Hà Nội, sáng thứ 7 cuối tuần với từng vệt nắng sớm len lỏi rải khắp trên phố phường sôi động. Vì là ngày cuối tuần, cho nên từ sáng sớm, tất cả những trục đường chính nối Hà Nội trở về các tỉnh lân cận trở nên đông đúc tấp nập lạ thường. Còi xe inh ỏi và ngược xuôi xe cộ, ai ai cũng vội vã với hành trình hoặc về quê thăm nhà, hoặc ra ngoại thành du lịch. Chúng con, cũng hoà chung vào dòng xe cộ tấp nập để bắt đầu một hành trình mới cùng Sư phụ, tạm biệt Hà Nội để đến với Bắc Giang. Ngày hôm nay, Sư phụ có buổi thuyết giảng tại chùa Ích Minh, thôn Đồng Ích, xã Hương Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ký sự miền Bắc: Những cung đường nối dài Đất Nước.

(Phần III)

Hà Nội, sáng thứ 7 cuối tuần với từng vệt nắng sớm len lỏi rải khắp trên phố phường sôi động. Vì là ngày cuối tuần, cho nên từ sáng sớm, tất cả những trục đường chính nối Hà Nội trở về các tỉnh lân cận trở nên đông đúc tấp nập lạ thường. Còi xe inh ỏi và ngược xuôi xe cộ, ai ai cũng vội vã với hành trình hoặc về quê thăm nhà, hoặc ra ngoại thành du lịch. Chúng con, cũng hoà chung vào dòng xe cộ tấp nập để bắt đầu một hành trình mới cùng Sư phụ, tạm biệt Hà Nội để đến với Bắc Giang. Ngày hôm nay, Sư phụ có buổi thuyết giảng tại chùa Ích Minh, thôn Đồng Ích, xã Hương Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. 

Buổi thuyết giảng của Sư phụ sẽ bắt đầu vào lúc 8h sáng. Với tính tình cẩn trọng và đầy trách nhiệm của mình, dù đêm qua trở về từ Bắc Ninh rất muộn, dù thời gian được nghỉ ngơi vô cùng ít ỏi, thì sáng hôm nay, Sư phụ vẫn hẹn tất cả chúng con từ 05h30. Mặc dù, lũ chúng con nhìn gương mặt chưa vơi nỗi nhọc nhằn mệt mỏi của Sư phụ; Mặc dù, chúng con đã hết lời “trấn an” Sư phụ rằng, khoảng cách từ Hà Nội tới Bắc Giang sẽ không mất quá nhiều thời gian; Mặc dù, lũ chúng con đứa nào cũng chỉ mong muốn sao Sư phụ được nghỉ ngơi thêm chút chút, dù chỉ là thêm được 15 hay 20 phút thôi cũng được…. Thế nhưng, có bao giờ Người chấp nhận đề nghị đó của lũ con đang thắt lòng lo lắng cho sức khoẻ của Người… Sư phụ, vẫn câu nói quen mà chúng con đã “thuộc lòng”: Sư phụ không sao mà các con…

Thế cho nên, Người vẫn thức giấc từ sáng sớm, sẵn sàng dẫn đàn con vượt hơn 60km để tới một miền quê với bạt ngàn nắng gió. Dù là thành phố sầm uất hay vùng thôn dã mộc mạc xa xôi, ở đâu có những tấm lòng thiết tha cầu Đạo và hiếu Đạo, thì chúng con đương nhiên biết, Sư phụ sẽ chẳng bao giờ ngần ngại hay ngập ngừng chậm trễ, bất kể dặm trường xa xôi và thân bệnh còn nhiều lắm đớn đau, mệt mỏi. Đồng hành với mỗi bước chân đi của Người, không chỉ có những Phật tử ở khắp nơi nơi, mà còn có những khay thuốc hình chữ nhật được chia ô cẩn thận, đánh dấu khoảng thời gian cụ thể trong suốt một ngày: Sáng, trưa, chiều, tối… và, chúng con biết, một cách thường xuyên, Sư phụ thường vẫn quên giờ uống thuốc. Trong từng suy nghĩ và trong từng hành động của Người, tất cả những việc gì, những chuyện gì nằm ngoài kinh điển và giáo lý của Đức Phật, thì tất cả những việc đó hết thảy, đều nghiễm nhiên trở thành thứ yếu. Lũ chúng con, mang theo tâm trạng xót xa và lo lắng không yên, bởi lẽ chỉ trong một ngày hôm nay thôi, Người sẽ phải vượt chặng đường hơn 100km để tới với 2 địa danh, trước là Bắc Giang và sau sẽ là Hải Phòng. Thời tiết thì ngày một khó chịu bởi nắng nóng oi nồng như đang trong mùa Hạ. Đoàn xe cứ từ từ lăn bánh khỏi khu vực nội đô Hà Nội, nắng gay gắt xuyên qua cửa kính ô tô, nắng rải đều lên màu áo nâu của Người thành những quầng lấp lánh… Sư phụ của chúng con, vẫn phải mang nẹp cố định cổ, nhìn bóng dáng Người thẳng tắp và phía trên cổ đeo chiếc nẹp to, vững chắc, mấy anh chị em chúng con đứa nào cũng đang thấy khoé mắt mình cay cay…..

