Ở cái tuổi mà những chứng bệnh lắt nhắt nhưng rất khó chịu của người già đã bắt đầu “gõ cửa” hỏi thăm, tôi cũng không biết mình còn có cơ hội được trở lại với mùa thu rực rỡ sắc màu trên đất nước Hàn Quốc xinh đẹp nữa không. Câu trả lời có […]

Ở cái tuổi mà những chứng bệnh lắt nhắt nhưng rất khó chịu của người già đã bắt đầu “gõ cửa” hỏi thăm, tôi cũng không biết mình còn có cơ hội được trở lại với mùa thu rực rỡ sắc màu trên đất nước Hàn Quốc xinh đẹp nữa không. Câu trả lời có thể là có, nhưng cũng có thể là …!

Không ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong cuộc vô thường biến dịch này! Nhưng, có một điều chắc chắn, rằng tôi sẽ khó mà quên những cảm xúc của ngày hôm qua đó, khi  lần đầu tiên theo bước chân Thầy đến xứ sở “Thiên đường Mùa thu” để cùng tham gia nhóm biên tập cho chương trình Vu Lan Tha Hương lần I.

Lần đầu tiên đó, “Thiên đường Mùa thu” là chất xúc tác hấp dẫn mà Thầy phấn khởi, hồ hỡi thêm vào khi giới thiệu với mọi người để tạo niềm hưng phấn đến với một chuyến đi tu tập nơi xa.  Bởi với chúng tôi, không gian đầy đạo vị và rất ấm áp thân tình của Viện Chuyên Tu đã là nơi tu tập rất hoan hỷ, đầy an lạc. Nơi chúng tôi đến học đạo từ bi và quán tâm hỷ xả. Chúng tôi chưa hiểu lắm vì sao phải đi 5 – 6 giờ bay để tổ chức Khóa tu học ngoài Viện Chuyên Tu và lại còn tổ chức chương trình Vu Lan nữa chứ. Trong đầu, tôi hình dung ra khung cảnh một khán phòng với chừng 100 – 150 người dự và một chương trình Vu Lan đơn giản với một vài bài phát biểu cảm tưởng.

Nói chung, tôi mang đến xứ sở Kim Chi mớ hành lý hơi bị quá khổ vì chuẩn bị cho một chuyến tham quan Mùa thu Hàn Quốc hơn là một chuyến tu học. Thế nhưng, mọi thứ như bị đảo ngược khi bước chân ra cửa sân bay Inchoen. Hoa – Nước mắt và Nụ cười. Tất cả những cảm xúc đặc biệt chỉ con người mới có được như vở òa ra trên những gương mặt còn rất trẻ ra đón Thầy. Khoảng hơn 30 em  nam nữ ăn mặc thật trang trọng trong những chiếc áo dài Việt Nam tha thướt và những chiếc áo sơ mi cổ cồn, cravat nghiêm túc đứng chờ đón Thầy và chúng tôi với đôi mắt đỏ hoe và nụ cười mếu máo vì quá hạnh phúc. Các em tặng hoa và vây chặt lấy Thầy. Có nhiều em lần đầu tiên được gặp gỡ người Thầy mình vẫn thường xem trên các clip bài giảng nên rất vui sướng và cảm động. Nước mắt giàn giụa trên những gương mặt trẻ. Tình cảm của những người tha hương cũng đã làm mắt vị đạo sư từ phương xa đến ngân ngấn nước. Không chen được vào đám đông, một em nữ gầy guộc, bé nhỏ ôm chầm cổ tôi thút thít: “Chúng con chờ Thầy và các cô chú qua đây lâu lắm rồi. Mỗi ngày chúng con đều trông chờ đến giờ phút này. Chúng con xem bài Thầy giảng trên mạng nhiều lắm. Ngày nào con cũng xem. Ai cũng khao khát được theo thầy học Phật, chuyển hóa nghiệp duyên. Chúng con ở đây cuộc sống tha hương vất vả cơm áo gạo tiền, bao điều tủi nhục. Xa mẹ cha, xa quê nhà. Đớn đau lắm cô ơi!

