Có bốn nguyên nhân dẫn đến sự phân chia bộ phái. Một là, không có vị lãnh đạo tối cao dẫn dắt tăng đoàn; thuở Phật còn tại thế Ngài ủy nhiệm cho hai vị đệ tử là Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên trong việc đối nội đối ngoại, dẫn dắt chư tăng trong mọi sinh hoạt của tăng đoàn, sau khi hai vị đại đệ tử nhập diệt và đức Phật cũng nhập Niết-bàn, Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp đứng ra lãnh đạo tăng đoàn cũng như chủ trì cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất; nhưng đến thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai trở đi, không có bậc thượng thủ nào tiếp tục lãnh đạo tăng đoàn…
Sáng ngày 27/06/2024 (22/05/Giáp Thìn), Thượng tọa Thích Hạnh Danh, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trụ trì chùa Khánh Tân, đã quang lâm về Đại hùng bảo điện chùa Vạn Thiện để chia sẻ pháp thoại.
Trong buổi học này, Thượng tọa giáo thọ giảng giải về tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo bộ phái và Phật giáo đại thừa một cách cô đọng, cốt lõi.
Phật giáo nguyên thủy xét về mặt sử liệu, khách quan được hình thành từ khi Phật thành đạo cho đến trước kỳ kết tập lần thứ hai (sau Phật nhập diệt 100 năm). Thời kỳ này không phân chia bộ phái; đối với giới luật, kinh điển truyền miệng, pháp hành mang tính thuần túy; chư tăng hằng ngày đi khất thực vào buổi sáng và thọ dụng bữa trưa, sau đó kinh hành, tọa thiền vấn đáp chia sẻ Phật pháp; người Phật tử tại gia tâm tánh thuần hòa, phụng sự bằng tất cả niềm tin chơn chánh.
Sau cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai, hình thành hai bộ phái Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ, từ hai bộ phái nay được phân chia thành 18 bộ phái nhỏ, gọi là thời kỳ Phật giáo bộ phái.
Có bốn nguyên nhân dẫn đến sự phân chia bộ phái. Một là, không có vị lãnh đạo tối cao dẫn dắt tăng đoàn; thuở Phật còn tại thế Ngài ủy nhiệm cho hai vị đệ tử là Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên trong việc đối nội đối ngoại, dẫn dắt chư tăng trong mọi sinh hoạt của tăng đoàn, sau khi hai vị đại đệ tử nhập diệt và đức Phật cũng nhập Niết-bàn, Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp đứng ra lãnh đạo tăng đoàn cũng như chủ trì cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất; nhưng đến thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai trở đi, không có bậc thượng thủ nào tiếp tục lãnh đạo tăng đoàn.
Hai là, là sự xuất hiện quá nhiều những vị tăng xuất chúng, lỗi lạc, uyên thâm giáo điển. Họ hành trì theo đường lối của Thầy tế độ cho mình với những kiến giải khác nhau dựa trên giáo pháp của Phật. Ba là, sự đề cao khuynh hướng tu tập, hành trì. Hiện tượng này đã manh nha từ khi Phật còn tại thế như sự kiện tranh cãi của hai nhóm tỳ-kheo đứng đầu là hai vị tăng trì kinh và trì luật tại thành Kosambi không nghe theo sự khuyên ngăn của đức Phật, và đức Phật một mình trải qua mùa an cư tại khu rừng Pārileyyaka tránh xa những sự tranh chấp. Thứ tư là hiện tượng cát cứ trường phái truyền đạo; các nhóm hành đạo có uy tín nhận được hộ trì của Phật tử xây dựng tinh xá, mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực hành đạo của mình.
Trong thời kỳ bộ phái này có khuynh hướng chủ trương quay về tu tập riêng mình (tự lợi) nên phần lớn không quan tâm thế sự bên ngoài, dẫn đến giáo pháp đức Phật không tiếp cận với quần chúng, cũng như không thể uyển chuyển trong việc nắm bắt xu hướng của thời đại để truyền bá chánh pháp. Cho nên các nhà sử học đã nhận định cho rằng đại đa số bộ phái đều mang tư tưởng tiểu thừa được đề cập trong bộ luận gọi là tiểu thừa tư tưởng luận. Kinh điển Phật không phân chia đại, tiểu; giáo pháp Phật tuyên thuyết là phù hợp căn cơ chúng sanh, nhưng bởi Phật giáo bộ phái không tiếp cận được với cộng đồng và xu hướng thời đại nên một số vị tăng xuất chúng đã truyền bá tư tưởng Phật giáo phát triển, có nghĩa rằng sử dụng uyển chuyển lời dạy của Phật, ngay cả về phương diện giới luật để không bị thô cứng, khuôn khổ trong việc truyền bá đạo pháp đến với xã hội đương thời.
