CÂU HỎI Kính Bạch Sư Phụ ! Con vẫn biết hiếu hạnh là phẩm chất đầu tiên của con người. Nhưng sao có những câu nói,, những lời lẽ xúc phạm của ba con đối với con, cho đến giờ con ko thể quên được. Ví dụ như hôm con đi làm về trễ, ba […]
CÂU HỎI
Kính Bạch Sư Phụ !
Con vẫn biết hiếu hạnh là phẩm chất đầu tiên của con người. Nhưng sao có những câu nói,, những lời lẽ xúc phạm của ba con đối với con, cho đến giờ con ko thể quên được. Ví dụ như hôm con đi làm về trễ, ba sẽ hỏi con ” hôm nay đi được bao nhiêu khách”, rồi nói với người khác rằng con đem tiền cho trai ăn. Vv… Tất cả mọi chuyện không hay thì đối với ba, nguyên nhân là do con. Ko cần hỏi, sẽ là lời khẳng định.
Không biết ba có phải là ba của con ko ? Nhìn người ta kể những kỷ niệm về cha mình con thấy chạnh lòng.
Nhiêu lúc con muốn về quê để được ở gần cha mẹ , nhưng cứ nghĩ đến những lời nói đó con lại đau , lại hận. Rồi con cứ đi biệt tăm, ít khi về nhà.
Con ko thể quên được, nhưng bản thân con cũng sợ cứ ôm giận hờn như vậy đến ngày ba con ko còn nữa thì sao. Con sẽ hoi han ko kịp. Nhưng quên thì con ko biết làm sao để quên.
Thầy có thể nói một câu gì cho tâm con được an, con quên được ko Thầy?
Con xin cảm ơn Thầy đã đọc nỗi lòng của con!
Con Diệu Mỹ !
———————————————————-
TRẢ LỜI:
Nam Mô A Di Đà Phật
Thầy đọc lời tâm sự của con với một nỗi buồn đầy cảm thông. Đúng như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã viết: “Đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ”. Cũng thật đáng buồn khi những ước mơ về mối quan hệ cha – con yêu thương, thấu hiểu như nhà người đã bị phủ trong uất ức, thất vọng nơi con đối với người cha, điều này khiến Thầy thấy nao nao với lời ca dao đã từng đọc:
Thương mẹ nhớ cha như kim châm vào dạ,
Nghĩ đến chừng nào, lụy hạ tuôn rơi
Thuyền không bánh lái thuyền quầy
Con không cha mẹ ai bày con nên.
Con nói nhiều về sự hờn trách. Trách ba con quá vô tâm, nên mới thường nói ra những lời xúc phạm, lời buộc tội làm tổn thương con, không như cách đối xử của một người cha ruột thịt. Điều này khiến chính Thầy cũng thấy nhói lòng khi đọc được những lời cay đắng đáng lẽ không nên thốt ra từ miệng của một người cha dành cho con gái của mình. Nhưng để có thể tìm được lối mở cho tâm hồn thanh thản, Thầy có những chia sẻ với con như sau:
– Trường hợp thứ nhất: Con ơi, đã có khi nào đó, thay vì để tâm buộc chặt, trách móc ba mình, con dành thời gian để xem xét lại tự thân và trả lời cho chính con câu hỏi: vì sao có cơ sự này giữa hai cha con? Phàm việc gì xảy ra cũng có nguyên do, dù vô tình hay cố ý. Có thể, trong đời sống gia đình, trong mối quan hệ tình thân, con đã vô tình có những cách hành xử hoặc lời ăn tiếng nói không khéo khiến ba con sinh ra buồn bực, cho rằng con vô lễ hay con bất hiếu nên ông mới có thái độ thiếu kiểm soát như vậy. Cứ rà soát lại hết đi con, chẳng hạn như việc con đi làm về trễ có thường xuyên diễn ra không, để ông phải ác cảm cạnh khóe, mai mỉa vậy? Nếu như thường xuyên, thì con nên cố gắng sắp xếp, hạn chế lại. Và khi nào phải về trễ, con có thể báo trước cho ba hay rằng hôm nay nhiều việc, con sẽ phải về muôn hơn. Việc con sắp xếp một trật tự nền nếp, khuôn khổ như vậy, có ông là người cùng tham gia, Thầy nghĩ, ông sẽ hài lòng hơn với con, bớt đi những cáu gắt vô lý. Vì tâm lý người cha nào cũng vậy, rất thương con, nhất là con gái. Chỉ vì họ sợ con gái mình mong manh, non dại, dễ xảy ra những chuyện thường tình nhi nữ gây hậu quả không tốt. Nên khi con gái bướng bỉnh, cãi lời, họ rất dễ tức giận, nổi nóng. Đừng nghĩ rằng mình đã là người có thể kiếm ra tiền thì cũng có thể cắt đứt mọi sự ràng buộc của khuôn khổ gia đình, ý nghĩ đó chính là mầm mống phát sinh những mâu thuẫn tình thân.
