Ngày 11/5/2018 (26/3/Mậu Tuất) Đúng 06 giờ 30 sáng, sau khi dùng bún nước lèo chay tại Vạn Hương Mai, đoàn đi tham quan, mua sắm tự do tại thành phố Châu Đốc, riêng chư Tăng thì cùng với Thượng tọa vào chùa Long Khánh để kịp tham dự Lễ tảo tháp (quét tháp). Các thế […]

Ngày 11/5/2018 (26/3/Mậu Tuất)

Đúng 06 giờ 30 sáng, sau khi dùng bún nước lèo chay tại Vạn Hương Mai, đoàn đi tham quan, mua sắm tự do tại thành phố Châu Đốc, riêng chư Tăng thì cùng với Thượng tọa vào chùa Long Khánh để kịp tham dự Lễ tảo tháp (quét tháp).

Các thế hệ chư Tăng của Tổ đình quỳ trang nghiêm trước tháp Tổ khai sơn bày tỏ lòng thành kính tha thiết đối với Tổ sư trong nắng đầu hạ.

Hòa thượng Tổ sư khai sơn Tổ đình Long Khánh năm 1918 (Mậu Ngọ) là đệ tử đắc pháp với Tổ sư Như Tâm, truyền thừa dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40, húy Hồng Phó, hiệu Huệ Pháp. Ngài là bậc cao Tăng được vua xứ Cao Miên và Ai Lao kính ngưỡng, xứng ngôi long tượng trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Miền Nam. (xem Tiểu sử Tổ sư Huệ Pháp)

Sau khi nhiễu tháp Tổ sư, chư Tăng trong tông môn tác bạch cung thỉnh chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang và hiện tiền chư Tăng Ni quang lâm chánh điện thực hiện nghi thức an vị kim thân Phật Thích Ca bằng đồng cao 3 m, nặng 3 tấn.

Tiếp đến, Lễ cung tiến Giác linh Tổ sư (cúng Tổ) diễn ra tại Tổ đường thật trang nghiêm và nhiều cảm xúc. Hòa thượng Trụ trì thuộc thế hệ truyền thừa thứ hai của Tổ đình, tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn thành khẩn quỳ thẳng trước Tôn dung Tổ sư khấn nguyện. Hình ảnh này in đậm nét nhân văn cao cả của người thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo.

Lễ cúng dường Trai Tăng được diễn ra theo nghi thức thuần Phật giáo Nam bộ với sự chứng minh của HT. Thích Huệ Tài, UV.HĐTS GHPGVN – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang và quý Trưởng lão Hòa thượng chứng minh, lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà. Thượng tọa Trưởng đoàn và chư Tăng quỳ trang nghiêm bên cạnh Hòa thượng Trụ trì tác bạch cúng dường thật trang nghiêm. Một điều khiến cho Phật tử trong đoàn hết sức ngường mộ là số bà con Phật tử tham gia cúng dường tịnh tài trong lễ Trai Tăng nhiều gấp 4 lần số lượng Tăng Ni tham dự, đoàn người gồm khoảng 200 vị mặc áo tràng lam trang nghiêm xếp thành hàng đôi từ án Phật tại Trai đường kéo dài xuống tới hậu liêu phía sau. Sự thành tín, thiết tha và cung kính của Phật tử cúng dường đã khiến cho mọi người suy niệm về hình ảnh Tăng đoàn oai nghiêm thời đức Phật nhận được sự kính ngưỡng của quốc vương đến thứ dân khắp các vương quốc thời xa xưa.

Sau khi dùng cơm trưa tại Tổ đình xong, đoàn lên xe đi thẳng vào vùng Thất Sơn viếng mộ song thân Thượng tọa Trưởng đoàn tại xã An Lợi, huyện Tịnh Biên để tỏ lòng tri ân đối với Ông Bà, người đã sinh dưỡng nên một vị thầy có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và hoằng truyền chánh pháp với hạnh nguyện cao cả và đức hạnh trong sáng.

