Trong gia đình những người thương yêu của mình là bố mẹ, chồng vợ, là con cái thậm chí anh em của mình có khi những người đó cũng làm cho mình phiền lòng, làm cho mình khổ đau. Tại sao lại có sự khổ đau giữa những con người đang yêu thương nhau? Đó […]

Trong gia đình những người thương yêu của mình là bố mẹ, chồng vợ, là con cái thậm chí anh em của mình có khi những người đó cũng làm cho mình phiền lòng, làm cho mình khổ đau. Tại sao lại có sự khổ đau giữa những con người đang yêu thương nhau? Đó là điều mà ĐĐ. Thích Thiện Thuận chia sẻ với hành giả buổi thuyết giảng tại chùa Diên Quang, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh với chủ đề “Nền tảng của yêu thương” ngày 2/11/2014 (nhằm 10/9N âm lịch).

“Giữa những người xa lạ ta mong gặp một người quen. Giữa những người quen ta mong gặp một người thân. Giữa những người thân ta mong gặp một người tin và hiểu mình” Thật vậy, chúng ta là chúng hữu tình nên lúc nào cũng có sẵn tình thương dành cho người khác, và có thể gửi gắm đến họ bằng cả tấm chân tình. Bồ-tát là chúng sinh hữu tình đã giác ngộ, mình đang học theo con đường giác ngộ của Bồ-tát trên nền tảng của một chúng hữu tình cho nên chúng ta sẵn sàng yêu thương người khác, sẵn lòng đón nhận tình yêu thương từ người khác. Thế nhưng, chúng ta vẫn gặp những triền miên khổ đau, phiền muộn bên cạnh người mà chúng ta thương yêu khi họ làm cho mình tổn thương, làm cho mình rơi những giọt nước mắt tan nát cõi lòng. Khi đó chúng ta phải làm gì: xóa đi người đó, hay xóa đi sự hiện diện của mình hay lảng tránh? Dù chúng ta quỳ dưới tòa sen Đức Phật chắp tay thành kính như thế nhưng trong lòng đầy mối tơ vò. Cho nên chúng ta phải thay đổi làm sao để mình sống trong nhọc nhằn nhưng không vất vả, sống trong buộc ràng nhưng lại thảnh thơi, sống trong muôn trùng khổ đau nhưng lòng chúng ta bình an, như thế mình với Phật thực sự chẳng xa cách bao nhiêu.

Từ bi là yêu thương, trí tuệ là hiểu biết, với hiểu biết thấu đáo chúng ta mới thông cảm được với những lỗi lầm, với những khổ đau của người đó và ngược lại chỉ có thương yêu không thì chúng ta sẽ dễ dàng mệt mỏi, buồn chán rồi bỏ cuộc. Đức Phật dạy chúng ta cách yêu thương trên nền tảng của thấu hiểu, khi không hiểu được người thì chúng ta không thể yêu thương người đó một cách trọn vẹn. Ai cũng có nhu cầu được thương yêu, được hiểu biết, được thông cảm, nhưng hễ chúng ta yêu quý chừng nào ngã chấp tăng chừng ấy, ngã chấp tăng đến đâu thì phiền muộn mở ra đến đó, nếu chúng ta không hiểu được mình, không hiểu được họ đang có nhu cầu gì, đang gặp rắc rối bởi vấn đề gì, khổ đau do những nguyên nhân gì thì chắc chắn chúng ta không có cơ hội giải trừ những phiền muộn trong cuộc sống này. Những suy nghĩ mang tính cách bảo thủ, cố chấp gắn chặt với cái tôi của mình đó là vọng tưởng.

Thêm một người bạn có thêm một con đường.

Thêm một người thù có thêm một bức tường.

Chúng ta phải tập sống để trải nghiệm những nỗi khổ đau của mình, của người thân thì gặp cảnh ta thông cảm được, yêu thương như chúng ta đã từng hiến tặng tình yêu thương – một tặng phẩm của trái tim làm người đó được hạnh phúc. Khi người mình thương yêu an lạc, đó cũng là niềm an lạc cho chính mình.

01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30