Con đã từng đọc ở đâu đó câu nói rằng: Người ta có rất nhiều nơi chốn để đi, nhưng chỉ có duy nhất một nơi chốn để trở về. Trước đây, đối với con, chẳng có một khái niệm nào sâu sắc và rõ ràng trong ranh giới Đi-Về. Những chuyến đi, những cuộc […]
Con đã từng đọc ở đâu đó câu nói rằng: Người ta có rất nhiều nơi chốn để đi, nhưng chỉ có duy nhất một nơi chốn để trở về. Trước đây, đối với con, chẳng có một khái niệm nào sâu sắc và rõ ràng trong ranh giới Đi-Về. Những chuyến đi, những cuộc hành trình khi khoác ba lô lên vai, tất cả đều thật bình thường trong niềm háo hức ngắn ngủi. Trước khi được biết về VCT, tất cả đối với con đều nhàn nhạt về cảm xúc và xám xịt một vẻ u hoài. Về sau này, khi con được gặp gỡ và tiếp xúc nhiều hơn với các anh chị cũng là thành viên của ngôi nhà chung thân thiết ấy, con mới biết rằng không chỉ có con, mà nhiều anh chị khác cũng đã từng thấy mình nhạt nhoà và vô cảm.
Đã từng thất vọng, đã từng oán trách cuộc đời này, đã từng mang trong lòng những vết thương không bao giờ tin có ngày hồi phục. Đã từng chẳng ngần ngại tìm tới cái chết để tự mình chấm dứt đi những ám ảnh tối tăm – chừng đó niềm suy tư là chừng đó tâm trạng chung mà tất cả chúng con – những đứa con lưu lạc xa khỏi cửa Thiền từng gặm nhấm. Cuộc đời của tất cả chúng con sẽ ra sao khi cứ đeo đẳng mãi trong mình bao nhiêu dày vò, đau đớn? Chúng con sẽ sống như thế nào khi tâm hồn sẽ ngày thêm chai sạn và trái tim thì ngày càng khô kiệt đi niềm tin yêu với đời? Chúng con sẽ trở thành những con người như thế nào khi chất chứa trong lòng chỉ là sân hận và tuyệt vọng? Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tất cả chúng con bỗng giật mình tự hỏi: Mình đã từng đáng thương và tội nghiệp đến mức ấy sao? Và rồi, chúng con đã mạnh mẽ lau khô đi những giọt nước mắt tủi hờn để tự tin nhủ với chính mình: Chúng con, tất cả chúng con, từ nay đã có một nơi chốn duy nhất để trở về…
Hành trình để trở về, với mỗi anh chị em chúng con, lại là những câu chuyện khác nhau, là những mảnh đời khác nhau, là những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tựu chung, tất cả chúng con đều giống nhau ở tâm trạng náo nức chờ đợi và rồi vỡ oà trong hạnh phúc. Chúng con, thật sự đã là những đứa con lưu lạc khỏi nơi chốn yên bình quá lâu rồi. Chúng con, thật sự là những đứa con với chi chít vết thương toé máu khi roi đời quật xuống. Để rồi, bỗng một ngày khoảng thênh thang mở ra trước mắt, bỗng một ngày êm đềm dịu ngọt ghé xuống đời mình, chúng con mới nhận ra rằng: Chúng con đã được tái sinh.
