Chơn đế là sự thật không bao giờ thay đổi. Tuy vậy, chơn đế vốn vô hình, vô tướng nên phải nương nơi tục đế để có thể thấy biết được sự hiện hữu của nó. Vì mê lầm chúng ta không nhận ra được thật giả nên cho vọng là chơn…

Sáng ngày 29/07/2024 (24/06/Giáp Thìn), Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhuận Hải đã quang lâm giảng đường an cư chùa Vạn Thiện để tiếp tục giảng dạy về tác phẩm Chứng Đạo ca của Thiền sư Huyền Giác.

Mở đầu buổi học, Hòa thượng đọc cho đại chúng nghe về bài ca chứng đạo số 24:

“Hàng long bát, giải hổ tích

Lưỡng cô kim hoàn minh lịch lịch

Bất thị tiêu hình hư sự trì

Như Lai bảo trượng thân tung tích”

Hòa thượng cắt nghĩa rằng: “Gậy đuổi cọp” là một trong những pháp khí ứng dụng của các vị Tổ sư ngày xưa. Bình bát, tích trượng, chuông mõ trống…đều là những khí cụ được sử dụng ứng hợp với pháp nên gọi là pháp khí.

Hòa thượng giáo thọ đã giảng dạy rằng, muốn hiểu được rõ ràng ý nghĩa của bài ca số 24, hành giả cần hiểu biết về mối tương quan qua lại giữa lý và sự. Bất cứ sự tướng nào cũng phát xuất từ nơi lý. Ví dụ như tánh ướt của nước là “lý” nhưng phải thông qua “sự”. Chẳng hạn như dùng một chiếc khăn vải nhúng vào nước, chúng ta mới nhận ra được tánh ướt. Từ đó có thể kết luận rằng, hễ có lý thì có sự, có sự thì có lý. Thông thường, dưới cái nhìn phàm tục thì sự tướng luôn bị chướng ngại, còn đối với bậc giác ngộ thì sự sự dung thông.

Hòa thượng đã nêu lên và giải nghĩa cho chư hành giả hiểu rõ về bốn loại “pháp giới” gồm: lý pháp giới, sự pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới. Một điểm hành giả cần lưu tâm đó là pháp giới cũng được chia thành “tục đế” (hay còn gọi là vọng), chỉ cho thế giới hiện tượng duyên sanh, luôn luôn vô thường biến đổi. Mặt khác, “chơn đế” (hay còn gọi là chơn) biểu thị cho thế giới của lý tánh thường hằng.

Chơn đế là sự thật không bao giờ thay đổi. Tuy vậy, chơn đế vốn vô hình, vô tướng nên phải nương nơi tục đế để có thể thấy biết được sự hiện hữu của nó. Vì mê lầm chúng ta không nhận ra được thật giả nên cho vọng là chơn. Từ đó sanh ra tìm cầu nắm bắt những gì mình ưa thích gây ra bao nhiêu nghiệp nhân đưa đến sanh, già, bệnh, chết. Vì vậy, hành giả cần nhận chân ra được sự giả hữu của thế giới hiện tượng như những bậc giác ngộ đã làm.

Là phàm phu, chúng ta thường hay đắm chìm trong sự tướng. Cho nên chúng ta thấy rằng“gậy đuổi cọp”, “bình bát thu rồng”…chỉ mang ý nghĩa tầm thường. Sự thật là, bản chất của sự tướng là những hiện tượng luôn biến đổi sanh diệt. Do tâm phan duyên với những sự tướng đó mà phiền não khổ đau dấy khởi. Nhưng đối với những bậc giác ngộ, điển hình là Thiền sư Phong Can và Lục Tổ Huệ Năng thì những sự tướng ấy lại trở nên phát huy diệu dụng, đem lại lợi lạc lớn cho chúng sanh.

Như Lai bảo trượng thân tung tích” nghĩa là mọi hình tướng dưới con mắt của người giác ngộ đều là biểu hiện từ nơi bản thể chân tâm.

 “Bất cầu chân, bất đoạn vọng

Liễu tri nhị pháp không vô tướng

Vô tướng vô không vô bất không

Tức thị Như Lai chân thực tướng”

Đến đây, Hòa thượng giải nghĩa bài ca số 25: Người tu hành chân chính chẳng “cầu chân bỏ vọng” vì vốn biết rằng: “Chân, vọng không có gì”. Hòa thượng giáo thọ cho biết: đối với người chấp vào “vọng”, đức Phật nói “chơn” để họ nhận ra vọng, đến khi người ấy nhận ra tính chất hư vọng của vạn pháp rồi thì bấy giờ đức Phật lại kết luận rằng: “chẳng những hiện tượng duyên sinh là hư vọng mà chính cái chơn ấy cũng là không thật, vì Phật tùy cơ duyên mà nói pháp”.

Hành giả không nên vướng kẹt vào chơn hay vọng vì “chơn vọng vốn không hai”. “Thực tánh của vô minh chính là Phật tánh” vì vô minh chỉ là hiện tượng điên đảo của chơn tâm khởi lên. Do chúng ta chấp vọng là thật có nên mới ra sức đuổi bắt, tìm cầu nhưng khi đã giác ngộ thì vọng không còn. Thông qua bài kệ này, ngài Huyền Giác dạy chúng ta đừng khởi tâm cầu chơn, cũng đừng khởi tâm cầu đoạn vọng. Hễ còn khởi tâm “cầu vọng độ chơn” thì còn rơi vào thế giới nhị biên đối đãi.

Cuối buổi học, Hòa thượng nhấn mạnh rằng: Phật ở ngay nơi mỗi chúng sanh, nhưng vì mê nên không nhận ra Phật tánh mà chỉ hướng ngoại cầu Phật. Cho nên hành giả cần xả bỏ việc “cầu chơn diệt vọng” bên ngoài mà quay về với Phật tánh ở bên trong của chính mình.