Khi những hạt sương trong veo bé xíu còn chưa kịp tan trên lá cỏ ở sân chùa, thì từng đoàn người xe tấp nập đã xôn xao tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới…. bóng áo lam tràn về con đường nhỏ mang tên Vạn Hạnh, bóng áo lam ùa về tụ […]

Khi những hạt sương trong veo bé xíu còn chưa kịp tan trên lá cỏ ở sân chùa, thì từng đoàn người xe tấp nập đã xôn xao tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới…. bóng áo lam tràn về con đường nhỏ mang tên Vạn Hạnh, bóng áo lam ùa về tụ lại nơi cổng chùa mang tên Viện Chuyên Tu. Cứ nhìn những bước chân hối hả, cứ nhìn những nụ cười móm mém của các cụ già, cứ nhìn những ánh mắt trong veo của đàn em bé, cứ nhìn những tia sáng ngời lên trên từng gương mặt của các bạn trẻ, thì ai ai cũng cảm nhận được thật rõ ràng, niềm hân hoan của ngày Tự tứ, dường như đã trở thành một sợi dây tình cảm vô hình, kéo gần mọi người trở lại bên nhau. Đó là tình cảm vừa thành kính vừa gần gũi, vừa thiêng liêng lại quá đỗi thân quen. Lễ Tự tứ, đã chính thức được chờ mong và đón đợi một cách nâng niu và thân thương như thế!

Sương sớm tan dần cũng là khi nắng nhè nhẹ len qua từng rặng cây. Trả lại cho bầu không khí sự ấm áp của mặt trời, của tình người hoà quyện. Từ phía xa, chúng con đã nhìn thấy rõ hơn từng đoàn người với khệ nệ nào khay, nào thúng, nào mâm, nào hộp…. lỉnh kỉnh và tất bật, cung kính và hân hoan, những vật phẩm cúng dường được từng đoàn, từng nhóm mang theo với tất cả tâm thành hướng về ngôi Tam Bảo. Lối đi thân quen trong sân Chùa Nhà hôm nay, lại được khoác thêm màu áo mới. Đó là những chiếc thúng được đặt ngay ngắn ở những khoảng cách đều đặn, hòng là nơi giúp các đoàn Phật tử để riêng vật phẩm cúng dường. Và, với sự tinh tế của Sư Phụ cũng như các Thầy, các Chú trong chùa, thì ở mỗi chiếc thúng, bao giờ cũng có những chiếc lá chuối đã được rửa sạch, lau khô, còn lưu hương thơm nhè nhẹ đặc trưng của lá. Vật phẩm cúng dường, tuy đơn sơ giản dị, nhưng chỉ cần nhìn vào danh sách hơn 30 đoàn đăng ký cúng dường, thì chúng con mới phần nào cảm nhận hết được, tấm lòng thành kính và niềm vui rộn ràng của từng đoàn Phật tử. Và, cũng không ở nơi đâu chúng con bắt gặp, sắc màu ẩm thực, văn hoá của từng vùng, miền, một cách rõ ràng như lúc chúng con đang ở đây. Nhìn vào sự chuẩn bị chu đáo của mỗi đoàn, chúng con được biết đâu là món ăn vượt hơn sáu trăm cây số từ Miền Tây tới đây, đâu là món ăn bay cả ngàn dặm đường theo bước chân của những người con xứ Bắc…. Gần gũi là thế, bởi vật phẩm cúng dường bé nhỏ xinh xinh; và thiêng liêng là thế, bởi được gói trọn cả tâm tình của những tấm lòng cầu đạo và hướng đạo…. Nơi thềm nắng của lớp học, có những tiếng cười nói râm ran văng vẳng, có tiếng phân công nhắn nhủ trầm trầm, lắng tai nghe, và chúng con nhận ra giọng nói nhẹ nhàng quen thuộc của “người thầy xứ Bắc”- thầy Thiện Đức, đang giúp đại diện các đoàn Phật tử gắp thăm số thứ tự bày biện vật phẩm cúng dường. Mỗi đoàn, sẽ gắp thăm ngẫu nhiên một con số, để nhận làm nơi tập trung cho ngay ngắn và nghiêm túc trong suốt tiến trình diễn ra buổi lễ. Lối đi hướng về phòng làm việc của Sư Phụ, sớm hôm nay cũng không còn không khí tịch mịch quen thuộc. Thay vào đó, là những bước chân nhịp nối nhịp, hàng nối hàng của các đoàn Phật tử, tới đảnh lễ và kính dâng Người những lẵng hoa tươi thắm, kính mừng Người thêm một hạ lạp, thêm một tuổi Đạo trong trùng trùng yêu kính của ngàn vạn Phật tử ở khắp mọi nơi trên mọi miền Đất Nước. Sư Phụ của chúng con, vẫn nụ cười khoan hoà, vẫn hiền hoà giọng nói, Người chỉ đáp lại thật giản dị bằng câu nói: Cảm ơn mấy đứa con-trước những màu hoa rực rỡ khác nhau, chúng con nhận ra, màu áo nâu quen thuộc của Người, vẫn là màu sắc khiến tất cả chúng con thấy cõi lòng mình an yên hơn cả. Cứ như thế, từng đoàn Phật tử, người thì hồi hộp vì lần đầu tiên được đảnh lễ Sư Phụ; người lại hân hoan vui sướng khi được có mặt trong ngày này; và có những đứa như chúng con, lẳng lặng đứng phía xa tại góc sân rải sỏi, hí hoáy nhắn tin trả lời cho Hà Nội biết: Sư Phụ khoẻ, và Chùa Nhà mình năm nay trang trí đẹp vô cùng…..

