Thứ sáu, ngày 09/11/2017. Đúng giờ hẹn cùng Sư Phụ, tất cả chúng con đã có mặt đông đủ để chuẩn bị cho chuyến hành trình đầu tiên ở xứ Bắc, cung đường Hà Nội-Bắc Ninh. Điểm dừng chân thuyết giảng của Sư Phụ là tại chùa Đọ Xá, làng Đỗ Xá, thuộc địa phận phường Ninh Giang, thành phố Bắc Ninh

Ký sự miền Bắc: Những cung đường nối dài Đất Nước.

(Phần II)

Thứ sáu, ngày 09/11/2017. Đúng giờ hẹn cùng Sư Phụ, tất cả chúng con đã có mặt đông đủ để chuẩn bị cho chuyến hành trình đầu tiên ở xứ Bắc, cung đường Hà Nội-Bắc Ninh. Điểm dừng chân thuyết giảng của Sư Phụ là tại chùa Đọ Xá, làng Đỗ Xá, thuộc địa phận phường Ninh Giang, thành phố Bắc Ninh.

Bắc Ninh là một trong những thành phố trẻ của miền Bắc nói chung, và của Hà Nội nói riêng. Thế nhưng, Bắc Ninh lại ghi đậm dấu ấn của lịch sử xuyên suốt từ thời kỳ Hùng Vương-An Dương Vương. Nhắc tới Bắc Ninh, là nhắc tới những chiến công huy hoàng hiển hách, đã đi vào lịch sử Dân tộc như những huyền thoại đầy tính sử thi và anh hùng ca bất diệt. Đó là cậu bé Thánh Gióng đánh đuổi giặc ngoại xâm khi chỉ mới vừa 3 tuổi; Bắc Ninh còn là nơi lưu lại dấu ấn của nguyên phi Ỷ Lan, người phụ nữ nhân ái và đức độ đã thay quyền nhiếp chính khi vua đi đánh giặc Chiêm Thành; Và nhắc tới Bắc Ninh, thì bất cứ người con dân nước Việt nào cũng không còn xa lạ với “bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của dân tộc :

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phân định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

( Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành phân định tại sách trời

Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

Bài thơ của tướng quân Lý Thường Kiệt đã thêm một lần nữa, khắc thêm một dấu son lịch sử đầy tự hào của mảnh đất Bắc Ninh nói riêng, và của nước Việt Nam ngày nay nói chung. Có thể nói, khắp các địa danh của miền Bắc nói riêng và của của dải đất hình chữ S nói chung, đi tới đâu cũng ẩn hiện trong đó là những chuỗi sự kiện lịch sử đầy hiển hách và tự hào của dân tộc.

Cung đường Hà Nội-Bắc Ninh chỉ hơn 30km, Thầy trò Sư Phụ chúng tôi đến với Bắc Ninh khi đường phố đã lấp loáng ánh đèn. Thành phố trẻ đầy sôi động và sầm uất, những công trình xây dựng đang gấp rút được hoàn thành; những khu công nghiệp tấp nập hối hả sáng chiều; quảng trường rộng lớn và công viên tươi đẹp. Thật không khó để nhận ra nét cổ kính vẫn thấp thoáng đâu đó ở những con đường làng lát gạch màu đỏ ối. Những vòm cây xanh ôm trọn những mái nhà an ổn, hàng cau rặng trầu xanh tốt sum xuê, như một nét chấm phá làm mềm đi không gian và khung cảnh của một thành phố trẻ.

Nằm trong làng Đỗ Xá, chùa Đọ Xá (Linh Quang Tự), được xây dựng từ thời nhà Lê, trùng tu vào thời Nguyễn và còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật thời Nguyễn độc đáo. Bởi đa số tượng Phật được tạo trong khoảng thời gian này, chủ yếu dùng nguyên liệu gỗ, dễ chạm, khắc, dễ sáng tạo. Mái chùa cong cong trải dài khắp mọi miền Tổ Quốc đều mang trong mình những nét kỳ vĩ của lịch sử, bên cạnh nét trầm cổ u tịch của chốn thiền môn. Chùa Đọ, cũng là một ngôi chùa như thế. Chùa được nằm ở sát mặt đường chính, ngay bên cạnh dòng người xe tấp nập, ngay bên cạnh những thanh âm ồn ào, huyên náo của dòng đời hối hả, thì chùa Đọ, vẫn đều đặn vang lên trầm ổn tiếng chuông chiều. Có khác chăng, là chiều tối hôm nay, khi Thầy trò Sư Phụ chúng tôi có mặt tại đây, không gian chùa được phủ kín bởi màu vàng u nhã. Đây là ngày tổ chức lễ tuần lâm chung thất giác linh cố Ni trưởng: Thượng Đàm hạ Nguyên, đạo hiệu Ngọc Tuệ. Bài giảng tối hôm nay của Sư Phụ với chủ đề: “Báo đáp Ân sư”.

