(Hải Phòng, ngày 29/06/2018-Phần cuối) Sáng sớm ở thành phố cảng, mặt trời đã chói chang vì toàn miền Bắc đang ở trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Chúng con thức giấc khi kim đồng hồ còn chưa nhích đến con số 6. Mấy chị em gái lục tục kéo nhau xuống bếp để […]

(Hải Phòng, ngày 29/06/2018-Phần cuối)

Sáng sớm ở thành phố cảng, mặt trời đã chói chang vì toàn miền Bắc đang ở trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Chúng con thức giấc khi kim đồng hồ còn chưa nhích đến con số 6. Mấy chị em gái lục tục kéo nhau xuống bếp để chuẩn bị bữa ăn nhanh gọn giản dị cho Sư phụ. Theo kế hoạch, Sư phụ sẽ thuyết giảng ở chùa Tiêu Lương lúc 8h30p. 

Đây là lần thứ 2 thầy trò chúng con có mặt ở chùa Tiêu Lương. Ngôi chùa nằm lẫn trong một thôn xóm hiền hoà với khu giảng đường rộng lớn. Khi chúng con đến, giảng đường đã chật kín bóng áo lam của các em thiền sinh trong khoá tu mùa hè. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, Sư phụ sẽ quang lâm pháp toà trong sự đón tiếp đầy trang trọng của bổn tự. Ngồi thu mình phía dưới cùng của giảng đường, tất cả chúng con dù không ai nói ra, nhưng đứa nào cũng thấy lo ngại vì thời tiết đang vô cùng oi bức, nắng gay gắt đổ từng luồng lửa nóng hầm hập xuống sân chùa. Nhưng điều đó không làm giảm đi sự háo hức của lũ chúng con nói riêng và của các em thiền sinh nói chung, khi đang mong chờ thời Pháp thoại quý giá của Sư phụ. Và cuối cùng thì, bóng áo vàng quen thuộc và nụ cười hiền hoà của Sư phụ đã xuất hiện trên Pháp toà. Đối tượng chính của thời Pháp thoại hôm nay của Sư phụ, là dành cho các em học sinh, thanh thiếu niên. Lứa tuổi vẫn được mọi người nhìn nhận là “ăn chưa no, lo chưa tới”; lứa tuổi mà trong mắt nhìn của chúng con, thì các em được nhận rất nhiều ưu ái của “Thầy Bóng Mây”. Không phải thế sao, khi mà đĩa giảng với cái tên đã trở thành “thương hiệu” của Sư phụ, là dành cho các em đó sao. Bởi thế, chúng con tin rằng, ngay tại đây và ngay hôm nay, tại chùa Tiêu Lương, Hải Phòng, “Thầy Bóng Mây” sẽ có thêm một lần, khiến các em sẽ vừa hân hoan, vừa thổn thức. Giáo lý của Đức Phật bổn sư, qua những lời truyền dạy của Sư phụ, bao giờ cũng thật là sâu sắc mà gần gũi, bao giờ cũng khiến cho tất cả người nghe tiếp nhận một cách thật dễ dàng và đơn giản. 

