Ai về tôi gửi buồng cau Buồng trước kính mẹ buồng sau dâng thầy Ai về tôi gửi đôi giày Phòng khi mưa nắng mẹ thầy tôi mang. Lời ca dao xưa chúng con được đọc trên trang thông tin chính thức của Chùa Nhà, khi Sư Phụ có thông tin về lễ Tự tứ-dâng […]
Ai về tôi gửi buồng cau
Buồng trước kính mẹ buồng sau dâng thầy
Ai về tôi gửi đôi giày
Phòng khi mưa nắng mẹ thầy tôi mang.
Lời ca dao xưa chúng con được đọc trên trang thông tin chính thức của Chùa Nhà, khi Sư Phụ có thông tin về lễ Tự tứ-dâng y-cúng dường trai tăng năm 2017. Với những đứa con xa xôi như chúng con, thì tâm tư lại càng rộn lên những nỗi niềm xốn xang khó tả. Bởi chúng con biết, lễ Tự tứ năm nay, cũng chính là ngày giỗ của thân phụ của Người-nói một cách gần gũi và dân dã hơn-thì đó là ngày giỗ của “Ông nội” chúng con. Bởi thế, niềm ngóng trông được trở lại Chùa Nhà để được tham gia ngày hội lớn của các quý Thầy, ngày Tự tứ, ngày mà các quý Thầy thêm một hạ lạp; ngày Phật hoan hỷ; ngày mà những người con được hướng về Cha Mẹ mình với tất cả tấm lòng hiếu kính; nỗi niềm ngóng trông, chờ đợi và háo hức của chúng con, còn xen lẫn trong đó là xót xa khó dấu, khi nghĩ về và thương về Người Thầy vĩ đại của tất cả chúng con-Sư Phụ, thêm một năm dài, khoảng cách vô hình cứ kéo dài mãi giữa đôi bờ sinh-tử với hai đấng sinh thành, lại càng trở nên mịt mờ diệu vợi. Dẫu rằng, lý vô thường chúng con được rõ biết, nhưng khi đối trước sự cách trở ngàn trùng, dễ gì ngăn được nỗi ai hoài thương cảm. Anh chị em chúng con, đã mang những tâm tư xốn xang như thế, để đếm ngược những ngày chuẩn bị được trở lại Chùa Nhà. Lễ Tự tứ năm nay, chỉ có một số ít anh chị em chúng con trở về tham dự được, điều đó lại càng khiến cho những bước chân quay về của chúng con trở nên ý nghĩa hơn và xúc động hơn. Vì rằng, chúng con đang thăm giùm, ngắm giùm, ghi nhận giùm và tận hưởng giùm cho cả phần của các anh chị em không về được lần này. Mỗi bước chân đi, là nao nức điện thoại hỏi han từ Hà Nội: Đã về đến nơi chưa; đã gặp Sư Phụ chưa; sức khoẻ của Sư Phụ thế nào; Chùa Nhà mình năm nay trang trí có đẹp không; các Thầy các chú có khoẻ không….. làm sao nói hết tấm lòng thiết tha mong ngóng của những đứa con xa xôi cách trở, chỉ biết rằng, chúng con, dường như đã cùng nhau Trở Về. Trở Về để nép dưới mái hiên Chùa Nhà, lặng ngắm bóng dáng hiền hoà tất bật của Sư Phụ; lặng yên xúc động khi thấy các Thầy các chú áo đẫm mồ hôi mà trên môi vẫn toả rạng nụ cười khi hối hả lo công việc trước ngày Tự tứ…. Chúng con đã cùng nhau Trở Về, dưới mái hiên lác đác giọt giọt đan xen của cơn Ngâu tháng 7; chúng con đã cùng nhau Trở Về, tận hưởng cả sự yên bình khi nắng rải đều trên những ngọn cây lao xao ở khoảng sân Chùa Nhà. Chúng con, đã cùng nhau Trở Về, quỳ gối trước di ảnh của Sư Ông và “Ông bà nội”- một nén tâm nhang khói bay bảng lảng, vậy là, chúng con, đã chính thức cùng nhau Trở về…..
