9. CUỘC TỪ BỎ VĨ ĐẠI Có lẽ, tôi cũng sẽ khó lòng quên được khoảnh khắc cả đoàn ngồi trong bóng râm hiếm hoi nơi cổng thành phía đông Kinh đô Ca-tỳ-la-vệ, vương quốc xưa kia của dòng họ Thích Ca, nghe Thầy tôi kể lại với một chất giọng trầm trầm, xen chút […]
9. CUỘC TỪ BỎ VĨ ĐẠI
Có lẽ, tôi cũng sẽ khó lòng quên được khoảnh khắc cả đoàn ngồi trong bóng râm hiếm hoi nơi cổng thành phía đông Kinh đô Ca-tỳ-la-vệ, vương quốc xưa kia của dòng họ Thích Ca, nghe Thầy tôi kể lại với một chất giọng trầm trầm, xen chút xúc động về “Cuộc từ bỏ vĩ đại”. Chính tại cổng thành phía đông này, hơn 2500 năm trước, vào một đêm giá lạnh, có một con người cao quý đã dứt khoát, mạnh mẽ cắt đứt sự ràng buộc của tình thân quyến thuộc, của phù phiếm xa hoa vật chất để bắt đầu cuộc đi tìm chân lý vô hạn cho cái hữu hạn của thế gian. Đi tìm sự vô sanh bất tử: cái không sanh, không già, không bệnh, không chết – nguồn gốc chấm dứt mọi khổ đau.
Tôi chắc rằng trong đêm từ giã, khi úp mặt vào trong, công chúa Da-du-đà-la đã rơi nhiều nước mắt. Nhưng những giọt nước mắt của người tri kỷ đó không phải là những giọt nước mắt bi thảm, cản bước người đi mà là nước mắt tin tưởng đợi chờ người chồng, Thái tử Tất-đạt-đa trở về với chí nguyện lớn đã thành.
Cuộc từ bỏ vĩ đại để mở ra một chân trời mới cho khắp cả trời, người và muôn loài chúng sanh đã khiến cho cổng thành phía đông này mãi mãi được muôn đời sau tiếp tục đến viếng thăm và tưởng nhớ. Và chúng tôi hôm nay, ngồi đây trong nắng, nghe hồn chơi vơi, lắng đọng cùng đêm dài của nàng Da-du-đà-la hơn hai ngàn năm trăm năm trước với lòng biết ơn vô hạn.
10. LÀNG SUJATA VÀ CHIẾC ÁO ĐỎ THÂN THIỆN
Chúng tôi đến thăm làng SuJaTa trong một buổi chiều đầy gió. Những ụ rơm rạ chất thành đống trong các sân nhà bay thốc lên mỗi khi có cơn gió thổi về, bao nhiêu là bụi rơm bay trong không gian, bám ngay vào vạt áo nâu của Thầy tôi một lớp màng trắng, khiến Thầy không ngừng giơ tay phủi bụi theo một tập tính đối phó. Đối diện ngôi làng là một tháp rộng thờ nàng SuJaTa, người con gái chăn dê đã dâng lên đức Thế Tôn bát cháo sữa nổi tiếng và có ý nghĩa khắp trời, người. Ắt hẳn, ngay lúc ấy, cô gái chăn dê cũng không hề nghĩ được rằng, bát cháo sữa của nàng đã khép lại con đường tu khổ hạnh, mở ra con đường trung đạo dẫn đến thành tựu nghiệp quả của đấng Đại Giác Ngộ. Để hôm nay, cái tên SuJaTa trở thành tên của làng, của trường học, của khu vui chơi… như một niềm kiêu hãnh đẹp đẽ.
