Trong bài kinh con rắn nước, Đức Phật cũng dạy các tỳ-kheo: “ở đây có một số người ngu học pháp như Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị hữu hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học các pháp này, họ không quan tâm đến ý nghĩa của các pháp đó với trí tuệ…
Sáng ngày 09/07/2024 (04/06/Giáp Thìn), Thượng tọa Thích Chiếu Hiền đã quang lâm về Đại hùng bửu điện chùa Vạn Thiện để chia sẻ pháp thoại với chư hành giả an cư.
Nhắc lại về nhân duyên của bài kinh Ví dụ con rắn (kinh Trung bộ, số 22), vị tỳ-kheo Arittha có những tuyên bố đi ngược lại với lời Phật dạy, tỳ-kheo ấy cho rằng: “Theo như ta hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, khi thọ dụng những pháp được Thế Tôn gọi là chướng ngại pháp, thật sự không có chướng ngại gì”. Thực tế sự đắm mình vào các dục là chướng ngại trong tiến trình giải thoát, sau khi vị tỳ-kheo xác nhận đã tuyên bố như vậy, Phật đã khiển trách tỳ-kheo Arittha rằng: “…vì ông đã tự chấp nhận sai lạc, ông tự phá hoại ông và tạo ra nhiều tổn thương. Này kẻ ngu si kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho ông”.
Trong bài kinh con rắn nước, Đức Phật cũng dạy các tỳ-kheo: “ở đây có một số người ngu học pháp như Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị hữu hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học các pháp này, họ không quan tâm đến ý nghĩa của các pháp đó với trí tuệ. Những pháp ấy, vì ý nghĩa không phải là trí tuệ quán sát, nên không thể trở nên rõ ràng. Họ học các pháp chỉ vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, muốn chỉ vì lợi ích, muốn giải thích biện luận, và họ không đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy vì nắm giữ sai lạc nên đưa họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài”. Người học pháp phải như người bắt rắn khôn ngoan, học pháp mà không hiểu pháp thì chẳng khác gì người bắt rắn không biết cách bắt rắn là một ví dụ mô tả cho việc người học pháp Phật không đúng cách lại bị chính hiểu biết lệch lạc về pháp quay lại chướng ngại bản thân mình. Tự mình đã bị tri kiến sai lạc khống chế, chi phối mà còn hướng dẫn người khác hiểu và hành sai lệch vậy.
Lần chia sẻ trước thầy giáo thọ đã nói về nguy hại của các dục, trong buổi học này Thượng tọa chia sẻ về khía cạnh chấp thủ và tham ái. Đức Phật đã dạy kẻ vô văn phàm phu không chịu đến yết kiến các bậc thánh, chân nhân, không thuần thục pháp các bậc chân nhân, không tu tập theo pháp các bậc chân nhân nên người đó mới xem hình hài xác thân này là ta, là tự ngã của ta, xem cảm thọ này là ta, tự ngã của ta, xem tri giác, tâm hành, nhận thức hay nói cách khác họ xem 5 uẩn này là ta, của ta, tự ngã của ta. Các bậc thánh ở đây chỉ cho đức Phật, A-la-hán, Bích-chi Phật, các bậc chân nhân chỉ riêng cho những vị Bích-chi Phật.
Lời dạy trung tâm của bài kinh con rắn là sự quán chiếu 5 uẩn; vướng mắc vào 5 uẩn là nguyên nhân tạo ra khổ đau, đầu tiên là vướng mắc về thân, quán chiếu để thấy rằng hình hài này không phải là ta và của ta. Thân này nếu cho là tự ngã của mình từ khi thọ thai đến khi kết thúc sự sống trong khoảng thời gian đó ta phải có quyền làm chủ, nhưng thực tế ta không thể ra lệnh cho thân phải theo ý của ta luôn khỏe, không bệnh đau, không già nua…Cảm thọ tri giác, tâm hành và nhận thức cũng không phải tự ngã của ta, nên không thể bám chấp, vướng mắc vào chúng.
Giáo thọ kể cho đại chúng nghe về câu chuyện Bố Đại hòa thượng, Ngài thường quảy trên vai 1 bao tải, một vị hiền giả quỳ xuống bạch Hòa thượng đâu là cốt tủy của Phật pháp? Ngài liền bỏ cái bao tải trên vai xuống. Hiền giả kia hỏi tiếp: cốt tủy Phật pháp chỉ có thế thôi sao, ngài nhặt bao tải lên vai đi mất. Bố Đại hòa thượng không trả lời, lần thứ nhất bỏ bao tải xuống nghĩa là cốt tủy Phật pháp ở nơi buông xả không chấp thủ, không tham ái. Lần thứ hai được hỏi thì Ngài nhặt bao tải lên đi mất, dụ cho việc không chấp thủ tham ái nhưng bất cứ một chuyện gì trên cuộc đời mà mang lại hạnh phúc an lạc cho tự thân và tha nhân thì người đệ tử Phật luôn sẵn sàng làm, nhưng cái không chấp thủ không có nghĩa là thái độ thờ ơ, lười biếng, vô trách nhiệm; hành giả không vướng mắc vào cái thân này nhưng phải biết chăm lo, cho cái thân này để dựa vào thân mà hành đạo.