Đó là khoảng thời gian của năm 2011, khi có thêm nhiều biến cố trong chuỗi ngày xám xịt tẻ nhạt trong cuộc đời mình, bằng một cách tình cờ nào đó mà con đã mở ra đường link trên youtube với dòng chữ “Bóng mây”. Để rồi, bao nhiêu nước mắt của một thời bé dại ngác ngơ khi mẹ mất, cuối cùng cũng đã được vỡ oà…
“Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi”
Đấy là giọng nói trầm ấm và đượm buồn khi Người đọc những câu thơ ấy trong bài giảng. Đấy là lần đầu tiên sau 14 năm, con thấm thía hơn bao giờ hết những đau đớn mình đã từng đi qua. Đấy là lần đầu tiên, có một người duy nhất khiến con chạm đến tận cùng xúc cảm tủi hờn. Người này là ai vậy, rõ ràng như con thấu trên youtube thì người này đang giảng cho mấy ngàn em nhỏ cùng nghe kia mà, tại sao lại giống như người đang an ủi cho chính một mình con vậy? Đây là một thầy tu, con biết, và con cũng tự hỏi, người này phải trải qua bao nhiêu đau đớn và sóng gió thì mới có thể dễ dàng chạm vào những cảm xúc thiêng liêng của biết bao nhiêu người? Khi con nghe xong bài giảng Bóng mây, ngẩng lên đã là chiều tà của một ngày chủ nhật mùa hè Hà Nội đầy oi ả. Con vẫn nhớ, ráng chiều hôm ấy đỏ áy lên rát bỏng, nhưng trong con thì đã như được dịu lại phần nào nỗi đau của 14 năm về trước. Chưa bao giờ con thấy, được khóc một trận thoả thuê quý giá tới mức nào…
Để rồi ngay sau đó, điện thoại của con liên tục trong tình trạng sạc pin, và tai nghe lủng lẳng cắm trên tai liên tục bất kể sáng trưa chiều tối. Con giống như một kẻ lữ hành trên sa mạc cằn khô bỗng chốc tìm được ốc đảo mát lành, con tha hồ vùng vẫy và để mặc cho mình được khóc, được cười, được ngạc nhiên trong từng bài Người giảng. Con cứ đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, con cứ đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác một cách đầy háo hức và sung sướng. Con phải đợi đến tận cuối bài giảng để đọc được dòng địa chỉ Viện Chuyên Tu. Thế là con đã biết, “Thầy ở tận Vũng Tàu cơ đấy”. Những ngày tháng đầu tiên kể từ khi biết nghe Người giảng pháp, đã trôi qua với con một cách đầy sôi nổi và bận rộn. Vì tính chất công việc, nên con phải ra khỏi nhà từ 6h30p sáng và cứ thế tất bật đến tận 5h30p chiều. Và thế là, đồng nghiệp trong trường bắt đầu thấy ngạc nhiên khi trong những giờ nghỉ ngắn ngủi hoặc lúc xuống nhà bếp ăn trưa, con chẳng trò chuyện với ai mà cứ lúc khóc, lúc cười với cái tai nghe điện thoại. Rồi thì con bắt đầu khoe với tụi bạn thân về những lời thơ thấm thía hoặc những câu nói dí dỏm của Người trong mỗi bài giảng. Tụi nó cũng bắt đầu tò mò vì xưa nay, chưa từng bao giờ thấy con hào hứng nói về ai như thế. Rồi thì chúng nó bảo: Bọn tao ngất đây – khi biết con đang say sưa nghe một ông thầy tu nào lạ hoắc, xa lắc xa lơ giảng bài. Anh nhà cũng là một trong số những người ngạc nhiên, và anh chỉ tủm tỉm cười cười mỗi khi thấy con say sưa với từng bài giảng. Anh cũng chính là người phải chở con đi chọn một cái tai nghe mới, loại tai nghe có mút để chụp vào tai để thay thế cho tai nghe điện thoại. Chỉ vì con đã bị đau tai quá mức khi dùng tai nghe điện thoại quá lâu.
Mùa hè sôi nổi nhất, mùa hè ý nghĩa nhất, mùa hè tuyệt vời nhất của con bắt đầu như thế. Con không kịp có suy nghĩ sâu xa nào khác như là phải tìm về VCT, phải quy y Tam bảo. Bởi lẽ, con còn đang ngây ngất trong háo hức và tò mò về từng bài, từng bài giảng được đăng tải trên youtube. Con nghe tất cả, chờ đợi bài mới được đăng và say mê kể cho tụi bạn thân những điều con tâm đắc. Tụi nó bắt đầu quen dần với hình ảnh của “thần tượng Bóng mây”.
Và con, thì bắt đầu có thói quen chú ý đến những ngôi chùa mà con có dịp đi qua hoặc trông thấy. Nguyễn Bính đã từng viết trong thơ của ông:
“Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm”.
