Trời ngả về chiều khi nắng cuối hè nhuộm vàng sân cỏ, không gian trở lại xôn xao tiếng nói cười rộn rã bởi thời khắc của “phiên chợ quê hương” đang đến thật gần. Có hai quý Thầy “bị” chúng con kêu tên và làm phiền nhiều nhất trước khi phiên chợ được diễn […]

Trời ngả về chiều khi nắng cuối hè nhuộm vàng sân cỏ, không gian trở lại xôn xao tiếng nói cười rộn rã bởi thời khắc của “phiên chợ quê hương” đang đến thật gần. Có hai quý Thầy “bị” chúng con kêu tên và làm phiền nhiều nhất trước khi phiên chợ được diễn ra, đó là thầy Thiện Long và thầy Thiện Đức. Bởi một lý do vô cùng đơn giản: Tất cả chúng con, ai muốn tham gia phiên chợ, đều phải gặp hai thầy để làm giao dịch “thu đổi ngoại tệ”: Tiền độc quyền của riêng VCT. Đó là những giấy bìa màu được in chữ giản dị, mệnh giá 1 đồng-tương ứng với 10 nghìn đồng. Toàn bộ số tiền ở phiên chợ quê hương này, sẽ được dùng hoàn toàn vào việc làm từ thiện. Vì thế, chúng con đã ước ao đổi được thật nhiều “đồng”-vừa để mua sắm tại phiên chợ với mục đích thật hồn nhiên và vui vẻ: Mang tất cả VCT về Hà Nội ! Trước khi phiên chợ được diễn ra, thầy Thiện Long và thầy Thiện Đức được chúng con “mệnh danh” là Thống đốc ngân hàng VCT, vô cùng bận rộn và vất vả, vì bị vây quanh với ì xèo đòi đổi tiền thật nhanh, thật sớm ! Cũng không có ở nơi nào mà chỉ có mỗi việc đổi tiền cũng thật vui như ở đây. Bởi vì, làm gì có ở nơi đâu mà khách đổi tiền lại cứ đòi tự tay đếm vì lý do: Các thầy toàn đưa cho chúng con thừa tiền ạ ! Chẳng mấy chốc, mà bịch tiền hồng rực của riêng VCT trên tay thầy Thiện Đức đã vơi đi nhanh chóng. Thầy Thiện Long và thầy Thiện Quang lại vất vả kêu gọi qua chiếc loa cầm tay: Đề nghị quý vị Phật tử chưa đi chợ vội nghen ! Chợ, chính là con đường nhỏ trong khoảng sân chùa bé xinh, im mát. Cổng chợ trang trí bằng màu xanh biếc của thân tre được trồng ngay tại chùa, phía trên cổng, là nét bút uyển chuyển, bay bổng được viết theo lối thư pháp cổ của thầy Thiện Quang: Phiên Chợ Quê. Hai bên lối đi, đã thấy các bà các cô trong màu áo lam quen thuộc đúng “chất” của người Phật tử, đầu đội nón lá và xăm xắn bày biện hàng hoá thì lại thật đúng “chất” của các bà, các chị đảm đang buôn thúng bán bưng ở nơi làng quê nào đó. Rảo một vòng chậm rãi trong khi chờ đợi sự xuất hiện của nhân vật “khai sinh” ra phiên chợ, chúng con đã kịp thấy nào hàng rau xanh mướt với bí, với dưa gang, dưa leo, và thật nhiều những loại rau khác nữa mà chúng con, những đứa con của miền Bắc còn chưa kịp biết hết tên gọi…. rau xanh, bí vàng, măng tươi óng, ớt đỏ rực và dứa thơm lừng; nấm hương, nấm rơm, đậu phụ, cà chua đỏ rực….chợ chưa chính thức được mở phiên, cho nên thời khắc này tất cả chúng con tha hồ tạo dáng, chụp ảnh lưu niệm và các bà, các cô bán hàng, tranh thủ “quảng cáo” về hàng hoá của mình. Nào là: Rau xanh nhà trồng, cho tới hài hước đáng yêu: rau này, đậu này, măng này, ăn vào sẽ xinh đẹp béo gầy như ý ! Chợ chưa chính thức mở phiên, mà khắp nơi đã xôn xao nói cười. Đi thêm mấy bước chân nữa, chúng con đã hiểu vì sao khi nãy, thầy Quang và thầy Long lại phải vất vả “kêu gọi”, mọi người “chưa được đi chợ đâu à nghen, cố gắng kiềm chế à nghen…”. Dạ vâng, bước tới gần cuối sân, thì chúng con đã hiểu lý do-một cách rõ ràng và âm ỉ niềm vui, bật lên thành một nụ cười hóm hỉnh: Chúng con bắt gặp quầy bán chè, bán bánh ướt, bán khoai mì ăn với nước cốt dừa thơm lựng. Còn có quầy bán bún riêu chay với nồi nước dùng đang bốc khói nghi ngút và toả hương ngọt lành ! Ôi, đúng là các thầy phải nhắn nhủ chúng con “kiềm chế” chưa được mua hàng ! Chứ nếu không, thì với những món ăn hấp dẫn nhường kia, chúng con đã thấy những tờ tiền hồng rực của VCT đang nóng ran lên ở trên tay mình rồi ! Đáng chú ý nhất và hấp dẫn nhất với những đứa ở xa xôi như chúng con, đó chính là khu vực bán chữ thư pháp của thầy Thiện Quang. Bởi lẽ, “mặt hàng” này chúng con có thể dễ dàng mang theo được lúc quay về với Hà Nội. Chính vì thế, mà tuy rằng phiên chợ chưa được diễn ra, chúng con đã xin phép để được ghi tên mình vào phía sau những bức thư pháp đã được chọn. Quầy hàng nước uống của cô Diệu Hoá cũng tấp nập với thật nhiều món mà chỉ có về đây chúng con mới được dùng: Chè bí đao, nước hạt é…. đá lạnh mát rượi và nước mát thanh thanh, thật đúng là chúng con phải “kiềm chế” lắm để không đi-chợ-sớm ! 

