Trong kinh Trung bộ số 2 cũng đề cập tới “như lý tác ý”. Thầy giáo thọ bắt đầu giảng giải kỹ hơn rằng: hành giả như lý tác ý khiến cho những lậu hoặc chưa sanh không thể sanh khởi, những lậu hoặc đã sanh sẽ được đoạn diệt….
Sáng ngày 23/07/2024 (18/06/Giáp Thìn), Thượng tọa Thích Chiếu Hiền đã quang lâm về giảng đường an cư chùa Vạn Thiện chia sẻ pháp thoại với chủ đề: “Đoạn Trừ Các Lậu Hoặc”.
Mở đầu buổi chia sẻ pháp thoại cuối của mình tại trường hạ trong mùa an cư PL.2568, Thượng tọa giáo thọ đã nói về nhân duyên của bài kinh Trung bộ số 2 có tựa đề “Tất Cả Các Lậu Hoặc”. Trong đó Thượng tọa nêu lên lời Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các ông pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc” […] Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy”.
Có nghĩa rằng chỉ người có khát vọng, ước muốn vượt thoát lậu hoặc, vượt thoát khổ đau mới chính là đối tượng đức Phật hướng tới trong bài kinh này. Trong kinh Trung bộ số 2 cũng đề cập tới “như lý tác ý”. Thầy giáo thọ bắt đầu giảng giải kỹ hơn rằng: hành giả như lý tác ý khiến cho những lậu hoặc chưa sanh không thể sanh khởi, những lậu hoặc đã sanh sẽ được đoạn diệt.
Thượng tọa cho biết nguồn gốc của khổ đau là do si mê đưa đến chấp thủ, tham ái. Cụ thể là những lời nói, hành vi không phù hợp trong các mối quan hệ xã hội làm phát sinh sầu bi khổ ưu não khiến đọng lại trong tâm thức những hạt giống xấu.
Cho nên trong bài kinh này, đức Phật đã dạy nhiều phương pháp, trong đó hành giả tùy vào từng loại lậu hoặc cụ thể mà chọn một trong bảy cách gồm: “những lậu hoặc phải do tri kiến mới được đoạn trừ, do phòng hộ được đoạn trừ, do tránh né được đoạn trừ, do thọ dụng được đoạn trừ; do kham nhẫn được đoạn trừ; do trừ diệt được đoạn trừ và do tu tập được đoạn trừ”. Dựa trên bảy cách diệt trừ lậu hoặc, Thượng tọa giáo thọ đã triển khai sâu rộng những vấn đề liên quan giúp chư hành giả an cư định hướng được đường lối tu tập của mình để từng bước giải trừ các phiền não, dần dần sạch hết các lậu hoặc.
Chia sẻ về kinh nghiệm tu tập của chính mình, Thượng tọa thường cảm nhận được pháp lạc mỗi khi có thời gian ngồi thiền và đọc sách để hiểu thấu lời Phật dạy. Đồng thời thầy cũng khuyến tấn chư hành giả không nên tự khinh nếu bản thân chậm hiểu, khó tiếp thu. Thay vào đó, hành giả cần nỗ lực, quyết tâm trong tu tập và tận dụng thời gian học hỏi giáo pháp. Khi nghiên cứu giáo điển, hành giả nên nghĩ rằng mình đang được trực tiếp lãnh thọ lời Phật dạy. Qua lời dạy đó hành giả cần tư duy để hiểu sâu sắc lời dạy của đức Phật. Mỗi ngày dành thời gian nhất định để đọc hiểu kinh sách, hành giả sẽ cảm nhận được hạnh phúc và an lạc cho chính mình cũng như phát triển tuệ giác, giúp ba nghiệp được thanh tịnh.
Nói đến lậu hoặc được diệt trừ bởi “kham nhẫn”, thầy giáo thọ cho biết đây là một trong những phương pháp rất quan trọng trong quá trình công phu tu tập biểu hiện qua sự nhẫn chịu khi tiếp xúc với các điều kiện khí hậu, thời tiết hoặc ngoại duyên bất như ý. Nếu biết kham nhẫn, hành giả có được sự lắng nghe, lúc nào cũng tâm bình khí hòa. Điều này giúp hành giả không tạo ra khổ đau và tránh phá vỡ những mối quan hệ. Nếu có tâm nguyện muốn làm nhiều sự lợi ích to lớn cho mình và người khác thì hành giả phải có sự kham nhẫn lớn, như tảng đá kiên cố không bị gió làm lay động. Những lời đức Phật dạy trong bài kinh Trung bộ số 2 rất mầu nhiệm giúp cho hành giả loại trừ các lậu hoặc và tiến xa hơn trên con đường giác ngộ giải thoát.