Đẹp, không chỉ bởi hoa tươi được trang hoàng khắp mọi nơi, trang nghiêm từ chánh điện tới tượng Phật Quan Âm. Mà còn đẹp, bởi từng viên sỏi hàng cây ở tại nơi này, đối với chúng con, đều thật là thiêng liêng mà gần gũi. Nắng đã lên cao, kim đồng hồ chỉ dần sang số 8. Tiếng gọi trên loa của Thầy Thiện Hưng đã vang lên giục giã, đề nghị tất cả chúng con sẵn sàng trang nghiêm đạo tràng, để chuẩn bị cho những nghi thức đầu tiên của buổi lễ được diễn ra. Năm nay, số lượng Phật tử trở về tham dự lễ Tự tứ đông hơn năm trước rất nhiều. Bởi thế, chẳng mấy chốc mà chánh điện đã không còn đủ chỗ. Chúng con đã tập trung thật kín, thật trang nghiêm ở ngay khoảng sân xanh rì màu cỏ, hơn một ngàn người ở hơn một ngàn tâm tư khác nhau. Thế nhưng, giây phút linh thiêng này, giây phút mà tất cả những người quen-lạ chúng con, đứng sát gần nhau trong màu áo lam nhàn nhạt, đứng sát gần nhau chắp tay cung kính chờ tiếng điểm chuông, thì hơn một ngàn người chúng con, dường như đã trở thành một khối thống nhất của những-đứa-con-tìm-về-nguồn-cội. Chuông chùa nhẹ điểm, báo hiệu cho chúng con rằng thời khoá tụng kinh Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Các quý Thầy và các Chú cũng đã trang nghiêm nơi chánh điện, giúp chúng con đọc tụng bài kinh Vu Lan vô vàn ý nghĩa này. Mõ nhẹ điểm từng hồi, khánh trong vắt vang tiếng, tất cả chúng con không ai bảo ai, thời khắc này cùng nhiếp tâm đọc tụng theo sự hướng dẫn của các Thầy, các Chú. Tiết rằm tháng 7 năm nào cũng vậy, bài kinh Vu Lan vẫn cứ được đều đặn vang lên ở khắp các mái chùa cong cong trên mọi miền Tổ Quốc. Nơi nào có chánh pháp Như Lai, nơi nào có mái chùa bảng lảng trầm hương u tịch, thì những lời Kinh Vu Lan mà Đức Thế Tôn tuyên đọc cách đây hơn 2.500 năm, vẫn cứ được vang lên trầm hùng trong tháng 7. Sáng hôm nay, ở ngay tại nơi này, nơi mà chúng con vẫn luôn hướng về với tất cả tấm lòng thành kính, chúng con lại thêm một lần, được đứng tại thềm chánh điện, nhịp đập con tim được đập chung với hơn một ngàn trái tim thổn thức của những đứa con đang hướng về Cha Mẹ. Thiêng liêng biết bao và quý giá biết bao nhiêu ! Chúng con đã lâng lâng trong niềm xúc cảm nghẹn ngào đó cho tới khi kết thúc bài kinh Vu Lan. Theo sự hướng dẫn của Thầy Thiện Hưng, đạo tràng sẽ nghỉ chừng 15 phút để chuẩn bị cho phần “hồi hộp nhất” của buổi lễ: Cung kính chờ đón những bước chân tịnh lạc của các quý Thầy, của các chú trong phần tái hiện cổ Phật khất thực tại Viện Chuyên Tu. 

