Sáng cuối tuần, chúng con đã hẹn gặp nhau từ rất sớm để đến và xuất phát cùng Sư phụ về Hải Dương. Suốt đêm qua, chẳng ai bảo ai mà mấy anh chị em, đứa nào cũng sốt ruột nghe ngóng xem gió mùa đã tràn về chưa. Hà Nội cứ mỗi lần gió […]
Sáng cuối tuần, chúng con đã hẹn gặp nhau từ rất sớm để đến và xuất phát cùng Sư phụ về Hải Dương. Suốt đêm qua, chẳng ai bảo ai mà mấy anh chị em, đứa nào cũng sốt ruột nghe ngóng xem gió mùa đã tràn về chưa. Hà Nội cứ mỗi lần gió mùa Đông Bắc nổi, là sẽ kèm theo mưa phùn ẩm ướt và cái lạnh cắt da. Thời tiết ấy sẽ không hề dễ chịu một chút nào với tất cả những ai bị đau xương khớp. Mà chúng con, thì đã quá hiểu, Sư phụ đang phải đối diện với những cơn đau thế nào. Tối qua, khi tạm biệt Người để ra về, Sư phụ đã không hề biết rằng chúng con đã âm thầm nán lại rất lâu, để rồi xót lòng nhìn thấy hình ảnh của Người khó khăn chật vật thế nào mới từ từ đứng lên được khỏi ghế. Bởi thế mà sáng sớm nay, khi thấy bên ngoài vẫn là hây hẩy gió Xuân và le lói bình minh, chúng con đã thở phào nhẹ nhõm. Cả lũ rôm rả bảo nhau, đấy thấy chưa, cứ có Sư phụ ra là bao giờ trời cũng đẹp. Mang theo niềm vui khe khẽ, chúng con lên xe và đến địa điểm tập trung. Câu chuyện trên xe chưa bao giờ cũ về những háo hức đợi mong cho một ngày mới sẽ được theo chân “bám đuôi” Sư phụ. Đứa nào cũng vui lắm, đứa nào cũng ước ao: Cứ chiều nào tan làm cũng được về đảnh lễ Sư phụ như chiều qua, rồi sáng cuối tuần lại được theo chân Người đi nghe giảng thì chẳng còn hạnh phúc nào hơn nhỉ. Ước ao với nhau rồi lại ngậm ngùi: ừ, tại anh chị em mình ở xa quá rõ là thiệt thòi nhỉ…. chuyện ngắn chuyện dài thì xe dừng bánh. Đã đến nơi tập trung để cùng đoàn xuất phát. Trước mắt sẽ là hành trình dài 80km về tới chùa Thiên Phúc ở Hải Dương, mà Sư phụ thì chỉ mang theo một gói xôi nhỏ để Người dùng bữa sáng ngay trên xe. Lật đật hối hả, thầy trò Sư phụ chúng con rời Hà Nội khi kim đồng hồ điểm 6h sáng. Phố vẫn bảng lảng sương mù trong cơn ngái ngủ của một sớm cuối tuần hây hẩy gió. Đoàn xe nối đuôi nhau băng băng trên quốc lộ và những câu chuyện về Chùa nhà, về Sư phụ, về từng bài giảng của Người lại được chúng con say sưa không dứt. Sáng hôm nay, tất cả chúng con sẽ không còn “bị” nghe giảng ở Youtube nữa rồi.
