Wed, 01 / 2023 7:44 PM | Tánh Kỳ

Lời dẫn: Ích kỷ lợi mình là đặc tính của con người. Bậc cổ đức dạy: “Người không sửa mình, trời tru đất diệt”. Nhưng có lúc tự hại chính mình, hoặc gặp tai nạn thì kéo người khác cùng chịu hại với mình. Việc có lợi, giành riêng mình, muốn riêng mình được lợi ích; việc có hại, muốn bạn bè cùng chịu chung. Đây là căn tính thấp hèn của con người, hay là tâm ganh tỵ?

Ngày xưa, có hai người người bạn rất thân nhau, một người học nghề thợ vàng, một người rất giàu có. Cả hai cùng thích đi du lịch. Họ thường hẹn hò cùng nhau đi dạo, ngắm cảnh non xanh nước biếc. Một hôm, họ đi dạo trong rừng sâu, quên mất trời đã về tối, nên đành nghỉ qua đêm bên gốc cây. Sáng hôm sau, họ đi xuống núi, vừa ngắm cảnh đồng bằng lúa xanh mơn mởn thẳng cánh cò bay, vừa thưởng thức hương thơm hoa cỏ dại bên đường. Trong lúc họ say sưa ngắm cảnh thiên nhiên thì bất ngờ không biết từ đâu một tên cướp chạy đến. Bình thường, người bạn giàu có rất cam đảm, nhưng khi gặp tên cướp, hắn rất nhút nhát. Lúc tên cướp bắt hắn thì người bạn thợ vàng lẻn núp trong lùm cây. Tên cướp rút con dao ra, hắn run rẩy nói:
– Thưa đại ca! Em chỉ có chiếc áo này thôi, không còn vật gì khác.
Tên cướp quát:
– Đưa ra mau lên!
Vì trong chiếc áo có bọc một cây vàng, nên hắn hỏi tên cướp:
– Em đưa đại ca cây vàng, đại ca trả lại cho em chiếc áo được không?
– Vàng ở đâu?
– Dạ, vàng trong chiếc áo.
– Tao không biết vàng thật hay giả, làm sao tin mày được?
– Dạ vàng thật trăm phần trăm. Đại ca không tin thì có thể hỏi tên thợ vàng núp trong lùm cây kia.
Tên cướp không để ý có người bạn thợ vàng, nghe hắn nói liền bước vào lùm cây lấy hết tài sản của người bạn này rồi đi. Lúc đầu, vốn chỉ có mình hắn bị cướp của; sau đó hắn chỉ nên bạn hắn cũng bị mất của. Thật là, hại người, hại mình!

Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Con người ở đời, bất luận là bạn chí thân, cùng hoạn nạn thì dễ, nhưng cùng giàu sang thì rất khó. Vì thế, dân gian có câu: “Sướng khổ có nhau”; hoặc “cùng sống cùng chết”. Khi gặp hoạn nạn bị hại, ta mong muốn người khác cũng bị hại theo, nhưng người khác không có gặp nạn, ta cũng muốn họ cam tâm tình nguyện chịu nạn. Đây là tâm lý gì? Ganh tỵ. Tự mình bị hại, nhưng không muốn người khác được an ổn. Bồ-tát Địa Tạng nói: “Tôi không vào địa ngục thì ai vào địa ngục. Địa ngục vẫn còn, tôi thề không thành Phật”. Ngài A-nan phát nguyện: “Nếu còn một chúng sinh chưa thành Phật, con nguyện không chứng Niết-bàn”. Tinh thần hy sinh tự ngã, mong cho người khác được thành tựu, khác nhau một trời một vực.
Người ta yêu nhất thế gian, đó là chồng/vợ. Lúc thương yêu nhau, cả hai cùng sướng khổ có nhau, cùng nhau sống chết. Khi tình cảm rạn nứt, luôn mong muốn mày chết, tao sống. Lúc yêu thương mặn nồng, đem cả thân mạng hy sinh cho đối phương, khi chia tay thì mong đối phương chết ngay lập tức. Đây là không muốn người khác hưởng thụ một mình.
Ở đời có người thích sống buông thả, đánh mất sự nghiệp; hoặc làm ăn thất bại, cũng muốn kéo người khác sống buông thả như mình, thì mất đi công đức đạo nghiệp. Họ muốn mọi người cùng trầm luân đọa lạc, không muốn cùng nhau nỗ lực tinh tấn tu hành, cùng sinh về Cực Lạc, cùng hành đạo Bồ-tát là vì sao? Đều là do ác duyên đời trước; hoặc do tâm ganh tỵ sai khiến. Ganh tỵ như vậy là ác ma của chúng ta. Thành tựu người khác là thành tựu mình, ganh tỵ người khác là ganh tỵ mình, hại người là hại mình. Vì sao mọi người muốn tự hại mình, hoặc tự cam chịu đọa lạc?

(Trích từ Chuyện bách dụ – SC. Viên Thắng dịch, TT. Thiện Thuận hiệu đính)

Bài viết cùng chuyên mục