Thưa Thầy! Con rât mong được Thầy khai sáng cho nên con rất hi vọng Thầy có thể bỏ chút thời gian để xem thư này của con. Con xin cảm ơn Thầy trước ạ. Con tên là Đậu Xuân Quyền, Sanh năm Giáp Tuất hiện tại con đang sống ở Quảng Bình. Có khoảng […]
Thưa Thầy!
Con rât mong được Thầy khai sáng cho nên con rất hi vọng Thầy có thể bỏ chút thời gian để xem thư này của con. Con xin cảm ơn Thầy trước ạ.
Con tên là Đậu Xuân Quyền, Sanh năm Giáp Tuất hiện tại con đang sống ở Quảng Bình. Có khoảng thời gian 2 năm con ở Biên Hòa – Đồng Nai nên có được biết đến Thầy cũng như là Viện Chuyên Tu dù chưa co cơ hội con được gặp Thầy.
Gia đình con là gia đình thuần ngư (Vì con sanh ra ở làng Biển) nên kinh tế cũng không khá giả là bao. Gia đình con không theo Đạo, nhưng Ba Mẹ con có thờ Phật trong nhà. Hàng tháng 30 mồng 1 ăn chay niệm phật.
Con từ nhỏ cũng có suy nghĩ không nên sát sanh. Đến bây giờ con cũng không có suy nghĩ sát sanh bừa bãi.
Từ nhỏ con đã quyết tâm làm giàu nhưng chưa thành, hiện tại con đang kinh doanh dầu nhớt gần nhà cũng vừa lo cho bản thân ạ.
Đến mấy tháng nay con mới có 1 ý tưởng thật sự đó là nuôi con Dế vừa bán làm sản phẩm, vừa làm thức ăn cho Tắc kè và Bọ cạp. Đầu ra thì đã có chỉ là vấn đề ở con.
Hôm nay, đêm đã khuya và trên youtube con được nghe bài giảng của Thầy về Nhân Quả Sát Sanh. Con nghĩ gia đình con bao đời nay đã đánh bắt cá tôm, chỉ có mỗi con được ăn học rõ ràng nay lại làm nghề này liệu có phải lại trở về cái nghiệp sát sanh không? Lòng con day dứt giờ đã 2h sáng mà con chưa thể ngủ được. Vì ý tưởng này con đã nghĩ rất nhiều và con thấy thật khó để con có 1 ý tưởng hay hơn nữa.
Thầy biết đó, cuộc sống này khắc nghiệt lắm ạ. Vật chất nhiều khi là thứ thật quan trọng nhất là với gia đình. con cũng làm qua 3 4 công ty nhưng lương vừa nuôi bản thân khó lắm con mới nghĩ ra ý tưởng vừa vốn ít mà ít cạnh tranh để lo cho gia đình nhỏ của mình. Nay lại trên đường sanh nghiệp thế này. Con thật không muốn.
Còn nếu dừng ý tưởng, con sẽ làm gì để lo cho gia đình, cho tương lai con của con. Vì vợ con hiện tại cũng chưa có công việc rõ ràng, lại có con nhỏ nữa ạ.
Kính mong thầy khai sáng tâm trí con với ạ. Lòng con rối bời không biết phải làm sao Thầy ơi!
Con xin cảm ơn Thầy.!
———————————————————————
TRẢ LỜI:
Nam Mô A Di Đà Phật
Xuân Quyền thân mến,
Như con tâm sự, con đã có cơ hội nghe được những bài giảng của Thầy về nhân quả, nghiệp báo. Có nghe ắt con cũng hiểu rằng, thế gian đau khổ đều là do nghiệp dẫn đường. Tất cả cảnh khổ, vui đều do chính mình chứ không phải một thế lực huyền bí nào tạo tác nên. Nói khác đi, chính mình làm chủ cái khổ, cái vui của mình. Và nghiệp là cái theo ta như bóng với hình, nó ẩn hiện trong mỗi bước chân ta đi, việc ta làm, hậu quả ta nhận lấy.
Trong các nghiệp, sát sanh là nghiệp dữ lớn nhất. Những cái chết do thảm sát trong chiến tranh, thiên tai dịch bệnh, những tai nạn thuộc về hoạnh tử như chết yểu, chết bất đắc kỳ tử, chết do tai nạn giao thông, chết cháy, chết nước, chết do bị trộm cướp giết hại… hết thảy đều do nhân sát sanh gây ra.
