2. CÒN ĐÓ, GIỌT NƯỚC MẮT Sau bữa cơm khá thịnh soạn do gia đình Phật tử Liên Dung nhà gần bên đầu chiếc cầu Ánh Đạo chiêu đãi, chúng tôi lại tiếp tục lên đường trực chỉ thị xã Vĩnh Châu để trao tặng 3 căn nhà tình thương cho những hộ dân Khmer […]
2. CÒN ĐÓ, GIỌT NƯỚC MẮT
Sau bữa cơm khá thịnh soạn do gia đình Phật tử Liên Dung nhà gần bên đầu chiếc cầu Ánh Đạo chiêu đãi, chúng tôi lại tiếp tục lên đường trực chỉ thị xã Vĩnh Châu để trao tặng 3 căn nhà tình thương cho những hộ dân Khmer đã và đang gặp hoàn cảnh hết sức bi thương vì cuộc sống đói nghèo, già yếu và bệnh tật.
Dừng lại bên con đường nhỏ, chúng tôi xuống xe đi bộ men theo con đường đất đi ra hướng cánh đồng khô cằn để đến được căn nhà tình thương đầu tiên tọa lạc tại ấp Vĩnh Biên, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Đây là căn nhà vừa xây mới để trao tặng cho vợ chồng già bác Thạch Quên và Tân Thị Kim Ty. Hoàn cảnh sống của 2 vợ chồng người dân tộc gốc Khmer này thật đáng thương. Ngày ngày, mặc dù tuổi cao, sức khỏe suy sụp, người chồng vẫn phải đi làm mướn kiếm sống. Không ai mướn, bác lại đi vào rừng kiếm mật ong, hoặc ra ruộng, ra sông mò ốc bắt cá về để ăn đắp đổi qua ngày trong căn chòi cũng ọp ẹp, suy sụp không khác gì người chủ của nó. Chẳng có gì đáng giá trong căn chòi nhỏ, ngoài 2 phận người long đong, bấp bênh, không có ngày mai. Chúng tôi hỏi đến con cái, người vợ òa khóc nghẹn ngào: “nghèo đói quá nên hai đứa con trai đi kiếm việc làm ở Bình Dương… Hai đứa con gái cũng lấy chồng đẻ con, cảnh cũng nghèo khổ lắm, không có đứa nào về lo cho cha mẹ được hết… Khổ lắm thầy ơi!” Những giọt nước mắt rơi nhanh từ đôi mắt nhăn nheo, trủng sâu, được lau vội từ bàn tay nhám nhô, khô sạm vì nắng đồng cháy da của người đàn bà Khmer lam lũ cả một đời rong ruỗi cuộc hành trình mưu sinh trong bệnh tật và đói nghèo. Mọi người có mặt không nén được cảm xúc khi chợt nhận ra được những nỗi buồn không thổ lộ của kiếp người đa mang nghiệp chướng. Rồi mai đây, ai sẽ là người không cô đơn, sầu khổ trong cảnh tuổi già bóng xế…?
Hôm nay là “Ngày của mẹ”, một ngày khắp thế giới sẽ có biết bao bà mẹ được nhận tình cảm, quà tặng, lời chúc… của con cháu, dâu rễ qua hàng ngàn cách thể hiện muôn màu của thời công nghệ thông tin bùng nổ. Còn ở đây, giữa quê nghèo gió khô và nắng cháy, bà mẹ Kim Ty này có gì để an ủi thân phận hẩm hiu của người từng làm mẹ? Có chăng chỉ là giọt nước mắt đau khổ trong cô lẻ, đơn độc, đói nghèo! “Kim Ty” theo nghĩa chữ Hán là “sợi tơ vàng”, một cái tên rất đẹp với bao ước vọng ở tương lai khi được cha mẹ đặt cho. Thế mà, sợi tơ vàng ngày xưa đã biến thành những sợi khói mong manh, le lói và lụi tắt của bếp chiều cô quạnh bên người chồng già vẫn thường thất thiểu quay về với bàn tay trắng sau một ngày rong rủi kiếm sống trên cánh đồng khô hạn.
Một số hình ảnh được ghi nhận trong buổi giao nhà:
Nghe đâu vợ chồng bác Thạch Quên còn thiếu nợ, chúng tôi hỏi thăm sự tình và biết là trước kia vợ chồng bác ở đậu người ta, giờ được hỗ trợ xây nhà từ thiện nên vợ chồng bác mua lại nền nhà này với giá 12 triệu, hiện còn nợ lại 3,5 triệu. Cảm cảnh nghèo khó vô phương khả thi với món nợ này, mọi người trong Đoàn chung tay góp tiền đủ số 3,5 triệu giúp gia đình trả cho chủ đất. Ông Trưởng ấp lanh trí mời ngay vợ chồng người chủ đất đến và chúng tôi thay mặt Phật tử trực tiếp trao số tiền 3,5 triệu trả nợ cho họ trước sự chứng kiến của bà con trong xóm.
