Lời dẫn: Đức Phật dạy: “Biết đủ thường vui, người không biết đủ, dù ở thiên đường cũng thấy khổ”. Vì thế, bất luận chúng ta đang hưởng thụ cuộc sống giàu sang, ăn ngon mặc đẹp; hay sống trong khổ cực, ăn uống đạm bạc, miễn biết đủ thì an vui. Kẻ không biết đủ, cho dù giàu nứt đố đổ vách, địa vị danh vọng cao ngất, nhưng hằng ngày vẫn tìm mọi cách tranh giành chiếc ghế, hạ thủ, đấu đá lẫn nhau, thì khổ não vô cùng.
Con người có giàu-sang, nghèo-hèn, khôn-dại, hiền-dữ. Đất có đồi núi chập chùng, hay đồng ruộng bằng phẳng, mãi mãi không giống nhau. “Làm người có lúc gặp vận may, có lúc gặp rủi ro, chúng ta không thể so bì người này với người kia”. Nếu như chúng ta “thấy người tài đức, muốn mình bằng họ” thì càng so sánh càng mệt. Như thấy người giàu sang liền sinh tâm ganh tỵ, hoặc tự ty, là điều không nên. Người giàu sang thấy người nghèo hèn thì kiêu ngạo, tự cao tự đại; hoặc người nghèo thấy người giàu sang thì tự ty, ganh tỵ, đều không đúng. Chuyện đúng sai cũng là nguyên nhân tranh cãi, tất nhiên khổ não sẽ đến.
Ngày xưa có một nông dân, gia đình hắn tuy không có của ăn của để, nhưng cuộc sống cũng tạm đầy đủ. Hắn tuy không có nhà cao cửa rộng, nguy nga tráng lệ, nhưng có nhà ngói đỏ tường vôi, rộng rãi thoáng mát, đủ cho một gia đình mười mấy người sinh hoạt thoải mái. Mặc dù hắn không được ăn ngon, mặc đẹp nhưng cuộc sống luôn đầy đủ, no ấm. Cuộc sống của gia đình hắn trôi qua với những ngày tháng hạnh phúc đơn sơ như thế.
Một hôm, đến nhà trưởng giả có việc, hắn thấy nhà ông ta có rất nhiều vàng bạc, của cải, ăn toàn những món sơn hào hải vị, ở nhà lầu cao rộng, nguy nga, đầy đủ tiện nghi sang trọng. Sau khi trở về nhà, nhớ lại nhà ông trưởng giả giàu sang như vậy, hắn đâm ra buồn chán, than thở; ăn cũng không ngon, ngủ không yên giấc, thường tự nói lẩm bẩm: “Chao ôi! Vì sao tài sản của ta không bằng trưởng giả? Nhà của ta sao không sang trọng bằng nhà ông ta?”. Sau đó, hắn ngồi thờ thẫn như người thất tình.
Vợ hắn thấy tình cảnh như vậy, liền an ủi:
– Chàng ơi! Hãy bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Tài sản của chúng ta không nhiều bằng nhà trưởng giả, nhưng cũng đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày. Tiện nghi trong nhà chúng ta tuy không được đắt, sang trọng như nhà ông ta, nhưng đâu thiếu vật gì. Chàng còn mơ ước gì nữa mà không hài lòng?
Hắn trợn mắt nạt:
– Nàng là phận đàn bà, biết gì mà nói! Làm người phải tranh tài, Phật phải tranh lư hương. Trưởng giả là người, ta cũng là người, vì sao ta không bằng ông ta?
– Chàng ơi! Trưởng giả là người, chúng ta cũng là người, nhưng con người có giàu-sang, nghèo-hèn, vận mạng có tốt-xấu sai khác. Bởi vì, có người đời trước làm nghiệp thiện nên đời nay được hưởng phước báo; có người đời trước gây nghiệp ác nên đời nay chịu khổ báo. Có người thông minh, trí tuệ, làm việc có đạo đức, có lương tâm; có kẻ ngu si, bất tài chỉ làm hại người, lợi mình, những việc họ làm đều trái với lương tâm, đánh mất nhân cách, thì làm sao có chuyện giàu-sang giống nhau?
– Ý nàng nói ta là kẻ bại hoại đạo đức phải không?
– Thiếp không dám nói như thế! Chúng ta làm đúng, ít tạo nghiệp ác là được rồi.
– Nàng hiểu được bao nhiêu? Lẽ nào ta không biết đạo lý này? Con người sống ở đời là phải tranh tài năng, không tranh nhau thì sống có ý nghĩa gì?
– Ý chàng nói là…
– Tài sản của chúng ta không bằng người khác thì để lại có ích gì?
– Tài sản của chúng ta tuy không bằng trưởng giả, nhưng đủ chi tiêu sinh hoạt cho cả nhà. Chàng muốn xử trí nó như thế nào?
– Ta dự định đem hết của cải ném xuống biển, không còn của cải sẽ không còn đau khổ, so sánh hơn thua với trưởng giả kia.
Đúng là hắn lý sự quạt mo. Thế gian này có những kẻ khùng cũng lý sự ngu si như hắn. Mặc dù vợ hắn khuyên can hết lời, nhưng hắn vẫn không nghe, ngang nhiên đem hết của cải ném sạch xuống biển cả.
Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Con người có khôn-dại, hiền-dữ, tư tưởng hiểu biết và cách nhìn nhận ở thế gian đều không giống nhau. Người có chính nhân quân tử và kẻ gian tà; hiểu biết có cao-thấp. Có người nhìn xa trông rộng về tương lai; có kẻ chỉ thấy lợi ngay trước mắt; có người chính tri, chính kiến; có kẻ tà tri, tà kiến; ông có lý của ông, bà có lý của bà. Người sống ngay thẳng thì có lý lẽ đúng; kẻ tà thường lý lẽ cong quẹo. Vậy người chính hay tà mới có thể yên ổn vui vẻ đi trên con đường nhân sinh này? Quan trọng nhất là tương lai được hướng thượng vươn lên hay bị đọa; làm người hay làm quỷ; được vãng sinh hay đọa làm súc sinh; lên thiên đường hay vào địa ngục, đều do lý trí của chúng ta chọn lựa.
Con người tranh tài rất quan trọng phải không? Là tự mình tranh đấu để vươn lên là điều tất yếu; hay vì quốc gia, vì xã hội mà tranh tài cũng cần như vậy; hoặc vì nhân cách, đạo đức của mình mà tranh tài, lại càng quan trọng; hoặc vì sinh tử trong tương lai, hay vì độ chúng sinh mà phải tranh tài thì càng tốt. Nhưng có người vì những danh lợi giả dối, hay vì chút sĩ diện mà tốn rất nhiều tinh thần và sức lực để tranh nhau, thật là oan uổng! Có người vì so sánh tài sản với người khác, tranh nhau vì thể diện mà từ bỏ tất cả; càng tranh giành thì càng đau khổ. Bạn nói họ là người thông minh hay là kẻ ngu si?
(Trích từ Chuyện bách dụ – SC. Viên Thắng dịch, TT. Thiện Thuận hiệu đính)