Khi chúng con đang tò mò quan sát từng quầy hàng, ngâm cứu từng món đồ, thì ở khu vực nội viện, các chú cũng đang hăm hở chuẩn bị cho phần thi Mâm cơm gia đình. Không khí rất khẩn trương và không kém phần hồi hộp. Ở cuộc thi này, cứ hai chú sẽ được gắp thăm ngẫu nhiên thành một đội. Nhiệm vụ sẽ là, trong thời gian ngắn nhất và sử dụng số tiền tối giản nhất, các chú sẽ nấu một mâm cơm đủ cho 4 người. Không chỉ nấu ngon, mà trình bày phải đẹp mắt; thêm vào đó, các chú còn phải thuyết trình về ý nghĩa của từng món ăn của đội mình; yếu tố sạch, đẹp cũng cần được tuân thủ trong phạm vi bếp nấu của từng đội. Các chú chia làm 7 đội, mỗi đội tự động tìm gạch để bắc bếp củi và chuẩn bị nồi, xoong, gia vị và những vật dụng cần thiết cho đội mình. Năm nay, thay vì việc các chú phải đi chợ xa thì thật đơn giản, chỉ mấy bước chân ra khỏi cánh cổng nội viện, đã có hẳn một Phiên chợ quê hương sẵn sàng phục vụ 7 đội thi. Để tiết kiệm tối đa thời gian, ban tổ chức đã yêu cầu, khi phiên chợ được khai mạc, thì tất cả Phật tử phải để cho các chú đi chợ trước. Sau khi 7 đội thi đã hoàn thành phần việc mua sắm của mình, lúc đó các Phật tử mới chính thức được toàn quyền “thênh thang mua sắm”. Tuy nhiên, trong thời khắc mà nhân vật quan trọng nhất còn chưa khai mạc hội chợ, thì tất cả mọi người đều cùng nhau chờ đợi trong hồi hộp xen lẫn háo hức, mong chờ…