Nước mắt lại tuôn ra trên gương mặt của “sợi tơ vàng” trước tình cảm của những người dưng nước lạ, có lẽ bà khóc cho duyên phận của mình chợt nhớ đến những đứa con đang lưu lạc phương trời xa lạ nào đó. Khi nhận căn nhà, có lẽ đôi vợ chồng già này thầm nghĩ: có nằm mơ cũng không tin được mình có một căn nhà vách xây tươm tất, kín nắng che mưa lại còn thoát được cảnh nợ nần
Quay lưng đi rồi mà hồn chúng tôi vẫn cứ loanh quanh mãi nơi ngôi nhà mới trống hoác với những câu hỏi nặng trĩu, không lời giải đáp: vợ chồng già này rồi sẽ đi về đâu, sống ra sao trong những ngày tháng tới, khi tuổi già và tật bệnh cứ đeo bám chẳng buông tha? Chúng tôi bước vào khoảng sân cập vách nhà được dựng làm bếp đồ đạc ngổn ngang. Không có cái gì nguyên vẹn, cái sứt, cái mẻ như mớ lạc xoong. Đã xế chiều rồi, giở nắp chiếc nồi nhỏ nằm chổng chơ trên cái thùng không còn một hạt gạo, chẳng có gì ngoài một chút nước mắm kho quẹt còn đọng lại đáy nồi, Bữa cơm chiều nay của vợ chồng bác Thạch Quên chỉ có vậy thôi đó…
Căn nhà này với tổng số tiền xây dựng là 2.000 Mỹ kim, được các vị Phật tử sau hỗ trợ:
- Nhà hàng chay Thanh Vân (Hoa Kỳ): 500 Mỹ kim;
- Ngô Thị Kim Liên (Hoa Kỳ): 500 Mỹ kim;
- Ngô Thị Nuôi – pd. Đồng Thịnh: 500 Mỹ kim;
- Phật tử Lý Ồ (Hoa Kỳ): 500 Mỹ kim.
Căn nhà thứ hai được trao cho gia đình vợ chồng anh Trần Kha Lê – Dương Thị Lai thuộc ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh châu. Để đến được căn nhà nằm sâu cuối khu xóm trồng hành này, Đoàn phải đi qua một chặng đường đê dài giữa cái nắng cháy da mà xung quanh thì ngút ngàn đất trắng nút nẻ. Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh và hai con nhỏ sống chung với nhà vợ rất đông anh chị em, người chồng ngày ngày đi tưới nước rẫy hành thuê cho chủ, người vợ đi nhổ cỏ mướn để nuôi con; đứa con trai lớn 14 tuổi phải nghỉ học để phụ ba mẹ đi làm thuê nuôi em nhỏ.
Nhận được căn nhà mới, cả nhà 4 người đều tắm rửa sạch sẽ, vui mừng quỳ chắp tay trang nghiêm sau Thầy Trụ trì trong buổi lễ An vị Phật đơn sơ của miền đất cát pha nhiều nắng gió này. Được biết, căn nhà này với tổng số tiền xây dựng là 31.000.000 đồng, do các Phật tử Thiện Bổn (Cty Hiệp Thành Lợi) ủng hộ 10.000.000 đồng, Diệu Chơn (Tây Đức) ủng hộ 10.000.000 đồng, Đoàn Sen Trắng (Thủ Đức) ủng hộ 11.000.000 đồng.
Một số hình ảnh được ghi nhận trong buổi giao nhà:
Sau khi chuyện trò với gia đình anh Kha Lê trong không gian ấm cúng của ngôn nhà mới, Đoàn chia tay và tiếp tục lên đường để trao căn nhà thứ ba. Đã đến nơi mà không thể chạy xe tiếp được, mọi người phải xuống xe tuột theo con dốc cao của bờ đê, đi băng qua cánh đồng trồng hành đã thu hoạch thì đến một xóm nhỏ khoảng 20 căn nhà. Nắng nóng gắt gao, chúng tôi lại được hướng dẫn đi tiếp tục ra giữa cánh đồng mới đến một căn nhà lẻ loi cách xa xóm làng, một người đàn ông ốm nhom, cao nghệu, ở trần, mặc quần đùi đứng khép nép trước hiên vòng tay chào chúng tôi và mọi người. Sau khi hỏi thăm, chúng tôi mới biết người đàn ông này tên Thạch Lượng là chủ nhà và có hai đứa con trai nhỏ.