Xe bon bon băng qua đường cao tốc, xe lắc lư theo địa hình không mấy bằng phẳng khi bắt đầu tới khu vực ngoại thành của thành phố Bắc Giang. Ích Minh là một ngôi chùa mà chúng con chưa từng một lần được ghé thăm, bởi thế, đoàn cũng đã mất khá nhiều thời gian để dừng lại hỏi thăm đường. Tiếp tục vượt qua con đường nhỏ mà 2 bên là tăm tắp cánh đồng rộng lớn, chúng con đã tới được chùa Ích Minh theo sự hướng dẫn của người dân trong vùng. Đến tận đây chúng con mới biết, Ích Minh được chia làm 2 khu, nơi chúng con đang đứng được gọi là Ích Minh hạ(hay còn gọi là chùa cũ). Nhưng địa điểm thuyết giảng của Sư Phụ lại được diễn ra ở chùa Ích Minh thượng(chùa mới). Thảo nào mà dọc đường vào đây, thỉnh thoảng chúng con có gặp những bóng áo nâu của các bà, các cô hoặc đi xe đạp hoặc đang đi bộ, nhưng các bà các cô lại đi hướng ngược lại với đoàn xe. Đang hoang mang tiếp tục hỏi đường để lên chùa Ích Minh thượng, thì chúng con bắt gặp một cụ bà gầy gò, răng móm mém. Khi biết cụ cũng đang trên đường tới nghe “ thầy Bóng mây” giảng Pháp, chúng con đã vui vẻ mời cụ lên xe để đi cùng đoàn. Cụ bà vui lắm, cứ hồn nhiên và chân thành bộc bạch: “Bà niệm Phật suốt từ nhà ra tận đây đấy, biết có Thượng toạ về nên ở đây họ mừng lắm. Quê miền núi này các bà vất vả lắm các cô ạ. Chốc nữa lên đường đến chùa mới thì các cô phải leo đấy, cao lắm, các cô ở thành phố chắc không leo quen đâu”.

Cứ thế, những câu chuyện vụn vặt không đầu không cuối chúng con được nghe cụ bà vui vẻ kể mãi. Chẳng mấy chốc, phía trước cửa kính xe là một con dốc dài thẳng đứng. Dù rằng, con dốc đã được trải bê tông chắc chắn, nhưng nhìn lên con dốc cao như thế kia, chúng con lại càng hiểu vì sao mà Sư Phụ chưa một phút giây nào trì hoãn thời giờ thuyết giảng. Nhìn những bóng áo nâu chủ yếu là của các cụ già, nhìn những bước chân liêu xiêu vẹo vọ của các cụ khi phải vượt qua con dốc lớn, chúng con hiểu, với lòng từ vô hạn của Sư phụ, thì Người hẳn sẽ thương các cụ vô vàn. Mạch suy nghĩ của chúng con gián đoạn khi nhìn thấy ở phía trước con dốc, chú thị giả Thiện Đạt đang dìu đỡ một cụ già mới vừa bị ngã. Chờ tới khi xe có thể tạm dừng lại mà không bị trượt lùi, mấy chị em gái chúng con xuống xe để nhường chỗ cho 4, 5 cụ bà. Các cụ mừng lắm, những khoé mắt nhăn nheo lấp lánh nụ cười. Trong đó, có cụ già mới vừa bị ngã, chân tay xước xát và chìa khoá, túi xách văng lung tung mỗi nơi một thứ. Lên xe rồi các cụ còn động viên mấy chị em chúng con: Đường dốc lắm các cô đi cẩn thận nhé ! Mấy chị em chúng con vui vẻ vẫy tay chào các cụ và dắt díu nhau bắt đầu đi bộ “vượt dốc”. Chỉ thêm một đoạn đường ngắn ngủi mà đứa nào cũng chùn chân thở gấp. Chúng con lại càng khâm phục tấm lòng khát ngưỡng và mong mỏi được nghe Sư phụ thuyết pháp của các cụ; Chúng con lại càng thấu hiểu tâm tư và ước nguyện đầy thành kính của các cụ: Được tận mắt trông thấy thầy Bóng mây ít nhất là một lần trong đời. Khi mấy chị em chúng con đã “chinh phục” con dốc thành công, thì mở ra phía trước mắt chúng con là khung cảnh ngổn ngang của công trình đang hoàn thiện. Đất núi gồ ghề và khúc khuỷu ổ voi, ổ trâu lồi lõm. Nắng tưng bừng phủ lên quang cảnh ngổn ngang của ngôi chùa đang xây dựng. Vậy là, thầy trò Sư phụ chúng con, đã chính thức có mặt ở chùa Ích Minh thượng vào một sáng thứ 7 cuối tuần tràn nắng gió đại ngàn như thế.

