Ngài Liên Hoa Sanh khai thị thêm cho ông lão: “chớ buông theo những cuộc nói chuyện nhàn rỗi, chớ bàn luận suông, và chớ đắm mình vào mục đích thường tục”. Liên hệ đến người xuất gia dù đã cắt ái ly gia, không vướng chuyện gia đình, nhưng không khỏi ưu tư về Phật sự bên ngoài và việc chùa…
Sáng ngày 03/07/2024 (28/05/Giáp Thìn), Thượng tọa Thích Nguyên Bình đã quang lâm về giảng đường an cư chùa Vạn Thiện để tiếp tục chia sẻ pháp thoại tới chư hành giả an cư.
Quay trở về sống với niệm ban đầu, trên tinh thần niệm trước không sanh, niệm sau chẳng khởi, là mấu chốt của kinh Lăng Già hay còn gọi là thánh trí của bậc thánh, đối với người phàm phu học Phật là việc không hề dễ dàng, vì không có căn bản tu tập sự định tĩnh, tuy vậy nếu hành giả kiên trì, quyết tâm thực hành pháp vẫn có thể thành tựu.
Trong Quy Sơn cảnh sách, Tổ Linh Hựu đã dạy: “Giáo lý chưa từng để lòng, đạo huyền diệu do đâu khế ngộ”. Nếu hành giả sử dụng phân biệt thức quá nhiều, thì chẳng khế hợp với tinh thần Bát-nhã. Muốn thâm nhập được lý Bát-nhã đòi hỏi hành giả phải sống chơn thật, tuy giáo pháp không hạn cuộc ở nơi người nào nhưng cần có sự liễu ngộ về bản tâm.
Thượng tọa giáo thọ kể cho đại chúng nghe về cuộc đối thoại giữa đạo sư Liên Hoa Sanh và một ông lão cư sĩ. Ông lão là người thất học nhưng có niềm tin tuyệt đối với đạo. Trong suốt quãng thời gian ngài Liên Hoa Sanh ẩn cư, ông lão này là người tận tụy chăm sóc cúng dường nhưng lạ một điều là ông không cầu điều gì, không nói một lời. Cho đến ngày Đại sư định rời chốn tịnh cư, vị cư sĩ đã cúng một bông hoa bằng vàng rồi thưa với đại sư rằng: “xin từ bi nghĩ đến tôi, trước hết tôi là người thất học, trí thông minh cạn hẹp, hơn nữa tôi đã già thân tâm mòn mỏi, xin ban lời giáo huấn cho một ông già đã mòn mỏi trước cái chết, giáo huấn ấy phải thật dễ hiểu và chặt đứt mọi mê lầm, dễ dàng thực hiện áp dụng có một cái thấy hiệu quả và sẽ giúp tôi trong nhiều đời sắp tới”.
Đại sư chỉ cây gậy vào ngay chỗ tim ông lão và bảo: “nghe đây ông lão hãy nhìn vào cái tâm tỉnh giác nơi giác tánh của ông. Nó không có hình tướng cũng không màu sắc, không trung tâm, cũng không biên giới, ban sơ nó không có khởi thủy mà trống không, nó không có chỗ trụ mà trống không, không có chỗ đến mà trống không, cái không này không do nhân duyên gì tạo ra, trong sáng, khi ông thấy cái này và nhận ra nó ông biết được bản lai diện mục của ông; bấy giờ ông thấy được bản giác của mọi sự vật, bản tánh của tâm, xác định trạng thái căn bản của thực tại và cắt đứt nghi ngờ về hiểu biết”.
Khi đức Phật sắp Niết-bàn, Ngài hỏi chúng tỳ-kheo có nghi ngời gì không, ngài A-nan thưa rằng hết thảy chư vị tỳ-kheo lúc bấy giờ tâm đều tịnh tín sâu chắc với giáo pháp Phật đã dạy, quyết định không còn nghi ngờ gì nữa. Qua lời xác huyết của tôn giả A-nan cũng như lời khai thị của Đại sư Liên Hoa Sanh đối với ông lão, hành giả thấy được sự giả huyễn của ngũ uẩn, phá bỏ nghi hoặc để phát triển tánh giác.
Ngài Liên Hoa Sanh chỉ dạy tiếp cho ông lão: “Tánh giác không tạo tác từ bất kỳ chất thể nào, nó tự tại và sẵn đủ nơi ông; cái này là bản tánh của mọi sự vật, dễ dàng chứng ngộ vì không phải tìm cầu ở đâu khác; cái này là bản tánh của tâm thức, nó không cần nương tựa vào một chủ thể nào để nhận biết, không một đối tượng được nhận biết nào, nó bất chấp những giới hạn của vô thường và hủy diệt; trong đó không có cái gì để biết, trạng thái tỉnh giác của giác ngộ chính là cái biết của tự ông, …, không có cái gì để đi vào địa ngục, giác tánh vốn là thanh tịnh; trong đó không có một sự tu hành nào để tiến hành; bản tánh vốn là thông tỏ, cái thấy vĩ đại này vốn thường trụ nơi ông phải biết rằng không thể tìm nó ở một nơi nào khác”.