Con là đứa thiệt thòi vì chẳng có quê hương êm đềm với lúa chín vàng ươm hay cò bay dập dờn như lũ bạn. “Quê” của con là phố thị ồn ào với nghèn ngẹt khói xăng. “Quê” của con là tấp nập đêm ngày với ngược xuôi hối hả. Trăng ở phố cũng thật nhạt nhoà và khiêm nhường bé nhỏ. “Chùa quanh năm” – chùa nơi con ở cũng là chùa trong phố, cửa đóng im ỉm thường xuyên và chỉ mở cửa vào những ngày, những dịp cố định. Bởi thế mà, chiếc điện thoại bé tí bỗng trở nên thật quý giá với con bởi nó giúp con được trông thấy một miền quê rất khác; nó giúp con được thấy một bóng dáng áo nâu hiền hoà và màu vàng đoan nghiêm khi Người giảng trên pháp toà. Nó giúp con được gần lại khoảng cách hơn hai ngàn km về địa lý, và nó giúp con biết ước ao được một lần chạm tay vào biển hiệu Viện Chuyên Tu…
Thấm thoắt rồi mùa hè 2011 đã trôi qua trong muôn vàn điều mới mẻ, con học được trên youtube qua từng bài Người giảng. Năm 2012, lần đầu tiên sau bao nhiêu tháng chỉ được nhìn tấm biển hiệu VCT trên youtube, con chính thức đề nghị với anh nhà: Em muốn được chạm tay vào biển hiệu VCT anh ạ! Những năm đó, để đặt được vé máy bay giá rẻ vẫn chưa dễ dàng và có nhiều lựa chọn như bây giờ. Nhưng anh nhà vẫn rất vui vẻ giúp con và hậu thuẫn cho con mọi việc, thậm chí, anh cũng đồng ý thu xếp công việc để đi cùng với con. Anh bảo, lần đầu tiên đi chưa biết đường xá thế nào, để anh đi cùng. Thế là, chúng con bắt đầu cuộc hành trình tìm về nơi nương náu chỉ với một ý nghĩ đơn giản và vô cùng trẻ con: Được nhìn thấy Thầy ở ngoài đời và được chạm tay vào tấm biển hiệu VCT. Đường rất xa và thật nhiều lạ lẫm, chính con cũng không thể ngờ rằng, chỉ một ước nguyện đơn thuần như thế, lại có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một con người. Đối với tất cả chúng con, điều kỳ diệu đó thực sự là một phép màu. Phép màu mang tên VCT và người cầm chiếc đũa thần lại là một bóng áo nâu giản dị. Người có giọng nói thật hiền và ánh mắt cũng thật hiền, hiền thật hiền mà cũng chất chứa nhiều nỗi xót xa. Chúng con, lần đầu tiên trong đời thật sự tin rằng: Thế gian có điều kỳ diệu…
Chúng con nhớ Sư phụ đã từng dạy: “Đường xa vạn dặm cũng bắt đầu từ những bước chân nhỏ, đừng vội nản lòng”. Đối với tất cả chúng con, khoảng cách địa lý hơn hai ngàn cây số chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ khiến bước chân của chúng con chậm lại, mỗi khi có thể quay trở lại Chùa Nhà. Dù là hiện tại, dù là tương lai, và kể cả quá khứ của 7 năm trước, khi lần đầu tiên, chúng con bắt đầu đặt những bước chân bỡ ngỡ đầu tiên về Viện Chuyên Tu..
Chúng con còn nhớ, đó là một buổi sáng mùa hè tháng 6 của năm 2012, sau một chặng bay dài và sau rất nhiều thăm hỏi, dò đường; sau một chặng xe buýt từ bãi biển Vũng Tàu về tới đường lớn gần làng Vạn Hạnh, rồi từ đường lớn chúng con mò mẫm hỏi các chú xe ôm mới tìm được tới Viện Chuyên Tu. Ngay từ phía xa, chúng con đã thấy tấp nập bóng áo tràng và nghe í ới tiếng gọi nhau hối hả. Như một linh cảm thần kỳ, con đã nói với chú xe ôm: “Phía trước đó chú, chỗ mà có đông người đông xe đó chú, cho cháu xuống đúng chỗ đó chú ạ.” Xe chạy thêm một quãng rồi dừng lại đúng theo đề nghị của con. Cổng chùa có tấm biển Viện Chuyên Tu khá nhỏ trên trụ cổng nên chú xe ôm không để ý thấy, chú ngẩng đầu lên nhìn con rồi bảo: “Trời, ngay từ đầu cháu nói vô chùa Kiều Đàm thì có phải chú biết ngay rồi không.” Con nhớ mình đã háo hức khẳng định với chú như chính con đã quen thuộc nơi này lắm: “Dạ không chú, con về Viiện Chuyên Tu, Viện Chuyên Tu đó chú, ngay bên kia đường rồi ạ!” Rồi thì, con đã bỏ mặc ông xã đứng lại thanh toán tiền cho chú xe ôm, bỏ quên cả lời cảm ơn chú, một mình lao sang bên kia đường, chạy tới thật nhanh ôm chầm lấy bức tường gạch đỏ -ngay trên đầu con – là tấm biển vuông vắn nhỏ nhắn có đề 3 chữ thân quen: Viện Chuyên Tu…
Còn tiếp…
Phật tử Diệu Mỹ