Khoảng sân rộng ngay trước cổng chùa được bố trí trang nghiêm làm pháp tòa, rất lâu trước khi ban thỉnh sư cung nghinh Thượng tọa, chúng con đã nhận ra được những tấm lòng kính ngưỡng dành cho Sư Phụ qua câu chuyện của các bà, các cô Phật tử nơi này. Những đoạn hội thoại ngắn ngủi kiểu như: Hôm nay là thầy Thuận giảng pháp đấy, thầy Thuận “bóng mây” đấy, thầy Miền Nam mà nhìn hiền hiền đấy…..lặng lẽ rảo một vòng quanh sân chùa, chúng con đã không dấu được nụ cười vui sướng tự hào, khi mà “nhân vật” được tột cùng ngưỡng mộ và thành kính tôn quý chừng ấy, lại chính là Sư Phụ của chúng con….

Thế rồi, khi hồi chuông trống bát nhã vang lên, ban cung nghinh cung kính mời Người hướng lên pháp tòa. Nhịp chân bình ổn, nét mặt hiền hòa, Người đã chính thức xuất hiện để bắt đầu thời pháp thoại.

Cả giảng đường dường như cùng lắng đọng khi tiếng nói trầm ấm của Sư Phụ vang lên. Người bao giờ cũng vậy, không giảng bài bằng triết lý cao siêu xa lạ, Người chỉ cần mẫn và khiêm cung san sẻ những điều gần gũi mà sâu sắc vô vàn…. Lời nói đầu tiên của Người, là sự đồng cảm với nỗi đau và mất mát không gì bù đắp nổi, khi vị Thầy đáng kính của chùa đã khuất núi xa xôi..” chúng con, chúng tôi như gặp lại hình ảnh của chính mình của 4 năm về trước, khi Sư Ông vĩnh viễn không còn hiện diện…” phút nhoi nhói lòng của tất cả đạo tràng và của tất cả chúng con….Sư Phụ của chúng con, cũng đã đi qua những ngày ảm đạm khi trên đầu là vành khăn vàng tang tóc….Tình cảm thân thiết chốn thiền môn chưa dễ gì khiến cho những đệ tử tại gia hiểu rõ. Nhưng nỗi đớn đau của biền biệt cách lìa, thì chúng con thấu hiểu. Càng thấu hiểu, chúng con lại càng xót xa thương Sư Phụ gấp bội phần…. Trên pháp tòa, Người đang giảng bài mà như không giảng, bởi lẽ, chủ đề “Báo đáp Ân sư”, giống như một lời tri ân muộn màng của Sư Phụ, nhắn gửi tới tất cả hàng đệ tử chúng con, làm thế nào để biết nâng niu hơn nữa những ngày tháng ít ỏi được sống trong tình cảm đủ đầy. Báo đáp Ân sư, dường như là quá muộn khi đệ tử chỉ còn biết bất lực trước sinh ly tử biệt; Báo đáp Ân sư, dường như là quá muộn khi mỗi ngày, mỗi ngày trôi qua, vết khắc thời gian cứ khứa mãi, khứa mãi vào vết thương lòng vẫn đang rỉ máu; Báo đấp Ân sư, dường như là quá muộn khi chúng con chỉ còn gặp lại chiếc bóng cô đơn, lẻ loi của mình trong mâm cơm muộn; Báo đáp Ân sư, dường như là quá muộn để nhận ra, tấm lòng của vị Thầy dành cho mình ấm áp biết bao, nhân từ biết bao, bình ân biết bao; Báo đáp Ân sư, dường như là quá muộn khi đối trước tráo trở cuộc đời, không còn bến nương tựa bình yên….Vậy thì, làm sao để báo đáp Ân sư, bởi “ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng, nghĩa Ân sư muôn kiếp khó đáp đền”. Hơn thế nữa, có người Thầy nào lại đong đếm ân tình để chờ ngày đệ tử mình báo đáp. Tình Thầy trò sậu nặng, nghĩa Thầy trò thiêng liêng, làm sao lấy những giá trị tầm thường để tính đếm và kể công rằng trò đã báo đáp thầy ra sao, như thế nào….Chúng con nhận ra, tình thương vô bờ bến của sư ông dành cho Sư Phụ nhiều như thế nào, thì Sư Phụ, cũng đang dành cho tất cả hàng đệ tử chúng con biển lớn mênh mang của từ bi, thương quý nhiều như thế….Chúng con, dường như được nhìn thấy hình bóng của Sư Ông trên con đường tu tập và hoằng dương chánh pháp từ Sư Phụ; Và ở đây, ngay tại chùa Đọ này, Sư Phụ đang truyền lại, đang gửi gắm lại, đang chia sẻ lại cách thức để bước qua những ngày khó khăn khi vị Thầy tôn kính của mình không còn nữa….Báo đáp Ân sư, là sự đáp đền tiếp nối những bước chân mà Thầy mình chưa kịp bước tiếp trong hành trình tu tập; Báo đáp ân sư, là gặp lại bóng dáng Thầy mình khi học trò, đệ tử tinh chuyên tu tập, thực hành cách sống hiền hòa, yêu thương và nhân hậu; Báo đáp Ân sư, là trong từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim mình, luôn xác tín được niềm tin chân chính và sẵn sàng đối mặt với thử thách, khó khăn….Có như vậy, thì dù mình có ở đâu, làm gì, mình cũng vẫn luôn tự hào được là đệ tử của “danh môn chánh phái”…..Đã có những nụ cười khi Sư Phụ làm cho không khí xóa dần khoảng cách của lạ lẫm; Và, đã có những khoảnh khắc ngậm ngùi dẫu người học Phật luôn “đóng đinh” trên trán mình 2 chữ Vô Thường…..Báo đáp Ân sư, là bài giảng mà đối tượng Sư Phụ hướng tới là hàng Phật tử tại gia, những người bộn bề gia duyên và lấm lem bụi bặm chốn trần ai xuôi ngược…..dễ dàng thoái lui tâm Bồ Đề và dễ dàng buông tay khỏi con thuyền Giải thoát; bởi tu tập và thực hành theo chánh pháp của Như Lai, chưa bao giờ và không bao giờ là con đường bằng phẳng. Phật tử tại gia như chúng con, giống như những người đang lội ngược dòng để gột rửa đi những ấu uế trong tâm hồn, trong cách sống của mình. Dòng đời nước xiết với trăm ngàn cám dỗ, toan tính, hơn thua, làm sao để chúng con vững tâm vững dạ sẵn sàng lội ngược dòng để sửa đổi những thói hư tật xấu của chính mình…..Đó là khi, vị Ân sư của mình phải vất vả chèo lái con thuyền trong bão tố. Đó là khi, chúng con muốn báo đáp ân tình của Người khi may mắn còn có Người hiện diện bên đời…