Có thể nói, hàng Phật tử chúng con chỉ được biết tới nghi lễ khất thực một cách rõ nét và sâu sắc nhất thông qua Viện Chuyên Tu. Vì chỉ có ở tại Chùa Nhà, chúng con mới được nhìn thấy và hiểu thấu ý nghĩa của việc đi khất thực. Một nghi lễ tái hiện lại hình ảnh của Đức Thế Tôn cùng các vị khất sĩ cách đây đã hơn 25 thế kỷ. Hơn hai mươi lăm thế kỷ, ấy là cả một hành trình quá dài cho những thăm trầm biến thiên của lịch sử; hơn hai mươi lăm thế kỷ, ấy là cả một cuộc đấu tranh tàn khốc bằng cả thân và tâm đối với hàng đệ tử xuất gia, đấu tranh cho Đạo pháp trường tồn; hơn hai mươi lăm thế kỷ, hình ảnh của buổi lễ khất thực vẫn được diễn ra đều đặn nơi sân chùa im vắng này trong mỗi kỳ tự tứ. Chẳng rõ, là thời gian đã kéo gần lại lịch sử, hay chính lịch sử đã xoá nhoà khoảng cách thời gian. Khi mà, không chỉ những lời kinh quý giá mà Đức Phật trùng tuyên được lưu giữ và tụng đọc, mà ngay cả những nghi lễ cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, cũng được tái hiện một cách sống động và thiêng liêng….