Khoảng 120 vị Phật tử có mặt giữa cái nắng cháy da của miền sơn cước Chi Lăng đều trầm tư như sợ làm vỡ tan không gian u tịch của khu lăng mộ khi Thượng tọa quỳ gối thắp hương trước mộ song thân. Chính Người đã làm lay động hàng triệu tim của người Việt đang sinh sống và làm việc khắp các châu lục với những bài thuyết giảng thắm đượm ân tình mẹ cha, và hôm nay mọi người chứng kiến người con hiếu thảo ấy làm những việc bình thường mà không phải ai muốn cũng được làm trong cuộc sống bon chen, tất bật với cơm áo gạo tiền: lau dọn bia mộ, sắp bày hương hoa, thực phẩm…

Đoàn được Thượng tọa dẫn đến một quán ven đường thưởng thức nước thốt nốt, đặc sản của vùng đất bạc màu nắng cháy này. Bà con Phật tử đều hoan hỷ, vỗ tay reo vui khi thấy Sư phụ mình quá tâm lý. Trời nắng nóng chói chang với nhiệt độ khá cao, được ngồi dưới mái nhà lá, vừa nghe nghệ sĩ hát vọng cổ từ chiếc radio trong nhà vọng ra, vừa uống nước thốt nốt ngọt lịm, thơm ngát, bao nhiêu mệt mỏi của đường xa đều tan biến hết giữa không gian yên bình của một miền quê. Người lớn tuổi đau chân thì được ưu tiên nằm võng; còn lại, người thì nhắm mắt thiu ngủ, người thì ngáy khò trên nền nhà.

Tiếng Thượng tọa kêu vang: “Thức dậy, lên xe, đi ăn bánh khọt con ơi!” làm cho mọi người bừng tỉnh nhưng không ai không hân hoan, vì đây là món ăn dân dã nhưng rất công phu. Cả đoàn lục tục rồng rắn kéo nhau lên xe. Đi khoảng 15 cây số, đến nhà Phật tử Diệu Phước tại chợ Kinh 5, mọi người bước xuống xe vô nhà mà không nhịn được thèm, bởi một dàn 6 bếp lò và khuôn bánh khọt bày ngang trước cửa nhà đang được các cô Phật tử địa phương đổ nghe ọt ọt trong lửa củi.

Trên bàn bày la liệt những món ăn đặc thù của Miền Tây mà không nơi nào có thể làm được ngon như vậy: bánh bò hấp nước dừa béo ngậy, bánh bèo ngọt rải mè thơm lừng, bánh khọt đổ trên khuôn đất có vành giòn rụm, nước cốt dừa chan lên rồi chấm nước tương chua chua ngọt ngọt… hương vị đậm đà, ngọt ngào như tấm lòng người Miền Tây. Điều làm cho mọi người lưu luyến mãi chính là sự niềm nở, hiếu khách của bà con Phật tử địa phương, cả xóm đến để chào Sư phụ và thăm hỏi ríu rít Phật tử trong đoàn, khiến ai nấy đều cảm nhận được niềm hạnh phúc của những người đồng đạo đồng tu không phân biệt sang hèn, nghề nghiệp. Bà con Phật tử địa phương đưa đoàn ra xe về, mà vẫn bịn rịn, tay xách khệ nệ các túi xoài cát, me Thái, bánh bò, mứt cà na… mà các vị đã chuẩn bị cho mọi người trong đoàn.

Đoàn ghé lại Trạm dừng chân Út Thẳng tại thị trấn Lai Vung lúc 06 giờ chiều. Vợ chồng cô chủ Huệ Tịnh ra đón Sư phụ và mọi người vào để dùng tối với tình cảm chân thành và lòng tôn kính chư Tăng vô cùng. Bánh mì mới ra lò nóng hổi chấm với nấm rơm tươi kho tiêu là món khai vị. Sau đó mọi người được chiêu đãi bánh canh nấm thật đậm đà. Người Miền Tây luôn chân chất, hiếu khách trong từng câu nói, cách đón tiếp. Khi tiễn Sư phụ, vợ chồng chủ quán xách trái cây và túi nấm rơm khoảng 10 kg ra xe. Sư phụ nói: “Thôi con, để bán đi!”. Cô Huệ Tịnh năn nỉ với giọng chát phác: “Chèn ơi, ở đây nhóc hết, Sư phụ đừng có lo!”. Mọi người cười ồ vì câu trả lời dễ thương, mộc mạc như chính bản chất người Nam Bộ ngàn đời.

Mọi người lên xe, về lại Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Dương… nhưng miệng vẫn mỉm cười khi nhớ về những kỷ niệm và những người Miền Tây thân thương trong chuyến trở về cúng Giỗ Tổ năm nay.