Hành trình trải dài trên quốc lộ đan xen đoạn nắng đoạn mưa, khi trước mắt chúng con là cánh đồng lúa xanh ngút ngát, cũng là lúc chúng con nhìn thấy tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát uy nghi từ phía xa. Vậy là, thầy trò Sư phụ chúng con đã tới chùa Thiên Phúc. Ngôi chùa nhỏ nằm hiền hoà giữa cánh đồng lúa hát, hôm nay, là lễ khánh thành quần thể núi Quan Âm ngự Kim Long. Đã rất đông Phật tử tập trung tại chùa, chúng con nán lại phía ngoài cổng để đợi xe Sư phụ. Đoàn Phật tử miền Nam với dịu dàng áo dài bay bay nhè nhẹ trong gió sớm, tiếng nói cười xôn xao và không ít trầm trồ nể phục, rằng ở một ngôi chùa bé nhỏ khiêm tốn của làng quê Bắc Bộ, lại có một công trình uy vũ, trang nghiêm như quần thể núi Quán Âm ngự Kim Long. Các bà các cô Phật tử của chùa hướng về phía chúng con và hỏi chúng con thuộc đoàn nào. Chúng con trả lời dạ thưa chúng con đi cùng Sư phụ ạ. Chẳng biết có phải vì niềm tự hào không dấu diếm khi nhắc đến Sư phụ hay không, mà các bà các cô cùng ồ lên ngay: Các con đi cùng thầy Thiện Thuận hả. Chỉ có đôi câu hỏi đáp đơn giản vậy thôi mà cũng khiến chúng con sướng vui âm ỉ. Mấy đứa quay sang bảo nhau: đấy, không cần giới thiệu mà ai cũng biết tụi mình là “đệ” của Sư phụ rồi. Phật tử chùa Thiên Phúc không phải đợi lâu, xe chở Sư phụ cũng đã dừng bánh ngay sau đó. Sư phụ chúng con, trong màu áo nâu giản dị, thong dong bước đi phía trước và cả một hàng dài chúng con hối hả theo sau. Phật tử chùa Thiên Phúc đứng đón Sư phụ từ xa, thấy cảnh “học trò của thầy Thuận” lùng tùng nào xe đẩy nào xe nôi vì trong đoàn còn có em bé hơn 7 tháng, các bà các cô vui mừng hỉ hả: Đệ tử của thầy tre chưa kịp già thì măng đã mọc rồi này. Niềm hân hoan của chúng con được nhân lên thật lớn khi chúng con còn được gặp thầy Hạnh Bảo ngay tại đây. Vượt hành trình bay nối dài qua đại dương rộng lớn, giờ đây, chúng con lại được đảnh lễ thầy Hạnh Bảo giữa sân chùa của làng quê Bắc Bộ. Chúng con bất giác nhớ về 2 câu thơ của Sư ông Làng Mai-thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Tôi không ngủ mơ đâu. Ngày hôm nay đẹp lắm, thật mà.”
Thời thuyết giảng của Sư phụ đang tới gần, sáng nay, chủ đề mà Người giảng được mang tên “Lắng nghe”. Nhân dịp khánh thành tượng Quán Âm trang nghiêm, và Người chọn chủ đề này như muốn nhắc nhở cho chúng con nhớ về hạnh nguyện của Ngài; nhắc cho chúng con nhớ về những nỗi khổ niềm đau của mỗi người mỗi khác, nhưng trong trái tim và tâm khảm của bất kỳ ai cũng có một “Đức Phật” của tâm chân chính và tâm hướng thiện. Chúng con vẫn biết “bởi đời vốn dĩ là khổ đau; là vô thường như hết thảy vô thường vốn có”. Thế cho nên, để tìm được cho mình một nơi chốn tĩnh tại, để được “lắng” xuống được “nghe” có nơi nào an hoà hơn là nương vào lời kinh tiếng kệ, có nơi nào an ổn hơn là quỳ gối trước tôn tượng của Đức Phật và Bồ Tát Quán Âm. Giữa biển lúa xanh rì rào trong nắng sớm, chúng con cũng đang lắng lòng nghe từng câu, từng chữ của Người.
