Lời dẫn: Bậc cổ đức dạy: “Họa phước không đến cửa, chỉ có người tự mời; quả báo thiện ác như bóng theo hình”. Họa và phước ở thế gian không có thời gian nhất định, cũng không nhất định giáng xuống đầu người nào. Chỉ cần chúng ta thấy tâm người thiện hay ác […]

Lời dẫn: Bậc cổ đức dạy: “Họa phước không đến cửa, chỉ có người tự mời; quả báo thiện ác như bóng theo hình”. Họa và phước ở thế gian không có thời gian nhất định, cũng không nhất định giáng xuống đầu người nào. Chỉ cần chúng ta thấy tâm người thiện hay ác mà xác định; hoặc xem hành vi của người làm việc thiện hay ác mà kết luận. Cho nên nói, báo ứng thiện ác như bóng theo hình.
Báo ứng thiện ác, là do có nhân từ đời trước mà đời nay chiêu cảm, cũng có duyên thiện ác đời này mà chuyển họa thành phước. Do đó, thế gian có thiện tri thức hướng dẫn chúng sinh tu học Phật đạo, hoặc hướng đến thiện đạo. Nhưng cũng có ác tri thức dùng lời đường mật, đe dọa, dụ dỗ đưa mọi người đi vào tà đạo. Cũng có kẻ dẫn người vào ba đường ác. Có người theo thiện, nói điều thiện, khuyên người làm thiện. Cũng có kẻ nói lời gian trá, dụ dỗ mọi người tạo tội làm ác. Có người gặp thuận duyên, nghịch cảnh mà làm thiện, làm ác. Nhưng cũng có người gặp nghịch cảnh, nghịch duyên mà làm thiện, làm ác.
Có người học Phật gặp môi trường hoàn cảnh đầy đủ tốt đẹp, tinh tấn tu hành thuận lợi. Nhưng cũng có người thích lối sống buông thả; hoặc đắm nhiễm trong năm dục, sống phóng túng, chẳng chịu nỗ lực tu hành. Cho dù họ gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, nhưng nếu có người bỗng đến hủy nhục mắng chửi, hoặc xem thường, hoặc gây tranh cãi làm kích động ý chí của họ, làm cho họ quay đầu lại, tinh tấn tu hành, phấn đấu vươn lên thành tựu đạo nghiệp, sự nghiệp, như thế chính là nghịch tăng thượng duyên. Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp bị người khác hãm hại mà lại có thể chuyển họa thành phước.