Tiếp xúc với các em ra đón, tôi đã trôi dần theo sự háo hức, nhiệt tình, đầy khát vọng tìm đến ánh sáng trí tuệ như tìm ngọn đuốc soi đường dẫn lối trong biển khổ không biết đâu là bờ của những con người chân đất, xa quê kiếm sống. Tôi gọi các em như vậy, vì phần lớn, người đến đây là con em ở các vùng nông thôn Việt Nam. Có người đến theo các chương trình xuất khẩu lao động, có người đến trong chua chát đắng cay của kiếp đời mua bán làm vợ người, không tình yêu… Cho dù cuộc sống thị thành xứ người có làm các em thay đổi trang phục, diện mạo, nhưng nét chân quê hiền hòa vẫn còn rõ lắm trong những câu chữ khi chuyện trò.


Cộng đồng Phật tử Viện Chuyên Tu tại Hàn Quốc đón Đoàn và trao tặng bông

Tôi nhanh chóng “bị “ các em làm hòa nhập. Tư tưởng đến Thiên đường Mùa thu tham quan biến mất trong đầu tôi, không phải vì Mùa thu năm ấy chưa đến khi đoàn chúng tôi qua, khi đó cây lá vẫn xanh um chào đón chứ không phải là cảnh tượng lãng mạn như trong phim Hàn: “Không khí se se lạnh, bầu trời trong xanh cùng những dãy núi rợp sắc lá phong đỏ ẩn hiện sau những tán cây đầy lá vàng rơi”; mà bởi vì tâm mưu cầu học đạo của những người xa quê quá lớn cũng đã lôi cuốn chúng tôi nhất nhất khép mình vào chương trình tu học giới luật nghiêm túc do Thầy tổ chức với một sự hoan hỷ rộng mở.

Có một điều tôi thật sự thán phục, chỉ là những người muôn phương tụ hội trong vài ngày nghỉ, nhưng các em vẫn có thể ráp nối nhuần nhuyễn từ khâu thỉnh sư với cờ lộng, tràng phan bảo cái đủ đầy thật long trọng, trang nghiêm, cho đến các nghi thức đón tiếp, tổ chức thành một đạo tràng tu học lên đến vài trăm người nhưng rất bài bản về mọi mặt. Điều này chứng tỏ rằng, các em đã có một sự chuẩn bị chu đáo trong chờ đợi.

Ở bên nhau trong những ngày học tu ngắn ngủi mới hiểu hết nỗi niềm của những người con xa xứ. Bến đời đưa đẩy, khổ lụy không cùng đã khiến những người trẻ thiếu thốn tình cảm này rất cần sự sẻ chia, sự yêu thương. Và Thầy đã đến như người cha tinh thần, thay cho người cha, người mẹ chốn quê nhà, mang đến cho các em những cảm xúc được lắng nghe, được thấu hiểu; trao cho các em chánh pháp Phật Đà như trao cây chèo vững chắc để tự mình vượt qua sông mê, truyền cho các em niềm tin dõng mãnh vào ngày mai bình an của người hành thiện nghiệp.

Và những giọt nước mắt “được” rơi trong những chương trình Vu Lan Tha Hương 1 – 2 – 3 tiếp nối nhau 2 năm liền sau đó, phải chăng là cơ hội để các em phóng thích nổi ân hận muộn màng với mẹ cha vì chữ hiếu con chưa làm được, phóng thích những tủi nhục u uất của kiếp đời “bèo giạt mây trôi” chịu cảnh chén cơm chan nước mắt, và phóng thích cả những giấc mơ hoa trên con đường đời đầy chông gai, sỏi đá… Thế nên, Vu Lan Tha Hương lần nào các em cũng khóc. Từ người lên tham gia giao lưu đến người tham dự, tất cả đều khóc với nhau. Đến nỗi, sự cảm xúc còn lan truyền sang Hòa thượng Kim Yu Joeng trụ trì chùa Minh Trang – Hàn Quốc, nơi diễn ra pháp hội Vu Lan Tha Hương lần 3, Ngài  tâm sự: “Tôi đã cảm nhận được tiếng khóc bật ra. Những người có cảm xúc đều khóc, trong đó có tôi nữa…  Dù là ai, người đã lên kế hoạch cho chương trình Vu Lan này, thì tôi đều đánh giá cao. Vì tôi thật sự cảm nhận người ấy chính là chuyên gia lấy nước mắt của mọi người.”