Mười lăm phút để ổn định đạo tràng đã hết, hơn một ngàn màu áo lam lại chắp tay trang nghiêm chờ đợi nghi lễ khất thực diễn ra. Lúc này, nắng đã lên cao lắm, nắng len lỏi sau từng rặng lá, nắng bừng soi khắp sân chùa lặng phắc tiếng người. Không gian căng tràn trong sự trang nghiêm tuyệt đối, lặng cả tiếng chim hót, vắng cả tiếng gió ngàn, dường như tất cả sự chờ đợi háo hức và thành kính linh thiêng, đang cuồn cuộn đổ về để bỗng chốc, vỡ oà trong niềm xúc động khi từ phía nội viện, chúng con đã nhận ra những bóng áo vàng….. Cho phép chúng con, giây phút này được quỳ rạp dưới mỗi bước chân đi của Người-Sư Phụ, chúng con nhận ra Người đang dẫn đầu hơn 50 vị tăng của Viện Chuyên Tu và chùa Liên Trì, hai tay ôm bình bát và khoan thai từng bước chân trần tiến dần ra con đường hướng tới cổng chính của Chùa. Cho phép chúng con, giây phút này được lệ nóng tràn mi bởi hình ảnh quá đỗi thiêng liêng, đẹp đẽ và cao cả. Hơn 50 vị tăng, cũng là hơn 50 người con của hơn 50 gia đình, hơn 50 người Cha, người Mẹ. Chỉ khác là, quý Thầy quý Chú đã lựa chọn con đường xuất gia, như những cánh chim bằng băng mình trong gió bão, trở thành những người con ưu tú của Đức từ phụ Như Lai trên con đường hoằng dương chánh pháp. Giây phút này, những bước chân tịnh lạc của Sư Phụ, của các quý Thầy, quý Chú, thật nhẹ, thật êm trong chánh niệm. Nhưng hình ảnh này, lại có sức lan toả rộng khắp và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn bất cứ bài học rao giảng lý thuyết đạo đức nào. Bởi lẽ, phía sau những bước chân an nhiên ấy, là ngã chấp được từ bỏ; là chông gai phải kiên cường; là hoằng pháp lợi sinh dẫu rằng “chúng sanh can cường khó độ”; phía sau những bước chân tự tại ấy, là những đau đáu về Đạo pháp làm sao được vĩnh viễn trường tồn; là dụng công phu tu hành dù thân bệnh đớn đau mệt mỏi; là hy sinh tuổi thanh xuân với ngàn vạn cuộc vui để lựa chọn sớm chuông chiều kệ; phía sau những bước chân khoan thai ấy, là chất chứa trong đó những trái tim với lòng bao dung, bi mẫn thiết tha với cuộc đời, với con người. Cho phép chúng con, trong giây phút tột cùng xúc động, được thấy hình ảnh của Sư Phụ cùng các quý chư Tăng, hai tay ôm bình bát và những bước chân lặng thầm, được rạp người đảnh lễ và cung kính cúng dường những vật phẩm bé nhỏ mà mang nặng ân tình. Giây phút này đây, không gian linh thiêng chỉ cách cuộc đời hối hả một cánh cổng chùa. Ở ngoài kia, là xôn xao xuôi ngược; ở ngoài kia, là hối hả mưu sinh; ở ngoài kia, là chao chát cò kè thêm bớt; ở ngoài kia, là mệt nhoài vất vả. Cho phép chúng con, mượn tứ thơ của Chế Lan Viên để thốt lên rằng: “Lũ chúng con ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Chỉ cách một cánh cổng chùa, mà đã là hai thế giới. Thế giới mà chúng con đang được may mắn có mặt, ngay tại đây, ngay tại nơi này, ấy là thế giới của an yên, của tự tại, của biết ơn, của tự hào. Không tự hào sao được, khi chúng con là những đứa con may mắn, được xúc động ngắm nhìn đoàn chư Tăng trong lễ khất thực trang nghiêm; không tự hào sao được, khi chúng con được gọi Người Thầy vĩ đại đang bước đi thanh thản thế kia tiếng gọi thiêng liêng: Sư Phụ. Chắc là Sư Phụ của chúng con không biết rằng, khi nhìn thấy hình ảnh đó của Người, hình ảnh Người bước đi đầu tiên trong đoàn chư Tăng khất thực, chúng con lại liên tưởng đến lời giảng của Người: Mình không là những cánh chim đầu tiên báo hiệu mùa Xuân, thì biết bao giờ mùa Xuân mới đến…. chúng con dường như đã thấy, bước chân đầu tiên của Người cũng ẩn chứa trong đó, hình ảnh quả cảm như những cánh chim đầu đàn che mưa cản gió, mang đến bình yên báo hiệu Xuân về….. Chúng con cũng thầm nhớ lại mấy câu thơ mà có lần Sư Phụ từng đọc: 

“Bình bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Mắt xanh xem người thế

Mây trắng hỏi đường qua”

Chắc là Sư Phụ không biết, rằng chúng con đã xúc động biết bao nhiêu và tự hào biết bao nhiêu khi chúng con được tham dự nghi lễ này. Chắc là Sư Phụ cũng không biết, có những giọt nắng vàng ươm đã khẽ khàng đậu xuống sắc y vàng giải thoát của Người. Chúng con, đã ghi lại tất cả những khoảnh khắc thiêng liêng và đẹp đẽ ấy, để tự dặn mình và để nhắn nhủ tới cả những anh chị em đang nôn nóng chờ tin từ Hà Nội xa xôi: Nghi lễ khất thực, thật sự vô cùng tuyệt diệu !!! 