Rồi thì màu áo vàng quá đỗi thân quen của tất cả chúng con đã xuất hiện gần lại sau mỗi bước chân đi, nụ cười hiền của người “thắp lửa” và “giữ lửa” cho phiên chợ này đã chính thức xuất hiện: Sư Phụ của chúng con. Người vừa hoàn thành xong lễ quy y Tam Bảo cho gần 100 Phật tử tại chánh điện, và giờ này, Người đã có mặt ở ngay khu vực cổng chợ, để khai mạc phiên chợ đầy ý nghĩa này. Người nói, sở dĩ Thầy tổ chức phiên chợ quê hương là bởi, quý vị Phật tử đã quen với việc đi siêu thị hoặc mua hàng trên mạng. Cuộc sống vật chất ngày một đầy đủ hơn, kéo theo đó là thời gian của quý vị ngày một bận rộn hơn. Chính vì thế mà dường như nhiều người đã bị bỏ quên mất không khí đông vui, nhộn nhịp của những phiên chợ quê. Chợ quê, đó là các bà, các mẹ, các chị, các cô, những người thân quen chòm xóm phía sau luỹ tre làng; chợ quê, đó là những món hàng giản dị, bé nhỏ, trái chuối buồng cau trong sân nhà cũng có thể trở thành hàng hoá; chợ quê, đó là những thăm hỏi, quan tâm của những người dân nghèo chân chất dành cho nhau ấm tình làng nghĩa xóm; chợ quê, còn là nơi lưu giữ cả những chờ mong háo hức của đàn con thơ, ngồi nơi bậc cửa ngóng Mẹ về, để được mở chiếc làn mây, ngó cổ vào ngóng xem có củ khoai, cái bánh Mẹ phần riêng cho mình…. Chợ quê, dường như đã là cả một phần cuộc đời xa ngái lắm của các cụ già móm mém phúc hậu; chợ quê, dường như đã là cả một phần ký ức còn chưa phai dấu của những bậc trung niên tóc mờ dấu sương; và chợ quê, với những đứa trẻ lớn lên ở nơi phố thị, lại là cả một nỗi tò mò háo hức…. Thì chiều nay, ở nơi sân chùa bé nhỏ mà ấm cúng này, với người “tổng đạo diễn” tinh tế này, tất cả, tất cả chúng con, từng người, từng người, ai ai cũng như tìm được một góc của tâm hồn mình đã bị bỏ quên từ lâu lắm ! 

Sau khi Sư Phụ tuyên bố khai mạc, phiên chợ trở lại đúng “màu sắc” của sự náo nhiệt, ồn ào và rộn rã. Chúng con chưa một ai tham gia với tư cách là một khách hàng, nhưng cả phiên chợ lại vô cùng xôn xao và gần gũi, trong vai trò của “người tư vấn”. Từ người bán hàng cho tới người xem-mua, bán hàng. Lý do là bởi, xuất hiện tại phiên chợ lúc này, là những bóng áo lam bạc màu của các chú trong 7 đội thi. Các chú đang cố gắng nhanh chóng hoàn thành phần việc đi chợ cho đội của mình. Vậy là, không chỉ người bán hàng quan tâm hỏi han, rằng chú cần mua những gì, mà tất cả chúng con, cũng đứng ngay bên cạnh để cùng “tư vấn”; rằng nấu món này thì chú nên mua thêm cái này, cái kia để nấu cùng…. Không một phiên chợ nào lại có lực lượng “cổ vũ” người mua hàng hùng hậu như ở VCT ! Cũng không một phiên chợ nào lại ghi nhận được nhiều nụ cười ấm áp như ở VCT ! Với sự cổ vũ của Phật tử, với sự hỗ trợ nhiệt liệt từ các bà, các cô bán hàng, 7 đội thi đã nhanh chóng hoàn thành phần việc đi chợ. Và lúc này, công đoạn chuẩn bị nấu nướng đã sắp hoàn thành ….

Theo chân các chú vào khu vực thi của từng đội, chúng con nhận ra, không khí lúc này thật sôi động, không kém một công trình xây dựng đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành. Hai chú là một đội, và lực lượng cổ động viên cũng đang hồi hộp không kém gì các chú ! Tất cả chúng con, từng nhóm từng nhóm đứng gần từng đội. Vì Ban tổ chức có quy định, nếu đội nào có sự giúp đỡ của Phật tử, đội đó sẽ bị trù điểm. Thế cho nên, chúng con chỉ biết cổ vũ tinh thần các chú bằng lời nói, thảng hoặc, với những đội lúng túng trong khâu chuẩn bị, chúng con sẽ khe khẽ nhắc: Chú ơi…chú à….