Giọng nói trầm ấm quen thuộc của Sư phụ vang lên, giảng đường lặng phắc trong chăm chú. Lời giảng này, chủ đề này, dường như đã trở nên thân thuộc lắm mà vẫn khiến cho tất cả chúng con xúc động rưng rưng, đó là tâm trạng chung cho tất cả những ai đã từng nghe (hoặc sẽ nghe) mỗi khi Sư phụ giảng về nghĩa tình của Mẹ. Có ai đó sẽ bảo rằng, chủ đề này phải chăng đã quá quen thuộc rồi không. Chúng con thì trộm nghĩ rằng, cũng giống như cơm ăn nước uống hàng ngày, ai cũng phải dùng để nuôi sống bản thân. Những điều răn dạy của Đức Phật bổn sư, cũng được coi trọng và trân quý vì nhờ có điều đó, mà thâm tâm của chúng con được trưởng dưỡng và vun bồi. Chế biến món ăn, về cơ bản thì ai cũng biết là chỉ cần dùng chừng đó gia vị, hạt nêm mắm muối, đâu có thêm gì khác. Quan trọng là người đầu bếp tài ba mà thôi. Sư phụ của chúng con, chuyên chở giáo lý nhiệm màu của Như Lai với tâm thế lúc nào cũng trầm ổn, gần gũi và dễ hiểu. Giống như người nhạc trưởng trong bản hoà tấu và biến tấu của âm thanh, chỉ với chừng đó nốt nhạc nhưng để lại trong lòng người nghe những âm ba không có gì so sánh được. Bài giảng của Sư phụ hôm nay, đã khiến rất nhiều mái đầu xanh của các em cúi xuống với trăn trở câu hỏi mà Sư phụ vừa nêu: Đã khi nào mấy đứa con thấy mẹ mình khóc chưa? Rồi lúc đó mấy đứa con làm gì? Giọt nước mắt của Mẹ, đâu phải lúc nào cũng dễ dàng để khiến chúng con bắt gặp, bởi lẽ bao nhiêu cay đắng và ngang trái trong cuộc đời bão nổi, thì Mẹ đã lặng lẽ mà kiên cường ôm hết chỉ riêng mình. Từ bao giờ, các con nghiễm nhiên tự cho mình “độc quyền” được đòi hỏi ở Mẹ, được vòi vĩnh Mẹ, được làm nũng Mẹ mà chưa có một phút giây nào, con giật mình tự hỏi: Có phải trên bước đường dài rộng của cuộc đời, con-“đã từng quên Mẹ”. Đã từng để Mẹ ở lại phía sau cánh cửa, lặng dõi mắt nhìn theo bóng con khờ tung tăng từng bước chân theo đám bạn hồn nhiên. Đã từng để Mẹ ở lại phía sau, khi mâm cơm chiều nguội lạnh chỉ với một dòng tin nhắn: Con đi ăn với bạn. Đã từng để Mẹ ở lại phía sau, khi bước chân của con mỗi ngày thêm vững chãi, và cứ thế, cứ thế, con quên mất rằng, đôi chân Mẹ đã không còn đủ sức để song hành với con nữa rồi. Con đã từng quên, rằng Mẹ đã chắt chiu không chỉ có niềm Hạnh phúc để nuôi con, mà còn chắt chiu và nâng niu cả từng nỗi đau của Mẹ từ khi, con chỉ là một chấm nhỏ bằng hạt đậu, từ khi, con chỉ là một mầm sống mong manh trong cơ thể yếu ớt nhưng lại chứa đựng trái tim mạnh mẽ và bao dung của Mẹ. Giống như nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết trong bài học vỡ lòng của con, “truyện cổ tích về loài người”- những lời thơ như lời thì thầm kể chuyện: 

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không bóng cây, ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm….”

Trong màn đêm mịt mùng u tối ấy, trong mênh mang của hỗn độn và sợ hãi ấy, lần lượt, lần lượt tất cả rồi xuất hiện. Xuất hiện cho con. Xuất hiện vì con:

“Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Nên Mẹ được sinh ra

Để bế bồng, chăm sóc”

Rồi thì, vòng tay Mẹ cứ lớn dần lên theo hình dáng con trưởng thành. Mẹ, chưa một lần đòi hỏi, chưa một lần để con lại phía sau. Con lớn lên với nỗi vô tâm, khi tan học là đã có sẵn mâm cơm Mẹ đợi, con an toàn khi ngồi núp sau lưng Mẹ mỗi chiều tan lớp gặp cơn mưa lớn. Con chưa bao giờ hỏi, Mẹ có mệt không, Mẹ có buồn phiền gì không… Con thực sự, đã quên hay là con chưa bao giờ nhớ, rằng cuộc đời này luôn luôn có hạn định rõ ràng. Mấy ai sống đủ trăm năm, dù trăm năm đã là một chặng đường rất dài, nhưng có bao giờ con biết, ngày nào sẽ là ngày cuối cùng, con còn có Mẹ…. Để rồi một ngày, trống rỗng và hoảng hốt, con sẽ còn chỉ còn có thể gặp lại bóng dáng mịt mờ của Mẹ trong từng cơn mơ ngắn ngủi; để rồi một ngày, con lạc lõng giữa trần gian đầy xa lạ khi co quắp trong nỗi cô đơn lạc loài khi chẳng còn có ai đáp lời con gọi: Mẹ ơi.

Con có nhiều lắm thời gian để vui chơi với bạn bè, con có nhiều lắm thời gian để vào mạng xã hội, để tham gia facebook với những chủ đề triền miên không dứt. Nhưng con lại chẳng hề có khoảnh khắc nào nắm lấy bàn tay Mẹ và nói với Mẹ rằng, con biết ơn và yêu quý Mẹ biết nhường nào….

