Sun, 02 / 2022 1:29 PM | Tánh Kỳ

Lời dẫn: Muôn sự muôn vật ở thế gian, mỗi người đều có cách nhìn và nhận xét của mình, có chính kiến, có tà kiến, có lẽ phải, cũng có lẽ trái. Nhận xét đúng thì lời nói, việc làm mới đúng đắn, tạo nên hạnh phúc, an vui cho con người, vun bồi đức hạnh tôn quý và cao thượng. Kẻ tà tri, tà kiến, hành động thấp hèn, tạo thành nhân cách của kẻ tiểu nhân, gây nên ác nghiệp, sẽ đọa vào đường ác vô biên.

Ngày xưa có một phụ nữ, vì gia đình nghèo khó nên không được học hành đến nơi đến chốn, chẳng có nghề nghiệp để mưu sinh. Do đó, nàng sống qua ngày bằng cách ai thuê gì làm nấy. Nhưng không may, nàng mắc bệnh đau mắt rất nặng, rốt cuộc việc đi làm thuê cũng không làm được. Thường ngày, nàng bị mọi người mắng chửi, ức hiếp nên đau khổ vô cùng, nhưng không biết tỏ nỗi lòng cùng ai.
Một hôm, gặp một cô gái có học vấn, hiểu biết, nàng liền than thở:
– Em ơi! Làm người có đôi mắt sáng, thật hạnh phúc biết bao!
Cô gái khuyên:
– Này chị! Không hẳn là như thế. Người có đôi mắt sáng, hằng ngày nhìn thấy những chuyện giả dối, lừa đảo, tạo ác nghiệp ở thế gian; nhìn thấy những kẻ gian trá, nham hiểm mà muốn tránh xa; lại thấy những kẻ quan chức tham ô tự đánh mất nhân cách và đạo đức, thì ba ngày ăn cơm không nổi. Chi bằng không thấy là tốt hơn.
– Em ơi! Chị mong ước được có đôi mắt sáng để nhìn mặt tốt đẹp cuộc đời, ai nấy đều lương thiện, ai cũng đối xử với nhau bằng tình cảm đậm đà, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn. Còn những kẻ làm chuyện phạm pháp, gian trá thì chị xem như không nhìn thấy, để họ “ngựa dữ gặp kỵ sĩ hung”. Chị luôn thương xót họ tương lai phải chịu báo ứng, lại còn nhiều đời nhiều kiếp khó mà được siêu thăng. Em nói đi, họ có đáng thương không?
– Em là người sáng mắt, nhưng vẫn hay bị đau, thường đau dữ dội.
– Em bị đau mắt suốt cả ngày, hay đau từng cơn?
– Tất nhiên là không đau liên tục, có lúc đau, có lúc không.
– Sự thật có mắt phải có bệnh, nhất định phải đau đớn. Chuyện này không còn biện pháp; có thân, có tâm thì có khổ, giống như có sinh thì có tử. Nhưng con người có thể nhờ đôi mắt mà xem kinh, ngắm nhìn tượng Phật, nhìn thấy mặt tốt ở đời. Nếu như thấy mặt xấu, những chuyện phạm pháp thì cũng làm cho mình thức tỉnh. Vì thế, mắt giúp chúng ta rất nhiều, đúng không?
– Chị à! Người có mắt sáng tuy có đau khổ nhưng chỉ một thời gian ngắn; còn người mù lại đau khổ suốt đời.
– Em ạ! Người có đôi mắt sáng thì nhìn về tương lai rộng lớn, dự định làm những việc lâu dài cho tương lai. Người bị mù chỉ thấy việc hiện tại, nhưng không biết tương lai mình sẽ ra sao; đó là nỗi đau khổ nhiều đời nhiều kiếp ở tương lai.
Nói như thế, người mắt sáng tốt? Hay người mù tốt? Chúng tôi nghĩ kẻ ngu cũng biết chọn cho mình, phải không?

Bài học đạo lý
Đôi mắt sáng giúp cho chúng ta nhìn thấy tất cả sự vật ở thế gian, nhưng thấy việc tốt làm cho chúng ta vui vẻ, thấy việc xấu làm cho chúng buồn bã; lại có thể lôi kéo chúng ta tạo nghiệp ác, và cũng có thể giúp chúng ta tu hành làm nghiệp thiện. Đôi mắt như thế là tốt hay xấu, là thiện hay ác? Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Chúng ta muốn làm việc lành, việc dữ; muốn thấy tốt, thấy xấu, thấy thiện, thấy ác đều là ý nghĩ của chúng ta; không nên đổ lỗi cho mắt thấy chuyện tốt, xấu phải không?
Người có đôi mắt thì phải có bệnh, có thân thì có khổ. Như thế, chúng ta cũng không làm chủ được bản thân. Thân có thể làm cho chúng ta an vui, cũng có thể làm cho chúng ta đau khổ; đồng thời, còn có sự liên quan đến hạnh phúc hay khổ đau nhiều đời nhiều kiếp ở tương lai, chỉ do chúng ta biết cách ứng dụng nó như thế nào mà thôi. Ứng dụng thích hợp thì làm cho chúng ta an vui; ứng dụng không đúng thì làm cho chúng ta đau khổ. Như vậy, mắt sáng và trí tuệ là rất quan trọng. Đúng không nào?
Phật giáo là tôn giáo trí tuệ. Đức Phật là đấng giác ngộ, có trí tuệ thâm diệu mới thành Phật. Vì thế, Ngài thấy rõ tất cả sự vật ở thế gian. Cho nên, những điều Ngài dạy chúng ta đều là những việc kinh nghiệm nhiều đời nhiều kiếp, phát xuất từ trí tuệ của Ngài. Tại sao chúng ta không y theo Phật pháp tu hành? Phật pháp như kim chỉ nam trong biển khổ, như thầy thuốc đưa thuốc hay cho bệnh nhân. Người có duyên, có căn lành mới gặp được pháp, cũng mới có thể nương theo pháp mà tu hành. Bằng không thì biển khổ vô cùng; chúng ta giống như người mù đi trên con đường, biết đến khi nào về đến quê nhà bình yên.

(Trích từ Chuyện bách dụ – SC. Viên Thắng dịch, TT. Thiện Thuận hiệu đính)

Bài viết cùng chuyên mục