Không khí của VCT, 1 ngày trước khi diễn ra lễ tự tứ. Những công đoạn cuối cùng của công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Chúng con biết, với người “tổng đạo diễn” hết mực chỉn chu và cầu toàn như Sư Phụ, thì công tác chuẩn bị đã được thực hiện trước đó rất lâu rồi. Lễ Tự tứ năm nay, bên cạnh sự tôn nghiêm tuyệt đối, thì ẩn hiện đâu đó có cả nét thôn dã, mộc mạc làng quê. Thì ra, năm nay ở ngay tại sân chùa, Sư Phụ sẽ tổ chức thêm cả Phiên chợ quê hương. Chúng con háo hức chờ đón lắm, nhưng hơn tất cả, vẫn là không khí hồi hộp và trang nghiêm để chuẩn bị cho lễ Tự tứ đang đến thật gần. Sư Phụ của chúng con, thêm phần bận rộn với việc tiếp đón chu đáo các khách mời, là các Quý Thầy, Quý Cô từ các chùa, các tu viện, các tịnh xá khác nhau…. từ các cấp chính quyền của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, các quý Thầy đại diện trong Giáo hội Phật giáo của tỉnh nhà…..cho đến tất cả những Phật tử xa gần ở khắp mọi miền Đất Nước. Vậy mà, tất cả từng công đoạn từ đón tiếp đến lo lắng cho từng đoàn, từ nơi ăn chốn ở, bố trí sắo xếp ra sao, Sư Phụ chúng con vẫn chu tất an bài. Mặt trời dần dần khuất sau dãy núi Thị Vải, nắng chiều len lỏi hắt những dải sáng cuối ngày nơi thềm chánh điện, cũng là kết thúc ngày cuối cùng của mọi công tác chuẩn bị. Chiều tàn, màn tối tĩnh mịch rải xuống ánh trăng bàng bạc của đêm tháng 7, bàn làm việc của Sư Phụ chúng con vẫn sáng đèn dù rằng kim đồng hồ sắp chỉ sang con số 12. Chúng con, trở lại là những đứa trẻ ngồi quây lại bên nhau bên rổ cóc và mấy trái ổi, chẳng đứa nào buồn ngủ và chẳng đứa nào muốn đi ngủ. Những thời khắc được tận hưởng bầu không khí an lành ở tại nơi này, chúng con cứ muốn kéo dài ra mãi…. Đã khuya lắm, Sư Phụ mới rời khỏi bàn làm việc, bước ra sân chùa, thấy mấy đứa chúng con vẫn đang lào xào trò chuyện, Sư Phụ ân cần: Bây giờ Sư Phụ đi bộ 1 vòng chùa, mấy đứa con cùng đi đi. Chúng con vui lắm, líu ríu đi theo bước chân của Người. 1 vòng sân chùa đâu có được dài, Thầy đi trước trò đi sau mà giống như người Cha lớn dắt díu theo lũ con thơ dại. Ở trên cao là trăng vằng vặc, gió lào xào đinh đang tiếng chuông gió nhè nhẹ. Sư Phụ ngắm lại từng nhành hoa, từng hàng cột, lũ chúng con cứ thế theo sau bước chân Người, chẳng cần phải nói gì nhiều nhưng đứa nào cũng thấy thật hân hoan vui sướng…. Rồi một vòng sân chùa cũng hết, Sư Phụ về thất nghỉ ngơi khi thời khắc của ngày mới chỉ còn vài giờ đồng hồ ít ỏi. Chúng con cũng lần lượt chào tạm biệt nhau để rời chùa về chỗ nghỉ. Hẹn nhau sớm mai, gặp lại nhau trong ngày lễ chính thức của lễ tự tứ-dâng y-cúng dường trai tăng….