TT. Thích Thiện Thuận và HT. Kim Yu Joeng
Lễ xuất gia gieo duyên
Lời nguyện cầu nơi tha hương

Thầy chúng tôi cũng khóc khi ngồi ghế giao lưu với các em. Người “chuyên gia lấy đi những giọt nước mắt của mọi người” cũng không thể ngăn nước mắt của chính mình rơi. Từng số phận con người hiện ra đớn đau, nghèn nghẹn trong lời dẫn dắt thấm đẫm yêu thương của Thầy. Có khi để nước mắt ngừng rơi, Thầy cố trêu đùa mọi người bằng sự hóm hỉnh, dí dỏm, nhưng những tiếng cười bật ra sao vẫn nghe chua xót quá.

Cuộc đời là sự kế tục của những nhân duyên, nghiệp báo. Không ai có thể thay đổi được nhân quả đời mình, Phật pháp cũng không làm được chuyện đó. Nhưng Phật pháp có thể đưa lối cho con người tạo nhiều thiện duyên hóa giải nghiệp chướng.

Bây giờ thì tôi đã biết rõ thật rõ, vì sao Phật sự đa đoan, sức khỏe không có, lịch thời gian hạn hẹp mà năm nào Thầy vẫn cố gắng tổ chức những Khóa tu học cho Cộng đồng Phật tử Viện Chuyên Tu tại Hàn quốc. Và lại còn có tâm nguyện tổ chức cho phật tử người Việt sinh sống tại Đài Loan nữa. Lời Phật dạy, rằng có tu là bớt khổ. Tu một giờ, là được an lạc một giờ, tu một ngày là được an lạc một ngày. Tu để chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện, hóa giải những chướng duyên mang đến sự đau khổ. Nhà toán học Pascal từng viết nên một câu nói trứ danh: “Con người chỉ là một cây sậy yếu đuối. Nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”. Còn tôi, qua Khóa tu học của những người tha hương bỗng muốn viết nối thêm cho tôi bài học lớn: Nhân quả làm nên số phận con người. Nhưng con người – một cây sậy biết suy nghĩ sẽ không bao giờ chịu đầu hàng trước số phận, vì con người còn biết tu.

Lần nào bước chân ra sân bay Hàn Quốc để về Việt Nam, tôi cũng bâng khuâng cảm xúc trước những tình cảm lưu luyến, không muốn rời xa của các em. Ai cũng dặn tôi: “cô ơi, lần sau lại qua với chúng con nữa nhé!”. Chỉ dám gật gật đầu, không dám hứa điều gì cả. Nhưng các em ơi, hãy tin đi, các em sẽ là “ngày hôm qua đó” mà tôi luôn muốn cất giữ vào một ngăn nhỏ ký ức về những điều tốt đẹp, dễ thương, những hạnh phúc hiếm hoi nên nhớ trong đời. Để mỗi khi buồn buồn ngồi mở ra, tôi lại thấy mình trong “ngày hôm qua đó”, va li quá khổ đi tìm kiếm “Thiên đường Mùa thu”, nhưng rồi lại ngồi đó ở một góc chùa xứ xa, sổ bút trong tay ghi chép, nghe em kể chuyện cuộc đời mà nước mắt tràn mi.

VÕ NGUYỄN KHANH GIA

*Một ca từ trong bài hát Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.