Hãy thử đặt mình vào vị trí ba con, để xem, khi đứa con gái làm như vậy, ông đã lo lắng và buồn biết bao nhiêu. Sự tức giận cũng tăng lên, dồn nén lại đó và chỉ chực chờ bung ra khi có cơ hội. Con nghĩ đến nỗi uất ức của mình, nhưng con có cảm thông được sự uất ức có con mà nói không nghe của ba con chưa? Mariah Burtom Nelson – tác giả quyển Five keys to forgiveness and freedom (5 chìa khóa giúp bạn vị tha và thư thái) đã từng nhắc nhở bạn trẻ : “Có một câu tôi vẫn thường nhắc nhở mình: đằng sau bất kỳ hành động thô lỗ nào, thường là một chuyện đau lòng”. Con có thử tìm hiểu những bực bội chất chứa đến đau lòng của ba con khi phải nói những lời xúc phạm con? Thầy đoán là chưa bao giờ, phải không. Chính vì không, nên hai cha con, mỗi người vẫn là một thế giới riêng với những đau khổ không thể giải bày. Và cả hai tự làm tổn thương nhau. Đúng như lời nhận xét của một nhà tâm lý: “Gia đình bền vững là gia đình hiểu được giá trị của tình yêu thương và biết bao dung, quan tâm, thấu hiểu lẫn nhau. Không có mối quan hệ nào là xung đột, chỉ có tự chúng ta làm tổn thương những người ta yêu quý nhất mà thôi”.
– Trường hợp thứ hai: Nếu con xét lại mình, thấy rằng con chưa từng làm điều gì quá đáng khiến cho ba con phiền lòng và con hết sức nghiêm túc với bản thân, trách nhiệm với gia đình thì khách quan chúng ta phải xét trên một phương diện khác, rằng: ba con đúng là người độc đoán, vô lý. Và cuộc hội ngộ giữa hai cha con trong kiếp này hoàn toàn là do nghiệp báo từ quá khứ nên mới có chuyện oan nghiệt đến đau lòng như vậy, khiến giữa hai cha con có một khoảng cách ngăn không lý do.
Trong trường hợp đó, Thầy vẫn khuyên con nên giữ tâm an nhẫn. Bởi vì, con là người có học Phật, hiểu được lý nhân duyên – quả báo trong mối quan hệ cha mẹ – con cái, vợ – chồng, anh – em. Mỗi người xuất hiện trong cuộc đời ta đều do nghiệp dẫn mà kết làm quyến thuộc của nhau. Thọ báo của ta ngày hôm nay với người nào đó trong gia đình đều do từ nhân duyên tương tụ (trả nợ, đòi nợ, trả ơn, báo oán). Chính một trong bốn nhân duyên đó đã đưa con đến nhận người này làm cha, nhận người kia làm mẹ. Và đã là nợ duyên với nhau thì oan oan tương báo sẽ diễn ra, mọi việc không như ý mình được.
Cho nên, con mới thấy có nhiều điều con không hiểu, không thông lại xảy ra; có những câu hỏi vì sao nên nổi mà con không tự giải được cứ dằn vặt, nhấn chìm tâm hồn con vào chốn khổ đau. Con cái không thể chọn được ba mẹ. Dù con có giận, có hận thì cũng không xóa được sự thật rằng ông ấy là ba của con. Thầy hiểu được sự uất ức trong lòng con về những câu nói cắt nát tâm can và hết sức tàn nhẫn kia, nhưng con giận, con hận ông ấy thì vẫn không đem đến niềm an lạc cho con, mà chỉ gia tăng thêm phẫn uất trong lòng đến nỗi khiến cho con “cứ đi biệt tăm, ít khi về nhà.”
Cho nên, hiểu được lý nhân duyên, biết được luật nhân quả chi phối đời người thì con hãy mở lòng ra. Có oan ức đến đâu cũng không nên trách móc, sân hận với ba mình mà nên chọn thái độ ẩn nhẫn, chấp nhận trả nghiệp và tích cực sám hối nghiệp chướng. Bên cạnh đó, thay vì so đo, than van, oán trách cha, con càng nên để tâm chăm lo, báo hiếu cho ông. Sống đúng, sống hợp với các nguyên tắc đạo đức mà Đức Phật đã dạy trong Kinh Thiện Sanh. Có như vậy oán thù đời kiếp trước mới sớm được tiêu trừ, mối quan hệ cha con mau được cải thiện. Thầy biết con chịu nhiều uất ức, nhưng chẳng lẽ cứ ôm mãi uất ức trong lòng thì cuộc đời của con tìm lấy đâu ra niềm vui khi nghĩ về người cha nơi mái nhà xưa. Thôi con ạ, hãy thay đổi thái độ và tư duy, con sẽ có thể thay đổi được nghiệp báo này bằng chính lòng thành và chân tình của một người con.
Cuối cùng, con xin Thầy cho con một câu để được an yên tâm hồn, Thầy xin mượn lời dạy của Thiền sư U. Jotika (trích Tuyết Giữa Mùa Hè) để con nghiền ngẫm: “Rất nhiều đau khổ của chúng ta là do chính chúng ta tự tạo nên. Tâm là một nhà ảo thuật vĩ đại: nó tạo nên đau khổ và nó đau khổ; nó tạo ra thú vui và nó đam mê hưởng thụ; nó bị cắn bởi con rắn do chính nó tạo ra và vật vã đau đớn bởi nọc độc của con rắn ấy. Giá như nó biết điều đó và không tạo ra nhiều đau khổ đến như vậy, thì có đến 90% nỗi khổ tâm của con người không còn nữa…”
Thầy chúc con thân tâm thường an lạc.
Thầy
Thích Thiện Thuận