Trong kinh Nghiệp báo sai biệt, đức Phật dạy ngài Thủ Ca: “có mười thứ nghiệp khiến chúng sanh bị quả báo cuộc sống ngắn ngủi. Thế nào là mười?Một là tự làm việc sát sanh, hai là khuyên người khác sát sanh, ba là khen ngợi việc giết hại, bốn là thấy giết hại sanh tâm vui theo, năm là đối với người mà mình oán ghét muốn họ bị tiêu diệt, sáu là thấy người mình oán ghét tiêu diệt rồi sanh tâm vui mừng, bảy là phá hoại bào thai, tám là dạy người tự huỷ hoại (tự huỷ hoại thân mình), chín là xây dựng lò sát sanh, mười là tự làm vũ khí chiến tranh và dạy người tàn hại lẫn nhau. Do mười nghiệp này bị quả báo mạng sống ngắn ngủi.”
Thầy tin là con cũng đã thấy rồi, muôn loài chúng sanh đều quý mạng sống của mình. Một con kiến nhỏ xíu cũng biết chạy trốn khi bị tấn công huống hồ gì những con vật lớn hơn như con gián, hay như con dế mà con đang dự định nuôi để làm thức ăn cho loài côn trùng khác mong hưởng lợi cho mình. Điều này có thể nói, con không trực tiếp giết hại nhưng đã có tâm vui theo những hệ quả từ việc giết hại. Đây chính là nhân giết, duyên giết như trong kinh Phạm võng đã chép. Trong 10 giới trọng của Bồ-tát thì sát sanh là giới thứ nhất, điều này đủ thấy nghiệp quả báo ứng của sát sanh vô cùng thảm khốc, chính vì thế đức Phật ân cần răn dạy các vị Bồ-tát rằng: “Nếu Phật tử, hoặc tự mình giết, bảo người giết, phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỉ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết: Nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết. Phàm tất cả loài hữu tình có mạng sống đều không được cố ý giết. Là Phật tử, lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ-bi, lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sanh, mà trái lại tự phóng tâm nỡ lòng sát sanh, Phật tử này phạm Bồ-tát Ba-la-di tội (tội cực ác).”
Hiện nay, khoa học vẫn đang tìm hiểu và chứng minh về khả năng nhận biết của loài vật. Nhưng cho dù chúng có nhận biết được về nỗi sợ hãi, nỗi đau khi bị đuổi bắt, sát hại hay chỉ là bản năng kháng cự vô thức; nói chung, tất cả hành động phản kháng lại của chúng đều thể hiện sự ham sống, sợ chết. Với tất cả loài vật và con người, yếu tố tâm lý này đều giống nhau trên mặt ngã chấp khi đối diện với các hình thức cưỡng hại, bức tử. Tâm lý này sẽ dẫn đến các trạng thái hệ lụy lâu dài như hoảng loạn, hoang tưởng, ức chế, trầm cảm, đa nhân cách… gây hậu quả khó lường cho chính người bị hại lẫn người có hành vi giết hại.
Con có biết không, bất luận ai làm điều người khác không muốn, chúng sanh khác không muốn mà khiến cho đối tượng đau khổ, phiền não là hành động gieo nghiệp ác. Huống nữa lại là việc giết hại. Chính nghiệp ác này là nguyên nhân làm cho mình khổ, dẫn đến nhiều việc không toại ý, bất thành công trong cuộc sống. Nhân quả rất công bằng con ạ. Nếu vì cuộc sống đầy bon chen, phức tạp và quá khó khăn mà con phải chọn con đường tạo nhân quả với nghiệp sát, con có chắc rằng con đường con chuẩn bị đi đó lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió không? Bởi vì, khi gieo nghiệp sát thì chính con đã chiêu cảm nhân hận thù, nhân tương tàn tương sát cho mình. Chúng sanh bị giết sẽ tăng oán hận chồng chất, gặp có cơ hội là nghiệp báo sẽ phát tác. Con có thể có tiền từ việc nuôi dế làm thức ăn cho bọ cạp, nhưng chắc chắn rằng cuộc sống của con sẽ khó có sự bình an. Bên cạnh đó, chúng sanh bị con giết hại quá nhiều thì quả báo sẽ tương tác không chỉ một kiếp, mà sẽ là nhiều kiếp con bị giết hại để trả nghiệp.
