Tiết tháng 3 trời chiều tà trong bảng lảng sương mù ẩm ướt. Chúng con thoáng chút băn khoăn vì mới nghe dự báo: đêm nay, không khí lạnh tràn về Hà Nội. Làm sao không lo lắng được khi sức khoẻ của Sư phụ thật khó sẵn sàng cho những thay đổi bất chợt […]

Tiết tháng 3 trời chiều tà trong bảng lảng sương mù ẩm ướt. Chúng con thoáng chút băn khoăn vì mới nghe dự báo: đêm nay, không khí lạnh tràn về Hà Nội. Làm sao không lo lắng được khi sức khoẻ của Sư phụ thật khó sẵn sàng cho những thay đổi bất chợt thế này. Mang theo những băn khoăn ấy, chúng con trở lại ngôi nhà của anh chị Phật tử trong con ngõ nhỏ, lòng tự dặn lòng, xưa giờ cứ mỗi lần Sư phụ ra Bắc giảng bài, thì bao giờ cũng mưa thuận gió hoà lắm, anh chị em mình cứ an tâm, an tâm… Tạm gác lại thật nhiều lo lắng, chúng con đã nghe thoang thoáng nhịp mõ đều đặn vang vang ngay từ đầu ngõ. Hẳn là, lễ an vị Phật đang được bắt đầu. Nhịp chân hối hả, chúng con hướng về nơi đang đều đều vẳng ra tiếng mõ trầm tĩnh, đanh giòn. Lúc này, đã hơn 7h tối, giờ của những mâm cơm quây quần bên nhau dưới ánh đèn ấm áp toả rạng trong mỗi gia đình; giờ của tụ họp sum vầy sau một ngày dài tất bật ngược xuôi lo công việc; và chúng con, chưa bao giờ cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc nhiều đến thế, khi ngay hôm nay, ngay lúc này, tan giờ làm và được trở về gặp lại Sư phụ. Quý giá và ý nghĩa hơn nữa, khi chúng con đang được sống trong những thanh âm trang nghiêm của lễ an vị Phật. Đoàn Phật tử miền Nam cùng trợ duyên cho buổi lễ thêm phần trang trọng. Và chúng con, thì đã lâu lắm rồi mới lại được hướng mắt lên sắc y vàng giản dị của Sư phụ đang làm chủ lễ ở ngay phía trước. Đây là Sư phụ của chúng con, dù chúng con có được đối diện trực tiếp với Người, hay chỉ là lặng lẽ ở phía sau lưng Người cùng lạy Phật, thì bóng dáng hiền hậu mà lồng lộng ấy, vẫn khiến cho tất cả chúng con rưng rưng nỗi niềm xúc động. Hạnh phúc biết bao nhiêu cho những đứa con xa xôi, khi được thấy Người cha kính yêu của mình đang ở ngay trước mắt. Người đang ở đây với chúng con, trong một không gian thật gần gũi và ấm cúng. Người dặn dò, làm sao để an ổn vị Phật trong chính tâm hồn của các con mới là điều quan trọng. Chúng con biết, Sư phụ lo lắng cho lũ con xa xôi ít khi có dịp được gần Sư phụ; lo cho đàn con khờ dại liệu có đủ định lực và tâm lực để đối diện với thế cuộc mỗi ngày mỗi phức tạp hay không… Nỗi lòng của Cha mẹ dành cho các con, bao giờ cũng chứa chan ân tình hiền hoà như thế. Và tối hôm nay, Sư phụ lại có thêm thật nhiều những “đứa con” trong chánh Pháp. Hơn 20 người đăng ký làm lễ Quy y ngay tại nơi này. Và thật đáng vui mừng biết bao, khi một nửa trong số đó là các em bé nhỏ. Em lớn nhất được 12 tuổi, và em bé nhỏ nhất mới chỉ được hơn 7 tháng. Tất cả líu ríu vây quanh Sư phụ, căn phòng nhỏ thoáng chốc trở nên ồn ào bởi những âm thanh con trẻ. Sư phụ nói vui: Giống y chang cái nhà trẻ vậy đó. 
Không một ai có thể biết trước ngày mai sẽ ra sao, nhưng chúng con đều biết chắc chắn một điều, những em bé hôm nay được Quy y với Sư phụ, chắc chắn sẽ may mắn và hạnh phúc hơn tất cả chúng con. Bởi lẽ, các em đã được bao bọc trong ánh sáng trí tuệ trác tuyệt của Đức Phật Bổn sư, và các em còn được chở che trong giới đức trang nghiêm của một bậc minh sư là Sư phụ. Những tấm hình chụp vội, những lời đối thoại ngây ngô của các em với Sư phụ khiến cho không khí càng trở nên gần gũi. Sư phụ đang được vây quanh bởi những hồn nhiên con trẻ, và có cả những rưng rưng xúc động xen lẫn vui mừng của bố mẹ các em.
Lúc này, nhờ sự chu đáo của anh chị chủ nhà mà lần lượt từng phần ngô non và khoai lang luộc được mang ra để mọi người cùng thưởng thức. Và chúng con nhận ra, Sư phụ đang thoáng chạnh lòng nhớ về quê nhà thương mến. Bởi mỗi lần thấy món khoai lang luộc, Sư phụ lại nhắc về kỷ niệm “rổ khoai lang của vợ chồng bác thuyền chài” trên sông nước miền Tây. Đó là một kỷ niệm mà chính chúng con cũng không bao giờ quên được, bởi tấm chân tình chất phác của người miền Tây hồn hậu. Nhưng hơn thế, đó còn là dấu ấn để chúng con càng thương kính và nể phục Sư phụ nhiều hơn. Hẳn rằng, Người cũng luôn luôn đau đáu về miền quê thương mến, nơi chất chứa giùm cho Sư phụ cả một bầu trời ký ức hạnh phúc và cũng không ít đau đáu, tang thương. Con đường Người chọn, “trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh” để bước đi vững chãi trên con đường ấy, đã có biết bao nhiêu tâm tư thầm lặng nén lại phía sau. Bất giác, chúng con như đang nghe thấy lời hát quen thuộc: “Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc. Có một đời khóc than, mới hiểu đời đá vàng”. 

Phật tử Hà Nội