tiếng hát, tiếng cười cứ lần lượt văng vẳng, vang vọng khắp không gian rộng lớn. Càng gần tới giờ giảng của Sư phụ, lượng người càng trở nên đông đúc. Khoảng sân chùa to rộng là thế, mà thoáng chốc, đã không còn đủ chỗ để xe. Giảng đường đã chật kín người ngồi. Ai ai cũng đang háo hức chờ đợi giây phút Ban Nghi lễ tác bạch và Sư phụ chính thức bắt đầu hướng dần về phía giảng đường.

Chủ đề tối hôm nay, là phần tiếp theo trong chuỗi chủ đề Thay đổi vận mệnh. Lần này, Sư phụ đặc biệt chú trọng tới hai khía cạnh: giữ gìn lời nói (tu khẩu nghiệp) và sống chung thuỷ (giữ giới thứ ba). Trong giảng đường chật kín chỗ ngồi, hơn 400 Phật tử lặng phắc tiếng nói chuyện; không gian bao trùm một sắc màu cung kính, ngưỡng mộ và chăm chú. Cung kính bởi trân quý và tín tâm với Tam bảo, mà đại diện trên pháp tòa bây giờ, lại là vị Thầy mà ai ai cũng hết mực mong ngóng. Chăm chú, bởi bao giờ cũng vậy, chỉ cần giọng nói trầm ấm của Sư phụ nhẹ nhàng cất lên, là như một luồng ánh sáng ấm áp yên ổn, rạng soi và thấu tỏ biết bao nhiêu nỗi nhọc nhằn, đắng cay của kiếp người trầm luân cực nhọc. Chỉ cần nhìn lên ánh mắt hiền hòa và nụ cười hiền hậu của Người, ai ai cũng thấy được an ổn, vững tâm và có thêm lòng can đảm…. Thế là, buổi pháp thoại kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, nhưng dường như vẫn chưa đủ đối với những người con của Thành phố cảng. Bởi lẽ, bài giảng quá chân thực và quá nhiều ý nghĩa, nhất là với những Phật tử tại gia như chúng con. Giữ gìn lời nói, nghe thì thật dễ, song để thực hiện cho được, thì thật khó, khi mà, cuộc sống bận rộn với áp lực mỗi ngày mỗi lớn; áp lực từ cơ quan, cho tới những mối quan hệ với đồng nghiệp, với cấp trên…. Và, nhiều nhất, gần gũi nhất, lại chính là áp lực, những ức chế do chính những người thân thiết với mình mang tới. Khi bình tĩnh và khi vui vẻ, thật không có gì phải lăn tăn suy nghĩ về lời nói, đâu ai có thể to tiếng, vùng vằng hay chì chiết. Chỉ khi đối diện với những điều bất như ý, đối diện với những chướng ngại và khó khăn, nghịch cảnh, người ta mới khó mà kiềm chế được để không nói những lời khiến người khác tổn thương. Như lời Sư phụ đã từng giảng, lời nói không là dao, sao cắt lòng đau nhói…. Có ngàn lẻ một cách để giữ gìn lời nói (tu khẩu nghiệp), nhưng điều khó khăn là, làm sao có đủ bình tâm và tỉnh giác ngay cả khi tâm trạng chúng ta đang ở trên bờ vực thẳm của uất hận, của hơn thua…. Một khía cạnh cũng vô cùng quan trọng trong đời sống của Phật tử tại gia, đó là sống chung thuỷ (giữ giới thứ ba như lời đức Phật hằng chỉ dạy). Cuộc sống ngày một bận rộn và gấp gáp, mối quan hệ giữa người với người thoáng chốc cũng trở nên hời hợt, chóng vánh và chứa nhiều toan tính. Để rồi, nếu không có định lực vững chắc và một lối sống đoan chính, con người ta sẽ dễ dàng phủ phê và thả trôi theo những tham dục tầm thường… Người Phật tử tại gia trong đời sống hiện tại, bên cạnh việc phát tâm tu tập và hành trì nghiêm túc, thì lối sống nghiêm túc và giữ gìn giới hạnh cũng sẽ là nét chấm phá đẹp đẽ cho bức tranh đời sống ngày thêm rực rỡ và sinh động. Bài giảng của Sư phụ kết thúc khi đa số Phật tử vẫn còn háo hức, bởi thế, Sư phụ dành thêm chút thời gian để giải đáp thắc mắc trong quá trình tu tập của Phật tử nơi đây.

Những câu hỏi lần lượt được gửi lên phía pháp tòa. Sư phụ kiên nhẫn và tỉ mỉ giải thích từng câu một, dù rằng đêm đã dần khuya và chúng con biết, Người đang rất mệt. Nhưng khi nhìn lên pháp tòa, chúng con chỉ thấy vẫn nét cười hiền hậu và ánh mắt từ ái của Người trước những câu hỏi hết sức hồn nhiên và thú vị của các Phật tử nơi đây. Có một câu hỏi đã khiến cả giảng đường hơn 400 người bừng vỡ bởi những tiếng cười vui vẻ: “Câu hỏi xin Thầy giải thích là: ‘Nếu đức Phật A Di Đà bận quá, không thể đi tiếp dẫn được thì có uỷ quyền cho ai đi thay không…?’”. Cách trả lời của Sư phụ vô cùng chính xác và thoả đáng, mà cũng không kém phần dí dỏm, đã khiến cả giảng đường quên đi những đôi chân đang tê mỏi, những cái lưng đã đau nhức mà vẫn náo nức muốn nghe thêm lời Sư phụ giảng… Rồi thời thuyết giảng và giải đáp thắc mắc cũng phải kết thúc vì đêm đã muộn. Sư phụ của chúng con rời giảng đường khi kim đồng hồ đã chạy gần hết một vòng của 24 tiếng. Tạm biệt chùa Vẽ, Thầy trò chúng con trở lại nơi nghỉ ngơi để sáng sớm mai, Sư phụ sẽ tiếp tục một thời giảng pháp nữa tại đất cảng sầm uất này. Đêm đã khuya lắm, đường phố chỉ còn vọng lại những tiếng bánh xe tải lăn đều đều trên con đường trải nhựa. Những quán ăn đêm sáng ánh đèn; gió đêm khe khẽ lành lạnh. Mùa này, hoa sữa đã nở trắng, bung từng chùm phủ kín cả tàn cây. Chúng con mở bung cửa kính xe, cho gió đêm đưa hương thơm nồng ngọt ngào của mùa hoa cuối thu tràn căng dìu dịu. Mỗi bước chân đi được đồng hành cùng Sư phụ, đối với chúng con, thật quý giá và đáng trân trọng biết bao… Hải Phòng, chỉ ít giờ nữa thôi là đã sang ngày mới. Thành phố say ngủ trong an ổn và thanh bình, chỉ có chúng con biết rõ, sớm mai đây, có bước chân thầm lặng của người thầy vĩ đại, lặng lẽ đến rồi đi, chở biết bao từ bi nhẫn nại, tiếp thêm cho đời ngọn lửa của hy vọng, của tự tại và an yên…