Phật giáo bộ phái chỉ là sự tiếp nối trung gian từ Phật giáo nguyên thủy, đó là hệ quả tất yếu, và là bước đệm để hình thành Phật giáo đại thừa vào thế kỷ thứ nhất. Ban đầu đại thừa chỉ mang ý nghĩa là mở tâm ra để tiếp nhận tư tưởng các tông phái, tiếp nhận sự tu tập dẫn đến tâm thanh tịnh. Sau này trong công trình phiên dịch của các nhà sư lỗi lạc mới dịch đại thừa là cỗ xe lớn, chở được nhiều; tiểu thừa ví như là cỗ xe nhỏ.
Khái quát về lịch sử hình thành từ Phật giáo nguyên thủy tới Phật giáo đại thừa là một giai đoạn chuyển tiếp chứ không có đấu tranh xung đột, là sự vận hành tất yếu trong giáo pháp đức Phật, tương ứng với quy luật đào thải và sự tiến hóa. Khi truyền thống tư tưởng cũ không còn phù hợp thì bắt buộc phải chấp nhận cái mới, nhưng cái mới ấy không ngoài giáo pháp ban đầu đức Phật đã tuyên thuyết.
Giáo thọ sư đã trình bày vài nét tư tưởng Phật giáo từ nguyên thủy tới đại thừa. Phật giáo nguyên thủy có đặc trưng tư tưởng là chú trọng Tứ diệu đế, chỉ bày chân lý vô thường, khổ, vô ngã và nền tảng tu học giới – định – tuệ, lấy giáo lý duyên khởi làm trung tâm để triển khai con đường tu tập hành đạo. Thí dụ như “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Đức Phật dạy những điều thiết thực với hiện tại, và Ngài lặng im hoặc từ chối với những câu hỏi thuộc lãnh vực siêu hình không liên hệ với tu tập. Thời kỳ này dựa trên quy tắc thực hành lấy tâm làm chủ, chú trọng tới tầng lớp tại gia như quản lý đất nước, duy trì hạnh phúc gia đình v.v…giúp cho người Phật tử có cuộc sống an lạc và hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Đến thời kỳ của Phật giáo bộ phái cũng hướng vào nội xứ nhưng đối với ngoại xứ đặc biệt chú ý; họ phân tích thân tâm trên nhiều phương diện sắc, thọ, ngũ uẩn, sắc pháp, uẩn giới xứ một cách kỹ càng. Đồng thời phân tích chặt chẽ về phiền não, sự vận hành 12 nhân duyên, phân chia 24 duyên hệ, sắc pháp sanh khởi…Phật giáo bộ phái cho rằng Bồ tát cũng hiện hữu trên cuộc đời là những người đã thực hành hạnh Ba-la-mật để thành tựu công hạnh trước khi thành Phật.
Qua thời kỳ của Phật giáo đại thừa, hình ảnh các vị Bồ-tát được nói đến trên phương diện ban đầu là những vị phàm tăng dấn thân phụng sự làm lợi ích cho tha nhân; mở rộng lý tưởng Bồ- tát đạo cho hàng Phật tử tại gia thực hành. Kinh Pháp Hoa là một điển hình trong sự chuyển tải đầy đủ về mặt tư tưởng của Phật giáo đại thừa. Tư tưởng Bồ tát đạo trong Phật giáo đại thừa dễ dàng được quần chúng tiếp nhận và Phật giáo dần dần hòa nhập với thế gian. Vẫn là tôn chỉ lấy giới định tuệ cùng duyên khởi làm nền tảng, đường lối tu tập dựa trên chân lý vô thường, khổ, vô ngã, tánh không trong tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy nhưng xây dựng trên một lộ trình tu tập rõ ràng. Có thể hiểu kinh điển và phương pháp tu tập của Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo đại thừa không khác, chỉ khác ở chỗ Phật giáo đại thừa dùng phương tiện quyền xảo để phù hợp với sự phát triển của thời đại.