Sáng ngày 28/08/2016. Ngày trang trọng và thiêng liêng. Kim đồng hồ chỉ 4:30 phút sáng, trời sầm sập đổ cơn mưa rào. Lâu lắm rồi, Hà Nội mới có cơn mưa lớn như thế. Chúng con có chút lo lắng, khi chỉ vài giờ ngắn ngủi nữa thôi, buổi lễ sẽ chính thức bắt […]

Sáng ngày 28/08/2016. Ngày trang trọng và thiêng liêng.

Kim đồng hồ chỉ 4:30 phút sáng, trời sầm sập đổ cơn mưa rào. Lâu lắm rồi, Hà Nội mới có cơn mưa lớn như thế. Chúng con có chút lo lắng, khi chỉ vài giờ ngắn ngủi nữa thôi, buổi lễ sẽ chính thức bắt đầu. Thế nhưng, chúng con dường như đã quen với một thực tế hiển nhiên: rằng bất cứ khi nào Sư Phụ có mặt, thì thời tiết sẽ luôn luôn ủng hộ cho các hoạt động của đạo tràng. Vậy là, đúng 6h00, từ khắp các nẻo đường của Thủ Đô Hà Nội, chúng con cùng xuất phát để tới với điểm hẹn thân quen: Chùa Nam Dư Thượng. Mưa vẫn tầm tã, lũ chúng con đã bảo nhau cùng buộc hết tà áo dài lại để quyét hết nước ngập ở lan can Phật đường; chúng con vừa làm vừa nói cười vui vẻ. Còn tuyên bố “chắc nịch” với nhau: Đúng 7:15 mưa sẽ tạnh cho mà xem ! Sân chùa không vì cơn mưa lớn mà vắng đi những bước chân vội vã; không vì cơn mưa lớn và thiếu đi tấp nập xe cộ ra vào. Có đoàn Phật tử từ Hưng Yên tới, có đoàn lại từ Bắc Cạn xa xôi… Rồi thì Thanh Hoá, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh…. những địa danh của phía Bắc Tổ Quốc; những cái tên và những gương mặt mà chúng con lần đầu được gặp. Ấy vậy mà, tất cả bỗng như thân thiết và gẫn gũi tự bao giờ. Những tà áo dài ướt sũng nước mưa; những đôi dép được xếp ngay ngắn gọn gàng trước lối lên phật đường; những chiếc dù, chiếc nón, áo mưa còn rỏ tong tong nước… Tất cả, tất cả vẫn không sao át đi được ánh mắt chờ mong háo hức cho buổi lễ sắp tới gần. Đúng 8h, phật đường rộng lớn đã kín chỗ. Dưới sự hướng dẫn của Thầy MC Thiện Hưng, đạo tràng đã nghiêm trang đón chờ cho thời khoá đầu tiên: Đọc kinh Vu Lan báo hiếu.

Dưới sự chứng minh của ni sư trụ trì chùa Nam Dư Thượng, sự có mặt của tăng chúng Viện Chuyên Tu, sư chú Tâm Đạo được thỉnh làm sám chủ, đã hướng dẫn đạo tràng tụng thời kinh Vu Lan và sám Vu Lan một cách trang nghiêm nhất. Thời khoá tụng kinh kết thúc, cũng là giây phút mà tất cả chúng con chờ đón nhất; khi thầy MC Thiện Hưng thông báo, Ban cung nghinh đã hoàn thành nghi lễ và đang tiến về phía phật đường: Thượng Toạ giảng sư chính thức quang lâm chứng minh, với nghi thức trang trọng mà xúc động thiêng liêng: Nghi lễ cài hoa hồng.

