Vào ngày 06/4/2025 (nhằm ngày 09 tháng 3 năm Ất Tỵ) tại Viện Chuyên Tu 2, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Khóa huân tu lần thứ 119 được tổ chức với sự tham gia của hơn 400 hành giả. TT. Thích Thiện Thuận – Trụ trì Viện Chuyên Tu đã mở […]
Vào ngày 06/4/2025 (nhằm ngày 09 tháng 3 năm Ất Tỵ) tại Viện Chuyên Tu 2, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Khóa huân tu lần thứ 119 được tổ chức với sự tham gia của hơn 400 hành giả. TT. Thích Thiện Thuận – Trụ trì Viện Chuyên Tu đã mở đầu thời khóa tu học với bài pháp thoại có nội dung tiếp tục với chủ đề “Gã Cùng Tử” (phần 2) về Phẩm Tín Giải thứ 4 trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Mở đầu bài pháp thoại, Thượng tọa Giảng sư đã tóm tắt nội dung phẩm Tín Giải. Đây là phẩm đặc biệt trong 28 phẩm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Kể lại câu chuyện Đức Phật dùng Đại thừa giáo hóa chúng Thanh văn, Duyên giác tiêu biểu là 4 vị A-la-hán: Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Ca-chiên-diên và Tu-bồ-đề diệt trừ vô minh và lậu hoặc, hướng về nhất Phật thừa. Bằng hình ảnh Gã cùng tử và người cha đại trưởng giả, câu chuyện dẫn dắt sự so sánh mọi người vốn là con Đức Phật, tánh giác sẵn có trong tâm, nhưng lại bằng lòng với những thứ tạm bợ, không hướng tới những sự cao tuyệt ở trong Chánh pháp mà lại nghèo về Chánh pháp.
Gã cùng tử ví như các ngài Thanh văn, Duyên giác có người cha giàu có là Đức Phật với kho báu Pháp tạng nhưng không thấy, cứ nghĩ mình đã được Niết-bàn tuyệt đối và không còn nhiệm vụ gì nữa và cũng không có ý định trở thành một vị Phật toàn giác. Đức Phật trong hình ảnh người cha giàu có phải dùng phương tiện thiện xảo, từ bi khéo léo chỉ cho các vị này tu tập để đạt được Chánh đẳng Chánh giác. Trong phần 2, Thượng tọa Giảng sư sách tấn chư hành giả niềm tin vào gia tài vốn có là Phật thừa. Ví như Gã cùng tử trên bước đường tu không cầu gì nhưng đến đâu cũng gặp điều thiện lành tốt đẹp. Để từ đó, giảm thiểu tập khí xấu, siêng năng tu hướng tới thiện pháp, tập hành thiện nghiệp để những giá trị tâm linh tốt sẽ tự đến với mình.
Muốn được như vậy, hành giả phải quán chiếu kiến hoặc (sai lầm trong quan niệm), tư hoặc (sai lầm trong tư duy) là những pháp hư vọng không có thật, những phiền não tham sân si không có thật để tâm thức hoàn toàn hướng về sự tỉnh giác. Người học đạo phải dùng hư tâm (tâm rỗng rang) để đón nhận giáo pháp một cách trọn vẹn nhất. Nhận thức ra khỏi nhà sanh tử không phải là chuyện tương lai mà ngay trong đời sống thực tại khi vượt khỏi sự chi phối của tham chấp. Sự tu tập có kết quả chính là sự kiên trì trong mọi hoàn cảnh.
Thượng tọa Giảng sư đúc kết: Phẩm Tín Giải chỉ con đường để hành giả tin và hiểu. Hiểu thông suốt như cách đứa con lưu lạc nhận ra và tin hoàn toàn vào người cha giàu có sau bao nhiêu năm xa cách , sẵn sàng đón nhận kho báu không mong cầu mà có. Đây là sự so sánh để thấy rằng từ Thanh văn, Duyên giác đến thành Phật là cả một quá trình tu tập. Căn lành là hạt giống chính trợ duyên cho những ai nỗ lực tu tập để tái sinh cảnh giới thuận duyên. Căn lành có được là do thường nhớ nghĩ, tư duy về thế giới Phật sẽ giúp hành giả hóa giải những thế giới không an lành, những điều bất thiện trong tâm, giúp ta xóa dần tập khí hung hăng, tật đố, có thêm năng lực tu tập, thực hành kinh Pháp Hoa. Chương trình khóa tu học lần thứ 119 bước vào thời khóa tu buổi chiều với phần vấn đáp Phật pháp và kết thúc với thời Mông Sơn Thí Thực.
Diệu Hồng – Thiện Từ