Fri, 11 / 2019 7:26 PM | Ban Biên tập

Con đã từng nghe các bậc Tôn Túc dạy rằng: “tu mà không học là tu mù, học mà không tu thì như cái đãi đựng sách”. Quả thật, đây là một lời dạy thâm sâu, vi diệu,… Bởi, chúng ta nếu tu mà không học thì không biết cách tu như thế nào, những việc gì nên tránh, những việc gì nên làm, hay những kinh nghiệm, những bài học vô giá giúp chúng ta có thể giữ vững “bồ đề Tâm” kiên cố, để đủ tự tin, trí tuệ và năng lực vượt qua những thử thách, khó khăn trước những cạm bẫy trong cuộc đời giả tạm này. Còn nếu chúng ta chỉ học mà không chịu áp những việc học ấy vào trong việc tu hành, thì việc học ấy lại trở nên vô nghĩa.

“Các con rồi dần sẽ trưởng thành hơn, trở thành những con người có ích cho xã hội, cho Đạo Pháp. Khi đối diện với cuộc sống, các con phải biết buông bỏ đi những muộn phiền để không bị níu kéo. Còn với những ai giúp đỡ thì phải trả ơn. Cuộc sống chắc chắn sẽ không như ý muốn! Có những đều như ý muốn thì sẽ có những việc không hợp lòng. Có hay không chỉ là hai phạm trù dẫn đến sự đau khổ đối với chúng ta. Điều quan trọng là các con luôn giữ vững đạo tâm, luôn duy trì chí hướng tu tập từ lúc ban sơ, khi mới bước chân vào chùa. Nếu có thời gian rảnh, hãy đầu tư toàn bộ cho việc tu tập, học giỏi giáo lý, nghiên cứu kinh điển…”. Đó là những lời nói chân tình, giản dị,… mà chứa đựng biết bao là tình cảm, yêu thương của một người Thầy, người Cha dặn dò, sách tấn các con trong tiết học cuối cùng môn “Nhị Khóa Hiệp Giải” năm thứ 2 của Thượng tọa Thích Thiện Thuận. Lời sách tấn ấy, luôn đọng mãi trong tâm trí của con như lời Thầy mới nhắc ngày hôm qua vậy.

Xác định môn “Nhị Khóa Hiệp Giải” là một môn học quan trọng đối với mỗi học tăng, mỗi hành giả, nhưng môn này thì lại khô khan, hàng hậu học khó mà lãnh ngộ. Cho nên, dù phải bận trăm công, ngàn việc, nào là công việc của Viện Chuyên Tu, nào là công việc phật sự của giáo hội, nhất là lịch thuyết giảng trải dài. Nhưng với tâm nguyện “truyền đăng tục diệm, báo Phật ân đức”, đào tạo Tăng tài duy trì mạng mạch Phật pháp, nên Thầy luôn thu xếp công việc để đến lớp. Thậm chí có những lần Thầy phải vươn mình chống trội với bệnh tật, thức trắng đêm để soạn từng trang giáo án. Để chúng con không cảm thấy chán và dễ nắm bắt bài học, hay thấu hiểu những lời Phật dạy trong hai thời công phu, nên mỗi tiết học là Thầy lại mang những câu chuyện lồng ghép vào từng bài giảng. Trong số đó, có câu chuyện về hai người bạn thân cùng đi trên sa mạc, giúp cho con hiểu được cách để trút bỏ những muộn phiền trong đời sống tu tập, cách nhìn nhận về sự việc và con người trên cả hai phương diện, sự thấu hiểu cảm thông chia sẻ của tình pháp lữ,…

“Muộn phiền để gió cuốn đi,
Chuyện đời là thế có chi bận lòng”.

Hay câu hỏi đơn thuần của Thầy: “Tại sao mẹ chúng ta cứ ngày nào cũng phải sách giỏ đi chợ, nấu cơm cho gia đình, mà vẫn không chán? Vì mẹ chúng ta biết lấy đó làm niềm vui cho bản thân mình, nên không bao giờ than thở và thấy chán. Còn chúng ta đã là người xuất gia sau chỉ có 2 thời công phu và lạy phật bái sám mỗi ngày mà làm không được? Bữa trúng bữa thất?”. Câu hỏi ấy như hồi chuông thức tỉnh tâm trí của con. Đúng vậy, việc làm của một người mới xuất gia chỉ có tụng kinh, bái sám, học và thực hành nghiêm giới luật,… Những việc làm ấy mà chúng ta vẫn chưa thực hiện tốt thì nói chi đến việc hoằng pháp lợi sanh hay làm Phật. Bởi, chính bản thân mình mà mình vẫn còn chưa độ được huống chi độ gia đình, người thân, bạn bè và nhất là chúng sanh như lời phát nguyện của chúng ta lúc thế phát xuất gia “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

Dù con chưa có thể lãnh ngộ hết những giáo lý Phật Đà mà Thầy đã truyền dạy, cũng như chưa vận dụng hết những bài học, những kinh nghiệm mà Thầy đã tận tình chỉ giáo. Nhưng đó mãi sẽ là hành trang “vô giá” để giúp cho con tự tin hơn, vững bước hơn trong suốt con đường tu tập./.

Tăng sinh: Bửu Trí
Lớp Trung cấp khóa 9 trường PH Đại Tòng Lâm

Bài viết cùng chuyên mục