Khi tiếng nói thâm trầm mà chứa chan tình cảm và nỗi lòng thấu hiểu của Thượng Toạ vang lên, tất cả chúng con dường như đều thấy mình bé lại. Thượng toạ đang ở trên pháp toà, với tư cách là một vị Thầy hướng dẫn cho chúng con, hiểu rõ và thấu tỏ, về nghi thức cài hoa vẫn hằng quen thuộc. Một bông hoa bé nhỏ cài trên ngực áo khiêm nhường, qua những lời hướng dẫn gần gũi như tâm tình, như kể chuyện của Thượng Toạ, cho chúng con được biết cả một câu chuyện dài và cả một dòng ký ức lịch sử xa xôi…. Thì ra, bông hoa bé nhỏ này, lần đầu tiên được dành cho Người Việt Nam đầu tiên, là từ những năm 1962 trong tản văn “Bông hồng cài áo” và được đặc biệt dành cho thiền sư Thích Nhất Hạnh. Khi đó, chỉ là một bông hoa Cẩm Chướng màu trắng, do một người Nhật Bản dành tặng Thiền sư, trong ngày lễ-tưởng-nhớ-Mẹ của người Nhật Bản. Có thể nói, thiền sư Thích Nhất Hạnh, là người đầu tiên đã kết hợp khéo léo và hài hoà nhất, nghi lễ cài hoa trong mùa Vu Lan báo hiếu tại Việt Nam. Hoa Cẩm Chướng được thay bằng hoa Hồng, chỉ hai màu trắng-đỏ là vẫn được giữ nguyên.

Vậy là, bông hoa hồng được cài lên áo chúng con, đã có một hành trình thật dài, thật nhân văn như thế…. Thượng Toạ đã khiến cho tất cả phật đường rưng rưng nghẹn ngào xúc động, người thì tự hào, kiêu hãnh khi còn được cài trên áo bông hoa đỏ thắm. Thượng toạ đã nhắn nhủ chúng con rằng, “chỉ mong sao mấy đứa con đừng quên Mẹ… Chỉ mong sao mấy đứa con, đừng vì sợ vợ, đừng vì nể chồng mà hắt hủi Mẹ; đừng vì mải mê với các cuộc chơi cùng bạn bè mà quên mất có bóng Mẹ vẫn đang chờ con nơi bậc cửa hiên nhà…. Mấy đứa con, còn biết được bao nhiêu ngày còn Mẹ? Mấy đứa con, còn biết được bao nhiêu ngày Mẹ ở gần bên? Hãy nhìn vào bông hoa đỏ thắm mà mấy đứa con đang được cài, để nhớ về Mẹ, để biết ơn Mẹ, biết ơn cuộc đời này, khi các con vẫn còn đang có gia tài lớn nhất của cuộc đời bên cạnh…..” Và, một nỗi niềm nghẹn ngào chua xót, với những đoá hoa màu trắng nhức nhối đang cài trên ngực áo… Một năm có một ngày, chúng con được nức nở với nỗi niềm riêng khi trên áo chúng con là màu hoa trắng… Tội lắm, thương lắm và xót xa nhiều lắm…. Đầu xanh tuổi dại, mất Mẹ, mồ côi… Bước đường chúng con đi biết bao cay đắng và gian nan, kể từ khi chúng con trở thành đứa trẻ cút côi tội nghiệp… Điều may mắn và Hạnh phúc nhất, đó là chúng con được biết tới Phật pháp, đó là chúng con đã tìm được cho mình một bậc minh sư trác tuyệt để hướng về… Một năm có một ngày, chúng con được cảm nhận ranh giới giữa sự sống và thế giới vĩnh hằng, khi trên áo chúng con tang tóc màu hoa trắng. Mẹ của chúng con, chắc cũng đang ở đây, ngay đây thôi, gần lắm…

Dù rằng: Chỉ có một lần Mẹ không ngăn con khóc

Là khi Mẹ không thể nào lau nước mắt cho con

Là khi… Mẹ không còn..

Hoa hồng đỏ…từ đây…hoá trắng….

Nhưng, dưới những lời tâm sự đầy chân tình mà thấm nhuần giáo lý của Đạo Pháp sâu màu của Thượng Toạ, chúng con nghe rằng:

Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng

Vì trong hoa, tôi thấy Mẹ tôi cười….

Những đứa con côi cút như chúng con, đã quá muộn màng để còn cơ hội được trông thấy Mẹ, nghe tiếng Mẹ… Nhưng, nhờ có đạo Phật, mà chúng con, một năm ít nhất có một ngày, được hướng về Mẹ với tâm thanh tịnh và được khóc nghẹn ngào trong một đạo tràng trang nghiêm…

“Tuy âm dương u hiển khác nhau

Nhưng Phật pháp đề huề thật dễ…”

Điều kỳ diệu của Phật pháp là thế, điều thiêng liêng cao tột của Phật pháp là thế: Kết nối tất cả mọi điều, mọi loài, mọi Thế Giới trong Yêu Thương, Hoà Ái và Bao Dung… Nghi thức cài hoa hồng kết thúc với thật nhiều nước mắt, nhưng đó là nước mắt của những đứa con, đã biết hướng về Người Mẹ vĩ đại của mình với trái tim đồng vọng và tha thiết nhất….