Thấy chúng tôi, bà con trong xóm nhỏ khoảng 10 người kéo đến căn nhà mới xây cho anh Thạch Lượng để giúp đỡ và “phiên dịch”, chúng tôi trò chuyện với bà con mới hiểu được hoàn cảnh thật đáng thương cho kiếp cơ hàn của vợ chồng bạc phước này: người chồng bệnh nặng nên không thể đi làm, gánh nặng gia đình trút hết lên đôi vai bé nhỏ của người vợ là chị Lâm Thị Trà Đa. Ngày ngày, chị không thể làm gì nổi nên ra biển mò cua bắt ốc về bán đổi gạo kiếm sống qua ngày đoạn tháng. Nhìn vợ chồng và hai đứa con lem luốc, xanh xao, chúng tôi hỏi: “mỗi ngày đi làm kiếm được bao nhiêu tiền?” Người vợ trả lời trong nước mắt: “có ngày được hai chục, ba chục, năm chục là nhiều nhất rồi thầy…!” Trời ơi, chừng ấy tiền thì họ sống cách sao, nói gì đến thuốc thang, áo quần, tập sách con cái…? Còn cuộc sống nào nghèo cùng khốn khó hơn nhà này nữa không?
Một nỗi buồn vô hạn xâm chiếm trái tim chúng tôi. Nhìn ra ngoài đồng chỉ toàn là đất, là nắng, là gió, là bụi và là một khoảng không vô tận với chằng chịt đường mòn giữa đất rẫy, chẳng có con đường nào cho vợ chồng con cái nhà này đặt chân lên hướng về tương lai. Người sống giữa phồn hoa tha hồ chọn món ăn hợp khẩu vị với muôn ngàn lời bình phẩm dở ngon, người sống trong căn nhà giữa mãnh đất khô cằn không có điện nước này có gì để chọn lựa cho mình? Thế mới hay, nghiệp chướng thật đáng sợ khi nó xiết chặt kiếp người giả tạm này. Người có điều kiện, có phương tiện thì mấy ai chịu khó nhìn lại để hóa giải,cải thiện nghiệp báo ? Còn người đã khổ và đang khổ không lối thoát xứ này thì làm gì có hội nhận thức và chuyển hóa. Chúng tôi chỉ biết hướng dẫn gia đình nhỏ của vợ chồng nghèo này đảnh lễ Tam bảo và thực hiện nghi thúc An vị Phật thật đơn giản để gieo duyên với họ, chỉ mong đời đời quy kính Phật pháp, cải thiện oan nghiệp.
Tổng trị giá căn nhà này là 33.000.000 đồng (1.500 Mỹ kim), do các Phật tử sau đóng góp: Thiện Pháp – 1.000 Mỹ kim, Lý Ồ – 500 Mỹ kim.
Một số hình ảnh được ghi nhận:
Bảng tổng kết tài chánh Chương trình từ thiện
Xây cầu Ánh Đạo |
|
Phương danh Phật tử |
Số tiền ủng hộ |
Phật tử cúng dường – Huân tu 28 | 25.590.000 đ |
Chúc Thanh | 1.500.000 đ |
Diệu Chơn – Thùy Dương | 3.000.000 đ |
Thiện Bổn – Lê Văn Thành | 25.000.000 đ |
Diệu Đắc | 200 Aud |
Diệu Nhật | 100.000 đ |
Thuy My Tu, Mai Van Tuyen | 10.000.000 đ |
Nhóm Phật tử ẩn danh | 1.700.000 đ |
Phan Long Quý | 5.000.000 đ |
Chú Phát (Cần Đăng) | 1.000.000 đ |
Cty Ngọc Tùng (Tp.HCM) | 20.000.000 đ |
Trương Thị Nhện | 2.000.000 đ |
Hồ Minh Sung | 2.000.000 đ |
Huỳnh Văn Minh | 30.000.000 đ |
Đặng Thị Mỹ Nương + nhóm Phật tử ở Hoa Kỳ | 500 Usd |
Trần Thị Kim Thoa | 2.000.000 đ |
Cô Mai (Cần Đăng) | 3.000.000 đ |
Thiện Đức – Trần Văn Thơm | 28.000.000 đ |
Diệu Đức (Nha Trang) | 10.000.000 đ |
UBND xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng | 100.000.000 đ |
Phật tử Viện Chuyên Tu | 16.700.000 đ |
A. Tổng cộng | 302.000.000 đồng |
Xây nhà tình thương |
|
Nhà hàng chay Thanh Vân | 500 usd |
Ngô Thị Kim Liên | 500 usd |
Đồng Thịnh – Ngô Thị Nuôi | 500 usd |
Lý Ồ | 1.000 usd |
Thiện Pháp | 1.000 usd |
Thiện Bổn (Cty Hiệp Thành Lợi) | 10.000.000 đ |
Diệu Chơn | 10.000.000 đ |
Đoàn Sen Trắng | 11.000.000 đ |
Phật tử đóng góp tại chỗ | 12.500.000 đ |
B. Tổng cộng | 121.375.000 đồng |
Phát quà từ thiện | |
Phan Long Quý | 5.000.000 đ |
Quỹ Ánh Đạo | 25.000.000 đ |
Diệu Ngân – Võ Thị Nguyệt Ánh | 10.000.000 đ |
C. Tổng cộng | 40.000.000 đồng |
Tổng chi phí (A + B + C) | 463.375.000 đồng |
Ghi chú: Tỷ giá 22.250đ/Usd, 17.038đ/Aud
(còn tiếp…)