Thời gian nhanh chóng trôi đi, cũng đã tới lúc chúng con tạm biệt Chùa Thiên Phúc, tạm biệt thầy Hạnh Bảo để thầy trò Sư phụ chúng con trở về Hà Nội. Chia tay thầy Hạnh Bảo, đứa nào cũng rưng rưng lắm vì đã từ lâu, chúng con vẫn thường gọi về 2 Người thầy quý kính ấy là “Nhị vị Sư phụ”. Thầy Hạnh Bảo sẽ lại rời xa Việt Nam để trở lại với xứ tuyết rơi lạnh lẽo. Còn Sư phụ của chúng con, sẽ lại quay về với nắng gió miền Nam để sẵn sàng cho khoá huân tu ngay từ sáng sớm mai. Từng vòng quay bánh xe lại đều đều hối hả, chiều đến, gió lạnh đã thực sự tràn về. Khẽ co mình trong gió mùa Đông Bắc, chúng con nói với Sư phụ: Sư phụ thấy không, đến lúc Sư phụ về Nam là ở đây chỉ còn mưa với gió lạnh tê tái”…
Sân bay Nội Bài tối cuối tuần vừa mưa vừa gió, Sư phụ tất bật vội vàng vì giờ lên máy bay đã điểm. Thầy trò hối hả tạm biệt nhau mà chẳng kịp chuyện trò thêm một lời nào. Chiều nay, Sư phụ của chúng con cũng chỉ kịp dùng vội bữa cơm thanh đạm với rau muống luộc chấm tương và đậu phụ rán. Chúng con biết, Sư phụ uống thuốc còn nhiều hơn là dùng cơm nữa. Đứa nào cũng xót xa ngậm ngùi, nhưng thời gian gấp gáp, còn chẳng đủ để chúng con dặn dò về một chút hoa quả chúng con đã chuẩn bị cho Sư phụ trong túi giấy. Mấy trái ổi chín, một chùm nho be bé, và thêm cả 2 bó hoa Loa Kèn nở sớm của Hà Nội mới được cắt lúc chiều… Bóng áo nâu của Sư phụ cứ xa dần, xa dần trong tầm mắt của chúng con. Lần này, thì đến lượt chúng con, nhờ Sư phụ cất giữ giùm bóng dáng của Quê Nhà thương mến… Mỗi lần tạm biệt Sư phụ, là giống như chúng con lầm lũi rời xa hơi ấm thân thương của Quê mẹ hiền hoà. Sư phụ đã là Quê hương an ổn của chúng con, đã là điểm tựa cho những thăng trầm bùi ngọt. Bước chân của Sư phụ xa dần, thầy trò vẫy tay nhau tạm biệt trong vội vàng và lưu luyến. Chúng con nhớ về lời thơ mà Người đã từng đọc: “Bình bát cơm ngàn nhà. Bước chân muôn dặm xa”. Sớm mai thôi, khoá huân tu ở Chùa nhà sẽ đợi Sư phụ với bao nhiêu là công việc. Lũ con xa xôi lại ngóng chờ tin tức của Người trong từng bức hình, từng dòng tin thông báo. Chỉ mong sao, từng bước chân Sư phụ của chúng con trên khắp nẻo rộng dài của con đường hoằng dương chánh pháp, xin Người mãi được an yên và vững chãi như núi xanh sừng sững. Để tất cả chúng con cùng nhau hướng về với tất cả đồng vọng thiết tha. Và cũng để chúng con, mãi mãi luôn được đứng phía sau lưng Người đầy an ổn và son sắt. Như những lần tạm biệt Người ở sân bay, chỉ cần Sư phụ quay đầu nhìn lại, thì luôn luôn vẫn cứ thấy lũ con khờ nán lại đến tận những phút giây cuối cùng chỉ để lặng ngắm theo bóng Người thêm đôi chút. Mùa Xuân xứ Bắc đang lặng lẽ trôi qua, nắng tháng 3 sớm mai có còn bừng lên trên từng đọt lá, nhưng trong trái tim của tất cả chúng con, thì mùa Xuân của người con Phật, vẫn mãi còn và vẫn mãi ấm áp, lung linh, khi hướng về Chùa nhà và dõi theo từng bước chân thênh thang của Người Cha từ ái./.
Phật tử Hà Nội