Theo tinh thần Đại thừa thì Phật tánh thường hằng sẵn có nơi mỗi chúng sanh. Chúng ta biết rằng Đại Sư bảo ông lão quay về với tánh không của Bát-nhã, khi sống chân thật với tâm trong sáng, hòa với cảnh sắc thiên nhiên một cách tự tại thì cũng có thể hiểu; vì bản lai diện mục vốn thường hằng. Nhưng phần đông chúng ta chạy theo phân biệt, tình chấp nên bị ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hằng trói buộc ngăn che.
Ngày nay nhiều người học Phật đa văn, có pháp học uyên bác, hiểu nhiều, biết nhiều kiến thức đời và đạo nhưng về tâm mình có khi hành giả chưa hiểu rõ.
Thượng tọa giáo thọ cho biết hiện giờ chư hành giả an cư cùng an tâm tu học trong một trụ xứ, nghe học diệu pháp để thúc liễm ba nghiệp thì cũng như đang thực hành hạnh thanh văn. Với tiêu chí “tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại”nhờ có đại chúng nhắc nhở, hỗ trợ, quan tâm mà hành giả thành tựu được hạnh thanh văn. Ví dụ như khi hành giả có hơi giải đải cũng nhờ đại chúng mà tinh tấn hơn.
Nói đến hạnh duyên giác (Độc giác) mấu chốt là sống với chính mình, thực hành hạnh độc cư đối mặt với nhiều chướng ngại. Hành giả phải rõ pháp hành và phát huy được sự tỉnh giác mới thành tựu. Ví như việc kiểm soát ý niệm, làm chủ tâm ham muốn, vọng tưởng điên đảo nhìn thấu sự giả huyễn của ngũ uẩn. Quyết liệt tinh tấn, tỉnh giác cao độ và phải có một pháp hành vững chắc bền bỉ để hàng phục phiền não, ma chướng trong nội tâm.
Tu các pháp tụng kinh, niệm Phật, trì chú cốt là để giúp hành giả trụ tâm, người niệm Phật nương câu niệm Phật để trở về Phật tâm của chính mình; người trì chơn ngôn thì dùng chơn ngôn để trụ tâm và nhập chơn tâm; người tu các pháp thiền định tùy theo phương tiện mà trở về với bản giác của tâm. Dù ban đầu mới thực hành tâm có lăng xăng, niệm còn dấy khởi, lâu ngày chuyên chú nhất tâm sẽ hết. Hành giả cũng cần phải sám hối hoặc dùng nhiều phương cách để xả trược khí nặng nề, điều phục thân thể trước, thì khi hành trì sẽ dễ dàng.
Ngài Liên Hoa Sanh khai thị thêm cho ông lão: “chớ buông theo những cuộc nói chuyện nhàn rỗi, chớ bàn luận suông, và chớ đắm mình vào mục đích thường tục”. Liên hệ đến người xuất gia dù đã cắt ái ly gia, không vướng chuyện gia đình, nhưng không khỏi ưu tư về Phật sự bên ngoài và việc chùa…nhưng cần làm sao để không vướng mắc, làm tất cả mọi sự xong rồi thì lập tức buông xuống, có vậy tâm mới rỗng rang. Giáo thọ sư định hướng hành giả khi phát Bồ-đề tâm làm các Phật sự phải căn cứ xem có phù hợp với tinh thần Bát-nhã chăng? Vì thể của tâm bồ-đề là tánh không; đức Phật từng dạy thiền định về tâm bồ-đề là thiền định về tánh không; thường hằng trở về với chính mình là Như Lai tối thượng thừa thiền; kinh giáo chỉ là phương tiện để y cứ vào đó hiểu thấu chánh pháp chứ không phải chánh pháp, như ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng vì thế hành giả không chấp trước vào văn tự mà phải hiểu chân lý huyền diệu ẩn sâu bên trong lời Phật dạy.
Thầy giáo thọ đã trình bày với đại chúng về thể ứng dụng của Bát Nhã qua lời khai thị của đạo sư Liên Hoa Sanh với một ông lão, qua đó nhắc nhở với đại chúng rằng người tu muốn hiểu được chánh pháp thì phải thường quay về sống với chân tâm, không chạy theo hình thức, sùng bái một cách mù quáng. Chư Phật, chư Hiền thánh và Tổ thầy chỉ định hướng con đường chân lý, còn mỗi hành giả mới là người quyết định sự thành tựu giác ngộ an lạc giải thoát của chính mình.