Ngôi trường mang tên SUJATA CHILDREN WELFARE TRUST tiếp đoàn đến thăm và tặng quà trong không khí vui vẻ của thầy cô và các em học sinh. Đây là một ngôi trường được thành lập từ quỹ phúc lợi xã hội để đưa các con em gia đình nghèo khổ trong làng đến trường. Biết đoàn chúng tôi có những hoạt động từ thiện xã hội thiên về giáo dục, Thầy Hiệu trưởng giới thiệu với Thầy trưởng đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm học sinh màu đỏ rực và nói rằng, đây dự định là trang phục mùa đông cho các em học sinh của trường để chống lại giá rét cắt da của mùa đông Ấn Độ, nhưng ngân quỹ nhà trường hiện tại không thể lo được, chắc còn phải chờ một thời gian nữa. Chỉ trong một tích tắc cân nhắc “ngân quỹ”, Thầy trưởng đoàn đã quyết định tài trợ cho trường 200 áo ấm. Niềm vui lan tỏa nhanh từ khách đến chủ, thầy Hiệu trưởng lấy ngay chiếc áo mẫu tặng cho Thầy trưởng đoàn. Chiếc áo học sinh nên hơi nhỏ so với khổ người, nhưng Thầy vẫn vui vẻ tròng bên ngoài vạt áo nâu dung dị ngày thường, mảnh áo đỏ thân thiện tình người.
Nếu nàng mục nữ SuJaTa năm xưa đang hiển linh ở một cõi trời nào đó, được nhìn thấy cảnh tượng này, tôi tin chắc nàng cũng sẽ rất vui cho trẻ con nghèo tại ngôi làng nàng đã sinh ra.
Nói đến đây, tôi lại nhớ đến một “ngôi trường” dành cho trẻ em nghèo khác tại khu vực Bồ Đề Đạo Tràng. Gọi là trường thì quá lớn, gọi là lớp thì cũng không xong. Ở đây học sinh lớn thì ngồi dưới đất viết bài, học sinh nhỏ thì được ngồi trên những cái bàn xiêu vẹo đóng tạm bợ. Cô giáo xoay sở quanh một cái bảng nhỏ, nắn nót viết từng hàng chữ, rồi dạy các em đọc. Tất cả diễn ra ngoài trời nắng, trên khoảng sân nhỏ.
Cuộc đến thăm của chúng tôi hoàn toàn tình cờ, không được báo trước, cho nên từ “thầy hiệu trưởng” đến cô giáo và học trò, tất cả đều tròn xoe đôi mắt khi đoàn chúng tôi bước vào. Hỏi thăm, chúng tôi được biết, do không chịu đựng được cảnh các em nghèo không có cơ hội đến trường lớp, “thầy hiệu trưởng” nơi đây đã chủ động biến nhà mình thành lớp học, với cô giáo là người vợ trẻ có một chút trình độ học vấn. Không có bàn, không có lớp… Không sao cả. Đã có tình thương giữa người và người trao trọn cho nhau. Mỗi ngày, những trẻ em đường phố vẫn ngồi dưới nền đất, làm quen với những con chữ từ sự dẫn dắt của cô giáo nhỏ để tìm kiếm một cơ hội thay đổi số phận.
Bất nhẫn trước những cảnh đời khốn khổ và hoàn cảnh học tập của các em, Thầy chúng tôi đã phát động quyên góp đóng bàn ghế học tập cho lớp. Chỉ trong 10 phút, đoàn đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các thành viên. 20 bộ bàn ghế, trị giá mỗi bộ là 50 USD được đăng ký đóng góp.
Trước ánh nhìn đầy biểu cảm biết ơn của “thầy hiệu trưởng”, Thầy tôi nhìn ra hàng rào ngoài sân, rất nhiều trẻ em nghèo khổ đang đứng ngó vào lớp học với đôi mắt ước ao, thèm khát. Thầy hỏi “thầy hiệu trưởng”: “Đến bao giờ thì các em ngoài kia sẽ được bước vào bên trong hàng rào?. “Thầy hiệu trưởng” trả lời không chút ngập ngừng: “Khi chúng tôi có đủ điều kiện và những sự trợ giúp tích cực như thế này”.
Một câu nói thật khiến tôi trĩu lòng xuống. Biết đến bao giờ nhỉ? Chỉ biết cầu mong chư Phật mười phương gia hộ cho tâm nguyện lớn của người đàn ông tốt bụng này sớm thành hiện thực. Sẽ có nhiều tấm lòng mở ra để kết nối yêu thương, sẻ chia hạnh phúc được đến trường của các thiên thần nhỏ trên đất Phật.
(còn tiếp…)