Khi những bước chân cuối cùng của đoàn chư tăng dừng lại, cũng là khi lễ khất thực hoàn thành. Phật tử chúng con quỳ kín phía ngoài chánh điện để chuẩn bị cho phần tác pháp cúng dường do chị Diệu Hương đại diện tác bạch. Là sự biết ơn và lòng kính ngưỡng sâu nặng dành cho các bậc chư Tôn thiền đức Tăng. Là sự thiết tha cung kính khi dâng lời khánh tuế tới chư Tôn đức. Và, trong tiết tháng 7 của mùa Vu Lan xúc động, không làm sao thiếu đi tâm tình của những người con khi hướng tới Cha Mẹ mình. Có thể nói, tiết tháng 7 Vu Lan là một thời khắc ” bình đẳng” dành cho tất cả những người con hiếu đạo. Bởi lẽ, bông hồng sắc thắm sẽ dành cho những người con may mắn còn Cha Mẹ, để nhắc nhau rằng các con hãy biết trân quý và nâng niu đoá hồng này, may mắn này và hạnh phúc này. Với những đoá hồng màu trắng nghẹn ngào, ấy là cả một nỗi niềm nhớ thương dài khắc khoải, nhưng chúng con nhớ lời Sư Phụ đã dạy rằng: “Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng, vì trong hoa tôi thấy Mẹ tôi cười…” Đôi bờ sinh tử, dường như có thể gần lại với nhau trong khoảnh khắc thiêng liêng này….. Cuối cùng, là thời khắc mà tất cả chúng con hằng chờ đợi, thời khắc mà Sư Phụ sẽ thay lời cho toàn thể Tăng chúng, chia sẻ và dặn dò hàng Phật tử chúng con, cách thức báo ơn và đền ơn Cha Mẹ, cũng như tâm tư của các bậc làm Cha Mẹ luôn luôn hướng đến con mình. Giọng nói trầm ấm của Sư Phụ vang lên, đã có rất nhiều mái đầu cúi xuống len lén lau đi dòng nước mắt. Có thể nào, chúng con báo đáp được một phần dù là bé nhỏ, ân tình của Cha Mẹ dành cho chúng con…

Sư Phụ dạy rằng, dù chỉ một cái nắm tay, một ánh nhìn trìu mến, nhìn kỹ, nhìn sâu vào từng vết chân chim nơi khoé mắt của Mẹ, cũng đã là cả một niềm hạnh phúc lớn lao đối với Cha Mẹ rồi…. Những lời chỉ dạy của Người, mộc mạc chân tình như người Cha đang nói với đàn con; lại cũng thâm thuý sâu xa của một bậc Thầy đức độ. Chúng con, càng hạnh phúc hơn nữa khi Sư Phụ thay lời của chư Tăng, cảm kích trước tấm lòng của tất cả Phật tử, và hoan hỷ hứa khả nạp thọ những phẩm vật cúng dường.

Nghi lễ cúng dường trai Tăng-dâng y hoàn mãn, cũng là khi những bước chân của toàn thể Tăng chúng hướng về đảnh lễ giác linh Sư Ông. Đã ba mùa Tự tứ đi qua, sân chùa vắng đi bóng dáng của Người, và sẽ còn bao nhiêu mùa Tự tứ nữa, Sư Phụ và Tăng chúng Viện Chuyên Tu, sẽ còn nhớ mãi về từng lời răn dạy từ ái của Sư Ông. Nhưng chúng con tin rằng, với sự hành trì nghiêm túc và rốt ráo của các quý Thầy và các Chú, đó chính là cách biết ơn và đền ơn ý nghĩa nhất mà những người con được Sư Ông sinh ra trong chánh pháp, luôn nhớ tới và luôn hướng về Sư Ông với tất cả tấm lòng thành kính, yêu thương. Và rồi, những bước chân của Tăng chúng trở về nơi chánh điện, nơi Thầy-Trò dành cho nhau những lời căn dặn trong dịp Tự tứ đầy ý nghĩa này. Giây phút xúc động của lễ khánh tuế Ân sư đã khép lại với dư âm từng lời dặn dò của Sư Phụ; bao giờ cũng vậy, Sư Phụ vẫn luôn đau đáu mong mỏi làm sao, chúng đệ tử luôn biết dụng công tu tập thật nghiêm cẩn và duy trì được những giá trị tốt đẹp mà Viện Chuyên Tu dày công tạo dựng. Ở phía bên ngoài chánh điện, tiếng nói tiếng cười đã trở lại xôn xao sân chùa, tất cả chúng con, đang sẵn sàng chờ đợi tới buổi chiều nay, hội thi Mâm cơm gia đình và Phiên chợ quê hương, sẽ chính thức diễn ra vào đầu giờ chiều nay…..