Từng câu chuyện, từng lời nói của Sư phụ trong giờ giảng đầy ngắn ngủi đã khiến tất cả chúng con bùi ngùi trong tâm tư ngổn ngang, ray dứt. Các em thiền sinh hôm nay, thực sự đã là những người con may mắn, vì được truyền trao những lời tâm tình đầy xúc động của một người Cha hiền đáng kính. “Mấy đứa con nên biết rằng, khi mấy đứa con chịu đến chùa, khi mấy đứa con chịu nắng, chịu nóng, chịu cực khi ngồi đây thế này, là Mẹ của mấy đứa con hạnh phúc lắm. Vì mấy đứa con đã là những người con biết chọn con đường đúng đắn để đi”. Không có con đường nào thênh thang như con đường tìm về chánh Pháp, không có niềm hạnh phúc nào to lớn hơn khi những giáo lý nhiệm màu lại đến từ những điều dung dị và giản đơn hàng ngày. Ở lứa tuổi của các em thiền sinh hôm nay, thật khó để áp dụng những triết lý cao siêu mà xa lạ. Dẫu rằng, ai cũng biết:

“Không đau khổ lấy chi làm chất liệu

Không buồn thương sao biết chuyện con người

Không nghèo đói làm sao thi vị hoá

Không lang thang đâu biết gió mưa nhiều”

Thời Pháp thoại của Sư phụ kết thúc với mong mỏi và hy vọng, các em thiền sinh hôm nay sẽ lan toả rộng hơn nữa những tình cảm cao đẹp và những ý nghĩ sáng trong vào cuộc đời rộng dài phía trước. Bóng áo vàng của Sư phụ khuất dần khỏi giảng đường khi mặt trời đã lên cao lắm, thời gian cho chuyến bay của Sư phụ không còn nhiều. Chúng con lại thêm một lần, chuẩn bị cho phút chia tay Người ở sân bay Cát Bi.

Sân bay lúc 12h30p, nắng gay gắt và không khí đặc sánh oi nồng. Chuyến bay của Sư phụ sẽ cất cánh lúc 13h20p. Chẳng còn nhiều thời gian để thầy trò hàn huyên, cả lũ lại tranh thủ vây quanh Sư phụ với những lời dặn dò và lo lắng của Sư phụ dành cho những đứa con xa xôi tội nghiệp: Mấy đứa con ở lại mạnh giỏi nghen. Đứa nào cũng chẳng hề thích phút giây chia tay bùi ngùi thế này, mấy anh chị em nói với Sư phụ nỗi niềm “ước ao”: Sư phụ để chúng con đặt vé máy bay cả năm luôn vì mỗi tháng Sư phụ sẽ ra Bắc một lần nhé ạ. Đáp lại chúng con, chỉ là nụ cười hiền từ. Vì Sư phụ biết, và chính chúng con cũng biết rõ, đấy chỉ là nỗi niềm mong mỏi của lũ con xa xôi mà thôi. Sư phụ còn nhiều lắm công việc Phật sự làm sao dứt ra cho đặng. Gần đến giờ bay, chú thị giả và Sư phụ lần lượt xa khỏi tầm mắt của chúng con để bước vào khu vực kiểm tra an ninh. Nhưng có một điều mà Sư phụ không biết, đó là tất cả chúng con, chừng đó anh chị em chẳng đứa nào chịu đi về cả. Tất cả anh chị em vẫn ở lại phía ngoài khu vực cách ly. Dù không thấy được bóng dáng Sư phụ nhưng chúng con biết, chuyến bay vẫn chưa khởi hành. Đến khi nghe loa thông báo, thì kim đồng hồ đã chỉ 13h50p, từng hành khách của chuyến bay đặc biệt đó mới lần lượt ra phía cửa máy bay. Tất cả anh chị em chúng con, bỏ qua những ánh mắt tò mò của mọi người, chúng con đã gọi thật to “Sư phụ ơi” khi thấy bóng áo nâu của Người đang tiến về phía cửa ra máy bay. Vì khoảng cách quá xa nên chắc là Sư phụ không nghe thấy, nhưng chúng con cũng chẳng ước ao gì nhiều hơn thế, được nhìn thêm bóng dáng Sư phụ một lúc thôi cũng khiến cho tất cả chúng con thấy quá đủ đầy.

Chúng con lên xe để vòng về Hà Nội, tiếng lốp xe nghiến trên mặt đường nhựa rát bỏng, cả lũ lại xôn xao: Chúng mình về đến Hà Nội thì Sư phụ cũng vừa hạ cánh đấy nhỉ…. Ôi những đứa con của người Cha hiền, cả lũ trêu nhau: Thôi không nhắc nữa không Sư phụ lại hắt xì hơi…. Nhưng làm sao mà dừng chủ đề cho được, đứa nào cũng lại mong, đứa nào cũng lại ngóng, đứa nào cũng lại sẵn sàng “mai phục” tiếp lịch giảng của Người ở những tháng tiếp theo… Hà Nội, lại chờ ngóng một ngày được đón Cha hiền…

Phật tử miền Bắc