Theo lời kể của những người dân nơi đây, chúng con được biết, Chùa Ích Minh thượng sẽ được khởi xây với 1 Chánh Điện, nhà Thờ Tổ, 2 dãy nhà Tăng, 1 điện Địa Tạng, điện Di Đà, lầu chuông, gác Trống, cổng Tam Quan, 1 bức đại tượng Thập Phương Phổ Hiền cao 49m, và đặc biệt được xây dựng 1 đàn tế trời trên đỉnh núi Voi linh thiêng, hùng vĩ. Nơi đây hứa hẹn trở thành một trung tâm tu học Phật pháp cho Phật tử trong và ngoài địa phương.

Kể sao cho hết những khó khăn của việc xẻ núi để làm đường, xây chùa. Bởi lẽ, núi Voi (núi Con Voi) có độ cao 142m, sườn núi thẳng đứng là lý do giải thích về con dốc lớn mà thầy trò Sư phụ chúng con mới vừa đi qua. Sức người thì có hạn mà khó khăn thì chồng chất, đặc biệt, công trình xây dựng lại chỉ có thể tiến hành vào những tháng ít ỏi của mùa khô cứ Bắc. Vào mùa mưa, nước sẽ tràn từ thượng nguồn đổ xuống, gây sạt lở núi và đương nhiên việc xây dựng hoàn toàn phải dừng lại. Ấy vậy mà, nơi chúng con đang đứng vẫn là một giảng đường trang nghiêm rộng lớn, dẫu rằng chỉ đơn sơ là mái tôn che chắn. Phía trước giảng đường, là khu chánh điện đang trong giai đoạn đào móng. Gạch, đá, xi măng ngổn ngang. Nhưng điều đó cũng không làm cho những tiếng niệm Phật trở nên biếng nhác; Mỗi tháng một lần, đạo tràng ở chùa Ích Minh vẫn tu tập một cách tinh chuyên và đều đặn. Sau thời khoá niệm Phật của đạo tràng, là tới thời thuyết Pháp của Sư phụ. Lần đầu tiên, ban Thỉnh sư và Sư phụ ở ngay trong tầm mắt của hơn 200 Phật tử đang có mặt tại giảng đường từ những phút giây đầu tiên. Bởi lẽ, chùa đang được xây dựng nên Sư phụ chúng con cũng sẵn sàng hoan hỉ đi từ phía cuối giảng đường lên pháp tòa. Màu áo vàng trang nghiêm của Sư phụ đi tới đâu, nắng dường như dịu hơn tới đó. Trước khi bắt đầu buổi giảng, với tấm lòng từ bi sâu sắc, chính Sư phụ là người “thay đổi” lại “trật tự chỗ ngồi” của đạo tràng. Bởi lẽ, cả một phía bên trái giảng đường đang ngập trong nắng gay gắt dù rằng mới chỉ hơn 08h30. “Quý vị di chuyển dần về phía cánh phải giảng đường đi ha, chứ ngồi nắng thế kia lát về nhà rồi bệnh thì khổ lắm…” Bài giảng của Người được bắt đầu bởi những quan tâm từ bi như thế. Sau khi đạo tràng ổn định, là thời khoá chính thức của chủ đề: Thay đổi vận mệnh, một chuỗi chủ đề được kéo dài từ Nam ra Bắc.