Xưa kia, có một người phụ nữ trung niên rất xinh đẹp, nhưng ả quen sống buông thả dâm đãng, hành vi lẳng lơ, ăn mặc khêu gợi. Ả có tình nhân bên ngoài, tất nhiên ả không hài lòng người chồng của mình. Ả nghĩ ra rất nhiều thủ đoạn tinh vi muốn hãm hại chồng mình, nhưng chưa có cơ hội để ra tay.
Một hôm, thời cơ đã đến, vì chồng ả được nhà vua cử đi sứ đến nước khác. Ả liền làm năm cái bánh có tẩm thuốc độc, giả bộ buồn rầu nói với chồng:
– Thưa tướng công! Lần này, chàng đi sứ ở nước ngoài; thiếp lo cho chàng đi đường sẽ đói, nên làm năm cái bánh này. Chàng hãy mang theo, khi đói thì lấy ra dùng!
Người chồng nói:
– Hiền thê! Ta cảm ơn nàng vô cùng! Ta rất quý trọng nó, nên sẽ mang theo luôn bên mình.
Sáng hôm sau, anh ta lên đường. Khi đi đến vùng biên giới thì mặt trời đã xuống núi, lại không có nhà trọ để nghỉ chân nên anh ta đành phải nghỉ bên gốc cây, nhưng vì sợ thú dữ nên trèo lên cây ngồi nghỉ. Lúc đó, anh ta muốn lấy bánh vợ đã chuẩn bị cho đem ra ăn thì phát hiện mình bỏ quên túi xách ở gốc cây. Anh ta định trèo xuống lấy túi xách lên thì ngay lúc này có năm tên cướp đang đi tới Năm tên này lấy trộm rất nhiều châu báu và ngựa giỏi của vua nước láng giềng.
Năm tên cướp đi đường xa vừa mệt vừa đói, nên bọn chúng đến ngồi nghỉ bên gốc cây. Bỗng chúng phát hiện một túi xách, liền vội mở ra, thấy bên trong, ngoài y phục còn có năm cái bánh. Bọn chúng liền chia nhau mỗi thằng một cái, ăn ngay tại chỗ. Không ngờ, bánh có chất độc cực mạnh, chưa đầy một phút, cả năm tên kêu la lăn lộn, tai miệng đều trào máu ra chết lập tức.
Sứ giả ở trên cây nhìn thấy năm tên cướp nên vô cùng sợ hãi, không dám nhúc nhích. Đợi mãi, đến sáng, anh tuột xuống thì thấy năm tên đã chết từ khi nào, và cũng không biết vì sao bọn chúng chết.
Sứ giả thấy rất nhiều châu báu và ngựa giỏi, nghĩ chắc bọn cướp lấy từ trong cung vua, nên gom hết châu báu đặt trên lưng ngựa chở đến nước láng giềng. Anh ta đi được nửa đường nhìn thấy ở phía trước có một toán binh lính cưỡi ngựa rầm rộ đang đi về phía mình. Anh ta nghĩ chắc là binh lính của nhà vua nên đến xin yết kiến vua để trình bày rõ sự việc về số châu báu và ngựa giỏi.
Nhà vua đưa anh ta về cung và hỏi:
– Ngươi là người nước nào? Được số châu báu này từ đâu?
Anh ta thưa:
– Tâu bệ hạ! Thần ở nước đó, vâng lệnh nhà vua đi sứ đến nước ngài, giữa đường gặp năm tên cướp như thế, như thế…
Nghe sứ giả trình bày sự việc, nhà vua vô cùng cảm động, nên ban cho anh ta rất nhiều châu báu, lại phong làm quan. Nhưng những cận thần hầu vua lâu năm rất ghét anh ta. Một hôm, có một đại thần đến thưa:
– Tâu bệ hạ! Gần đây có một con thú dữ, thường đến xóm làng phá hại dân lành. Xin bệ hạ hãy cử sứ giả nước ngoài đến giết thú dữ là hợp lý nhất! Thần không biết ý của ngài như thế nào?
Vua nói:
– Rất tốt! Trẫm đồng ý!
Do đó, nhà vua cử sứ giả này đi vào rừng sâu trừ diệt thú dữ. Anh ta vừa đi vào rừng thì con thú dữ xuất hiện. Anh ta sợ quá, vội leo tuốt lên ngọn cây. Con thú ngẩng đầu lên, há miệng gầm vang khu rừng. Anh ta sợ hãi run cầm cập, kiếm đeo bên hông bỗng rớt xuống trúng ngay miệng con thú. Nó đau đớn lăn lộn, gầm rú một hồi rồi chết.
Sứ giả này lại lập công lớn, được nhà vua ban thưởng, vinh quang trở về nước.

Bài học đạo lý
Trong câu chuyện này, sứ giả trải qua hai sự cố lại hợp tình hợp lý. Có thể nói, người trung hậu hiền lành, nhất định chuyển họa thành phước. Họa phước ở thế gian theo nhau, trong họa có phước, trong phước cũng có họa. Người tâm ngay thẳng có thể chuyển họa thành phước. Kẻ gian xảo, biết có chuyển được họa thành phước không?

(Trích từ Chuyện bách dụ – SC. Viên Thắng dịch, TT. Thiện Thuận hiệu đính)