Khoảng sân nội viện lúc này bắt đầu được khoác thêm một màu bảng lảng, ấy là khi khói bếp nhẹ bay quện vào từng vạt nắng nghiêng nghiêng. Bếp đã hồng lửa, nước đã reo lên trong xoong, rau xanh đã lần lượt được thả…bếp bên cạnh, đã nghe tiếng xèo xèo và hương thơm của nấm….tất cả, tất cả cứ dấy lên âm thanh của rộn rã niềm vui và hương thơm ngọt lành của an ổn…. Từ phiên chợ, cũng vẳng lại những thanh âm náo nhiệt: Chị ơi, cô à, mua đi, mua đi…. Sư Phụ, chính là vị khách hàng được chờ đợi nhất ! Bao giờ cũng vậy, dù là với hình ảnh uy nghi hay với vai trò của một “khách hàng” đi chợ quê, thì sự xuất hiện của Người vẫn luôn luôn mang lại một bầu không khí thật hiền hoà và an ổn. Chiều nay, chúng con được ngắm nụ cười hồn nhiên của Người khi trong tay của Sư Phụ cũng là một chiếc thúng nhỏ dùng để đi chợ. Điều đặc biệt nhất là, vị “khách hàng” này đi tới đâu là tất cả phiên chợ lại rộn lên những tiếng nói cười rôm rả ! Sư Phụ “bật mí”, rằng Thầy là người trả giá sát lắm đó nghe con ! Và quầy hàng nào cũng mong Người ghé, và sự thật, là Người đã không hề bỏ qua bất cứ một quầy nào. Không có cò kè bớt một thêm hai, chỉ có hân hoan và rộn rã tiếng cười…

 Khi chiếc thúng nhỏ trên tay Sư Phụ đã đầy, cũng là lúc tất cả chúng con nô nức theo sát bước chân Người để quay trở lại với phần thi Mâm cơm gia đình. Phần quan trọng nhất và được chờ đợi nhất, đó là phần thi thuyết trình về các món ăn của từng đội. 7 đội thi, là 7 phong cách và màu sắc, hương vị khác nhau. Nhưng tựu chung tất cả, đó là màu sắc của sự quan tâm và san sẻ. Nấu một món ăn ngon, ấy là khi nấu với tất cả tâm thành của chính mình. 

Ban giám khảo thực sự đã phải rất “vất vả” trong phần cho điểm. Bởi lẽ mỗi đội đều suất sắc riêng theo một phong cách riêng. Năm nay, phần chấm điểm chất lượng món ăn được sư cô Diệu Lành đảm nhiệm. Những phần còn lại như thuyết trình món ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… được các thầy Thiện Quang, Thiện Đức, Thiện Trụ, Thiện Trí cùng nhau đảm nhiệm. Sau khoảng thời gian làm việc nghiêm túc và sự chờ đợi hồi hộp của đội ngũ cổ động viên, Ban giám khảo đã chính thức có trong tay kết quả của cuộc thi Mâm cơm gia đình. Sư Phụ là người sẽ chính thức tuyên bố kết quả và trao giải thưởng cho các đội. Khoảng sân rải sỏi lại trở nên lặng phắc trong khi chờ nghe tên của đội giành chiến thắng. Sư Phụ cũng không quên dặn dò các đội thi: Lát nữa mấy đứa con nhớ chia quà chiến thắng của mình cho các Phật tử nữa nghe ! Chúng con đứa nào cũng mỉm miệng cười, vì chẳng rõ, nếu Sư Phụ thấy hình ảnh lũ chúng con hớn hở sà xuống từng mâm cơm của các chú sau khi ban giám khảo đã chấm điểm xong, thì chắc hẳn, Sư Phụ sẽ biết là chúng con đã “có lời có lãi” lắm rồi ! 