Sau nghi thức cài hoa hồng, thay mặt cho tất cả những trái tim nghẹn ngào của chúng con, Phật tử Diệu Quyên đã đọc lời trần tình dâng Mẹ. Đại diện là 5 bà Mẹ và 5 người con, đã cùng lắng đọng tâm tư cùng 600 Phật tử trong phật đường, khi những lời trần tình dâng Mẹ với tất cả thiết tha vang lên. Tâm tư của chúng con luôn là thế, luôn ham vui khiến Mẹ phải buồn nhiều; tâm tư của các Mẹ, thì luôn luôn và mãi mãi, là cả một đại dương hiền hoà thương yêu và vị tha tột bậc…

“Con dù lớn vẫn là con của Mẹ;

đi suốt cuộc đời lòng Mẹ vẫn bên con…”

Đại diện cho tất cả chúng con, 5 anh chị em Phật tử cũng đã có những chung trà hiếu hạnh dâng lên Mẹ; chung trà bé nhỏ nói thay chúng con tấm lòng biết ơn sâu nặng; nước trà ấm áp nói thay chúng con trái tim ấm nóng chất chứa muôn ngàn lời xin lỗi dành cho Mẹ… Mẹ ơi….

Để tiếp thêm ngọn lửa nghị lực và từ ái, yêu thương, sau nghi thức dâng trà hiếu hạnh, Thượng Toạ còn có 10 suất học bổng dành tặng các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Với lời dặn dò thiết tha ân cần: Mấy đứa con dù có bận rộn đi xây mộng tương lai ở bất cứ đâu, cũng đừng bao giờ quên trên đời còn có Mẹ…

Và, cũng để cho công đức của Phật tử được tròn đầy viên mãn, Thượng Toạ và Chư tôn đức chứng minh đã hoan hỉ cho phép chúng con được thiết lễ cúng dường gieo duyên.

Niềm vui như được nhân lên gấp bội khi chúng con được Thượng Toạ hứa khả, sẽ hướng dẫn chúng con tổ chức khoá tu mỗi tháng 1 lần vào Chủ nhật cuối tháng. Vậy là, từ nay, những Phật tử cách xa Viện Chuyên Tu cả mấy nghìn km như chúng con, cứ cuối mỗi tháng lại có nơi gặp gỡ để cùng nhau tu học. Với sự giúp đỡ của Ni sư Trụ trì chùa Nam Dư Thượng, với sự dìu dắt hướng dẫn của Thượng Toạ giảng sư, chúng con tin, hạt giống tốt đẹp của Phật pháp nhiệm màu sẽ còn bay xa và trổ cành xanh lá….

Và, chúng con cũng không phải đợi lâu, ngay sau buổi lễ kết thúc, đã có rất nhiều Phật tử đăng ký xin được Quy y. Gia đình Viện Chuyên Tu phía Bắc lại có thêm nhiều thành viên mới, Thượng Toạ giảng sư và cũng là Sư Phụ quý kính của chúng con, lại vất vả thêm vì đàn con bé dại ngày một thêm đông.

Giờ lên sân bay đã trễ lắm, 13:30, chiếc xe 29 chỗ mới có thể rùng rùng chuyển bánh để đưa đoàn gấp rút tới Nội Bài… Trời đã tạnh mưa từ lâu, nhưng mấy anh chị em chúng con, một cách vui vẻ và tình cảm mà đùa với nhau rằng: Sắp có Mưa phi trường cho mà xem….

Thì vâng, chia tay có bao giờ dễ dàng và vui vẻ… Chúng con cố dấu những đôi mắt đỏ hoe khi Sư Phụ dần bước về khu vực cách ly… Đường line mỏng manh của sân bay lại khiến cho không gian đi-ở trở nên ngậm ngùi hơn bao giờ hết… Bóng áo nâu của Sư Phụ khuất xa dần, thì nước mắt chúng con cũng nhạt nhoà theo từng bàn tay vẫy… Thầy trò vẫy chào nhau, với biền biệt của trăm sông ngàn núi… Sư Phụ ơi, chúng con lại mong mỏi từng ngày, Hà Nội được đón bước chân Người…..