Ở phần 4 trong chuỗi chủ đề Thay đổi vận mệnh lần này, Sư phụ nhấn mạnh tới việc không sát sinh_là một trong 5 giới cần gìn giữ của đệ tử tại gia. Dù biết rằng, giữ gìn để không sát sinh đối với các bà các cô trong gia đình là khó lắm. Người phụ nữ với bản năng và thiên chức chăm lo cho gia đình, cho con, cho cháu. Nên chỉ cần chồng con mình, các cháu của mình thèm ăn món gì, thích ăn món gì, người phụ nữ sẽ chẳng hề ngần ngại mà sát sinh để phục vụ cho mâm cơm gia đình. Để rồi, bao nhiêu tội lỗi và bao nhiêu quả báo, người phụ nữ sẽ gánh lấy về mình. Đó cũng là lý do vì sao phụ nữ ốm đau bệnh tật nhiều hơn nam giới. Có mặt trong giảng đường sáng hôm nay, chủ yếu đã là những mái đầu tóc bạc; Là những người đã đi qua phần lớn con dốc của cuộc đời; Bởi vậy, để thay đổi những thói quen đã cũ kỹ và thay đổi những nếp sống đã ăn sâu vào máu thịt, thật sự không phải là một điều dễ dàng. Nhưng, khó không có nghĩa là những người học Phật sẽ lùi bước; Khó, không có nghĩa là chúng ta sẽ dễ dàng bị đánh gục, bị nhấn chìm…. Càng khó khăn, thì đó là lúc lại càng cần tới tâm Bồ Đề kiên cố. Để dũng cảm bước qua lối mòn trong tâm tưởng và trong cách sống của chính mình. Không sát sinh, là một trong những cách thức để mỗi người học Phật nuôi dưỡng tâm từ bi và khơi dậy lòng trắc ẩn. Khi mang trong mình hạt giống của sự yêu thương đối với mọi người, mọi loài, thì nghiễm nhiên cách ứng xử của mình sẽ từ đó mà trở nên hiền hoà hơn, nhân hậu hơn. Thay đổi vận mệnh, lúc đó sẽ diễn ra một cách tự nhiên và thuận lợi…..

Bài giảng giản dị, được truyền tải bằng tất cả lòng mong mỏi thiết tha rằng tất cả những người con Phật, sẽ có niềm tin vững chắc và sẽ tinh tấn tu tập theo những điều mà Đức Phật đã hằng chỉ dạy. Nắng mỗi lúc một lên cao, khu giảng đường đơn sơ chẳng mấy chốc tắm trong ánh nắng chan hoà; Gió đại ngàn đưa tới hương thơm nồng nồng của đất, hương thơm ngòn ngọt của rặng cây Keo đang nở hoa vàng rực trĩu cành….. Bài pháp thoại kết thúc cũng là khi trời đã xế trưa, thầy trò Sư phụ chúng tôi tạm biệt vùng núi rừng ngập tràn nắng gió; Tạm biệt những con người hiền hậu, dễ mến và đáng khâm phục bởi tấm lòng hướng Đạo dù cuộc sống nơi miền sơn cước này còn nhiều lắm khó khăn. Mỗi miền quê, mỗi địa danh mà Sư phụ của chúng con từng đặt bước chân qua, cũng giống như từng hạt mầm của từ bi, bác ái và niềm tin kiên cố vào Chánh pháp Như Lai được Sư phụ ươm mầm, và rồi, trải qua mưa nắng biến thiên của dòng đời hối hả, từng hạt mầm đó có trổ cành xanh lá, đơm trái ngọt lành hay không, thì hoàn toàn phụ thuộc vào cách phát tâm và hành trì của mỗi cá nhân, của mỗi đạo tràng. Như lời Sư Phụ cũng đã từng giảng: “Con đường giác ngộ vốn có sẵn, nhưng chúng ta có cảm nhận được giác ngộ hay không, hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng nhận thức và sự phát tâm tu tập của mình. Xe lại từ từ lăn bánh, hướng hành trình đi về phía thành phố cảng Hải Phòng…. Nắng vẫn trải dài trên con đường trước mặt, nhưng điểm nhìn duy nhất của chúng con chỉ tập trung vào bóng áo nâu phía trước. Chúng con tin, dù nắng mưa hay bão tố, dù khó khăn hay trở ngại, chỉ cần chúng con trông thấy màu áo nâu trầm ổn của Người, được sự dẫn dắt của Người thì tất cả chúng con, đều biết rõ một điều chắc thật: An lạc ở đây…..