Trước khi trao giải, Sư Phụ cũng hỏi tất cả chúng con: Hôm nay tất cả quý vị Phật tử đã thấy thêm một khía cạnh khác, một góc nhìn khác về các chú ở chùa rồi đúng không. Các chú không chỉ oai nghi, đĩnh đạc, nghiêm túc lúc ở trên chánh điện, lúc tụng kinh, bái sám…mà ở những hoạt động bình thường như nấu ăn, đi chợ, các chú cũng rất nhanh nhẹn và giỏi giang….. Và cuối cùng, cũng tới giây phút Sư Phụ tuyên bố đội đạt giải nhất: Tiểu đội Trở về của chú Thiện Thủ và Thiện Nhân. Cả sân chùa rộn lên tiếng reo và từng tràng pháo tay không ngớt ! Các đội thi cũng mang tặng lại cho Phật tử phần thưởng của đội mình, nào xâu chuỗi, nào móc treo chìa khoá….theo đúng tinh thần “tất cả cùng chiến thắng”. Sân chùa thoáng chốc đã trở nên quang đãng và sạch sẽ như chưa từng có hình ảnh tất bật củi lửa vừa rồi. Từng tốp từng tốp Phật tử, đảnh lễ Sư Phụ để theo xe về lại Thành phố. Lũ chúng con, cố gắng níu lại chút vệt nắng cuối ngày, như muốn cố gắng níu lại thêm chút nữa những giây phút ít ỏi trước khi đảnh lễ Sư Phụ để chào tạm biệt Người….. 

Phiên chợ quê hương, sẽ được chúng con mang trở lại Hà Nội với không khí rộn ràng sôi nổi, sẽ được chúng con lưu giữ lại bằng những bức thư pháp tuy nhỏ bé nhưng nặng đầy kỷ niệm…. Mâm cơm gia đình, sẽ được chúng con mang trở lại Hà Nội với khói bếp cay nồng và ấm áp hương, thanh, vị của sum họp, an vui. Và, hơn tất cả, chúng con mang trở lại Hà Nội, là bóng dáng hiền hoà của Sư Phụ, là từng lời hỏi han dặn dò ân cần của Người; là từng gương mặt thân quen của các Thầy, các chú ở tại Chùa Nhà. Từ bao giờ chẳng rõ, mỗi bước chân của chúng con khi phải tạm biệt nơi này, lại khiến chúng con thấy tột cùng bơ vơ và trơ trọi. Như thân cây non bị bứng khỏi mặt đất quen, như đứa con côi cút bị vứt trôi lăn lóc…

Mang những tâm tư lưu luyến và như thế, chúng con đứa nào cũng vậy, lần nào đảnh lễ để tạm biệt Sư Phụ cũng nghèn nghẹn nước mắt. Xa xôi quá, biết bao giờ bước chân của chúng con mới được Trở Về Nhà…. 

Lời tạm biệt kéo bật chúng con lên xe để tới sân bay, những chuyến bay đêm đã chẳng còn xa lạ với những đứa con xứ Bắc. Khi máy bay vun vút lao lên trên nền trời đêm đen thẫm, nhìn qua cửa sổ và chúng con thấy, những ánh đèn của Thành phố cứ lung linh trải dài mãi ra như một cánh đồng bất tận… xa thật xa ở cánh đồng huyền ảo ánh sáng ấy, chúng con biết, có ngọn đèn khuya nơi phòng làm việc của Người thắp sáng hàng đêm…. Chúng con, cứ mỗi tiếng động cơ ù ù vang tới, thì lại càng cách xa Thành phố, xa dần cả những ánh đèn vàng, chẳng mấy chốc, chỉ còn màu thẫm tối của màn đêm và ánh trăng bàng bạc. Chúng con nhớ về lời thơ mà Sư Phụ đã từng đọc: 

“Trăng đâu cũng vẫn là trăng

Mà sao vẫn nhớ vầng trăng quê nhà…”

“Chúng ta có rất nhiều chỗ để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để tìm về, đó chính là Nhà.”

Lúc này, chúng con xin được nhớ lời giảng của Sư Phụ như một ước nguyện đinh ninh, dẫu rằng đường xa vạn dặm: Chúng con, nhất định sẽ nhanh chóng Trở về…..