Bài giảng của Sư Phụ khép lại, còn chút thời gian ngắn ngủi, Sư Phụ giải đáp thắc mắc về thực trạng phổ biến hiện nay: đạo tràng hộ niệm mọc lên khắp nơi và tự ý hoạt động một cách hoàn toàn sai lầm, nếu không cẩn thận, thì đây sẽ là cánh cửa lớn bỏ ngỏ để tà ma ngoại đạo dễ dàng trà trộn và chống phá. Sư Phụ vẫn luôn đau đáu về việc các đạo tràng hiểu sai ý nghĩa của 2 từ “hộ niệm”. Lại càng đau lòng hơn khi vẫn còn ở nhiều nơi, đạo tràng hộ niệm còn tự ý tuyên bố “ ca này vãng sanh, ca kia không vãng sanh” thông qua việc sờ vào người mới mất…. Sư Phụ đã từng giải thích và làm rõ những bất cập này thông qua nhiều đĩa giảng, và hôm nay, Người lại thêm một lần nữa, nhấn mạnh về ý nghĩa xác thực và lợi ích không gì chối cãi được, khi việc hộ niệm được hiểu đúng và làm đúng theo lời Đức Phật đã từng chỉ dạy. Hộ niệm, là giúp người khác giữ lấy tâm chánh niệm, không loạn động để họ có thể bình tâm mà đi tới những cảnh giới dễ chịu hơn; Hộ niệm không chỉ dành cho người mới mất, mà hơn thế, hộ niệm chính là giúp những người đang sống có thêm nghị lực, có thêm niềm tin khi biết rằng mình không cô độc…. Bởi, giúp người khác hộ niệm, cũng không nhất thiết chỉ là tụng kinh A Di Đà, có thể đọc tụng bất cứ kinh chú nào của Đức Phật, hoặc có khi, chỉ đơn giản là ngồi lặng im bên cạnh, đặt một cánh tay lên vai họ để họ biết rằng: tôi đang có mặt ở đây cùng bạn, bạn không hề cô độc, lẻ loi…. Hộ niệm, cũng là một trong muôn ngàn cách thức giúp chính mình và giúp người khác có sự tĩnh tại nhất định, để từ đó, mình và mọi người có thêm lòng can đảm đối diện với những bất trắc có thể ập đến bất cứ lúc nào… Qua những lời giải thích vừa rõ ràng, vừa ngắn gọn và dí dỏm của Sư Phụ, mọi người đã phần nào hiểu rõ cách thức và ý nghĩa của việc làm này. Với những đứa như chúng con, thêm một lần nữa lại thấy mình tột cùng may mắn, khi chúng con được nương theo một vị Minh sư là Sư Phụ…. Bởi nếu không có sự hướng dẫn của Người, không có gì đảm bảo rằng chúng con, sẽ tới chùa và sẽ học cách “cầu mát” như tên gọi của việc hộ niệm, mà một số người vẫn đang gọi hiện nay…

Chia tay với chùa Đọ Xá, Thầy trò trở về Hà Nội khi kim đồng hồ đã nhích dần về khuya. Buổi giảng tiếp theo của Sư Phụ sẽ là một cung đường mới, Hà Nội- Bắc Giang vào sáng ngày  11/11/2017….Một hành trình dài phía trước vẫn đang chờ những bước chân của Người Hoằng dương Hóa độ…..