Qua bài kinh “vô ngã tướng”, Đức Phật cũng xác nhận sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô thường, vô ngã. Quán chiếu ngũ uẩn giai không đến chỗ cùng tột hành giả có thể xả ngã để vượt qua mọi khổ đau, không còn chấp trước, vướng mắc vào những chuyện đối đãi và tâm luôn trong trạng thái an lạc….

Sáng ngày 02/07/2024 (27/05/Giáp Thìn), Thượng tọa Thích Tâm Trụ, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, đã quang lâm về giảng đường an cư chùa Vạn Thiện chia sẻ pháp thoại.

Để có phước trí nhị nghiêm người học Phật cần hành trì đầy đủ nhị đế gồm cả tục đế và chân đế. Ở tiết học trước, Thượng tọa giáo thọ đã triển khai giáo pháp trên phương diện tục đế nghĩa là nói đến pháp tu, pháp học cũng như công hạnh hành trì của người học Phật khi sống trong đại chúng được biểu hiện trong bốn oai nghi và đời sống sinh hoạt hằng ngày để có được những giây phút an lạc, giải thoát theo gương hạnh của những bậc thánh. Trong buổi học hôm nay, thầy giáo thọ chia sẻ về khía cạnh chân đế hay còn gọi là chân lý xuất thế gian giúp cho hành giả có cái nhìn sâu sắc trong việc hành trì pháp môn tu tập.

Lấy thí dụ như tư tưởng kính lão đắc thọ là đạo lý được tất cả mọi người công nhận là đúng, hợp với chuẩn mực đạo đức và quy ước của thế gian thì gọi là tục đế; trong tất cả việc hằng ngày nỗ lực hành trì an trú vào giới định, làm tăng trưởng tuệ giác đạt đến sự giải thoát thì gọi đó là chân đế. Đối với tục đế và chân đế, nếu hành giả không chỉ chú trọng một trong hai mà cần thực hành đầy đủ cả hai phương diện.

Thầy giáo thọ khuyên nhắc người xuất gia không nên nóng vội trong tu tập, mà phải bước lên từng nấc thang cho đến khi lên tới nấc thang cuối cùng của sự giải thoát phải là cả một lộ trình rõ ràng, bài bản. Từng giây từng phút cử chỉ động niệm của hành giả phải hướng đến chánh niệm, tỉnh giác. Theo thứ lớp, hành giả học Phật bắt đầu tu tập vun bồi các nhân duyên đưa đến nhơn đạo, thiên đạo, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật đạo; hay nói cách khác hành giả lấy việc trì giữ ngũ giới làm căn bản. Về pháp học, hành giả có thể bắt đầu từ việc tìm hiểu lịch sử đức Phật và dần dần tiến tới học hỏi sâu hơn về giáo điển, nghiên cứu 37 phẩm trợ đạo dựa trên tam tạng kinh điển, rồi áp dụng vào đời sống tu tập, hành trì để hướng đến Niết-bàn.

Chia sẻ về chân đế, thầy giáo thọ định hướng cho hành giả cách nhìn nhận đúng đắn về trình độ tu học của mình. Lấy thí dụ thuở đức Phật ở tại vườn Nai thuyết bài pháp tứ diệu đế là bốn chân lý đưa đến viên mãn đạo quả, nhưng lần chuyển pháp luân đầu tiên chỉ có duy nhất Tôn giả A Nhã Kiều Trần Như đắc quả A-la-hán. Lý giải về điều này, thầy giáo thọ đã nhắc lại lịch sử thời xã hội Ấn Độ xưa, bằng trí tuệ vô thượng đức Phật thấu rõ căn cơ của 5 người sa-môn nhóm Kiều Trần Như, nền văn minh Ấn Độ có mặt hơn 5000 năm trước công nguyên, tư tưởng vệ đà và áo nghĩa thư đã ăn sâu vào tâm thức của người dân rằng có một cái ngã (at-man) vĩnh hằng và người được sinh ra ở tầng lớp nào trong bốn giai cấp bà-la-môn, sát-đế-lỵ, phệ-xà và chiên-đà-la thì phải an phận với địa vị của mình, không dễ dàng để thay đổi kiến chấp sâu dày và đón nhận chân lý.

Sau đó, đức Phật đã thuyết bài kinh vô ngã tướng để khai mở tâm trí giúp những vị sa-môn chưa chứng đắc quả vị có thể buông được kiến chấp, phá bỏ sự áp đặt trong tư duy quán chiếu: “Sắc không phải là ta, nếu nó là ta, thì nó đã không bệnh, không nhận lấy sự khổ não […] Nếu sắc là ta, ta muốn sắc là như thế nào, thì nó phải như thế ấy, ta không muốn sắc như thế nào thì nó không như thế ấy, nó phải tuỳ thuộc theo ý muốn của ta. Nhưng, thực tế sắc không tuỳ thuộc theo ý muốn của ta. Do đó, nên biết rằng, sắc không phải là ta. Đối với thọ, tưởng, hành và thức cũng lại như thế”.

Qua bài kinh “vô ngã tướng”, Đức Phật cũng xác nhận sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô thường, vô ngã. Quán chiếu ngũ uẩn giai không đến chỗ cùng tột hành giả có thể xả ngã để vượt qua mọi khổ đau, không còn chấp trước, vướng mắc vào những chuyện đối đãi và tâm luôn trong trạng thái an lạc.

Giáo thọ sư hướng dẫn hành giả thường xuyên quán chiếu thân thể không phải tôi, không phải của tôi để chế ngự được sự đau bệnh khi tứ đại xung khắc chống đối lẫn nhau; để không còn sợ bệnh, già chết, ý thức được thân bệnh mà tâm không bệnh. Hành giả nên thực hành quán chiếu  sáu giác quan mắt tai mũi lưỡi thân và ý không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào sáu giác quan này; đối với âm thanh hình sắc…thuộc sáu trần mang tính tiêu cực, hành giả nhận biết hình sắc, âm thanh…không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những cái này. Tiếp theo hành giả quán niệm về sáu thức cái thấy này, cái nghe… này không phải là tôi, tôi không kẹt vào cái thấy này.

Giảng về 12 chi phần nhân duyên, nhân quá khứ đưa đến quả hiện tại, nhân hiện tại đưa đến quả vị lai. Giáo thọ sư nhấn mạnh ái, thủ là nguyên nhân chính đưa đến tái sanh và lão, bệnh tử, sầu bi, khổ, ưu não. Vì thế ngay trong từng bước đi, cử chỉ động niệm hay giao tiếp nói năng phải được thực hiện trong sự nhiếp tâm, phải tỉnh giác giữ chánh niệm. Khi tham sân si khởi hành giả liền biết rõ và quán các pháp vô ngã để vượt lên; đối với những pháp vô thường không chấp vào nó. Trong ba tháng hạ, mỗi ngày hành giả luôn thu thúc lục căn, gìn giữ oai nghi, quán chiếu thuần thục như thế để một mai thân có bệnh, gặp phải nghịch cảnh, đối mặt với sanh tử vẫn an nhiên, tự tại trước bi lụy, khổ đau.