Con tâm sự: “Gia đình con là gia đình thuần ngư (Vì con sanh ra ở làng Biển) nên kinh tế cũng không khá giả là bao. Gia đình con không theo Đạo, nhưng Ba Mẹ con có thờ Phật trong nhà. Hàng tháng 30 mồng 1 ăn chay niệm Phật…. Con từ nhỏ cũng có suy nghĩ không nên sát sanh. Đến bây giờ con cũng không có suy nghĩ sát sanh bừa bãi”. Nếu từ nhỏ, con đã ghê sợ sự sát sanh và không muốn làm điều đó, thì nên tiếp tục trưởng dưỡng tâm từ bi này để cắt đứt nghiệp sát và các nghiệp dữ khác. Phải hiểu rằng, gia đình con, bản thân con hôm nay còn nhiều vất vả chính là do phải trả các nghiệp đời trước, ngay cả nghiệp đời này đã gieo nhân từ công việc mà con gọi là “thuần ngư”. Không có việc gì ngẫu nhiên đến đâu con ạ, tất cả đều do cộng nghiệp từ các nhân quả, nghiệp báo đã tạo ra của mình và người thân trong quá khứ; chính vì thế, sự đón nhận của chúng ta hôm nay chỉ là hệ quả tất yếu của vòng nghiệp báo nhân quả, nói đơn giản là sự trả nghiệp. Mà đã trả thì đừng vay nữa, từng tạo tác ác nghiệp nữa con ơi. Thay vào đó, hãy gieo nhân phước đức để có thể chuyển hóa được nghiệp ác đã gieo. Nếu chưa chuyển được trong đời kiếp này thì cũng là tích lũy nghiệp lành cho đời kiếp sau có nhân an vui, hạnh phúc.
Thầy cũng thấu hiểu và thông cảm tâm trạng này của con: “cuộc sống này khắc nghiệt lắm ạ. Vật chất nhiều khi là thứ thật quan trọng nhất là với gia đình. con cũng làm qua 3 4 công ty nhưng lương vừa nuôi bản thân khó lắm con mới nghĩ ra ý tưởng vừa vốn ít mà ít cạnh tranh để lo cho gia đình nhỏ của mình”. Nhưng con ơi, kinh Phật có dạy: người chỉ lo tạo của cải vật chất mà không lo tu nghiệp lành, ngăn nghiệp dữ thì chỉ là người mê muội, dứt khoát không phải là người thông minh. Vì con đang lo cho cái không thực có, cái không giữ được. Còn cái giữ được là nghiệp lành, là phước báu gieo trồng, là kho báu vô tận cho nhiều đời kiếp sau thì lại bỏ lỡ.
Cuộc sống thế nhân thật khó. Ranh giới giữa thiện và ác đôi khi chỉ là một khoảnh khắc tư duy. Có một bài kệ Phật dạy ngài Thủ Ca rất chí lý được ghi lại trong Kinh Pháp cú, con hãy đọc và suy ngẫm thêm:
Làm ác mà gặp việc lành
Đó là quả dữ chưa sanh kịp thời
Đến khi ác báo chín muồi
Ác thì gặp ác, đời đời không sai. (PC.119)
Rõ ràng, điều mà Đức Phật dạy ta từ bài kệ này là phải có chánh tư duy, không dựa vào hoàn cảnh bao biện để ngày càng đi sâu vào đường sai trái, tạo thêm nhân ác nghiệp.
Thầy cũng muốn nói thêm với con một điều nữa, xã hội mình vốn là một xã hội năng nổ, đa dạng ngành nghề, ông bà mình vẫn thường nói: “trăm người bán, vạn người mua”, cho nên, nếu tích cực và chịu khó con vẫn sẽ tìm được một nghề phù hợp, hay một hoạt động kinh doanh, buôn bán nào đó không tạo nghiệp sát sanh như nghề nuôi dế làm thức ăn cho côn trùng để cải thiện kinh tế gia đình. Con chưa đi tìm mà đã tự đóng khung mình trong mấy chữ tự mình đặt ra: “con thấy thật khó để con có 1 ý tưởng hay hơn nữa” thì làm sao con tìm được? Đừng vội nản chí con ơi!
Thầy chúc con sẽ sớm tìm được đường mình đi. Con đường được soi rọi bởi đuốc tuệ từ bi và vô ngã .
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Thầy,
THÍCH THIỆN THUẬN